Trong các công trình kiến trúc Huế, con vật có tần suất xuất hiện lớn thứ hai sau rồng là Long mã. Chính hình tượng Long mã đã tạo nên sự riêng biệt rất dễ nhận thấy và gây ấn tượng đối với mỗi người khi đặt chân đến xứ Huế.
Đây là hình tượng thường được trang trí trên các cấu kiện gỗ ở chùa, thành bậc thềm các cung điện, lăng tẩm, trên các mảng tường trang trí và đặc biệt rất nhiều trên các bức bình phong. Ở Huế, hình tượng Long mã được tôn vinh là một linh thú đặc biệt trong văn hóa và nghệ thuật Phật giáo.
Long mã, theo truyền thuyết, mang tư cách hóa thân của lân, xuất hiện vào khoảng thời Phục Hy và từ tích truyện vua Vũ trị thủy (nên thường được thể hiện trong tư thế chạy trên mặt nước đầy sóng dữ). Ở Việt Nam, hình tượng Long mã xuất hiện từ thế kỉ 16, rồi định hình và phổ biến từ thế kỉ 17 – 19. Tiêu biếu là các hình Long mã trên nhang án đặt ở toà Bái đường Văn Miếu (Hà Nội) và trên các bình phong trang trí ở Huế.
Long mã là con vật hóa thân của kỳ lân, là sự kết hợp đặc biệt giữa rồng, lân và ngựa. Đó là một linh vật có sừng và bờm của rồng, mình của hươu xạ, thân có vảy của kỳ lân, chân và móng ngựa: cao “8 thước 5 tấc, xương cổ dài, cánh bên phải nhúng xuống nước mà không ướt, trên có thánh nhân để bức cổ đồ”
Đối với người phương Đông, Long mã là con ngựa rồng. Long mã là hình tượng biểu hiện đầy đủ các phạm trù Âm Dương, Vũ trụ, sự kết hợp của Tiên thiên – Hậu thiên, và cuộc tiến hóa của vạn vật (ngựa hóa rồng).
Bởi thế, tại các đình chùa, điện thờ, miếu mạo, phủ đệ, Long mã thường được khắc họa hay đúc tượng trên các vật thể như bình phong, hoành phi đế vừa trang trí chốn tôn nghiêm, vừa có công dụng phong thủy trừ tà, khử trược (nghĩa là giải hết bệnh tật cả bệnh âm lẫn bệnh dương).
Trên mảnh đất Huế, hình tượng long mã, được điêu khắc, trang trí rất công phu, làm nổi bật ý nghĩa của một linh vật độc đáo trên các kiến trúc lăng tẩm. Long mã đi vào tiềm thức người dân Huế và trở thành hình tượng có thể nói đi đâu, bất cứ đâu trên đất Huế hình tượng này luôn xuất hiện trên hầu hết mọi công trình kiến trúc cổ xưa, tới những công trình được tôn tạo và trong những ấn phẩm văn hóa, những hoạt động tín ngưỡng và văn hóa ngày nay.
Hình tượng Long mã trở thành biểu tượng Festival Huế 2002 – đây là năm ngựa. Từ năm 2004 tới nay, Long mã trở thành biểu tượng linh vật chính thức cho Festival Huế, bởi đây là linh vật báo hiệu điềm lành, biểu tượng của sự thông thái, trường thọ, sự cao quý và niềm hạnh phúc vô song. Quan trọng nhất, hình tượng Long mã đã tồn tại chính thức tới nay tại mỗi Festival Huế – trở thành hình tượng đặc trưng của người dân xứ Huế.
Sự giải mã cho Long mã để trở thành biểu tượng của xứ Huế, hình tượng Long mã với nhiều ý nghĩa to lớn và trở thành đối tượng được gắn với rất nhiều vị trí của công trình kiến trúc: Long mã gắn với việc trị thuỷ; với hiện thân của chí khí tung hoành; mang ý nghĩa là con vật chuyển tải bầu trời, hiện thân của sức mạnh siêu linh, trí tuệ, báo hiệu sự xuất hiện của thánh nhân. Là con vật biểu tượng kết hợp cho không gian và thời gian, cho sự an bình. Tượng trưng cho sự tung hoành của nam nhi, cho thời gian và không gian, Long mã chạy là biểu hiện cho vũ trụ vận động …
Ở Huế, hình ảnh Long mã xuất hiện nhiều nhất trên các bình phong, một “sản phẩm đặc trưng” của người xứ Huế. Đó là hình ảnh Long mã lưng mang Hà đồ, chân lướt trên sóng nước, đầu vươn tới các tầng mây. Long mã cũng xuất hiện trên các cung môn, miếu môn trong hoàng cung triều Nguyễn và thường đi kèm với các linh vật khác như rùa, kỳ lân hay chim phượng.
Đọc Thêm: Rắn – Hình tượng đa tầng ý nghĩa trong tín ngưỡng văn hóa Việt Nam
Người Huế dựng bình phong ngay sau cửa ngõ vào để ngăn chặn các loại uế khí và độc khí phát ra từ các vật lạ thâm nhập vào nhà, đồng thời khiến cho căn nhà trở nên ấm cúng, an toàn hơn. Theo thuyết Ngũ hành, phía trước ngôi nhà thuộc hành Hỏa; phía phải thuộc hành Kim, tượng cho chủ nhân; phía trái thuộc hành Mộc, tượng cho thê thiếp, tài lộc, ti bộc (vợ, tiền của, đầy tớ); phía sau thuộc hành Thủy, tượng cho tử tôn (con cháu); còn trung tâm ngôi nhà thì thuộc hành Thổ. Theo nguyên lý Ngũ hành tương sinh (Thổ sinh Kim; Kim sinh Thủy; Thủy sinh Mộc; Mộc sinh Hỏa; Hỏa sinh Thổ) thì có thổ trạch (đất/nhà) mới có chủ nhân (Kim); chủ nhân sinh ra con cháu (Thủy) và điều khiển thê thiếp, nô bộc (Mộc). Nếu ngôi nhà quay về phương Nam thì hành Hỏa càng thêm vượng, vì phương Nam thuộc hành Hỏa.
Bên cạnh đó, theo nguyên lý Ngũ hành tương khắc (Hỏa khắc Kim; Kim khắc Mộc; Mộc khắc Thổ; Thổ khắc Thủy; Thủy khắc Hỏa), Hỏa quá vượng sẽ gây tổn hại cho gia chủ (Kim). Vì thế cần phải có bình phong án ngữ phía trước để cản bớt Hỏa khí. Vì lý do này mà hầu hết các cung điện, đền thờ, đình làng, nhà thờ họ tộc, nhà của thường dân ở Huế đều có bình phong án ngữ phía trước.
Người Huế với những quan niệm trong tiềm thức tâm linh, quan niệm ứng xử với môi trường tự nhiên, sự xuất hiện của bức bình phong trở thành một yếu tố không thể thiếu trong kiến trúc cổ, đặc biệt các công trình kiến trúc Huế thời Nguyễn. Đó cũng là sự khắc phục thiên nhiên của con người sống trên mảnh đất liên tục hứng những đợt gió mùa lạnh se thắt, nắng gắt cháy da, mưa dầm nhiều tháng, mùa gió Nam (Lào) hanh khô, cháy bỏng.
Và linh vật được chọn lựa để trang trí trên bình phong xứ Huế nhiều nhất chính là Long mã. Trên các bức bình phong, tại các đình làng, các am miếu dân gian, hình tượng Long mã hay hổ cũng được sử dụng rất nhiều. Long mã được thể hiện theo điển tích “Long mã phụ Hà đồ”.
Trải qua năm tháng, bình phong dần kiêm thêm chức năng trang trí mỹ thuật và trở thành một nhân tố không thể thiếu trong kiến trúc truyền thống. Kiến trúc Huế là một ví dụ điển hình bởi không nơi nào có nhiều bình phong như ở Huế, đây cũng là nơi còn giữ lại được nhiều kiểu bình phong cổ nhất, không chỉ trong kiến trúc cung đình mà ngay cả ở đền chùa, am miếu, đình làng, nhà thờ họ… dường như nơi nào cũng hiện diện những bức bình phong được trang trí cầu kỳ, tinh xảo mang nhiều ý nghĩa.
Bình phong Long mã nổi tiếng nhất ở Huế chính là bức bình phong xây dựng năm Thành Thái bát niên (1896) ở trường chuyên Quốc học Huế, bức bình phong nhìn ra đường Lê Lợi. Long mã trên bình phong này là nguyên mẫu của hình ảnh Long mã trên logo của Festival Huế.
Nguồn: Tạp chí Xưa và Nay, số 452, tháng 10, năm 2014
Comments are closed.