Hà Nội
Th3 21, 2024

Hà Nội – Thành phố của những chiếc hồ

1. Hồ Gươm/Hồ Hoàn Kiếm, những tên gọi và những truyền thuyết

1.1 Hồ Gươm/Hồ Hoàn Kiếm Hà Nội

Nổi tiếng và được nhiều người biết đến nhất chính là Hồ Hoàn Kiếm, tên gọi này được bắt nguồn từ truyền thuyết vua Lê Lợi trả lại gươm báu cho Thần Rùa. Tương truyền rằng, khi giặc Minh sang xâm lược nước ta, vô cùng độc ác và tàn bạo. Chúng càn quét khắp nơi, nhân dân lâm vào cảnh lầm than. Bấy giờ một số người có lòng yêu nước đã tụ họp lại với nhau cùng bàn bạc làm một cuộc khởi nghĩa để chống lại sự tàn ác và bạo ngược của quân giặc. Trong đó có nghĩa quân ở vùng Lam Sơn.

Hà Nội - Thành phố những chiếc hồ
Hà Nội – Thành phố những chiếc hồ

Tuy nhiên, nghĩa quân cũng chỉ toàn là những người nông dân áo vải, binh khí thì thô sơ mà chưa thu hút được nhiều người nên chưa có đủ sức mạnh để chiến đấu chống lại quân giặc. Rất nhiều lần nghĩa quân đã đứng lên khởi nghĩa nhưng lần nào cũng bị binh tướng nhà Minh đánh cho bại trận. Đức Long Quân nhìn thấy tấm lòng chiến đấu quả cảm và tinh thần yêu nước của nghĩa quân, liền quyết định cho nghĩa quân mượn thanh gươm thần để tăng thêm sức mạnh và sĩ khí chiến đấu cho họ.

Tuy nhiên ít người biết được rằng, thanh kiếm này có 2 phần: phần lưỡi gươm và phần chuôi gươm. Phần lưỡi gươm được một người đánh cá tên Lê Thận kéo được sau ba lần kéo lưới (dù rằng đã vứt đi 2 lần trước đó), thấy lạ, anh mang lưỡi gươm cũ trở về nhà và cất vào góc. Sau này khi tham gia vào nghĩa quân Lam Sơn, anh có dịp được mời Lê Lợi về nhà nghỉ ngơi. Lưỡi gươm gặp được minh chủ, từ lưỡi gươm cũ phát ra hào quang sáng chói, mọi người cùng lại xem thì thấy trên lưỡi gươm 2 chữ “Thuận Thiên”. Tuy nhiên hồi đó mọi người mới chỉ nghĩ đó là lưỡi gươm bình thường mà thôi.

Thời gian sau, nghĩa quân tổ chức rất nhiều trận đánh trả quân Minh. Trong một đánh không may nghĩa quân bại trận, Lê Lợi bị quân giặc đuổi theo vào trong rừng sâu. Khi đang chạy trốn, ông nhìn thấy có một vật sáng chói trên cành cây. Lấy làm tò mò, Lê Lợi liền trèo lên cành cây thì thấy một cái chuôi gươm nạm ngọc sáng lấp lánh. Lại nhớ tới hôm ở nhà Lê Thận có lưỡi gươm phát sáng Lê Lợi hiểu rằng: ý trời trao cho báu vật để đánh đuổi quân xâm lược.

Quả thật vậy, sau khi ghép hai mảnh lưỡi và chuôi vừa in một cặp, thanh kiếm báu xuất hiện lưỡi gươm trở nên sáng chói và sắc nhọn vô cùng.

Kể từ đó, nghĩa quân đánh đâu thắng đó, trăm trận trăm thắng. Dần dần lực lượng quân Minh bị suy yếu, nghĩa quân không còn phải trốn ở trong rừng nữa, mà chuyển sang đối đầu trực diện. Chẳng bao lâu sau, dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi và nhờ gươm thần mà nghĩa quân đã đánh bại quân Minh. Giặc sợ hãi bỏ tháo chạy về phương Bắc, muôn dân lại được thái bình.

Sau khi đánh đuổi hết giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi vua để trị vì và thống nhất đất nước.

Một năm sau, Năm 1428 khi nhà vua cùng các bề tôi thân tín ngồi thuyền đi dạo trên hồ Tả Vọng trước kinh thành. Khi thuyền ra tới giữa hồ thì bất ngờ từ dưới làn nước trong xanh, có một con rùa vàng ngoi đầu lên, cất tiếng:

Thưa nhà vua, lúc trước Đức Long Quân có cho nhà vua mượn thanh gươm thần để đánh giặc. Nay nghiệp lớn đã hoàn thành, xin nhà vua hãy trả lại gươm thần!

Lê Lợi nghe xong, liền cởi thanh gươm bên mình ra, cầm hai tay và dâng lên trước mặt rùa vàng. Thanh gươm bất ngờ bay khỏi tay nhà vua sang miệng rùa vàng. Rùa vàng ngậm lấy gươm, lặn xuống hồ biến mất.

Từ đó Hồ Lục Thủy được đổi tên thành Hồ Gươm/Hồ Hoàn Kiếm.

2. Hồ Tả Vọng và hồ Thủy Quân

Từ thế kỷ 16 trở về sau, Trịnh Tùng sau khi đã đánh đuổi được họ nhà Mạc, lấy lại giang sơn cho nhà Lê, cậy công, bắt vua Lê phải phong cho mình và con cháu nối nghiệp về sau đều làm vương, (người bấy giờ gọi là chúa).

Họ Trịnh đã được làm chúa rồi, lập phủ đệ riêng một khu chiếm suốt cả phường Báo Thiên. Phủ đệ của chúa Trịnh cũng không kém gì cung điện của vua Lê, nơi làm việc cũng không gọi là triều đình, chỉ gọi là phủ liêu, nhưng cũng có đủ văn võ bách quan, quân lính thị vệ, nghi thức lại còn oai hơn vua Lê nữa.

Phủ chúa suốt một dãy có 52 tòa lâu đài dinh thự, đều ngoảnh mặt ra hồ Hoàn Kiếm. Theo hướng ấy, các đời chúa Trịnh mới gọi phần hồ trên là Tả Vọng, phần hồ dưới là Hữu Vọng. Gọi là “vọng” theo ý riêng của họ Trịnh là cả hai bên hồ đều trông vào phủ chúa. Và bên hồ Tả Vọng, các đời chúa Trịnh xây những nguyệt đài, thủy tạ bên bờ để làm nơi ngự chơi, đặc biệt là xây một cái đình ở trên gò Rùa, tức là tầng dưới của tháp Rùa ngày nay.

Lại nhân tình thế hồ có hai phần đối nhau như thế, chúa Trịnh liền dùng làm nơi luyện tập thủy quân, dựng một đài cao ở khoảng đất giữa, gọi là duyệt võ đài, hai bên hồ làm trận địa của đôi bên, cùng nhau biểu diễn các chiến pháp thủy công. Chúa Trịnh ngồi trên đài cao xem xét để định thắng thua, hơn kém. Cũng vì vậy mà đời ấy gọi là hồ Thủy quân.

3. Hồ Lục Thủy

Hồ Lục Thủy là tên gọi xưa cũ nhất của hồ Hoàn Kiếm

Tên gọi xưa cũ nhất của hồ Hoàn Kiếm, được người đời gọi như vậy là bởi nước hồ bốn mùa quanh năm. Tuy nhiên màu xanh lục đặc trưng của Hồ Gươm được tạo bởi chủng tảo đặc hữu không nơi nào có. Điều này đã được minh chứng dựa vào kết quả nghiên cứu do nhà tảo học người Hungary là Tibor Hortobagyi khảo sát vào năm 1961.

Kết quả, ông và đồng nghiệp phân loại gần 200 loài vi tảo như tảo lục, tảo lam, tảo mắt, tảo silic… Trong đó, ông phát hiện trên 20 loài và dưới loài mới. Đó đều là loài đặc hữu của hồ Hoàn Kiếm, đa số thuộc chi Scenedesmus (tảo lục).

Tảo lục có tên khoa học là Chlorophyta, là thực vật có kích thước nhỏ cỡ hiển vi, tế bào có nhân điển hình và chứa sắc tố chủ yếu là chlorophyll có ở cây cối, còn gọi là màu lục.

4. Tháp Rùa Hà Nội

Tháp rùa là một ngọn tháp nhỏ nằm trên một gò đất nhỏ rộng khoảng 350m2 nằm giữa Hồ Gươm. Ở thời Lê Thánh Tông, có một Điếu Đài được xây dựng trên gò Rùa này để nhà vua câu cá. Đến thế kỷ thứ 17-18 thì Chúa Trịnh cho xây đình Tả Vọng nhưng đến thời Nguyễn thì không còn vết tích gì nữa.

Đến năm 1883, sau khi Pháp hạ Hà Nội, dân quanh đây sơ tán hết chỉ còn lại Nguyễn Ngọc Kim – người giữ chức dịch làng Tự Pháp được cử làm trung gian giữa Pháp và Việt, ông còn được gọi là Bá Hộ Kim. Năm 1886, ông thấy gò đẹp lại phong thủy nên quyết định xây tháp để sau này chôn cất cha mình ở đó. Tháp Rùa được hoàn thành những nguyện vọng ban đầu của ông lại không toại. Ban đầu tháp có tên là Tháp Bá hộ Kim, sau đổi thành bây giờ.

Tháp Rùa hình ảnh biểu chưng của Hồ Gươm

Vì được xây dựng vào thời Pháp thuộc nên Tháp Rùa có chút hơi thở kiến trúc của Châu Âu. Tháp cao ba tầng và các tầng nhỏ dần lên đến đỉnh. Tầng đỉnh được thiết kế như một chiếc vọng lâu, bên trên chiếc cửa tròn của tầng ba có chữ Quy Sơn Tháp, nghĩa là Tháp Núi Rùa.

Xung quanh Hồ Gươm có rất nhiều địa điểm du lịch, ăn uống nổi tiếng, đơn cử có thể kể đến như Đền Ngọc Sơn, Cầu Thê Húc, Tháp Bút,…Nhà hát múa rối nước Thăng Long, “Con phố ngắn nhất Hà Nội – Phố Hồ Hoàn Kiếm” (Trên phố có hàng nộm Long Vi Dung cực kỳ nổi tiếng và lâu đời), nhà hàng kem Thủy Tạ, Phố Đồ Chơi Lương Văn Can,…. vô vàn địa điểm ăn chơi lý thú xung quanh Hồ Gươm mà người viết bài không thể kể hết được và sẽ có chuyên mục riêng để nói về những địa điểm vui chơi ăn uống quanh hồ Gươm trong một bài viết khác.

Xem thêm bài viết: Tam đại quà biếu của Hà Nội xưa

2. Hồ Tây – Chiếc hồ lớn nhất thành phố Hà Nội

Các bạn trẻ sinh sống ở Hà Nội chắc không còn lạ lẫm với Hồ Tây, với diện tích hơn 500ha và đường xung quanh hồ lớn nhất thành phố. Hồ Tây ngoài là địa điểm để những cặp tình nhân “lượn lờ” hò hẹn, những quán cà phê, quán trà dễ thương, những nhà hàng hải sản bên hồ, hay những nơi mà thế hệ 8x, đầu 9x gọi với cái tên mỹ miều như “Bến Hàn Quốc” “Đường Nhật Bản”, Hồ Tây còn là một địa danh với rất nhiều di tích văn hóa như Phủ Tây Hồ, Chùa Trấn Quốc, v.v…Ngoài ra, Hồ Tây còn mang trong mình những truyền thuyết liêu trai, khiến những câu chuyện bên chén rượu, ly trà của những người con đất Hà Thành thêm phong phú và đặc sắc.

Đầm Xác Cáo

Đầm Xác Cáo có lẽ là tên gọi xưa nhất của hồ Tây, gắn với sự tích con hồ ly tinh chín đuôi. Trong “Lĩnh Nam chính quái” do Vũ Quỳnh và Kiều Phú soạn vào khoảng năm 1492. Ở đây, tác giả kể: Xưa, ở vùng phía Tây kinh thành có hòn núi đá bên sông, dưới núi có hang động. Đó là nơi trú ngụ của con cáo chín đuôi sống hơn ngàn năm đã thành tinh. Nó gây bao tác hại cho dân lành, bắt con gái, đàn bà đưa về hang hãm hiếp, ăn thịt. Lại hoá thành quỷ, trêu ghẹo người đang mắc bệnh sợ đến chết. Người trong khu vực phải bỏ nhà cửa, làng xóm, ruộng nương mà lánh đi nơi khác.

Đầm Xác Cáo có lẽ là tên gọi xưa nhất của hồ Tây Hà Nội

Lạc Long Quân biết chuyện bèn tìm đến trừ họa cho dân. Cuộc chiến diễn ra gay go, quyết liệt. Hồ Tinh dù lắm tài biến hoá song vẫn không thoát khỏi tay Long Quân. Nó bị giết, hiện nguyên hình con cáo khổng lồ chín đuôi. Long Quân giải thoát cho những người bị Hồ Tinh bắt giam dưới hang sâu, cho họ miếng đất cao gần đó để ở, lập thành làng Hồ Khẩu. Làng Cáo ở Xuân Đỉnh cũng do truyền thuyết này mà có. Sau đó, Lạc Long Quân dâng nước sông Cái tràn vào phá tan sào huyệt của con quái vật. Nước xoáy mạnh vào hang suốt mấy ngày đêm, bố hòn núi đá trôi đi mất tăm, chỗ ấy tụt xuống thành chiếc đầm lớn gọi là đầm Xác Cáo.

Hồ Kim Ngưu 

Hồ Kim Ngưu gắn với truyền thuyết con trâu vàng. Song truyền thuyết này cũng được trong dân gian kể lại khác nhau:

Truyền thuyết hồ Trâu Vàng kể lại rằng: Thiền sư Nguyễn Minh Không được phong làm Lý Triều quốc sư, được vua phương Bắc mời sang chữa bệnh trọng cho hoàng tử. Chữa khỏi bệnh, vua phương Bắc hỏi muốn thưởng gì? Minh Không chỉ xin một túi đồng đen. Nhà vua đồng ý ngay. Không ngờ Minh Không tài cao, hóa phép thu hết đống đồng đen cho vào túi thần, rồi xách ra bờ biển Đông, thả nón tu lờ làm thuyền bơi về nước.

Khi về tới nước Nam Thiền sư Minh Không dâng đồng đen lên vua. Vua Lý sai đem đồng đen đúc thành quả chuông lớn. Chuông đánh thử, tiếng vang xa bốn cõi, dội sang tận phương Bắc. Con trâu vàng bên đó tưởng mẹ gọi chạy lồng sang tìm (đồng đen là mẹ của vàng). Đường trâu chạy lún thành sông, đó là sông Kim Ngưu. Trâu chạy đến vùng phía Tây kinh thành thì chuông tắt. Nó lồng lộn dày xéo làm đất sụt xuống thành chiếc hồ lớn, sau gọi là hồ Kim Ngưu, tức hồ Tây.

Hồ Kim Ngưu Hà Nội gắn với truyền thuyết con trâu vàng

Vua Lý phải cho ném chuông xuống hồ, trâu mới chịu yên. Tương truyền nhà nào sinh đủ 10 con, 5 trai 5 gái thì kéo được Trâu vàng và chuông đồng lên. Có nhà kia được chín con và một con nuôi là mười bèn ra thông báo. Trâu đã sắp nổi lên thì bà mẹ buột miệng nói “- Chín con đẻ không khỏe bằng một con nuôi!”. Trâu vàng biến mất.

Con Trâu vàng và cái chuông đồng đen vẫn nằm đâu đó dưới lòng hồ vì vẫn chưa có nhà nào đủ điều kiện nói trên. Ở làng Tây Hồ có di tích chiếc miếu thờ thần Kim Ngưu – Trâu Vàng là thế.

Chim sâm cầm

Điều đặc biệt nhất khi nhắc đến Hồ Tây chính là nơi đây là nơi trú ngụ của loài chim sâm cầm. Cho những ai chưa biết chim Sâm Cầm là một loài chim thuộc họ gà nước, chúng sống thành bầy đàn. Nơi sống không cố định là loài chim di cư, biết bay và cả biết bơi. Nguồn gốc thì không rõ là xuất hiện đầu tiên ở đâu. Chỉ khi chuyển trời rét lạnh giá, lại thấy con Sâm Cầm từ phương Bắc di cư bay về hồ Tây – Hà Nội.

Chúng ở đây kiếm ăn và sinh sống đến hết mùa đông, khi mà những tia nắng hè đầu tiên đến chúng tại chuẩn bị có cuộc hành trình bay về phương Bắc để kiếm nơi ở mới. Chim Sâm Cầm chọn hồ Tây để sinh sống suốt mùa đông là vì nơi đây có nhiều thức ăn mà chúng thích như đám tôm đồng, củ ấu nước, dưới đáy hồ cũng có nhiều thức ăn và đặc biệt chúng rất thích ăn giống sen quý nơi này. 

Sâm cầm còn là đặc sản của đất Hà Thành xưa. Do ăn nhân sâm quý trên dãy Trường Bạch nên đây được coi là món ăn đại bổ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngay cả phần lông, cặp chân, mật cho đến da thịt của loại chim này đều mang lại giá trị dinh dưỡng cao cho con người.

Tóm lại

Những người trẻ thường đùa nhau rằng: nếu yêu nhau, chưa đi cùng nhau một vòng hồ Tây thì không phải yêu nhau. Quả thật vậy, Hồ Tây là một chiếc hồ rất lãng mạn của Hà Nội, với những địa điểm vui chơi giải trí, du lịch văn hóa vô cùng phong phú, nếu bạn có một lần ghé Hà Nội, hãy thử cảm giác vi vu trên chiếc xe máy, đi hết một vòng 14km đường xung quanh hồ Tây và trải nghiệm cảm giác đẹp đẽ và yên bình xem sao.

3. Hồ Trúc Bạch

Trước đây, hồ Trúc Bạch vốn là một phần của hồ Tây. Đến năm 1620, người dân quanh đó đã xây dựng một con đê dạng một bờ kè nhỏ chắn ngang hồ nước để thuận tiện cho việc đánh bắt cá tôm. Kết quả là hồ Tây bị tách ra làm đôi, nửa lớn hơn phía Tây là hồ Tây, nửa nhỏ hơn phía Đông là hồ Trúc Bạch. Còn bờ kè chắn ngang trở thành đường Thanh Niên ngày nay. 

hồ Trúc Bạch vốn là một phần của hồ Tây Hà Nội

Khi mới được ngăn ra, hồ vẫn chưa được đặt tên. Cho đến thế kỷ 18, chúa Trịnh Giang cho xây một cung điện cạnh hồ để nghỉ mát, gọi là Trúc Lâm. Sau đó, cung điện này được dùng để giam giữ các cung nữ phạm tội, họ sẽ phải tự dệt lụa để nuôi sống bản thân. Bất ngờ rằng, lụa họ dệt rất đẹp và trở nên nổi tiếng khắp nơi. Những tấm lựa bóng bẩy gọi là lụa Trúc, chữ Hán là Trúc Bạch. Từ đó, xuất hiện làng Trúc Bạch chuyên dệt lụa và hồ đó cũng được gọi là hồ Trúc Bạch. 

Truyền thuyết là thế, vậy đến Hồ Trúc Bạch chơi gì và ăn gì?

Chơi gì ở hồ Trúc Bạch Hà Nội

Đầu tiên, khi đến Trúc Bạch, bạn hãy thử bộ môn đạp vịt. Còn gì tuyệt vời hơn khi cùng người thương, đạp chiếc thuyền vịt be bé ra giữa hồ, ngắm cảnh vật êm đềm và lãng mạn.  Dịch vụ này mở cửa từ 7h sáng đến 21h tối mỗi ngày, kể cả ngày nghỉ. Giá đạp vịt hồ Trúc Bạch là 100k khi thuê thuyền nhỏ và 200k khi thuê thuyền lớn.

Tiếp đến, mọi người có thể tham quan chiếc phù điêu đặc biệt bên hồ. Bức phù điêu bên được dựng nên để ghi nhớ một sự kiện đặc biệt gắn liền với lịch sử của dân tộc. Ngày 26/10/1967, một phi công Hải quân Hoa Kỳ là John McCain bị bắn rơi máy bay và nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch khi thực hiện nhiệm vụ tấn công nhà máy điện Hà Nội. John McCain bị người dân địa phương đã phát hiện, cứu sống và trở thành tù binh chiến tranh trong hơn 5 năm. Sau Hiệp định Paris, ông được trả tự do vào năm 1973. Sau đó, ông trở về nước và tích cực tham gia vào tiến trình hòa giải, bình thường hóa quan hệ và thúc đẩy hợp tác phát triển giữa 2 nước.

Đạp vịt tại hồ Trúc Bạch Hà Nội

Ăn gì ngon xung quanh hồ Trúc Bạch Hà Nội

  • Lẩu ếch: Các dãy phố trên đường Trúc Bạch từ trước đến nay rất nổi tiếng với món lẩu ếch. Đi ngang qua đây mà có ý định dừng lại để tìm một quán lẩu thì sẽ có hàng chục nhân viên hiếu khách chạy ra chào mời. Ếch ở đây đều được tẩm ướp gia vị trước khi nhúng nên ăn rất vừa miệng và đậm đà. Thêm vào đó là nồi lẩu măng chua chua giòn giòn ngon nuốt lưỡi. Vào những ngày tiết trời se lạnh, quán lẩu khắp phố Trúc Bạch lại kín khách đến ăn, bạn bè tụ tập ăn uống vui vẻ nhộn nhịp như ngày hội. 
  •  Phở cuốn: Nói về phở cuốn Hà Nội thì không ai không biết phở cuốn Ngũ Xã, một đảo nhỏ gần hồ Trúc Bạch. Xuyên suốt con phố là này hàng loạt quán phở cuốn, phở chiên có lịch sử hàng chục năm lúc nào cũng nườm nượp khách. Bánh phở to bản mềm mịn, thêm thịt bò thái mỏng và rau sống tươi giòn là đã cho ra món ngon ăn chơi có tiếng. 
  • Cháo lòng: Nếu bạn muốn thưởng thức món cháo lòng nổi tiếng nhất hồ Trúc Bạch thì đến ngay quán cháo lòng Bà Tý C. Quán đã đã mở từ rất lâu, món cháo lòng ở đây cũng trở thành món ăn gia truyền với hương vị đặc biệt khó lẫn. Quán mở cả ngày đón khách, cháo lúc nào cũng nóng hổi và miếng lòng trắng muốt, sần sật sẽ khiến bạn cảm thấy thích thú
  • Cà phê & kem dừa: Combo nổi tiếng của Cà phê Bảo Oanh, với view rộng rãi, đây cũng là nơi món kem dừa nguyên quả đầu tiên của Hà Nội ra đời. Kem dừa ở đây được đựng trong trái dừa non, màu kem trắng sữa, chất kem mềm mịn, thêm một chút dừa tươi bào sợi, vài hạt lạc bùi bùi, vài trái sơ ri và nho khô. 

Đặc biệt hơn cả, nếu bạn có tình cờ nghe đến tên đường Thanh Niên và đi qua nơi này, đây chính là con đường giữa Hồ Tây và hồ Trúc Bạch, bóng cây xanh mát, cung đường rộng rãi, chắc chắn là một địa điểm lý tưởng để bạn cảm nhận được vẻ đẹp của những chiếc hồ Hà Nội.

    Đường thanh niên ở giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch

    3. Hồ Bảy Mẫu và Hồ Ba Mẫu Hà Nội

    Hồ Bảy Mẫu là hệ thống hồ thuộc khuôn viên công viên Thống Nhất bao gồm hồ Liên Thủy, hồ Thể Giao, hồ Kim Liên, hồ Thiền Quang. Có lẽ vì vậy mà nhiều người nói rằng hồ không chỉ rộng có 7 mẫu mà còn rộng gấp 10 lần như thế.

    Năm 1960, hồ chính thức được cải tạo khơi sâu để xây dựng nên công viên thống nhất ngày nay. Hiện tại, hồ Bảy Mẫu ngày nay rộng khoảng 28.2ha, ngoài ra còn có thêm một phần hồ Thiền Quang rộng 5.5ha, 2 đảo nổi là Hòa Bình và Thống Nhất.

    Ngày nay, hồ Bảy Mẫu trở thành một phần của công trình xanh quy mô nhất nhì Hà Nội là công viên Thống Nhất. Hồ nước gắn liền với người Hà Nội từ những ngày xa xưa đã trở thành địa điểm được người dân và du khách chọn làm địa điểm ngắm cảnh, thư giãn, đi bộ và gặp gỡ cuối tuần.

    Hồ Bảy Mẫu gồm hồ Liên Thủy, hồ Thể Giao, hồ Kim Liên, hồ Thiền Quang

    Hồ nước gây ấn tượng với dòng nước xanh trong, được bao bọc những hàng cây xanh mướt góp phần tạo nên bầu không khí trong lành cho toàn công viên. Hồ mang vẻ đẹp thanh bình, trầm lắng vốn có của Hà Nội xen kẽ đôi phần hiện đại của trung tâm Hà Nội đông đúc không hòa lẫn vào đâu được.

    Đến đây các bạn có thể tản bộ, thả hồn mình vào một trong những công viên lớn nhất Hà Nội, tận hưởng không khí tươi xanh và trong lành giữa lòng thành phố. Cũng có thể tìm một góc để thư thái và nghỉ ngơi ngay trong công viên này. Một địa điểm vô cùng lý tưởng cho các cặp đôi hò hẹn.

    Hồ Ba Mẫu: Trước đây, hồ Bảy Mẫu và hồ Ba Mẫu là một thể hợp nhất trong công viên Thống Nhất. Nhưng sau khi đường Lê Duẩn được xây dựng, hồ Bảy Mẫu đã bị chia thành 2 hồ chính: hồ Thiền Quang và hồ Ba Mẫu.

    Hiện tại, vẫn chưa có con số chính xác về diện tích của hồ Ba Mẫu. Mặc dù diện tích nhỏ hơn so với hồ Bảy Mẫu, nhưng vẫn là địa điểm mà người dân Thủ đô lựa chọn để tập thể dục, câu cá, và sinh hoạt, nhờ không khí trong lành và mát mẻ. 

    Đặc biệt nhất, nếu bạn là một “cần thủ”, bạn có thể đến hồ Ba Mẫu và thử khả năng của bản thân vì ở đây có rất nhiều loại cá, và trên tất cả, bạn sẽ không phải trả khoản phí nào cho việc này. Chỉ cần mang đồ nghề, mồi câu và tận hưởng những giây phút thoải mái.

    4. Hồ B52 – Hồ Hữu Tiệp

    Có một chiếc hồ khá đặc biệt trong danh sách này, không phải vị ví trí địa lý, độ rộng lớn hay những tụ điểm ăn chơi, chiếc hồ này là “chứng nhân lịch sử” của một Hà Nội anh hùng. Trong trận Điện Biên Phủ trên không, một chiếc B52 đã bị quân và dân Thủ Đô bắn hạ vào đêm 27/12/1972. Một phần xác máy bay rơi xuống hồ Hữu Tiệp, nay thuộc tổ dân phố số 8, phường Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội). Sau 52 năm, xác chiếc máy bay vẫn còn nằm trong lòng hồ, biến chiếc hồ trở thành một di tích lịch sử của Hà Nội. Bạn có thể đi từ đường Hoàng Hoa Thám hoặc rẽ từ Đội Cấn vào để khám phá chiếc hồ vô cùng đặc biệt này.

    Trên đây là vài chiếc hồ nổi tiếng và độc đáo nhất trong hàng trăm chiếc hồ của Hà Nội. Mỗi chiếc hồ lại có một nét đặc trưng riêng, là một phần của văn hóa, lịch sử lâu đời của đất Thăng Long.

    Một phần xác máy bay B52 rơi xuống hồ Hữu Tiệp

    Xem thêm các video tại kênh Youtube “Xin chào Việt Nam” để cập nhật thêm nhiều thông tin hơn!

    You Might Also Like

    Leave a Comment

    Your email address will not be published. Required fields are marked *