Demo Example
Demo Example
Demo Example
Ẩm thực Việt

Bia hơi Hà Nội – chuyện chưa kể

Có lẽ với nhiều người Hà Nội, bia hơi là một phần không thể thiếu trong văn hóa thường nhật. Xã hội phát triển, những quán nhậu, nhà hàng càng ngày càng hiện đại với đa dạng đồ ăn thức uống, nhưng với những người hoài niệm, bia hơi Hà Nội vẫn còn phảng phất quanh đây hình ảnh xưa cũ thông qua những chiếc vại thủy tinh – một nhân chứng đã cùng Hà Nội đi qua một thời bao cấp đầy khốn khó mà giàu tính kể chuyện.

Lịch sử hình thành của bia hơi Hà Nội.

Từ những năm 1890 trong thời kỳ người Pháp xâm lược Việt Nam, họ đã xây dựng một nhà máy bia tại Hà Nội ban đầu chỉ phục vụ người Pháp và một số quan chức tại Hà Nội. Sau đó bia hơi được tiêu thụ tại một số thành phố lớn ở miền Bắc và người dân thường vẫn chưa được uống. Nhà máy bia đầu tiên này được mang tên một người Pháp – Hommel, với mức sản lượng rất ít, chỉ sản xuất 150 lít/ngày. Vận hành nhà máy Hommel này là 30 người công nhân do Pháp đào tạo.

Năm 1954, sau khi miền Bắc Việt Nam được giải phóng, nhà máy bia Hommel được đổi tên là nhà máy bia Hà Nội. Nhà máy bia này tăng sản lượng và bắt đầu phục vụ người dân. Công suất được nâng lên thành 15.000.000 lít/năm vào năm 1960, năm 1970 sản lượng ước tính đạt 20.000.000 lít/năm.

Năm 1978 nhà máy được Cộng hòa Dân chủ Đức giúp đỡ cải tạo nhà nấu và năm 1983 nhà nấu liên hợp được đưa vào sử dụng, nâng công suất lên 30 triệu lít/năm. Cũng trong năm này nhà máy bia Hà Nội đổi tên thành Công ty Bia Hà Nội. Năm 1989 luận chứng kinh tế kỹ thuật đầu tư, mở rộng sản xuất từ 30 lên 50 triệu lít của nhà máy đã được phê duyệt và được thực thi.

Năm 2003, Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội được thành lập trên cơ sở sắp xếp lại Công ty Bia Hà Nội và một số đơn vị thành viên Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam.

Những câu chuyện và hình ảnh gắn liền với bia hơi Hà Nội

Thời bao cấp nhà nước quản lý nhiều lĩnh vực kinh doanh trong đó có mặt hàng ăn uống, và bia hơi luôn là mặt hàng giải khát được tiêu thụ mạnh nhất. Nhà máy bia Hà Nội đóng trên đường Hoàng Hoa Thám, sáng nào cũng có vài chục chiếc xích lô đỗ sẵn ngoài cổng chờ lấy hàng. Xe nào xe nấy chất đầy bom bia lao ra khỏi cổng, bác xích lô rướn người, gò lưng đạp thật nhanh đến bãi bia.

Giữa tháng 5 oi bức, khách nghiền bia xếp hàng dài ở những quầy bia mậu dịch. Riêng nước giải khát thì chỉ có duy nhất một loại là nước siro có màu đỏ tím pha trong một thùng nhôm. Cô mậu dịch viên dùng gáo nhôm múc siro vào cốc, cho thêm vài viên đá, thế là người mua đứng tại chỗ uống. Còn khách ngồi bàn trong nhà thì đa phần uống cà phê đá bằng cốc thủy tinh đã pha sẵn đường, rồi dùng đũa ngoáy cho tan.

Trước đó các quầy hàng cũng có thìa nhôm cho khách nhưng bị mất nhiều. Rốt cuộc người ta nghĩ ra cách đục lỗ vào thìa cho khỏi mất, nhưng bỏ ra bao nhiêu cũng “bay” bấy nhiêu, thành ra cực chẳng đã mới phải dùng đũa thay thìa. Riêng bia hơi thì ban đầu chỉ có một số người nghiện bia, rượu tìm đến, nhưng về sau thì cả lớp thanh niên trẻ và phụ nữ cũng nghiền.

Nét đẹp của Bia Hơi Hà Nội

Phố Trương Định (quận Hai Bà Trưng) có cơ sở thổi thủy tinh rất lớn, là nơi cung cấp cốc bán bia (gọi là cốc vại) cho các quán xá. Cốc này có thể tích 300ml, là loại thủy tinh hỗn hợp có màu trắng hoặc xanh nhạt, ra sản phẩm thấy bọt thủy tinh nổi lên trong thành cốc. Bao nhiêu năm những người nghiền bia hơi Hà Nội đã quen với chiếc cốc vại xấu xí, thô kệch ấy. Nhưng khổ nỗi lâu dần thành quen, cứ phải đúng loại cốc ấy uống mới thấy ngon. Hoặc giả cứ nhìn thấy cốc vại là nhớ bia, mà nhìn bia thì nhớ cốc vại.

Những năm bao cấp, Hà Nội có nhiều điểm bán bia hơi rất đông khách, đông đến mức phải đến sớm để lấy tích kê rồi xếp hàng chờ đến lượt. Ngày đó những điểm bán bia hơi mậu dịch thường đặt ở những vườn hoa, đông nhất là vườn hoa Cổ Tân (cạnh Nhà hát Lớn), đầu phố Nguyễn Đình Chiểu, vườn hoa Quán Thánh, vườn hoa Nhà kèn (công viên Lý Thái Tổ ngày nay), vườn hoa Hàng Bông – Thợ Nhuộm…

Thường cứ 14h là các bác xích lô sẽ chở bia chứa trong bom đến các quầy, bãi bia. Các cô mậu dịch viên đeo tạp dề trắng có in 4 chữ MDQD (mậu dịch quốc doanh) màu xanh, bên cạnh là một thùng nhôm chừng 200l dùng để hút bia từ bom sang, đằng sau là chiếc tủ kính đựng đồ nhắm như lạc, đậu rán, nem chua, có hôm có cả lòng lợn luộc…

Chợ chưa họp mà khách đã đông. Xe bia chưa về đến quầy mà khách đã xếp hàng dài, người cầm can nhựa, kẻ xách ấm nhôm, người ôm phích đá đứng trong hàng lan can bằng sắt dài đến 5m. Họ xếp hàng, chìa tích kê nhận bia rồi vòng ra một cửa khác.

Người đứng xếp hàng mua bia trong khu vực hàng rào sắt sơn xanh nên người ta gọi đùa là bia “chuồng cọp”. Khi các xe xích lô đổ những bom bia xuống thì cũng là lúc “chuồng cọp” nhốn nháo như một cái chợ thu nhỏ. Dù đã đứng xếp hàng giữa hai hàng rào sắt mà vẫn có những cuộc cãi lộn chỉ vì có người chen ngang.

Những thứ đã trở thành văn hóa – “Bia kèm lạc”

Tấm biển treo trước quầy bia ghi giá bằng phấn trắng với nét chữ nguệch ngoạc, sai cả chính tả: “Bia hơi Hà Nội giá 10đ/cốc”, “Nạc luộc 5đ/đĩa”, “Đậu dán 10đ/đĩa”, “Chú ý: Mỗi người chỉ được mua 2 cốc. Mua thêm phải kèm nạc, kèm đậu dán”. Mậu dịch viên nhận tích kê cắm dồn vào que sắt, rồi dùng ca nhôm múc bia từ thùng đổ vào cốc vại. Cách các cô rót bia cũng rất có nghề, chỉ cần đưa tay hơi cao là bọt sẽ cuồn cuộn trắng xóa, tràn cả ra ngoài. Đến khi tan bọt thì cốc bia ngót hẳn. Người uống bia hơi lâu năm bảo rằng, đấy là thủ thuật để cuối ca sẽ dôi ra chục lít chia nhau.

Khách hàng nhận bia xong sẽ bê cốc vại ra chiếc bàn gỗ ngồi nhâm nhi với vài viên lạc rang mang theo từ nhà, hoặc mua chiếc bánh đa ngay bãi cỏ mà người bán quạt đến đâu hết đến đó. Ở những bãi bia bao giờ cũng có dân ăn theo chuyên bán các món nhậu, nhiều nhất là món đậu phụ rán, mực nướng, cá chỉ vàng, nộm đu đủ, lạp sườn, bánh đa, lạc… Khách uống bia ngồi ngay bãi cỏ, vừa uống vừa chờ đậu rán.

Bia hơi Hà Nội ngày hè

Nhiều lúc đông khách rán không kịp, nhiều vị đành ăn đậu trắng chấm mắm tôm. Nhưng không phải ai cũng ngồi uống bia tại chỗ. Có nhiều người mang ấm, phích mua bia về nhà. Vì mỗi người chỉ được tiêu chuẩn mua 2 cốc nên muốn uống thêm đành chấp nhận mua bia kèm lạc, đậu rán, lòng lợn mang về, thế là cả nhà lại được bữa liên hoan.

Cảnh uống bia hơi, ăn nhậu ngay tại vườn hoa, bãi cỏ cũng gây nhiều phiền toái về mỹ quan. Văn hóa ăn uống của người Hà Nội đâm ra bệ rạc, khâu vệ sinh môi trường là vấn đề được tổ dân phố nhắc nhở thường xuyên.

Nhiều gia đình ở cạnh bãi bia không chịu nổi mùi xú uế mà thủ phạm chính là các “thần bia” ngồi từ đầu giờ chiều đến khi phố xá lên đèn cũng chưa về. Quầy bia thu dọn, kios đóng cửa rồi mà nhiều ông vẫn chuyện thời sự rôm rả: Quân giải phóng đánh chiếm nhiều cứ điểm ở miền Trung; vũ khí Liên Xô đã cập cảng Hải Phòng…

Bây giờ dù các loại bia nhập khẩu từ Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Mỹ… không thiếu, nhưng không vì thế mà thương hiệu bia hơi Hà Nội mất đi, nó vẫn có chỗ đứng đối với dân nghiền. Những quán bia hơi Hà Nội vẫn có sức hút riêng và trở thành một nét văn hóa đặc trưng của người Hà Nội. Có người đã từng nói rằng, thời thế có thể đổi thay, nhưng những cốc bia hơi vẫn mãi trường tồn.

Write A Comment