Demo Example
Demo Example
Demo Example
Chưa phân loại

Tò he – chuyện kể dân gian

Từ bao đời nay, trong dân gian đã lưu truyền câu ca dao: “Thứ nhất bánh đa, thứ nhì bánh cuốn, thứ ba chim cò”. Làng Xuân La có nhiều nghề, nhưng nghề nặn “bánh chim cò” vẫn được lưu truyền đến ngày nay.

Khởi nguồn của Tò He.

Trước đây, tò he không được gọi là tò he, mà tên là con giống bột. Con giống bột ngày xưa có 2 dòng. Một loại là con giống Ta có xuất xứ từ Đồng Xuân, Đồng Lạc.

Con giống Đồng Xuân thường được tạo hình những con vật nuôi gần gũi với con người thời xưa như trâu, ngựa, dê, chó, gà, lợn (gọi chung là bộ lục súc). Bên cạnh đó, còn có một số con vật, đồ vật thân quen với đời sống thường ngày như con cua, con cá vàng, đôi hài, mâm ngũ quả…

Loại thứ hai là con giống Khách (hay còn gọi là con giống Phố Khách) du nhập từ Trung Quốc, thường có ở Mã Mây, Hàng Buồm – nơi sinh sống của người Hoa tại Hà Nội.

Những con giống Phố Khách được tạo hình cầu kỳ hơn với kỹ thuật làm cốt, tạo vẩy rất tinh xảo (còn gọi là con giống vảy). Đề tài con giống Phố Khách chủ yếu là các nhân vật thần thoại như lân, nghê, sư tử, thiềm thừ,…

Hai loại con giống trên được nặn bằng bột hoàng tinh trộn bột nếp, sau khi đã thành hình thì được phết thêm một lớp dầu quang bóng để bảo quản được lâu. Đến đầu những năm 90 thì con giống Phố Khách và Đồng Xuân đã gần như thất truyền, chỉ còn lại con giống Phú Xuyên.

Các cụ ở vùng quê Xuân La kể rằng, bấy giờ còn đói nghèo, trẻ con trong vùng chỉ có vài món đồ chơi giản đơn tự tạo như con công, gà, bò, lợn, cá… từ nguyên liệu bột tẻ pha bột nếp hoặc bột dong và từ đó có tên “bánh chim cò”.

Một số vùng tại miền Bắc, người ta còn gọi là “con bánh” vì bên cạnh hình thù các con vật, người ta còn nặn bột thành nải chuối, quả cau, chân giò, đĩa xôi… tạo thành mâm cỗ để đi chùa dâng cúng. Về sau, sản phẩm được gắn vào một chiếc kèn ống, ở đầu kèn có quét chút mạch nha, khi thổi phát ra âm thanh “tò te” thế nên có lẽ người ta gọi là “tò te”, sau này nói trại thành “tò he”. 

Dần dần, Tò he trở thành một loại đồ chơi dân gian của trẻ em Việt Nam rất được ưa chuộng cũng bởi những hình thù ngộ nghĩnh, màu sắc bắt mắt và nó lại được nặn tại chỗ chỉ trong vài phút.

Công đoạn làm tò he.

Ở làng Phú Xuyên, nặn tò he có nguồn gốc lâu đời nhưng do tư liệu chép đã bị cháy nên không tìm ra được ông tổ nghề. Hơn nữa, trong làng có rất nhiều dòng họ: Ðặng, Nguyễn, Vũ, Lê, Chu, Trịnh… mà họ nào cũng biết nặn tò he. Vì thế, chức danh ông tổ nghề được phong cho dòng họ nào cũng xứng đáng cả. 

Hiện tại có cụ Đặng Văn Tố, người đã được Bộ Văn hóa thể thao và du lịch phong tặng là nghệ nhân bởi những cống hiến của cụ cho nghề truyền thống này. Cụ Tố không còn nữa, nhưng con trai cụ là anh Đặng Văn Tẫn vẫn tiếp tục kế nghiệp cha mình.

Bí quyết của nghề này chính là cách nhào và pha chế bột sao cho bột dẻo, thơm, nhưng vẫn giữ được lâu mà không bị mốc và khô. Bột làm tò he nhất thiết phải là bột nếp, nếu có pha chút gạo tẻ thì phải đúng tỉ lệ 7 nếp, 3 tẻ. Bột được xay nhỏ mịn, nhào nhuyễn rồi được bọc cẩn thận trong túi nilông để chống khô. Sau đó khối bột được chia thành 7 phần để nhuộm màu, thuật ngữ nghề nghiệp còn gọi là thấu màu. 

Tò he có 7 màu cơ bản như: xanh, đỏ, vàng, hồng, tím, đen và trắng. Các loại màu được lấy từ thực vật tự nhiên, có trong đời sống hàng ngày như: màu xanh lấy từ lá tràm, trầu không; màu đỏ lấy từ quả gấc; màu vàng lấy từ củ nghệ; màu hồng lấy từ cánh hoa sen; màu tím từ trái mồng tơi; màu đen lấy từ lá nhọ nhồi; chỉ có màu trắng là không cần phải nhuộm.

Khi cần thiết các nghệ nhân có thể pha thêm các màu có sẵn như: màu trắng trộn với màu hồng thành màu hồng nhạt, màu vàng trộn với màu đỏ để thành màu da cam,… và tạo ra những cục bột chín dẻo thơm hương vị của đồng quê. Để làm ra những sắc màu thiên nhiên này, người làm tò he phải tốn khá nhiều công sức để pha chế. 

Thời đó, để làm 1kg bột có màu đỏ thì phải dùng đến mấy chục quả gấc. Công đoạn làm màu rất vất vả và khá tốn thời gian. Bột nếp làm tò he được hấp chín và pha chút đường, vì thế trẻ em khi chơi tò he là có thể ăn được. Còn bây giờ, nguyên liệu công nghiệp có sẵn, người nặn tò he dùng màu này tiện lợi hơn và tò hè giờ cũng chỉ là đồ chơi cho con trẻ chứ không phải là đồ ăn quà như ngày xưa.

Đọc thêm: Con Nghê – Linh vật biểu trưng cho văn hóa Việt Nam

Nghề Tò he với công cụ khá thô sơ: nắm bột, một chút phẩm màu công nghiệp, chiếc lược răng nhỏ, con dao, miếng sáp ong để làm trơn tay, vài que tre vót sẵn… thế là người nặn Tò he có thể rong ruổi trên chiếc xe đạp đi kiếm kế sinh nhai.

Cũng chính vì sự gọn nhẹ, tiện lợi này, người dân ở làng Xuân La thường xuyên đạp xe đến những vùng lân cận để kiếm sống, đến chiều tối lại rong ruổi đạp xe về. 

Tuy nhiên, nặn tò he tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Làm nghề này phải có óc tưởng tượng tốt, có hoa tay mà cao hơn nữa đó còn là tính nhẫn nại, cần mẫn và tình yêu thương con trẻ.

“Nặn được ra hình thù các con vật không khó, nhưng làm cho con vật có linh hồn, cảm xúc thì không phải ai cũng làm được”.

Thông điệp

Tò he là sản phẩm đồ chơi dân gian nhưng giản dị như lời ru của mẹ, tích tụ trí tuệ qua nhiều đời. Những sản phẩm ấy đã để lại cho người xem tình cảm thắm đượm, ngôn ngữ tò he giàu tính biểu cảm, tính nhịp điệu mang nét gợi nhớ cho con trẻ.

Câu chuyện Tò he được kể khá dài từ đời nọ qua đời kia và đến thời nay, trẻ em Việt Nam vẫn hăng say lắng nghe và tìm hiểu câu chuyện về trò chơi dân gian này. Tuy có giai đoạn, những con giống bột này tưởng chừng đã mãi mãi ở lại trong hoài niệm, vì không cạnh tranh nổi với những món đồ chơi hiện đại, cũng như không còn mấy ai giữ nghề nữa song sự trở lại của tò he trong những năm gần đây là một điều đáng mừng. 

Cùng với “màn comeback” ngoạn mục của mình, con giống bột đã thay đổi nhiều so với thời xưa. Con đường hồi sinh con giống bột hiện nay đã không còn là chặng đường riêng của những nhà nghiên cứu của những nghệ nhân mà đã có sự tham gia của các thế hệ trẻ Việt.

Xem các video hay của Xin Chào Việt Nam tại đây.

Write A Comment