Demo Example
Demo Example
Demo Example
Chuyện Việt Nam

Biện giải các khái niệm liên quan trong triều Nguyễn

Trong số lần trước, Xin Chào Việt Nam đã kể lại những câu chuyện bí ẩn nhưng cũng buồn bã về đời sống của các cung tần thời Nguyễn và nhận được khá nhiều thắc mắc về các khái niệm như Tử Cấm thành, giọng Phường Đúc, v.v… Hôm nay XCVN sẽ có một bài viết biện giải các khái niệm để các bạn hiểu hơn về lịch sử văn hóa của triều Nguyễn nói chung và Việt Nam nói riêng

  1. Tử Cấm thành của triều Nguyễn.

Tử Cấm thành (chữ Hán: 紫禁城) thuộc quần thể di tích cố đô Huế là trung tâm sinh hoạt hằng ngày của vua và hoàng gia triều Nguyễn. Tử Cấm thành có vị trí sau lưng điện Thái Hòa, được khởi xây năm Gia Long thứ 3 (1804) gọi là Cung thành (宮城) và các vua triều Nguyễn xây dựng thêm. Đến năm Minh Mạng thứ 3 (1822), nhà vua đổi tên là Tử Cấm thành, nghĩa là “Tòa thành cấm màu tía”.

Chữ “Tử” (紫) ở đây là màu tím tía, tránh nhầm lẫn với “Tử” trong “Thiên Tử”(天子), Cấm Thành là khu thành cấm dân thường ra vào. Trong Tử Cấm thành có khoảng 50 công trình kiến trúc với quy mô lớn nhỏ khác nhau được phân chia làm nhiều khu vực, tổng số công trình đó biến động qua các thời kỳ lịch sử.

Không gian kiến trúc Hoàng thành và Tử Cấm thành có mối liên quan chặt chẽ với nhau về sự phân bố vị trí của các công trình dựa theo chức năng sử dụng. Tử Cấm thành nằm trong lòng Hoàng thành, cả hai vòng thành này với một hệ thống cung điện ở bên trong thường được gọi chung là Hoàng cung hay Đại Nội.

Xét về bình diện, Tử Cấm thành là một hình chữ nhật có cạnh là 324 x 290,68m, chu vi là 1.229,36m, thành cao 3,72m, dày 0,72m xây hoàn toàn bằng gạch vồ. Về kiến trúc, Tử Cấm thành cũng như Đại Nội có những điểm chính sau:

Bố cục mặt bằng của hệ thống kiến trúc chặt chẽ và đăng đối. Các công trình đều đối xứng từng cặp qua trục chính (từ Ngọ Môn đến lầu Tứ Phương Vô Sự) và ở những vị trí tiền, hậu; thượng, hạ; tả, hữu; luôn nhất quán (tả văn hữu võ, tả nam hữu nữ, tả chiêu hữu mục). Con số 9 và 5 được sử dụng nhiều trong kiến trúc vì theo Dịch lý, con số ấy ứng với mạng thiên tử.

Bố cục của hệ thống Hoàng cung biểu hiện rõ tư tưởng độc tôn quân quyền. Tử Cấm thành là một tiểu vũ trụ của hoàng gia, trong đó đầy đủ mọi tiện nghi sinh hoạt: ăn ở, làm việc, học tập, nghỉ ngơi, giải trí, điện Càn Thành là nơi vua ăn ngủ tọa lạc tại trung tâm của vũ trụ đó.

  1. Giọng Phường Đúc trong bộ quy tắc dành cho các cung tần là gì?

Từ đầu thế kỷ XIX, tiếng Huế chịu tác động rất mạnh của phương ngữ Nam. Vua Gia Long, người sáng lập ra nhà Nguyễn, đã sống ở miền Nam suốt cả cuộc đời lưu lạc của mình; vả lại, từ đời Minh Mạng trở xuống, các bà vợ vua phần lớn là người Nam, vì các công thần hầu hết là người Nam cho nên đã dâng con lên cho vua và chính vua Minh Mạng sinh trưởng ở miền Nam, cho rằng giọng nam nhẹ nhàng dễ nghe, cho nên vua bắt ai nấy phải nói giọng lơ lớ nửa Nam nửa Huế vì thế trong Đại Nội không được nói hoàn toàn theo giọng Huế mà phải nói giọng Phường Đúc, nghĩa là giọng Huế pha giọng Nam.

Đọc thêm: Văn Miếu Quốc Tử Giám – lịch sử, những sự thật và hành trình bảo tồn di sản.

Chú thích về giọng phường Đúc: Phường Đúc là khu quần cư tập trung các người thợ đúc đồng tài giỏi do triều đình tuyển từ Bắc vào hoặc trong Nam ra. Họ là tác giả của chuông chùa Linh Mụ, Cửu vị Thần Công và Cửu Đỉnh ở Huế. Những sản phẩm của họ dãi nắng, dầm mưa, trải bao tuế nguyệt đến nay vẫn chẳng chút nứt rạn hay có tì vết gì. Họ mang theo gia đình ra làm ăn sinh sống lâu ngày ở Huế nên hòa đồng ngôn ngữ với dân địa phương. 

Dân Phường Đúc không nói rặt một giọng nào mà pha trộn nửa nọ, nửa kia. Các cung phi trong Nội phải bắt chước giọng Phường Đúc, nghĩa là vừa nói nửa Trung, nửa Nam, ai không tuân thì bị tội. 

Tại sao lại có hiện tượng này? Và lệnh này có từ đời nào? Có chuyên gia lịch sử đưa ra giả thuyết: có lẽ chuyện này xuất phát từ thời bà Từ Dũ vốn là một phụ nữ Nam Bộ, con gái của Đại thần Phạm Đăng Hưng, người Gia Định, bà được phong Nghi Thiên Chương Hoàng hậu, lấy vua Thiệu Trị, đứng đầu bộ phận “hậu cần” của Hoàng đế, có nhiều quyền uy đối với các cung phi khắp ba cung, sáu viện. Có lẽ và muốn những người dưới tay mình phải dùng giọng nói pha âm sắc Nam Bộ để trao đổi cho dễ hiểu chăng, bởi vì người Tân Hòa-Gia Định nghe giọng Huế “đặc sệt” có thể không hiểu gì cả.

  1. Bình An Đường là gì?

Theo “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú, công trình có tên là Bình An Đường hay Bình An Gia được xây dựng theo ý chỉ của vua Minh Mạng vào năm 1823, nơi đây được xem là một “bệnh viện cung đình”.

Công trình được cho là chỉ dành riêng cho thái giám, cung tần, mỹ nữ các triều vua nhà Nguyễn an dưỡng, thăm khám và chữa bệnh.

Bình An Đường nằm ở phía tây bắc của kinh thành Huế, cách Ngọ Môn khoảng 2km. Bình An Đường đặt dưới sự trông coi trực tiếp từ Thái Y Viện. Để tiện cho việc đi lại điều trị, an dưỡng những người phục dịch trong cung đình, Bình An Đường được xây dựng sát bên cửa hậu của hoàng thành Huế (hiện nay là đường Đặng Thái Thân, TP. Huế).

Nơi đây chia làm hai khu: Khu bốc thuốc, châm cứu, chữa bệnh… và khu an dưỡng cho những người bị bệnh nặng cần thời gian tịnh dưỡng trước khi trở lại hoàng cung.

Tại Bình An Đường, các thầy thuốc đến thăm khám, điều trị đều do Thái Y Viện phân công. Trong khuôn viên Bình An Đường đã từng trồng rất nhiều loài cây thuốc nam để tiện cho việc sử dụng và chữa bệnh.

Bệnh nhân đến Bình An Đường được phát thuốc men điều trị từ kho thuốc trong hoàng cung mà không phải trả tiền.

Theo tạp chí nghiên cứu và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, Bình An Đường không chỉ là nơi trị bệnh đơn thuần cho các thái giám, cung tần, mà còn là chỗ cho các cung tần văn số trút hơi thở cuối cùng.

Đây là lí do mà người ta thường ví Bình An Đường như là một “Cát An Sở” (nơi đặt linh cữu người chết trước khi mang đi chôn cất) của triều Nguyễn. Dù những câu chuyện “thâm cung bí sử” về Bình An Đường không quá tàn nhẫn như những gì mô tả về Cát An Sở ở Bắc Kinh (Trung Quốc), nhưng khi nhắc về Bình An Đường đâu đó lại khiến người nghe chạnh lòng về sự lạnh lẽo, khắc nghiệt của chốn cung đình ngày xưa.

Tài liệu tham khảo: “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú.

Báo sông Hương online. 

Báo Dân Trí – Cơ quan của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

Xem thêm các video hay của Xin Chào Việt Nam tại đây:

Comments are closed.