Demo Example
Demo Example
Demo Example
Chuyện Việt Nam

Tập tục kỳ lạ: Thờ Chó Đá

Ở Hà Nội có một ngôi làng thờ Chó Đá. Với người dân trong làng, vị Thần Cẩu này đã gắn liền với tín ngưỡng dân gian của họ suốt 400 năm nay. Hôm nay, hãy cùng Xin Chào Việt Nam ghé thăm ngôi làng Địch Vĩ (nay là Địch Đình, Đan Phượng) có tục thờ kỳ lạ này thông qua Phiếm phong tục.

Tương truyền, ngày xưa ở vùng cửa sông Hát có 2 anh em nhà nọ. Anh trai tên là Ngọc Tri, quan viên triều đình còn em trai là Hoàng Thạch. Một lần anh trai ra trận đánh giặc, giao lại nhà cửa, ruộng đồng cho người em trai ở nhà trông nom cùng với chị dâu ở nhà. Sau khi đánh giặc tan, anh trai về thấy vợ có thai nên đem lòng ghen tức. Lòng ghen tức lên tới đỉnh điểm, người anh trai giận dữ tột độ nên chém chết em trai. Sau đó, người anh mang xác vứt xuống sông rồi mắng rằng: “Đồ chó má”.

Thời gian sau, người vợ sinh ra một “quái thai”, người em báo mộng về cho anh là bị oan. Về phần người em, sau khi chết, xác hóa thành khối đá. Tượng chó đá trôi đến địa phận làng Thọ Xuân, nằm đối diện làng Địch Vĩ, được ngăn cách bởi con sông Hồng.

Tục thờ Chó Đá

Dân làng Thọ Xuân đổ ra xem pho tượng lạ. Vốn là tượng quý nên người Thọ Xuân cử hàng trăm người ra khiêng về thờ nhưng không thể. Kì lạ thay chỉ có mấy người làng Địch Vĩ hò nhau ra khiêng thử thì pho tượng nhẹ bẫng. Biết là báu vật linh thiêng, làng Địch Vị mang về hạ ở đầu chùa, bảo vệ khu đình, chùa và cho cả làng.

Người dân Địch Vĩ hương khói thờ phụng và sau này tôn làm quan lớn Hoàng Thạch, thờ cúng cho đến nay. Tượng thờ “Ngài chó đá” được đặt trang nghiêm tại gò đất cao ở đầu làng, tiếp giáp ngôi chùa cổ. Ngồi giữa là chó lớn, cao 1,4m, quây quần hai bên là đàn chó nhỏ gồm 16 con kích cỡ khác nhau, rất sinh động. Nhóm chó đá này được đặt trang nghiêm trên một bệ thờ xây bằng gạch, rộng 10m2, xung quanh bệ thờ có tường bao quanh.

Từ đó, chó đá đã phù trợ cho dân làng làm ăn ngày một no ấm, thịnh vượng. Dân làng đặt thần hiệu là “Hạ giới đại vương”. Hằng năm, vào dịp tết Nguyên đán, cứ đến ngày Khai Hạ (mồng 7 tháng Giêng), dân làng Địch Vĩ lại mang lễ vật lên Đền Hát Môn (Phúc Thọ) để dâng lễ và hội tế. Tục truyền rằng, chỉ khi nào có lễ của dân em Địch Vĩ mang lên, thì dân anh Hát Môn mới khởi lễ.

Hai làng cách nhau chừng 2km đường chim bay, và như vậy, nhóm tượng chó đá dường như cũng có ý chầu về cội nguồn sông Hát…Ở Hát Môn cũng có 2 tượng chó đá cỡ lớn hướng mặt vào nhau, đặt phía sau đền thờ Quận Công.

Ở Làng Địch Vĩ, tượng chó đá rất linh ứng. Dân làng coi quan Hoàng Thạch như một vị “Bao Công” để xét xử những oan ức, chuyện éo le, khó phân giải của người đời. Một người mất trộm, ra đặt lễ kêu khấn thì lại thấy của. Có người bị vu oan, nhờ cậy “Ngài” minh giải nỗi oan sai. Đôi vợ chồng xung khắc, suýt bỏ nhau, đến thề thốt nhờ cậy “Ngài” thì tự nhiên yêu nhau đắm đuối hẳn lên, đoàn tụ gia đình. Người buôn, kẻ bán ở gần đó cứ năng đến Ngài cầu nguyện thì ăn nên, làm ra….

Comments are closed.