Nằm nép mình trong ngõ 199 Thụy Khuê (cổng làng Thụy Khuê cổ) có một ngôi chùa mang tên Châu Lâm, và ngôi chùa này chính là chùa Bà Đanh nổi tiếng trong câu nói “Vắng như chùa Bà Đanh”. Thế nhưng khi đào sâu vào tìm hiểu, những người làm nội dung mới cực kỳ sửng sốt về giai thoại lâu đời cũng như ở Hà Nội có một vùng đất mà toàn người Chiêm Thành sinh sống.
Thuở xưa, tức là cách đây khoảng 700 năm, dưới thời Hậu Lê, năm 1471 đích thân Vua Lê Thánh Tông dẫn quân đi đánh Chiêm Thành.
Lần ấy quân Lê thắng lớn, bắt được 30.000 tù binh Chiêm. Vua Lê Thánh Tông lệnh đưa hết số tù binh Chiêm này về Đại Việt. Trong số những tù binh đó có nhiều người khỏe mạnh, có tay nghề xây dựng, nghề mộc. Vua đưa những người có tài đó về kinh thành để tiện phục vụ xây dựng công trình.
Nơi những tù binh Chiêm đó sinh sống được lập ở bên hồ Dâm Đàm (chỗ trường THPT Chu Văn An hiện nay). Chỗ đó được gọi là ấp (hoặc viện) Châu Lâm. Chữ Châu Lâm không có nghĩa là “rừng ngọc” mà được hiểu như sau: “Châu” là chỉ vùng miền, như kiểu châu Hoan, châu Ái xưa, còn “Lâm” gợi về quê hương Chiêm Thành. Ấp Châu Lâm là nơi những người tù binh Chiêm sống.
Những thợ tù binh Chiêm vốn theo đạo Phật nên ở ấp Châu Lâm có một ngôi chùa nhỏ để họ đến đó thực hiện tín ngưỡng của mình. Đây cũng là một việc làm thể hiện sự quan tâm đến đời sống tâm linh của những người Chiêm. Chùa dành cho người Chiêm nên được đặt theo tên ấp là chùa Châu Lâm và do một người đàn bà cô quả trông coi. Vì sao lại chọn một người đàn bà trông coi chùa? Dễ hiểu là bởi thuở xưa, nhất là mấy trăm năm trước, cơ sở đào tạo Phật giáo hầu như không có.
Các nhà tu hành muốn thành chính quả ngoài tu luyện trong các ngôi chùa hiếm hoi trong nước ra còn phải “sang Tây Trúc lấy kinh”, tức là phải “du học” Phật giáo bên Ấn Độ. Do vậy việc có sư trụ trì ở trong chùa là vô cùng hiếm nên phải cậy nhờ tới những người đàn bà không nơi nương tựa trông coi.
Người đàn bà cô quả đó được người làng gọi là bà Đanh, bà Đanh có nhiệm vụ đóng mở cửa chùa, thắp hương, lau chùi quét dọn và những việc vặt như nhổ cỏ, đốt lá. Tù binh Chiêm và cả người dân quanh đó quen mồm gọi nôm na chùa Châu Lâm là chùa “Bà Đanh”.
Đến đây phải nói thêm rằng, thuở trước ở các làng người Việt Bắc bộ còn có nhiều thôn, xóm, chòm, ấp… những “đơn vị hành chính dưới làng” này thường có tên gọi riêng, dĩ nhiên không có tên “sang” như tên làng chính. Thế là ra đời những cái tên tục kiểu như: Xóm Đanh, xóm Đá, xóm Đìa, thôn Ngô, thôn Nành…
Gọi chùa Châu Lâm là chùa “Bà Đanh” chắc là gọi kiểu dân giã theo tên tục của người đàn bà trông chùa ở thôn Đanh(?) Được biết ở Hà Nội hiện nay vẫn còn một số chùa vốn mang tên tục như vậy, chẳng hạn như: Chùa Bà Đá ở phố Hàng Trống; chùa Bà Ngô ở phố Nguyễn Khuyến; chùa Bà Nành ở phố Ngô Sĩ Liên.
Những ngôi chùa mang tên “Bà” đó có diện tích khá khiêm tốn nhưng vẫn giữ được cấu trúc quen thuộc của các ngôi chùa cổ phía Bắc và đều có tuổi đời 800 – 900 năm. Rất có thể người đàn bà trông coi chùa “Bà Đanh” ở ấp Châu Lâm xưa là một trong những hoàn cảnh như vậy?
Thời gian phôi phai, những tù binh Chiêm làm lao dịch ở ấp Châu Lâm thưa vắng dần. Người thì già cả mà qua đời, người thì được dời đi nơi khác sinh sống. Họ và con cháu họ sau này đều trở thành con dân Đại Việt.
Từ khi những tù binh Chiêm thưa dần rồi hết hẳn, ngôi chùa Châu Lâm (vốn đã không có người Việt đến lễ) nên đã vắng vẻ lại càng thêm vắng vẻ. Chùa thành hoang phế. Người dân các làng quanh đó mỗi khi nói chuyện với nhau thường bảo rằng: ‘Vắng như chùa Bà Đanh”. Câu nói này truyền khẩu giữa nhiều đời và trở thành một câu tục ngữ của người Việt Nam.
- Đọc thêm: Tập tục kỳ lạ: Thờ Chó Đá
Cũng vào thời gian ấy làng Thụy Khuê có một ngôi chùa mang tên Phúc Lâm. Người làng thường đến chùa Phúc Lâm để lễ Phật nhưng “nỗi nhớ” về một ngôi chùa có tên là Châu Lâm hay “Bà Đanh” thì người làng Thụy Khuê chẳng bao giờ quên. Chùa Châu Lâm tuy hoang phế nhưng nó vẫn tồn tại song song với chủa Phúc Lâm.
Lại cần nói thêm rằng, thời xưa tục lệ văn hóa là một làng không nên có 2 chùa nên vào năm 1870, chùa Phúc Lâm được sáp nhập với chùa Châu Lâm và mang tên mới là Phúc Châu. Đến năm 1907, do khu vực chùa cũ bị người Pháp lấy đất để xây dựng trường Lycée du Protectorat (trường Trung học Bảo hộ, tức trường THPT Chu Văn An) nên chùa được di dời tới tại vị trí như hiện nay ở ngõ 199 phố Thụy Khuê, bức đại tự ghi “Phúc Châu tự” là bằng chứng.
Vì sao chùa có tên là Phúc Châu rồi mà người làng Thụy Khuê cứ gọi là chùa Châu Lâm, ấy là bởi gọi quen rồi nên lâu ngày cứ thế mà gọi. Chùa Phúc Châu (hay chùa Châu Lâm như cách gọi hiện nay) tuy không phải là “chùa Bà Đanh” của những tù binh Chiêm xưa, nhưng ở một cách hiểu nào đó thì chùa dường như là “tiếp nối” của chùa “Bà Đanh” xưa và đến bây giờ, người ta vẫn tự hiểu với nhau rằng, chùa Châu Lâm chính là chùa Bà Đanh
- Đọc thêm tìm hiểu về lịch sử nước nhà: Đại Việt sử ký toàn thư và Việt Nam sử lược