Trong chiều dài sử Việt, cha ông ta cũng tận dụng khả năng của con người cũng như động vật để thành lập những đội quân kỳ lạ đặc biệt, có tác dụng rất lớn trong các cuộc chiến đánh đuổi ngoại bang
Đội quân Voi chiến
“Voi chiến” từ lâu đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng trong nhiều cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm của lịch sử Việt Nam. Từ Bà Triệu tới Hai Bà Trưng, Bùi Thị Xuân, đều ghi nhận việc sử dụng tượng binh để chiến đấu.
Trong cuộc khởi nghĩa đánh đuổi Tô Định, hai bà Trưng đã cưỡi voi ra trận và đạt được chiến thắng vang dội, khiến Tô Định bị thương phải chạy về nhà Hán chịu tội. Một nữ tướng khác cũng sở hữu đàn voi chiến khiến quân giặc khiếp sợ, chính là bà Triệu. Hình ảnh oai phong lẫm liệt của bà khiến quân Ngô bạt hồn khiếp vía.
Phương pháp huấn luyện voi cũng được ghi lại rất nhiều trong thời kỳ Tây Sơn. Đội quân voi bao gồm hơn 100 con khỏe mạnh, to lớn, do nhiều quản tượng mà đứng đầu là Đô đốc Bùi Thị Xuân huấn luyện.
Cho đến tận thời nhà Nguyễn, voi vẫn được huấn luyện để sử dụng trong quân đội.
Mặc dù chỉ được nhắc đến trong một vài cuộc chiến nhưng đội tượng binh luôn được ghi nhận là có đóng góp không nhỏ trong các cuộc chiến tranh tại nước ta. Là kết quả của hàng nghìn năm huấn luyện và sử dụng, tượng binh đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh quân đội thời bấy giờ.
Đội thủy binh chuyên đục thuyền
Trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông, một thuộc tướng của Trần Hưng Đạo là Yết Kiêu rất giỏi bơi lội.
Khi quân Nguyên tiến đánh Đại Việt, Trần Hưng Đạo giao cho Yết Kiêu chỉ huy đội thủy binh, họ không quản đêm đông giá rét, tối đến là lặn xuống dùng dùi nhọn đục làm thủng thuyền quân Nguyên, nước tràn vào khiến chiến thuyền bị chìm.
Về sau quân Nguyên dùng lưới để ngăn chặn, một lần Yết Kiêu không may sa vào lưới và bị quân Nguyên bắt được. Tướng Nguyên hỏi rằng: “Nước Nam bao nhiêu người có tài bơi lặn như mày?”. Ông đáp: “Nước Nam có rất nhiều người có tài bơi lặn như tôi. Hiện nay họ vẫn ẩn nấp ở dưới biển để đục thuyền, chỉ một mình tôi vì kém cỏi chẳng may bị bắt. Nếu các ông tha tôi ra tôi sẽ dẫn các ông đến chỗ họ ẩn nấp, tha hồ cho các ông bắt”.
Quân Nguyên lấy thuyền nhẹ chở ông đi, chỉ chờ có thể, ông nhảy xuống nước và trốn mất. Đội thủy binh của Yết Kiêu gây thiệt hại rất lớn cho quân Nguyên Mông, góp công rất lớn vào chiến thắng chung của quân Đại Việt.
Đội quân hành khất để do thám
Việc do thám nhằm nắm được thông tin rất được coi trọng trong các cuộc chiến xưa kia. Người nổi tiếng với vai trò này phải nói đến cháu 3 đời của Phạm Ngũ Lão tên là Phạm Ngũ Thư, ông tham gia cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn nhằm chống lại ách đô hộ của nhà Minh.
Ông thiết lập mạng lưới với nhiều nhà buôn, học trò… nhằm thu thập tình hình ở các địa phương, để khi nghĩa quân tiến đánh nơi đâu thì đều có được tình hình về địa phương ấy.
Để thu thập thông tin từ các doanh trại quân Minh, Phạm Ngũ Thư xây dựng đội quân hành khất, đi qua các doanh trại hay nơi tập trung quân lương mà quân Minh không để ý tới, nhờ đó thu thập được nhiều thông tin rất quan trọng.
Sau khi lên ngôi vua, Lê Lợi định công, ban cho Phạm Ngũ Thư chức Trung lượng tả phụng thần vệ quân, tước Đại trí tự. Tuy nhiên Phạm Ngũ Thư lấy lý do tàn tật nhằm từ quan về quê sinh sống, chỉ nhận vài trăm mẫu ruộng rồi chia lại hết cho dân nghèo.
Đội quân chó
Nguyễn Xí khi gia nhập nghĩa quân Lam Sơn được giao huấn luyện đội quân chó khuyển 100 con. Giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa, nhiều lần bị vây hãm trên núi đến tuyệt lương, đội chó khuyển được huấn luyện tốt vượt vòng vây tìm thức ăn cho nghĩa quân.
Mỗi khi xung trận đội quân này làm kẻ địch hoảng sợ, tướng Minh là Mã Kỳ rất e ngại khi đụng độ đội quân chó khuyển này.
Có lần đêm đến Nguyễn Xí dẫn theo quân cùng đàn chó vây thành quân Minh, ông đeo đai ngựa cho chó chạy tới thành rồi đánh trống thúc quân. Quân Minh trong thành nghe tiếng đai ngựa thì tưởng kỵ binh quân Lam Sơn tấn công nên bắn tên ra rất nhiều. Đến sáng quân Lam Sơn thu hàng vạn mũi tên rồi rút đi, nhiều thủ lĩnh nghĩa quân khen cách này giống như “thuyền cỏ mượn tên” của Gia Cát Lượng khi xưa.
Bồ câu đưa tin
Trong cuộc chiến xưa kia, việc liên lạc giữa các đội quân là cực kỳ quan trọng, hình thức truyền tin được sử dụng là cờ hiệu, đặt trạm dịch, hỏa lôi đài… Đặc biệt trong đó có việc dùng bồ câu đưa thư.
Hai danh tướng rất giỏi dùng bồ câu đưa thư là Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Chích, đều gia nhập nghĩa quân Lam Sơn. Trần Nguyên Hãn đã nuôi cả đàn chim bồ câu và huấn luyện cho chúng đưa thư.
Có lần Trần Nguyên Hãn bị quân Minh vây chặt ở thành Võ Ninh, ông viết thư buộc vào chân chim, nhờ đó chủ tướng Lê Lợi mới biết tin mà cho quân tiếp viện đến phá vây giải cứu.
Nguyễn Chích thích nuôi chim bồ câu từ nhỏ do được bố truyền nghề lại, khi gia nhập nghĩa quân Lam Sơn ông mang theo cả đàn chim bồ câu và trở thành đội quân đưa tin rất đắc lực.
Một lần căn cứ Lam Sơn bị đánh bất ngờ, chỉ có Nguyễn Chích cùng vài trăm quân túc vệ ở lại, còn quân chủ lực đã tản ra đánh các nơi. Nguyễn Chích dùng bồ câu đưa thư báo cho các cánh quân trở về gấp, trong đánh ra, ngoài đánh vào nhờ đó đánh lui quân Minh.
Đội quân mèo lửa
“Hỏa miêu trận” là một trong những chiến thuật quân sự kỳ lạ, hiếm thấy nhất trong lịch sử Việt Nam và e rằng trên thế giới cũng khó có một trận chiến nào giống như vậy.
Trận chiến này xảy ra vào thời Lê Trung hưng, khi chúa Trịnh lộng quyền, khiến nhiều hoàng thân quốc thích, quan lại trung thành lập mưu diệt Trịnh, giành lại quyền lực cho vua Lê, trong số đó nổi tiếng nhất là hoàng thân Lê Duy Mật.
Sau khi sự việc diệt Trịnh bị bại lộ, Lê Duy Mật đem tùy tùng rút về quê phát động khởi nghĩa, hoạt động ở vùng thượng du phía Tây Thanh Hóa giáp với Nghệ An giương ngọn cờ “phù Lê diệt Trịnh”.
Các đời chúa Trịnh Giang, Trịnh Doanh nhiều lần đem quân đàn áp nhưng không thành. Đến đời Trịnh Sâm, sau nhiều lần giao tranh ác liệt thì quân Trịnh mới tiến được vào khu căn cứ Trình Quang ở phủ Trấn Ninh (nay thuộc Nghệ An). Lúc bấy giờ binh lực và bố phòng của Lê Duy Mật rất lợi hại và kiên cố, quân Trịnh nhiều lần tấn công thất bại.
Lúc này một viên tiểu tướng của quân Trịnh tên là Phạm Sinh có sáng kiến dùng mèo làm kế hoả công. Theo kế này, quân Trịnh nhanh chóng đi thu bắt ở các làng bản quanh vùng được hàng trăm con mèo, dùng dầu thông, dầu trẩu tẩm vào rồi đốt lửa, lại đánh trống, hò reo làm mèo sợ hãi chạy về phía đồn lũy của đối phương. Mèo chạy thục mạng vì bị đốt nóng, lại bị thúc đuổi đằng sau khiến cho cây cối bốc cháy, rào chắn, đồn lũy bằng tre bị thiêu rụi.
Nhờ “Hỏa miêu trận”, quân Trịnh thắng lớn, Lê Duy Mật thế cùng, dẫn vợ con và thuộc hạ tin cẩn là Quận Đài, Quận Hào, Quận Nhậm, Quận Uyên, Quận Vĩnh và Quận Thìn phóng hỏa tự thiêu. Hôm đó là ngày 22 tháng giêng năm Canh Thân (1740).
- Đọc thêm tìm hiểu về lịch sử nước nhà: Đại Việt sử ký toàn thư và Việt Nam sử lược