Demo Example
Demo Example
Demo Example
Du lịch Việt

Những tên con Phố bị gọi sai và câu chuyện liên quan

Phố Báo Khánh không phải Bảo Khánh.

Và ngõ Báo Khánh cạnh phố Báo Khánh cũng vậy

Con đường này dài 104m nối từ phố Lê Thái Tổ đến phố Hàng Trống (dân còn gọi là phố Bảo Khánh).

So vào bản đồ Hà Nội 1931 đây là đất thông Báo Thiên Tự, một trong 30 phường thôn hợp thành tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì thôn này là một phần của phường Báo Thiên – một phường đã có tên gọi từ thời Lý – tại đây có chùa Báo Thiên xây dựng từ năm 1057 ở chỗ nay là Nhà thờ Lớn. Tới giữa thế kỷ XIX thôn Báo Thiên Tự đổi tên là Báo Khánh, tổng Tiền Túc cũng mang tên mới là Thuận Mỹ và chỉ còn có 22 phường thôn, là do một số thôn đã hợp nhất lại. Báo Khánh là do hai thôn Báo Thiên Tự và Hữu Khánh Thụy hợp lại mà thành. Thời Pháp thuộc đây là phố Pô-chi-ê (Rue Pottier). Sau 1945 được đổi ra tên hiện nay.

Phố Báo Khánh không phải Bảo Khánh

Ngày nay ở số nhà 40 ngõ Báo Khánh còn một ngôi đình cổ gọi là đình Trúc Lâm. Đình đó không phải của làng Báo Khánh cũ mà do dân làng Trúc Lâm lập ra để thờ vong. Nguyên làng Trúc Lâm ở huyện Tứ Kỳ, nay thuộc huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, tên nôm là làng Chắm. Làng này có nghề thuộc da đóng giày dép. Vào khoảng đầu thế kỷ XIX, một số thợ da làng này tới định cư ở Thăng Long, một số lớn quây quần ở chỗ nay là phố Hàng Giày và ngõ Hài Tượng. Còn một số nữa ở khu vực Báo Khánh và Hàng Hành ngày nay. Theo tục lệ “dân đâu thần thánh đấy”, họ lập đình miếu để thờ vong thành hoàng gốc của làng mình.

Đường La Thành (không phải Đê La Thành, đường Đê La Thành là đường nhỏ ở đầu ngã 5 Xã Đàn – Khâm Thiên)

Từ ngã năm ô Chợ Dừa đến ngã ba Voi Phục – Cầu Giấy. Vốn là đoạn tường lũy phía nam, vòng giữa của tòa thành Đại La, chạy dọc bên bờ bắc sông Kim Ngưu – một nhánh của sông Tô. Nay thuộc các phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa), Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh (quận Ba Đình).

La Thành nguyên nghĩa là một danh từ chung chỉ những thành lũy bao quanh một tòa thành (nhỏ hơn), hoặc một đô thị nằm ở bên trong. Những tên này được dùng trong các sử cũ (của Trung Quốc và Việt Nam), để chỉ những thành lũy do bọn đô hộ phong kiến phương Bắc xây đắp trong thời Bắc thuộc ở vào địa phận Hà Nội ngày nay. Hà Nội ngày nay. Cái tên La Thành xuất hiện trước thế kỷ VIII.

Năm 866 Cao Biền đắp Đại La Thành, chi vi 1.980 trượng 5 thước (khoảng 6km 139), cao 2 trượng 6 thước (khoảng 8 mét). Như vậy là trong suốt thời Bắc thuộc, La Thành là một danh từ chung chỉ những tòa thành mà bọn cai trị phương Bắc đắp bao quanh đô thị trị sở của chúng là Tống Bình (tức Hà Nội ngày nay).

Đến năm 1010, trong Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn có danh từ Đại La Thành để chỉ La thành do Cao Biền đắp (hoặc đắp lại) với tư cách là một danh từ riêng. Cũng từ năm này xuất hiện tên thành Thăng Long, nhưng cái tên thành Đại La thỉnh thoảng vẫn được dùng trong sử sách, nhất là trong thơ văn để chỉ kinh đô Thăng Long. Trong thực tế, Đại La Thành hay La Thành cụ thể là ở vào chỗ nào so với ngày nay thì chưa được giới sử học nhất trí xác nhận. Chỉ biết rằng một số nhà nghiên cứu gần đây muốn danh từ La Thành được dùng để chỉ tòa thành đất vòng giữa bao quanh khu vực đông dân cư của kinh thành Thăng Long xưa. Còn danh từ Đại La thì chỉ tòa thành đất vòng ngoài bao bọc trọn vẹn kinh thành cũ gồm hai huyện Thọ Xương và Quảng Đức (tới 1805 đổi là Vĩnh Thuận). Hai huyện này tồn tại mãi tới đầu thời Pháp thuộc.

Đường La Thành như hiện nay là do quyết định của Thành phố tháng 1/1999. Trước đó đoạn từ ngã ba Cầu Giấy – Kim Mã đến ngã tư Giảng Võ – Láng Hạ dân quen gọi là phố Giảng Võ (vì đi qua làng Giảng Võ). Còn gọi đê La Thành là từ ô Kim Liên chỗ ngã tư Đại Cồ Việt – Giải Phóng chạy qua ô Chợ Dừa sang tới ngã tư Giảng Võ. Theo quy định hiện nay thì đoạn ô Kim Liên – ô Cầu Dừa chưa có tên chính thức, và chữ đệ được thay bằng chữ đường và đường La Thành tuy bỏ đoạn đó nhưng lại thêm đoạn từ ngã tư Giảng Võ – Láng Hạ đến ngã ba Cầu Giấy – Kim Mã.

Đọc thêm: Tên gọi, nguồn gốc của Xã Đàn

Xóm Hà Hồi (không phải Hạ Hồi)

Tại sao trong thành phố lại có xóm?

Gọi là xóm, nhưng thực ra đó lại là một con ngõ dài, chạy vòng nối từ phố Trần Hưng Đạo sang phố Quang Trung, một ngách nữa ra đường Trần Quốc Toản, 2 ngách cách nhau chưa đến trăm bước chân bên số chẵn đường Quang Trung.

Trong xóm cũng có vài quán ăn hay tiệm cà phê nhỏ, nhưng chủ yếu là các hiệu sách hay điểm văn hoá. Nhà cửa trong ngõ kiểu nông thôn Pháp, thường một tầng hầm, một tầng nhà, vườn bao quanh. 

Trước tiên là tên “xóm” giữa bao tên đường, tên phố khác, sau còn có rất nhiều điểm đặc biệt nữa. Mọi ngôi nhà trong xóm đều ghi trước biển hiệu hay số nhà của mình là “Hạ Hồi”. “Mọi người ở đây đã quen thuộc với cái tên Hạ Hồi, tuy nhiên đến lúc lắp biển thì không hiểu vì sao người ta ghi là Hà Hồi. Không chỉ vậy, cả bên bưu điện đều chấp nhận cái tên Hạ Hồi, đồ đạc, thư từ có địa chỉ ghi là Hạ Hồi vẫn được chuyển tới đúng nơi” – bác Phúc, một cư dân nơi đây, cho biết. 

Xóm Hà Hồi (không phải Hạ Hồi)
Xóm Hà Hồi (không phải Hạ Hồi)

Theo nhà Sử học Lê Văn Lan, xóm Hà Hồi được lấy theo tên của một ngôi làng ở huyện Thường Tín, nơi gắn liền với chiến thắng đêm mùng 3 Tết năm Kỷ Dậu của Vua Quang Trung – Nguyễn Huệ. Nơi đây nguyên là phần đất của một trại lính nhà Nguyễn có tên gọi là Hậu Quân. Đến thời Pháp thuộc, người Pháp đã cho mở 4 ngõ thông nhau, đặt tên là Giô-rê-ghi-be-ry (cité Jauréguiberry) mà lại có nơi dịch chữ Xitê (cité) là xóm. Đến tháng 7.1945, Thị trưởng lúc bấy giờ của Hà Nội là Trần Văn Lai vốn là một nhà sử học yêu nước đã cho đổi tên các con phố Tây thành các tên, địa danh gắn liền với lịch sử dân tộc. Xóm Hà Hồi cũng được đặt tên từ đó. 

Sau này, đến tháng 8.1945, Công báo của Cách mạng Tháng Tám cũng công nhận cái tên này và gắn liền đến nay. Tuy nhiên, lâu dần có nhiều người do phiên âm mà đọc nhầm tên “Hà Hồi” thành “Hạ Hồi”, cho đến năm 2007, khi Thành phố tổ chức cắm biển tên, mới chính thức lấy lại tên cũ là “xóm Hà Hồi”.

Phố Nguyễn Thiếp chứ không phải Nguyễn Thiệp.

Các bạn trẻ khi học văn học chắc đã nghe nhiều đến danh xưng: “La sơn Phu Tử”. Trong lịch sử nước ta, giới học thuật có đủ căn cứ để xếp bốn nhân vật vào hàng Phu tử, đó là Chu Văn An (1292-1370), Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), Võ Trường Toản (1720-1792) và Nguyễn Thiếp (1723-1804). Trong bốn bậc phu tử đó, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, sống thời Quang Trung – Nguyễn Huệ bách chiến bách thắng.

Phố Nguyễn Thiếp bắt đầu từ phố Nguyễn Trung Trực đến phố Hàng Khoai cắt ngang qua các phố Hàng Đậu, Gầm Cầu. 1 vài điều thú vị khi nói về vị quan này: Năm 20 tuổi ông đỗ Hương cống, nhưng mãi 13 năm sau mới chịu ra làm quan; 12 năm sau đó ông đã cáo quan về ẩn trên núi.

Nguyễn Thiếp được Nguyễn Huệ biết đến không chỉ về đạo đức mẫu mực, có ảnh hưởng sâu rộng trong dân chúng, mà còn là bậc thầy về tầm nhìn xa trông rộng, về thời cuộc đất nước. Ba lần, Nguyễn Huệ đã cho người mang lễ vật và thư mời ông, với lời lẽ hết sức khiêm nhường. Nguyễn Huệ cũng là bậc quân vương đầu tiên và duy nhất tôn xưng Nguyễn Thiếp lên bậc Phu tử. Thư Nguyễn Huệ viết: “Nay Phu tử nghĩ đến thiên hạ với sinh dân, vụt dậy ra đi, để cho quả đức có thầy mà thờ, cho đời này có người mà cậy. Như thế, mới ngõ hầu khỏi phụ ý trời sinh ra người giỏi”.

Lần thứ nhất, Nguyễn Thiếp chối từ. Lần thứ hai, ông gặp mặt, vui vẻ luận bàn nhưng vẫn xin về ở ẩn. Lần thứ ba, trên đường đem quân ra Bắc đánh 29 vạn quân Thanh, vua Quang Trung đã cho mời Nguyễn Thiếp đến để hỏi mưu đánh giặc. Nguyễn Thiếp khẳng định: “Chúa công đi chuyến này không quá mười ngày, giặc Thanh sẽ bị dẹp tan!”. Sau chiến thắng rực rỡ Tết Kỷ Dậu 1789, vua Quang Trung đã viết thư cảm ơn Nguyễn Thiếp: “Người xưa bảo rằng: Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ. Lời tiên sinh quả có thế thật!”.

Sau này, Quang Trung giao cho ông phụ trách việc biên dịch các sách kinh, truyện chữ Hán ra chữ Nôm, thực hiện các biện pháp cải cách giáo dục, đào tạo nhân tài; đồng thời ủy cho ông nghiên cứu kế hoạch xây dựng kinh đô mới ở Nghệ An nhưng sau khi Quang Trung từ trần, công việc của Nguyễn Thiếp không được triều đình chú ý tới nữa. Khi Gia Long lên ngôi, có mời Nguyễn Thiếp ra làm quan, nhưng ông từ chối. Vậy Nguyễn Thiếp là một nhân vật có thật trong lịch sử nên việc dùng đúng tên lại càng quan trọng.  

Tài liệu tham khảo: https://nguoihanoi.vn

Comments are closed.