Demo Example
Demo Example
Demo Example
Chuyện Việt Nam

Tục ném đất ở làng Văn Trì – Bắc Từ Liêm

Nếu như trên thế giới có môn thể thao Dodgeball, xuất hiện khoảng từ 200 năm trước thì Việt Nam ta đã có tục ném đất cách đây cả ngàn năm. Không chỉ ném và né, trò chơi này còn phải vận dụng tục ngữ, ca dao, đôi khi kèm cả…ca hát. Hôm nay, hãy cùng Xin chào Việt Nam tìm hiểu một bộ môn thể thao văn võ song toàn này thông qua Phiếm phong tục.

Ở quận Bắc Từ Liêm có bốn làng kề nhau: Văn Trì, Nguyên Xá, làng Hạ (nay là xã Tây Tựu) và làng Phúc Đam (nay là Phúc Lý). Vào đầu năm, 4 làng này lại bắt cặp, trai đinh kéo nhau ra cánh đồng giáp ranh, lấy đất ruộng và…ném vào nhau.

Nét khác biệt là khi ném, họ dùng lời ăn tiếng nói khích bác nhau, vận dụng tục ngữ, ca dao, đôi khi kèm cả ca hát. Quy ước trò chơi rằng, dù khiêu khích thì vẫn phải có văn phép, cấm văng tục chửi bậy, thô lỗ bỉ lậu, ai vi phạm phải phạt vạ. Không được ném bằng mảnh sành, mảnh chĩnh, niêu đất để cháy gây nguy hiểm và thương tích nặng. Cũng không cần phải ném trúng nhau (nhưng ném trúng thì càng tốt).

Theo lời truyền trong dân gian thì xưa kia vua Hùng từng hành quân qua đây. Trong thời gian nghỉ lại, Vua cho quân lính tập ném lao, phóng tên, rèn luyện chiến đấu…Vì không đủ vũ khí nên phải dùng đất mà phi cốt sao trúng đích, đồng thời luyện khỏe tay, tinh mắt.

Từ đấy, dân trong vùng thuộc bốn làng này, hàng năm lại mở hội luyện quân – ném nhau, vừa để tưởng nhớ tích vua Hùng qua làng, vừa để vui xuân, rèn luyện sức khỏe gìn giữ quê hương. Sau này tục Ném đất còn thêm ý nghĩa: “Đầu năm mới ném hết cái xấu đi”, để từ đây làm ăn thuận lợi.

Dưới đây, xin phép có một bản tường thuật trực tiếp một trận đấu giữa làng Văn Trì và Làng Nguyên Xá như sau.

Đầu tiên, trai làng Văn Trì phát…đất, ném một hòn đất sang bên phần sân Nguyên Xá và bắt đầu khích: Hòn đất ném đi, hòn gì ném lại?

Nguyên Xá né được, chọn một hòn đất rõ to và “tương” lại: Hòn đất mà biết nói năng – thì làng chúng nó hàm răng chẳng còn.

Có vẻ hòn đất tương đối to đã làm rối loạn bên Văn Trì, thấy bên kia có vẻ nghĩ hơi lâu, Nguyên Xá lại tiếp: Ba đồng một mớ hồng ngâm – bên kia không nói thì câm mất mồm.

Văn Trì nảy số, vừa ném đất vừa đáp : Ba đồng một mớ cá chày – Tao không thèm chấp mẹ thầy mày đâu.

Thấy căng, bên Nguyên Xá bèn hòa giải, nịnh nọt: Công cha như núi Thái Sơn – nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy raGiếng Văn Trì vừa trong vừa mát – Đường Văn Trì gạch lát dễ đi. Vừa hòa giải nhưng đất vẫn ném rào rào.

Văn Trì không thèm nghe lời nịnh nọt : Yêu ai yêu cả đường đi – Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng.

Nguyên Xá thấy bọn Văn Trì không thèm nghe lời đấu dịu thì quát: Mày nuốt đầu tao thì mắc vai…Văn Trì cậy thế có người làm quan tổng đốc xứ Thanh mà định bắt nạt à?

Văn Trì đắc ý chơi chữ: Con đứng xê ra để nó ném bố. Làng mày mổ bò mổ trâu – ừ thì mày cứ làm trâu thì làm.

Nguyên Xá thấy bọn này đã có quan to chống lưng lại còn chơi chữ liên tục thì á khẩu. Không nói gì chỉ chọi đất.

Thấy thế, Văn Trì liền chốt hạ: Bọn Mãn Xá kia ăn cá không bỏ xương, nằm giường không chiếu, hút điếu không xe, Ăn chè không bát. 

Ném lâu thấm mệt, Văn Trì thắng game này, 2 bên thu quân kéo về để chiều mai ra…chọi tiếp.

Trò chơi này, phần đối đáp lấy từ ca dao tục ngữ, do bô lão có vốn học truyền bảo mách nước. Ngoài ra, để phòng sứt đầu mẻ trán , có anh lấy mo cau làm mặt nạ che đầu, che ngực. Nhưng cơ bản phải biết né tránh để cho đất không trúng vào mình. Ai tránh giỏi thì tan cuộc không bị lấm lem. Ai đối đáp hay hơn thì thắng trận.

Tục ném nhau đã diễn ra liên tiếp năm này qua năm khác. Chỉ đến sau Cách mạng tháng 8 mới tạm ngừng, từ sau năm 1954 thì mất hẳn,. Riêng hai làng Phúc Lý, Tây Tựu vẫn còn tục ném đất đến mấy năm nữa mới chấm dứt.

Tục này còn một điều rất lạ là sau mỗi lần ném đất, dân hai làng vẫn đi lại thăm nhau, gả con cho nhau, kết thông gia vui vẻ và đến khi Tết đến, xuân về lại lôi nhau…ra ném.

Comments are closed.