Mặt nạ giấy bồi là đồ chơi Trung thu lâu năm của người Hà Nội. Trước đây, mỗi dịp Trung thu, món đồ chơi này rất phổ biến và thu hút trẻ em Thủ đô.
Nguồn gốc quá trình phát triển của mặt nạ trong văn hóa dân gian Việt Nam.
Theo nghiên cứu lịch sử, người Việt cổ đã biết làm những chiếc mặt nạ từ vỏ cây, da thú từ 2.000 – 3.000 năm trước. Hồi đó, người Việt cổ khi khai hoang bờ cõi, tiến sâu vào tự nhiên đã biết sử dụng mặt nạ để đánh lừa dã thú, khiến dã thú hoảng sợ. Ngoài ra người Việt còn sử dụng mặt nạ để bảo vệ mặt khi vào rừng khai khẩn.
Tiến tới thời đại văn minh, giấy bồi là nguyên liệu được thay thế để sản xuất mặt nạ. Tuy vậy, không giống với các sản phẩm truyền thống khác, nghề làm mặt nạ không tập trung theo làng nghề.
Sau này khi hoạt động thương mại trở nên thịnh hành, một số địa phương mới hình thành sản xuất mặt nạ tập trung. Khoảng chục năm trước, tại phường Cao Xanh (TP Hạ Long – Quảng Ninh) còn nhiều gia đình theo nghề làm mặt nạ để phục vụ các lễ hội truyền thống và dịp Trung thu. Tuy nhiên, do bị mặt nạ Trung Quốc áp đảo nên gần đây chỉ còn vài gia đình theo nghề.
Đông đảo nhất trong nghề sản xuất mặt nạ hiện nay chỉ còn làng Ông Hảo, xã Liêu Xá (Yên Mỹ – Hưng Yên). Khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện, cứ tới tháng 8 âm lịch, người làng lại tất bật đục đẽo, bồi giấy, quét sơn để kịp sản xuất ra các loại đồ chơi truyền thống như trống, mặt nạ, đầu lân phục vụ nhu cầu chơi Tết Trung thu.
Theo thời đại, những làng, những người làm nghề mặt nạ dần biến mất. Sự xâm nhập của các món đồ chơi Trung Quốc với đa dạng mẫu mã, chủng loại, giá thành rất rẻ đã khiến trẻ em (và cả phụ huynh) dần quên mất đi đã từng có một thời mặt nạ giấy bồi là thứ đồ chơi bắt-buộc-phải-có trong mỗi dịp Trung Thu.
Chẳng thế mà, có một nhà thơ đã viết “Bây giờ, trẻ con không còn hát đồng dao nữa – Cũng quên luôn tiếng sáo thả lưng đồi” để nói về sự quên lãng, mai một của các loại hình nghệ thuật dân gian. Vậy nên bây giờ, số người làm mặt nạ giấy bồi chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Ý nghĩa của mặt nạ và các đồ chơi trong văn hóa dân gian.
“Thoạt nhìn, những chiếc mặt nạ có vẻ như chỉ là những vật dụng mua vui đêm rằm cho trẻ con. Nhưng thực chất các hình tượng trên chiếc mặt nạ mang lại những thông điệp văn hóa rất rõ ràng.”
Chiếc mặt nạ ông địa với nụ cười tươi không đơn giản mang đến sự vui vẻ trong điệu múa lân của các bạn nhỏ, mặt nạ ông địa còn mang biểu tượng của văn hóa nông nghiệp, bởi nó gửi gắm hy vọng của nông dân về đất đai màu mỡ, khí hậu thuận hòa để cây cối xanh tốt, cây lúa phát triển, mùa màng bội thu.
Trong các trò chơi dân gian còn có rất nhiều mặt nạ khác mang nhiều ý nghĩa như thế, như hình thỏ gắn với tích truyện chú cuội và chị Hằng, hay hình chó, hổ, trâu… là những con vật gần gũi với đời sống người Việt.
Ngoài ra, chiếc mặt nạ hình con lân đầy sắc đỏ khi đi kèm với Ông Địa cầm quạt không chỉ mang đến những tiết mục múa lân sôi động cho trẻ con cùng hát đồng dao mà còn là hình ảnh tượng trưng cho sự mở đầu hưng thịnh.
Bên cạnh đó, những chiếc mặt nạ giấy bồi cũng mang đến ý nghĩa của Phật giáo như ý chí vượt khó khăn, lòng dũng cảm, tình nghĩa thầy trò, cuộc chiến của cái thiện – cái ác thông qua hình ảnh Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới,…
Chỉ với những nhân vật mô phỏng đơn giản, tưởng chừng như chỉ có tác dụng mang lại niềm vui cho trẻ em nhưng thực tế, ý nghĩa của những chiếc mặt nạ giấy bồi còn to lớn hơn thế nữa.
Dưới ánh trăng rằm, trẻ em đeo mặt nạ đi phá cỗ cùng ngân nga khúc đồng dao như sự hài hòa của “thiên thời địa lợi nhân hòa”, cầu mong cho một cuộc sống sung túc, ấm no và sức khỏe dồi dào.
Ý nghĩa tên gọi mặt nạ giấy bồi và quy trình để làm ra một chiếc mặt nạ.
Mặt nạ giấy bồi được đặt tên theo cách làm chiếc mặt nạ này. Những chiếc mặt nạ được làm từ giấy xé vụn và đắp bồi lên nhau để tạo độ dày và kết dính. Nhìn bề ngoài, chiếc mặt nạ giấy bồi có vẻ đơn giản dễ làm nhưng để có được sản phẩm hoàn hảo, nghệ nhân dân gian phải tốn khá nhiều công sức.
Để làm ra một chiếc mặt nạ giấy bồi cần phải trải qua nhiều công đoạn, trước hết là việc đúc khuôn. Khuôn mẫu là tiền đề để tạo ra những chiếc mặt nạ, vì vậy công đoạn tạo khuôn cực kỳ quan trọng. Sau đó, họ xé giấy thành từng mảnh vụn vừa phải rồi dùng hồ dán được làm từ bột sắn, dán bồi các mảnh giấy lên khuôn đúc thành nhiều lớp. Sau lớp giấy đến lớp thứ hai là lớp bìa, lớp thứ ba, thứ tư là lớp giấy học sinh tùy theo độ dày mỏng của mặt nạ.
Không phải loại giấy nào cũng làm được mặt nạ giấy bồi, phải là giấy nhám, giấy xước. Sau khi bồi từng lớp giấy bằng thứ hồ bột sắn do chính tay người nghệ nhân nấu, những chiếc phôi mặt nạ lần lượt ra đời. Chúng được đem đi phơi nắng một ngày, sau đó được bồi hai lớp sơn thật nhẵn và đẹp rồi tiếp tục phơi khô.
“Công đoạn này không thể dùng máy sấy bởi vì sấy sẽ làm biến dạng lớp sơn”, người nghệ nhân làm ra mặt nạ chia sẻ. Lâu công là vậy nhưng những người nghệ nhân không bao giờ làm trái nguyên tắc của mình. Đối với họ, từng chi tiết trên sản phẩm cần phải được làm một cách hoàn hảo và công phu.
Cuối cùng, họ bắt đầu tô sơn lên từng chiếc mặt nạ, đây là giai đoạn đòi hỏi độ tỉ mỉ và tốn thời gian nhất bởi mỗi chiếc mặt nạ được tô nhiều lớp chồng lên nhau. Đầu tiên, người nghệ nhân bắt đầu trang trí mặt nạ bằng sơn, sau đó để lớp sơn này khô, mới tiếp tục tô lớp sơn khác lên để tránh bị nhòe.
Để mỗi chiếc mặt nạ được đều và đẹp, quá trình tô màu phải chia ra từng công đoạn nhỏ, tô từng màu riêng, mỗi màu lại phải tô đi tô lại nhiều lần với sự tỉ mỉ, cẩn trọng mới thể hiện được thần thái của mặt nạ nhân vật.
Với mỗi nhân vật được thể hiện qua chiếc mặt nạ lại sẽ có cách sơn riêng để tạo được cái hồn, cái thần thái của nhân vật. Đó là lí do vì sao, nghề làm mặt nạ giấy bồi đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ cực kỳ cao của nghệ nhân.
Đêm Trung thu, cả gia đình quây quần bên mâm cỗ, trẻ con tổ chức rước đèn, thi đèn, múa sư tử, chơi trò chơi dân gian. Người lớn thưởng trăng, ăn bánh, uống trà hoặc uống rượu sen Hồ Tây với ốc luộc lá gừng, chấm tương gừng hay ốc nhồi thịt, nghe hát trống quân là những hình ảnh đã tạo nên văn hóa của người Việt Nam ta.
- Cùng Xin Chào Việt Nam khám phá những video hay hơn tại đây:
Comments are closed.