Demo Example
Demo Example
Demo Example
Du lịch Việt

Chợ Âm Phủ – những câu truyện liêu trai đã biến mất

Sau khi hoàn thành dự án “Đường và vườn hoa 19-12”, phố 19-12 đã phá vỡ kỷ lục phố không số nhà của phố Hoả Lò, Hà Nội. Nếu như phố Hoả Lò còn có một “ngôi nhà” duy nhất – Di tích lịch sử nhà tù Hoả Lò mở cửa ra mặt phố thì phố 19-12 còn đặc biệt hơn ở chỗ, đây là con phố duy nhất không có cửa mở ra đường. Trước khi trở thành con phố được lấy Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) đặt tên, nơi đây từng là chợ “Âm phủ” – một cái tên đầy liêu trai.

Tại sao lại gọi là Chợ Âm Phủ?

Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Hàng nghìn chiến sĩ cảm tử, đồng bào Thủ đô anh dũng hy sinh, được đưa về khu phố Lê Chân chôn cất trong nấm mồ chung sơ sài. Sau năm 1954, khu mộ được đặt tên là Mồ Liệt sĩ và nhân dân hy sinh trong Ngày toàn quốc kháng chiến. Năm 1981, thành phố tổ chức khai quật và chuyển hài cốt lên nghĩa trang Bất Bạt (Ba Vì, Hà Tây). Phố cũ được khôi phục đặt tên là Phố 19/12 để kỷ niệm sự kiện Toàn quốc kháng chiến. 

Nhiều năm sau, người dân kéo về đây họp chợ, đến năm 1985 Thành phố  chính thức lập chợ tạm với tên gọi Chợ 19/12. Vì chợ họp trên nền nghĩa địa cũ nên người dân gọi là chợ Âm phủ. Chợ có đủ hàng tươi, hàng khô và cả món mộc tồn  đưa từ Hà Tây ra phục vụ người ưa thích. Trong chợ vẫn giữ được hai hàng cây dã hương xanh tốt trồng từ đầu thế kỷ, một cây bồ đề vô danh có từ bao giờ không ai biết.

Cuối năm 2008, chợ này nằm trong kế hoạch xây lại thành trung tâm thương mại với một lối đi cho xe thành “Tổ hợp công trình thương mại – dịch vụ 19/12” Tuy vậy sau đó không xây trung tâm thương mại ở đây, chợ bị giải tỏa và phố 19 tháng 12 trở thành phố đi bộ, bán sách

Những câu truyện liêu trai liên quan và cây Bồ Đề vô danh

Những câu chuyện huyền bí lưu truyền trong dân gian rằng, một đêm nọ có bác xích lô gặp một bà khách bảo chở về chợ 19/12. Đến nơi, bác thấy chợ đóng cửa, còn bà khách thì lục túi đưa cho bác tờ giấy bạc 2.000đ. Khi bác choàng tỉnh thì không thấy bà khách đâu, còn tờ giấy bạc đang cầm trên tay hóa ra là tiền âm phủ.

Một câu chuyện khác, năm 2010, có chị nhà ở trong khu tập thể sát đường 19/12 bỗng mơ cây bồ đề bị chặt. Sáng ra chợ, chị giật mình khi thấy người ta bảo nhau, cây bồ đề bị chặt mất rồi. Chị chạy ra tới nơi thì thấy, chỉ còn cái hố chứ chẳng thấy cây đâu. Chị này bảo, ở đây thiêng lắm nên không có ngày rằm, mùng một nào chị không ra thắp hương.

Phố sách tại chợ âm phủ

Một kỹ sư sau khi chỉ huy công trình xây dựng hệ thống ngầm ở đường Hai Bà Trưng, đoạn đi qua đường 19/12 bỗng nhiên trở thành người sùng tín. Cứ ngày rằm, mùng một không mua hương hoa đến lễ ở gốc cây bồ đề là cảm thấy không yên. 

* Cuối tháng 10/2010, một sự kiện động trời xảy ra với cây bồ đề cổ thụ mọc trên vỉa hè, đoạn tiếp giáp với công trình Trung tâm Thương mại 19-12. Đó là việc chủ đầu tư công trình này nhổ cây, chặt trụi cành lá và “hô biến” cây bồ đề cổ thụ.

Sự kiện cây Bồ Đề đã gây bức xúc cho dư luận và rất nhiều người dân đã liên hệ với tòa soạn báo CAND để “giải cứu cây Bồ Đề” chiến dịch giải cứu cây Bồ Đề rất căng thẳng và hồi hộp.

Hồi đó, Như Báo CAND nhiều lần phản ánh, sau khi bị nhổ lên, cây bồ đề hoàn toàn bị mất tích. Rạng sáng 4/11, cây bồ đề được phát hiện ở khu vực phố Nghi Tàm. Ngay trong ngày 5/11, Chủ đầu tư dự án TTTM mở “bức tường” bằng tôn để cơ quan chức năng đưa cây bồ đề vào trồng ở vị trí cũ. Vì thế người dân và cả những công nhân chăm sóc cây xanh, bồn hoa ở đường 19-12 dễ dàng tới thăm và tưới cho cây. Tuy nhiên, từ đầu tháng 12, chủ đầu tư công trình Trung tâm Thương mại lại dùng một tấm tôn khác, bịt lối vào chỗ cây bồ đề.

Sáng 9/12, công nhân thuộc Công ty TNHH một thành viên Cây xanh Hà Nội (đơn vị quản lý trực tiếp thảm cỏ và cây xanh trên phố này) chăm sóc vườn hoa phải dùng vòi phun, vun vọt nước qua “bức tường” tôn để tưới cho cây. “Cánh cửa” bằng tôn chắn cây bồ đề với đường 19-12 được khóa bằng một chiếc khóa dây. Dưới gốc cây vẫn hiển hiện những thương tích do bị chặt cách đây hơn một tháng. Đống bèo đắp xung quanh gốc khi trồng lại cây bồ đề tạo thành một tầng thảm mục để giữ ẩm cho cây. Nhờ những nỗ lực của các công nhân nên cây bồ đề đã hồi sinh.

Về phần dự án Trung Tâm thương mai, để đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư và các hộ tiểu thương, dự án được chuyển về 41 Hai Bà Trưng liền kề vị trí cũ (1 Cty khác nhường đất cho dự án). Tại đây, chủ đầu tư xây dựng trung tâm thương mại 9 tầng, chợ dân sinh nằm phía dưới. Tám năm sau thành phố phê duyệt Phố sách (đặt tại Phố 19 tháng 12), khai trương 30/4/2017. Đây là một trong những con phố đẹp giữa Thủ đô, hoạt động các ngày trong tuần, không chỉ bán sách, còn là nơi giao lưu của người yêu sách.

Thật tiếc rằng, cây bồ đề vô danh cùng hàng dã hương cũng đã biến mất không còn dấu vết, tuy nhiên những câu chuyện về cây bồ đề vẫn còn được lưu truyền.

Xung quanh chợ “Âm phủ” không chỉ có những huyền thoại mà thực tế, nhiều người dân coi đây là một điểm đến tâm linh. Tín ngưỡng là sự lựa chọn của từng người. Và khi tín ngưỡng đó hướng con người ta nhớ đến tổ tiên, đến truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc và sống lành, sống thiện sẽ làm cho xã hội càng trở nên tốt đẹp hơn.

  • Xem thêm video hay trên Xin Chào Việt Nam tại đây

Write A Comment