Demo Example
Demo Example
Demo Example
Chưa phân loại

Những từ tưởng sai mà đúng.

Để giúp các “cảnh sát chính tả” có thêm kiến thức, tư liệu cũng như tránh “hàm oan” những người viết đúng chính tả, XCVN sẽ đưa ra những từ mà mọi người vẫn nghĩ là sai nhưng thực ra bản thân từ đó cũng có nghĩa.

  1. Bàn hoàn.

Từ này rất dễ làm “tang chứng phạm tội” mà các cảnh sát chính tả hay dùng để tóm “nghi phạm” vì chúng ta đã quá quen với từ “bàng hoàng” (ngẩn người ra, choáng váng đến mức như không còn ý thức được gì nữa). Thế nhưng từ “bàn hoàn” cũng có nghĩa và nghĩa còn rất hay.

Bàn hoàn 盤桓

Đây là từ ghép chính phụ gốc Hán, mà nghĩa của từng yếu tố được Hán ngữ đại từ điển và Hán điển giản như sau:

– Bàn 盤: vòng quanh; bồi hồi; quanh quẩn (ví dụ: bàn nhiễu – 盤繞 = quẩn quanh, vòng quanh; bàn toàn – 盤旋 = vặn xoắn, loanh quanh; bàn khúc – 盤曲 = quanh co, khúc khuỷu, uốn khúc);

– Hoàn 桓: lo nghĩ (nguyên văn: ưu dã – 憂也; ưu lự – 憂慮).

– Bàn hoàn: bồi hồi; quanh quẩn [nguyên văn: bồi hồi – 徘徊; đậu lưu 逗留].

Trong tiếng Việt, cả bàn và hoàn đều là những yếu tố phụ thuộc, không có khả năng độc lập trong hành chức, nên thường được các nhà biên soạn từ điển xếp vào diện “từ láy”.

Về điều này, Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên đã giảng: “Bàn hoàn: nghĩ quẩn quanh không dứt”. Bên cạnh đó, Từ điển Văn Tân và Việt Nam tự điển do Lê Ngọc Trụ chủ biên cũng giải thích thêm, lần lượt là: “Bàn hoàn: lo lắng trong một tình cảnh khó khăn và tính toán tìm lối thoát”, “Bàn hoàn: băn khoăn, không yên lòng. Tôi rất bàn hoàn, không muốn cho nó đi”.

Một số ví dụ:

Bài thơ Đi thuyền trên sông Đáy (Hồ Chí Minh) có câu:

Lòng riêng riêng những bàn hoàn

Lo sao khôi phục gian san Tiên Rồng.

Truyện Kiều cũng có câu:

Nỗi riêng, riêng những bàn hoàn

Dầu chong trắng đĩa, lệ tràn thấm khăn.

Tóm lại, “bàn hoàn” là từ viết đúng chính tả, thường được dùng trong văn chương và có nghĩa là “lo lắng”, “nghĩ quẩn quanh không dứt”.

Đọc thêm: “Cơm muối”, “Trộm vía”… vì sao hay nói điều này với trẻ con

  1. “SÂY SÁT” VÀ “XÂY XÁT”

“Xây xát” là từ dùng để chỉ vết trầy xước, thương nhẹ ngoài da, còn “sây sát” thì được xem là một từ sai chính tả và khá nhiều lần chúng tôi chứng kiến các cảnh sát chính tả bắt oan nghi phạm từ này. Nhưng thực tế, “sây sát” là từ đồng nghĩa với “xây xát”.

Về điều này, Từ điển Văn Tân có giải nghĩa “sây sát” là bị sứt ở bên ngoài. Bên cạnh đó, Việt Nam từ điển của Hội khai trí Tiến Đức cũng giải thích rằng “sây sát” nghĩa là “sây da, sát thịt”. Ví dụ như là “ngã sây sát cả mặt”. Và cũng theo từ điển này, “sây” có nghĩa là “hơi sầy ra”, với “sầy” chỉ trạng thái bị một ít da hay vỏ mỏng do cọ xát. Còn “sát” (擦) có một nghĩa là “trầy” (được ghi nhận trong từ điển của Trần Văn).

Thêm vào đó, Theo Từ điển Tiếng Việt – Hoàng Phê cũng cho nghĩa “sây sát” là bị sầy, xước nhiều chỗ. Ví dụ “Ngã sây sát cả mặt mày”, “bàn ghế mới tinh, chưa hề bị sây sát”. Và cũng trong từ điển này, từ “xây xát” được giải thích rằng đồng nghĩa với từ “sây sát”.

Như vậy, “sây sát” hoặc “xây xát” đều có nghĩa là bị trầy, xước. Trong đó, “sây sát” đã được dùng lâu và được ghi chép ở nhiều từ điển uy tín, còn “xây xát” chỉ mới được ghi nhận trong các tư liệu gần đây.

  1. “DƯ DẢ” HAY “DƯ GIẢ”?

Từ này là từ mà các cảnh sát chính tả tự biến mình thành nghi phạm nhiều nhất. Rất nhiều người sử dụng dư giả và nghĩ đây là từ đúng.

Về điều này, Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học giảng như sau: 

“Dư dả: Có thừa, so với mức cần thiết của đời sống vật chất (nói khái quát). Sống tương đối dư dả”. 

Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức cũng giải thích: “Dư dả: Có dư tiền. Kiệm cần dư dả để phòng cưới em”.

Như vậy, trong trường hợp này, “dư dả” mới là cách dùng phù hợp.

Tuy nhiên, trong các tư liệu cổ cũng đã từng xuất hiện từ “dư giả”. Thật vậy, Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức ghi nhận: “Dư giả: Cái còn dư lại”. Tuy nhiên tư liệu này cũng ghi nhận cả “dư dả”, vì thế có thể khẳng định rằng từ này không phải là biến âm của từ kia. Ngoài ra thì “dư giả” không còn thấy xuất hiện trong các từ điển hiện hành.

Nói thêm về “dư”, Giáo sư Lê Ngọc Trụ có chỉ ra rằng đây là một từ gốc Hán, vốn được viết bằng Hán tự là 餘 mà âm Hán Việt hiện hành cũng là “dư” nghĩa là “thừa ra”. Còn “dả” thì không thấy xuất hiện trong các tư liệu mà chúng tôi tra cứu được. Nhiều khả năng đây chỉ là một yếu tố láy vô nghĩa.

Tóm lại, theo các từ điển hiện hành thì “dư dả” là cách dùng chính xác. “Dư giả” là một từ cổ, đến nay gần như không còn được sử dụng.

Comments are closed.