Demo Example
Demo Example
Demo Example
Văn hóa dân gian

Kỳ bí tượng Rồng “miệng cắn thân, chân xé mình”

Chùa Bảo Tháp (Thiên Thư tự) và đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh, tọa lạc ở sườn phía Nam của núi Thiên Thai, thuộc xóm Chùa, thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Vào thế kỷ 11, nền chùa chính là tư dinh của Thái sư Lê Văn Thịnh (đỗ thủ khoa năm 1075 kỳ thi Minh kinh bác học thời Lý Nhân Tông – được tôn vinh Trạng nguyên).

Nơi đây vào năm 1991 đã phát hiện ra một bảo vật trứ danh một tác phẩm nghệ thuật tác tạo đá vô cùng kì dị: tượng rồng trong tư thế “miệng cắn thân, chân xé mình”, niên đại thời nhà Lê. Toàn bộ tác phẩm được tạc từ một khối sa thạch, phần hiện còn ước nặng 3 tấn, cao 72cm, rộng 137cm (mất một phần thân). 

Rồng trong tư thế nằm cuộn khúc, thân rồng uốn mình thành hình tròn, miệng há rộng, có những chiếc răng nanh dài nhọn, cắm phập vào thân mình. Ngắm nhìn tượng rồng, người yếu bóng vía sẽ có cảm giác sợ hãi bởi hình dáng của rồng quá kỳ dị. Đầu rồng to, không râu, không bờm nhưng hai mang phình ra, hơi gục xuống như dáng dấp của một con mãng xà lớn đang trong cơn giận dữ. Đôi mắt trợn tròn, lồi ra ngoài, hai tai vừa phải, nổi lên hai bên đầu nhưng tai bên phải thì kín đặc còn tai trái lại trống rỗng. Hai chân trước dang rộng với những móng vuốt nhọn hoắt, gân guốc, mỗi chân xòe rộng năm ngón bấu chặt lấy thân mình. Tất cả những biểu lộ trên mình rồng rất sống động, thể hiện một trạng thái đau đớn đến độ uất kết, căm phẫn cùng cực. 

Xem thêm: Long Mã – linh thú đặc biệt trong văn hóa và nghệ thuật ở xứ Huế

Vào năm 1991, lối lên ngay sát tam quan chùa bị sụt lở một mảng đất đá, bỗng lộ ra một phiến đá vảy rồng. Thấy lạ, những người hiếu kỳ trong làng đào sâu xuống, thấy toàn bộ thân tượng kỳ vĩ. Sợ để tượng ở nguyên vị trí, đông người qua lại sẽ động đến uy linh của thần linh, nên dân làng bàn thảo đi đến quyết định hô thần để rời tượng lên trước đền Thái sư. Trong quá trình di chuyển, do sơ suất mà nửa thân sau của tượng bị gãy nứt, vì thế khi tượng đã được đưa lên đồi cao, 5 trong số vài chục người khiêng đã bị chết bất đắc kỳ tử, tất cả đều là người của thôn Bảo Tháp.

Năm 2009, với ngân sách của Nhà nước, người ta đã xây miếu thờ Tượng Rồng bên phải đền Thái sư. Quá trình trùng tu khu di tích, Ban Quản lý Di tích Bắc Ninh đã cho tiến hành khai quật khảo cổ và thu được khá nhiều cổ vật quan trọng, trong đó có một phần chân rồng có móng vuốt sắc nhọn bám chặt vào thân, và một mảnh đuôi của con sấu đá dài 0,5m.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đây là pho tượng rồng độc đáo chưa từng thấy trong hình ảnh rồng Việt qua các thời kỳ lịch sử và cũng gần như chưa từng thấy nhắc đến một mô típ rồng nào như vậy trên thế giới.

Đến nay, xung quanh pho tượng kỳ dị này còn tồn tại nhiều điều bí ẩn chưa được giải mã.

Theo ông Lê Viết Nga, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh: “Bên cạnh giá trị cao về kỹ thuật tạc tượng thời xưa mà thông qua pho tượng người ta có thể nhận thấy những dụng ý của nhà điêu khắc, gửi gắm khéo léo qua từng đường nét chạm trổ. Bức tượng đầy ẩn ý, đầy tâm sự, đầy ai oán, khác hẳn với những tượng rồng thường thấy dưới thời nhà Lý, nhà Trần… Rõ ràng nó có liên quan đến những oan khiên, trái ngang mà Thái sư Lê Văn Thịnh đã phải chịu lúc đương thời”.

Pho tượng Rồng này được dân làng tạc vào thời Lê để thể hiện nỗi đau đớn kéo dài hàng trăm năm khi ông bị vu oan “hóa hổ giết vua”. Cũng có người cho rằng đây là bức tượng hiện thân của vua Lý Nhân Tông căn cứ vào bên tai lành, tai điếc của cụ rồng mà cho đó là sự ân hận của vua vì đã nghe lời xiểm nịnh, hại trung thần, cũng là thầy của mình và hành động này chẳng khác nào tự miệng mình cắn thân mình, tay mình xé mình. Hội làng diễn ra vào ngày 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm để tưởng nhớ công ơn Trạng nguyên Lê Văn Thịnh.

Xem thêm video hay của Xin Chào Việt Nam tại đây

Comments are closed.