Nhịp sống hiện đại kéo theo sự phát triển của các ngành nghề trong xã hội. Từ những nghề đã leo lên đỉnh của mọi loại nghề như IT hay đến những nghề mà trước đây chưa từng nghe như content creator đã trở thành xu thế cũng như tìm được chỗ đứng trong xã hội. Thế nhưng có những nghề trước đây đã tồn tại cả hàng thế kỷ và trở thành những hồi ức đẹp đẽ trong lòng mỗi người dân Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
Nghề tẩm quất dạo
Cách đây độ 40 năm, vào những đêm hè, khoảng 20h trở đi, khi đường phố đã vắng bóng người qua lại, trời oi bức, vài gia đình bắc ghế ra hiên ngồi hóng mát, trẻ nhỏ trải chiếu ra hè nằm thì từ xa vọng lại tiếng rao: “Quất đê…ê…ê… tẩm quất…đê…ê…”. Tiếng rao thoạt tưởng như ai đó đang tìm người để…trao đổi chiêu thức nhưng với những người sống trong thời kỳ những năm 80, tiếng rao này lại vô cùng thân thuộc, nhất là với những người làm nghề lao động tay chân suốt cả ngày.
Hồi đó, vào mỗi tối, len lỏi giữa những con phố nhỏ là những ông lão tẩm quất mù với cặp kính đen, bộ quần áo nâu ta bạc phếch, nách cắp chiếc chiếu đơn, tay khua khua chiếc gậy trúc tìm đường xuất hiện. Một vị lão niên chia sẻ rằng, gần như tối nào cũng phải “súc miệng” một bài tẩm quất thì đêm mới ngủ được, lâu ngày thành nghiện. Khi tiếng gậy đã khua cộc cộc đến gần, bác đứng dậy bước qua hè tóm chiếc gậy của ông lão tẩm quất lôi vào. Tuy mắt mù nhưng ông lão tẩm quất lại rất tinh. Biết nhà này hay có khách chờ nên gần đến đoạn đường quen là ông lão lại cất giọng: “Quất đê….”. Lũ trẻ đang nằm nhổm cả dậy, đứa nào cũng quần đùi cởi trần vây quanh ông lão để hóng.
Ông lão bắt đầu ngồi xổm, đặt chiếc gậy bên cạnh rồi làm công việc quen thuộc là trải chiếc chiếu một xuống hè, người khách cởi may ô rồi nằm úp mặt xuống chiếu, chân tay buông thõng. Hai sống bàn tay ông lão “múa” trên lưng khách hàng như cái máy phát ra âm thanh tanh tách.
Đôi tay chạy khắp lưng, chạy đến đâu kêu đến đấy. Tiếp đến là động tác bẻ tay, bẻ chân, bẻ cổ, khắp người đều phát ra tiếng răng rắc, khùng khục… Lũ trẻ được chứng kiến màn tẩm quất như trò xiếc không biết bao lần mà vẫn sướng rơn. Xong hết bài, người khách nhổm dậy khoan khoái với chiếc áo treo trên cánh cửa móc ra 5 hào trả công. Ông lão vơ chiếc chiếu cuộn vào nách rồi cầm gậy đứng dậy. Một thằng bé sẽ tiện chân cầm đầu gậy dắt xuống đường. Rồi ông đi xa dần, tiếng “quất…” vẫn kéo dài và chìm vào màn đêm. Ông ra ga Hàng Cỏ, thời điểm hành khách đang mệt mỏi vì chờ tàu ngược Lạng Sơn thế nào cũng kiếm được vài khách nữa.
Nhưng thời nay ai mà còn dám gọi mấy ông lão mù vào nhà nữa, vừa mất vệ sinh vừa bệ rạc. Cầu không còn, cung thì cũng hiếm, cái nghề tẩm quất dạo lùi vào dĩ vãng. Cách đây độ chục năm, người ta còn thấy những cửa tiệm với biển hiệu ghi “Tẩm quất người mù”, âu cũng là cách để cho các cụ không phải nai lưng, dò dẫm nơi phố thị ngày càng đông đúc, nhưng cũng chẳng tồn tại được mấy lâu. Giờ thì khách ít tiền cũng vào spa, không thì các trung tâm vật lý trị liệu, sẽ được các cô gái dẫu không đẹp như mơ thì cũng trẻ trung sạch sẽ, đâu còn ai ngó ngàng đến những ông lão mù với chiếc gậy “cộc cộc” nữa.
Nghề hàn dép nhựa
Chuyện (lại) được kể bởi những vị lão niên, hàng sáng cứ tầm 7-8h, một ông bác có tuổi tóc hoa râm, mặc áo bộ đội bạc màu rộng thùng thình lại xách đồ nghề đi kiếm sống. Đồ nghề là chiếc thùng sắt tây cao chừng 30 phân, trong có chiếc bếp dầu và que mỏ hàn. Một chiếc làn cũ đựng nguyên liệu là những mảnh dép nhựa đủ màu được cắt nhỏ chứa trong một hộp bánh quy, thêm ít dầu tây (dầu hỏa) trong chai bia Vạn Lực, bi đông nước, cặp lồng cơm ăn trưa và 2 chiếc ghế gỗ con con để chủ và khách ngồi. Một tay xách thùng đồ nghề, tay kia xách làn, bác ta sẽ đi tắt từ đường Đại Cồ Việt băng qua cổng công viên Thống Nhất để đến chỗ ngồi quen thuộc hàng ngày là ga Hàng Cỏ. Nơi đó tụ tập những người đang “hành nghề” giống bác. Chỉ chừng mươi phút sau đã xuất hiện vài vị khách, dáng vẻ thong thả nhưng nôn nóng trên đôi mắt. Tài sản quý giá nhất của họ chính là đôi dép nhựa Tiền Phong thuộc hàng xịn xò nhất lúc bấy giờ, đang chờ để được những đôi bàn tay ma lực kia sửa lại cho.
Lại nói về dép nhựa Tiền Phong, đến bây giờ thế hệ 6X, 7X, thậm chí là 8x “đời đầu” chắc còn nhớ về đôi dép ấy. Thời bao cấp cái gì cũng thiếu thốn nên giày da, dép da là một thứ gì đó xa xỉ khó với tới đối với hầu hết người dân. Thanh niên hầu hết đi dép đúc của Trung Quốc, dép cao su, sang trọng thời thượng hơn một chút là tông Thái hay đôi dép nhựa Tiền Phong.
Dép nhựa nhãn hiệu Tiền Phong ngày đó có nhiều cơ sở sản xuất ở Hà Nội, Thái Bình nhưng nổi tiếng nhất vẫn là dép Tiền Phong của nhà máy cùng tên ở Hải Phòng. Đó là đôi dép màu trắng trong, có quai chéo phía trước, có khuy bằng nhôm cài quai phía sau, nhìn đơn giản nhưng khá… sành điệu! Hồi đó, dép nhựa Tiền Phong thực sự là của hiếm. Nam thanh niên nào mặc quần thụng, áo bay Nga, đội mũ cối Tàu, chân đi tông Thái hoặc đôi dép nhựa Tiền Phong thì đúng là… vô đối, nhiều người nhìn lác mắt.
Dép nhựa Tiền Phong thịnh hành, làm mưa làm gió trên thị trường hàng tiêu dùng trong nước từ cuối những năm 80 đến nửa đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Hồi đầu dép nhựa Tiền Phong bán phân phối nên có tiền cũng chẳng mua được. Người ta phải tăng gia sản xuất, nuôi lợn để bán cho Nhà nước mới được tờ giấy ưu tiên mua dép nhựa Tiền Phong.
Quay trở lại với câu chuyện về những người sửa dép, quy trình sửa lại đôi dép nhựa cực kỳ chuyên nghiệp. Đầu tiên họ cần nhấc chiếc bếp dầu con từ trong thùng đồ nghề, rồi người thợ đổ dầu rồi châm lửa, 6 ngọn bấc bốc xanh lè. Vặn cho nhỏ lửa rồi đặt lại vào trong thùng sắt tây, đặt miếng tôn mỏng bằng quyển vở lên chốc bếp, lúc này người thợ lành nghề mới mở hộp nguyên liệu chọn những miếng nhựa trắng (và phải là nhựa Tiền Phong chính hiệu) đã được cắt nhỏ bằng đầu ngón tay để riêng. Hai que hàn bằng sắt một cái đầu đập bẹt, cái kia có đầu như mỏ hàn điện được đặt trên tấm tôn đã đỏ lửa. Khi 2 mỏ hàn đã đủ nhiệt, giờ là lúc người thợ phô bày kỹ năng thông thạo 7 của mình.. Miếng nhựa trắng được đặt đúng chỗ quai đứt, bác dùng chiếc que hàn dẹt di di đến khi nhựa nóng chảy khiến 2 quai dép dính liền vào nhau. Để một lát cho nguội, bác dùng giấy nháp cọ cho phẳng lì. Mọi động tác thuần thục và đạt đến cảnh giới cao nhất của sự am tường.
Những người thợ sửa dép ấy có lẽ đã mất từ lâu, và kể từ đó nghề hàn dép nhựa cũng mất luôn theo các bác. Giờ dép nhựa chỉ cần hơi ngả màu là người ta đã vứt đi. Mà dép nhựa cũng chỉ để đi lại loanh quanh, chứ thiên hạ ưa dùng giày Gucci, Puma, Adidas… Nghề ấy nay chỉ còn là giai thoại.
Nghề khắc bút
Những năm trước và sau giải phóng Sài Gòn, ở cửa đền Ngọc Sơn bên hồ Hoàn Kiếm thường xuất hiện một thanh niên ngồi khắc bút máy. Đồ nghề của anh cũng khiêm tốn, chỉ có chiếc hộp gỗ to bằng 2 quyển vở trên có nắp kính, bên trong bày khoảng 5-6 chiếc bút máy các loại đều được khắc chữ rất đẹp. Chữ thường viết nghiêng theo lối cổ điển, mỗi bút lại được khắc nội dung khác nhau. Chiếc bút Kim Tinh nắp vàng Trung Quốc nổi bật với hàng chữ: “Thân tặng bạn L…” trên thân, cuối hàng chữ còn khắc cánh hoa hồng. Đó là đại diện tiêu biểu cho những người “nghệ nhân không được công nhận” trong ngành nghề của họ, nghề khắc bút.
Cách đây nửa thế kỷ, chiếc bút máy là vật bất ly thân của nhiều người trong xã hội nên nghề khắc bút ở Hà thành còn thịnh hành và việc khắc chữ lên bút là sở thích của nhiều người. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, người ta thậm chí còn chế ra những chiếc máy khắc bút và nhiều cửa hàng khắc bút bằng máy mọc lên ở phố Hàng Bông, Hàng Gai… như một nghề trong phố cổ Hà Nội.
Lúc bấy giờ, một bát phở giá 3 hào, khắc bút đã 2 hào rồi nên cuộc sống của những người thợ thủ công này cũng tạm đủ. Bình thường chỉ 2 phút là xong, những hình vẽ cầu kỳ mất nhiều nhất 5 – 10 phút. Những chiếc bút khắc cả chữ cả hình, giá là 5 hào.
Khách hàng của ông chủ yếu là những thanh niên sắp lên đường nhập ngũ. Trước khi đi, họ được phường, quận tặng khăn mặt, kem đánh răng, quyển sổ, chiếc bút làm quà. Nhiều trường hợp hy sinh, khi gia đình bốc mộ, mọi kỷ vật đã mục nát duy chỉ còn chiếc bút máy với nét khắc trên vỏ vẫn còn nguyên.
Bút thì có nhiều loại, nhưng hồi đó ai có điều kiện thì mới dùng bút Kim Tinh (Trung Quốc sản xuất), còn đa số đều dùng bút Hồng Hà của Việt Nam. Anh thợ khắc bắt đầu công việc bằng một lưỡi dao nhỏ xíu, nhưng rất sắc. Phần chuôi dao được gắn vào thân của chính 1 chiếc bút cũ. Anh đưa lưỡi dao đến đâu nét chữ hiện lên đến đó. Khi đã khắc hết hàng chữ, anh lấy thứ bột trắng xoa lên, lúc này thân bút hiện rõ nét chữ nghiêng rất đẹp “Kỷ niệm ngày tạm biệt em” nổi bật trên nền màu đỏ. Theo yêu cầu của khách, trên hàng chữ còn khắc đôi chim bồ câu trắng chạm mỏ vào nhau tượng trưng cho tình yêu vĩnh cửu. Có vài người hiếu kỳ đứng xem bàn tay khéo léo như múa trên thân cây bút máy của vị khách thuê khắc. Anh thợ đưa lưỡi dao đến đâu mạt nhựa từ thân bút rơi ra đến đó, anh dùng chiếc khăn vải mỏng lau sạch và chữ hiện dần ra như một phép màu.
Trả 3 hào tiền công, vị khách cầm trên tay chiếc bút ngắm đi ngắm lại ra chiều ưng ý rồi đi nhanh ra bến tàu điện Bờ hồ khi nghe thấy tiếng keng keng của đoàn tàu từ phố Huế vọng tới. Bây giờ yêu nhau, người ta kỷ niệm bằng những chiếc điện thoại thông minh, nhẫn đính kim cương hay dây chuyền vàng… Mấy ai còn tặng bút khắc chữ rắc bột phấn, như thế dễ bị người yêu nói lời chia tay lắm.
Và dần dà, những thứ nghề đòi hỏi đôi tay điêu luyện của những người thợ ấy đã biến mất, trở thành giai thoại mà bây giờ chỉ còn được nghe kể qua những người đã từng có cơ hội may mắn được trải nghiệm, và cũng thật may, còn có những người muốn lắng nghe những câu chuyện ấy.
- Xem thêm các clip hay của Xin Chào Việt Nam tại đây