Trước đây khi nghe đến cụm từ “Pháo đài bay” nhiều người (nhất là các bạn trẻ) sẽ nghĩ ngay tới B52 – loại máy bay ném bom chiến lược hạng nặng, tầm xa, rất nổi tiếng của Không quân Hoa Kỳ, do hãng Boeing sản xuất. Thế nhưng trước đó, đã có một loại máy bay, được truyền thông Pháp tâng bốc là Pháo Đài Bay trong chiến tranh Việt Nam: B24 Privateer. Và tất nhiên, chiếc máy bay này cũng đã bị bắn hạ trong chiến dịch Điện Biên Phủ bởi quân đội nhân dân Việt Nam.
Trước khi kể câu chuyện về Pháo đài bay trong trận chiến Điện Biên Phủ, chúng ta cần tìm hiểu B52 xuất hiện tại Việt Nam từ bao giờ. B52 sản xuất từ năm 1954, có thể mang vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường và có thể tham gia trong các loại chiến tranh thế giới tổng lực và chiến tranh khu vực. Sau 6 năm và 8 lần cái tiển, B-52 xuất hiện lần đầu tiên là lúc tham chiến tại Chiến tranh Việt Nam lần lượt: – ở Nam Việt Nam ngày 18 tháng 6 năm 1965 tại Bến Cát, tây bắc Sài Gòn
- ở Bắc Việt Nam ngày 12 tháng 4 năm 1966 ở đèo Mụ Giạ, Quảng Bình
Quay trở về với câu chuyện của B24 Privateer
Vào giai đoạn hai của Chiến dịch Điện Biên Phủ, trước sự áp đảo của lưới lửa phòng không ta, những tên giặc lái máy bay Pháp đều run sợ không dám sà xuống thấp để ném bom, bắn pháo hoặc thả dù như trước.
Để lấy lại tinh thần quân lính của chúng và đe dọa chiến sĩ và dân công ta, các tướng lĩnh Pháp vội tung vào chiến trường Điện Biên Phủ một loại máy bay ném bom mới cùng những lời quảng cáo rùm beng như một con ngáo ộp. Đó là loại máy bay B-24 cải tiến mà cái loa tuyên truyền của chúng đã tăng bốc là “pháo đài bay” được “chế tạo đặc biệt”, “có thể tự hàn” khi bị thương tích nên “không loại súng phòng không nào bắn thủng”!
Thực ra lúc đầu loại máy bay này cũng có ít tác dụng gây hoang mang những người yếu bóng vía. Nó lớn hơn hẳn các loại máy bay ném bom khác hoạt động ở Điện Biên Phủ, có bốn động cơ hai bên cánh với cái đầu vươn dài nên chúng còn tô vẽ thêm ra loại máy bay “năm đầu”. Chiếc “năm đầu” thường bay cao, chỉ cần bay thăng bằng ném bom và ném nhiều bom dai dẳng. So với các loại máy bay chiến đấu như F6F, F8F, máy bay B24 lớn hơn nhiều, mang được gần 10 tấn bom, đạn và bay cao hơn, tầm hoạt động xa hơn.
Đầu tháng 4/1954, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn Pháo phòng không 367 phát động trong các đơn vị pháo cao xạ và súng máy cao xạ toàn mặt trận đợt thi đua bắn rơi chiếc máy bay thứ 50 của địch trên bầu trời Điện Biên Phủ để mừng sinh nhật Bác Hồ.
Hưởng ứng đợt thi đua này, chi bộ Đảng và cán bộ, chiến sĩ Đại đội 828 quyết tâm bắn rơi bằng được chiếc máy bay thứ 50, để giành phần thưởng cao quý về cho đơn vị. Từ đó, cán bộ, chiến sĩ đại đội bắt tay làm thật tốt mọi công tác chuẩn bị chiến đấu, không để có sơ suất nhỏ nào qua các khâu.
Ngày 12/4/1954, bầu trời Điện Biên Phủ ngập tràn nắng. Đây là thời tiết tốt để máy bay địch hoạt động. Khoảng 11 giờ 30 phút, có tiếng động cơ máy bay, từ vọng quan sát, chiến sĩ trinh sát thông báo cho toàn đại đội biết có máy bay B24 hoạt động. Ngay lập tức toàn đại đội vào vị trí chiến đấu. Do được huấn luyện tốt, chuẩn bị kỹ nên bộ đội ta nhanh chóng bắt được mục tiêu.
Khi chiếc máy bay B.24 đã nằm trong kính ngắm của 4 khẩu đội pháo cao xạ 37mm, tiếng chiến sĩ máy đo xa thông báo cự ly đều đặn. Khi đến cự ly 3.000m, chỉ huy đại đội hạ lệnh cho các khẩu đội pháo đồng loạt điểm hỏa. Chiếc máy bay B24 trúng đạn, lao xuống đất giữa một vạt rừng non gần Bản Kéo, trước khi bùng lửa đỏ rực và phụt khói đen ngòm.
Đây là chiếc máy bay B.24 Privateer đầu tiên do Mỹ chế tạo và viện trợ cho Pháp bị bắn rơi tại chỗ trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Xem thêm: Cầu Long Biên và những con số ít người biết
Sau khi bị bắn hạ, B.24 Privateer trở thành kho dự trữ đạn pháo cho trận chiến đồi A1.
Những quả bom trong xác chiếc máy bay B.24 là loại bom chạm nổ, hệ thống gây nổ được bố trí ở đầu mỗi quả bom, nên nó chỉ có thể phát nổ khi được ném từ độ cao nhất định xuống, hoặc bị kích nổ bằng các phương pháp kích nổ khác. Chính vì vậy, khi nó đang nằm yên vị một chỗ thì không còn nguy hiểm nữa.
Bước sang giai đoạn ba của chiến dịch, một nhiệm vụ vô cùng quan trọng của ta là phải tiêu diệt bằng được cứ điểm A1. Đối với địch, A1 còn thì tập đoàn cứ điểm còn, vì vậy địch kiên quyết giữ A1. Trong các trận chiến đấu, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, ta đã chiếm được 2/3 cứ điểm nhưng không phát triển được nên phải dừng lại. Để mở đường tiêu diệt toàn bộ quân địch trong tập đoàn cứ điểm, quyết tâm của ta là phải đập tan điểm cao A1.
Thực hiện quyết tâm của Bộ chỉ huy Chiến dịch, bộ đội công binh được giao nhiệm vụ dùng sức người bí mật đào một đường hầm vào trong lòng đồi A1, đặt khối thuốc nổ lớn để khi điểm hỏa sẽ hất tung cái boong-ke này đi. Trải qua hai tuần gian khổ moi từng tấc đất, đá trong tầm súng và lựu đạn của kẻ thù, các chiến sĩ công binh đã đào được con đường hầm dài gần 50m, độ sâu so với đỉnh đồi khoảng 10m, đủ sức chứa một tấn thuốc nổ. Con đường hầm xuyên vào trong lòng đồi A1, đào xong thì khó khăn mới đặt ra là thuốc nổ dùng để đánh không đủ số lượng như tính toán, nếu chờ tuyến sau chuyển lên sẽ mất thời cơ tấn công, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch tác chiến của cả chiến dịch.
Và cái “kho bom” từ “pháo đài bay” B.24 bị bộ đội cao xạ bắn rơi trên cánh đồng Bản Kéo trở thành một nguồn cung cấp. Lần lượt từng quả bom được các chiến sĩ công binh vô hiệu hóa và khéo léo “rút ruột”. Tổng số thuốc nổ tháo được là 500kg.
Với số thuốc nổ đã có, các chiến sĩ công binh đã tập hợp được vừa đủ số lượng cần thiết cho quả bộc phá khổng lồ 1.000kg. Bộ chỉ huy chiến dịch đã quyết định chọn tiếng nổ của quả bộc phá trên đồi A1 làm hiệu lệnh xung phong cho trận tiến công tối 6/5/1954. Đúng 20 giờ 30 phút, các chiến sĩ công binh điểm hỏa bộc phá. Tiếng nổ phát ra làm rung chuyển quả đồi. Sức công phá của quả bộc phá đã tạo ra cửa mở cho quân ta tiến lên tiêu diệt những ổ đề kháng cuối cùng của địch trên quả đồi này. Rạng sáng 7/5/1954, ta giải quyết xong cứ điểm A1, tiếp tục tiến công địch ở các cứ điểm còn lại và đến chiều thì đánh thẳng vào trung tâm tập đoàn cứ điểm, sào huyệt cuối cùng của kẻ thù, kết thúc thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Bạn có thể xem thêm các video của Xin Chào Việt Nam: Tại đây