Trong bài hát Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao có đoạn: “Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về… 5 cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về, như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào chảy dòng sương sớm long lanh… Vậy thì 5 cửa ô là cửa ô nào và bây giờ chúng đang ở đâu?
1. Ô Quan Chưởng.
Ô Quan Chưởng (hay còn gọi là ô Đông Hà, ô Thanh Hà, ô Cửa Đông, tên chữ là Đông Hà môn (東河門, tức cửa phường Đông Hà), là một cửa ô của Hà Nội xưa, nằm ở phía Đông của toà thành đất bao quanh Kinh thành Thăng Long, được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749), đến năm Gia Long thứ ba (1817) được xây dựng lại và giữ nguyên kiểu cách đến ngày nay. Đây là một trong 21 cửa ô còn sót lại của thành Thăng Long cũ.
Ngày nay, ô Quan Chưởng nằm trên phố Ô Quan Chưởng, đầu phố Hàng Chiếu, gần dưới chân cầu Chương Dương. Thời xưa, ô Quan Chưởng nằm trên đường từ trong thành phố đi ra bờ sông, thuộc địa phận phường Đông Hà, tổng Hậu Túc (sau đổi là Đồng Xuân), huyện Thọ Xương cũ. Từ cửa ô ra đến bờ sông Hồng là con đường dài tám chục mét. Phía ngoài cửa ô trước kia coi như đất ngoại thành.
Cổng xây có vọng lâu được canh gác và kiểm soát cẩn mật để giữ an ninh cho khu phố buôn bán bên trong. Hiện cửa ô còn nguyên lối tam quan với cửa chính và hai cửa phụ hai bên, trên nóc cửa chính có vọng lâu, tường phía trái cửa chính có gắn một tấm bia đá do Tổng đốc Hoàng Diệu cho đặt năm 1881 ghi lệnh cấm người canh gác không được sách nhiễu nhân dân mỗi khi qua lại cửa ô. Bên trên cửa lớn có ba chữ Hán 東河門 (Đông Hà môn).
Tương truyền, tên gọi Ô Quan Chưởng bắt nguồn từ sự kiện xảy ra vào năm Tự Đức thứ 26, khi thực dân Pháp đánh thành Hà Nội (20 tháng 11 năm 1873). Sách Người và cảnh Hà Nội của cụ Hoàng Đạo Thúy đã ghi: “Song song với Hàng Đậu là Hàng Khoai. Dưới chợ là phố Mới, đầu phố chỗ gần bờ sông có cửa ô Quan Chưởng (cửa Đông Hà) còn nguyên cổng xây cũ, đoạn này gọi là phố Hàng Chiếu. Trước khi Tây sang, tên Dupuis (涂普義 – Đồ Phổ Nghĩa) gây cơ sở ở đây cùng với bọn khách trú, khi Francis Garnier đánh thành thì một ông Chưởng cơ, cùng một trăm chiến sĩ đã giữ thành này đến người cuối cùng!…”. Tuy nhiên, sự kiện năm 1873 cho đến nay vẫn chưa được xác minh.
Ô Quan Chưởng là cửa ô duy nhất còn giữ lại dáng vẻ xưa cũ cho đến ngày nay.
2. Ô Cầu Dền
Ô Cầu Dền tên chữ là Yên Ninh, là một cửa ô của Hà Nội xưa, nằm sau thành Thịnh Yên. Ô Cầu Dền là một cửa ngõ của kinh thành Thăng Long, xuất hiện trong sử từ thời Lý, thế kỷ XI – XII
Ô Cầu Dền nằm ngã tư lớn nối phố Huế, Bạch Mai, Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt. Đây chính là vị trí của ô Cầu Dền ngày xưa.
Các tài liệu và bản đồ cũ cho chúng ta thấy rõ vị trí của địa danh này cố định và tồn tại khá lâu, ít ra là từ thế kỷ XVIII. Dưới triều Nguyễn, cửa ô Cầu Dền là cửa ô chính quan trọng nhất trên đường thiên lý. Đó là con đường nối liền Thăng Long với các trấn và các tỉnh phía Nam (vào kinh đô Huế) qua những đồi cây cối rậm rạp và cả một rừng mai (nay thuộc khu vực Bạch Mai, Trương Định..
Năm 1782 Lê Hữu Trác lên kinh qua cửa ô Cầu Dền có tả như sau: “Tôi thấy một cái thổ thành không cao lắm, kế bên có một dãy tường nhỏ, trên mặt tường ngựa đi được; phía ngoài là hàng rào tre dày đặc, dưới hàng rào có hào sâu, trong hào thả chông, thật là mười phần kiên cố. Ba tầng vọng canh được thiết lập nơi đây, tầng nào cũng có quân lính đứng thành hàng hai bên, đao thương xán lạn, hào quang như tuyết. Lính giữ cửa thấy bọn tôi đi có mang binh khí, xét hỏi thật nghiêm ngặt, đến khi biết rõ đầu đuôi, lại nhận thấy dấu hiệu áo lính trấn thủ đất Nghệ An mới để cho đi”.
Năm 1882 Pháp đánh thành Hà Nội, năm 1883 thì chiếm trọn Hà Nội, năm 1889 chính quyền thành phố lập khu vực ngoại ô làm hàng rào an ninh cho nội đô nên chính tại chỗ trạm gác cửa ô xưa họ cho lập lại một trạm gác mới.
Trạm này không chỉ kiểm soát, ngăn chặn nghĩa quân mà còn cấm không cho ăn mày vào nội đô. Trạm tồn tại đến năm 1915 thì bị xóa bỏ. Cũng tại ô này, chính quyền Hà Nội cũ còn cho xây một trạm xá chữa bệnh xã hội cho các cô gái chốn thanh lâu. Ngay dưới chân đê ở ô này, sông Kim Ngưu trong xanh và vào mùa hè trở thành bến tắm, nơi giặt giũ quần áo của dân lao động. Nay thì dấu vết ô này không còn vì đê đã bị phá, còn sông đã bị lấp từ lâu.
Tên gọi Ô Cầu Dền Theo cố giáo sư Trần Quốc Vượng cho hay: trước đó, cái tên này đã xuất hiện ở cố đô Hoa Lư (Trường Yên, Ninh Bình) với tấm bia cổ, chiếc cầu đá bắc qua sông Hoàng Long và cũng là một cửa ngõ của kinh thành Hoa Lư. Vì lẽ đó, có tác giả đã cho rằng cái tên Ô Cầu Dền cũng như nhiều tên khác ở Hà Nội: Cầu Đông, Chợ Dừa, Đình Ngang… đã được Lý Thái Tổ mang từ cố đô Hoa Lư ra kinh đô mới Thăng Long cách đây nghìn năm trước.
Theo một tích khác cửa ô Cầu Dền lại chép: đời nhà Mạc, ở làng Kim Liên có một người học trò cha mẹ chết sớm, nhà nghèo, phải đi dạy học kiếm ăn qua ngày. Mấy năm đói kém, nhờ có mấy mẫu ruộng rau dền nên anh đã cứu giúp được nhiều người qua khỏi nạn đói. Vì thế, người ta gọi chỗ ở của anh là Cầu Dền. Các cụ cao niên ở đây vẫn còn nhớ vùng này xưa kia (và thậm chí cho đến những năm 1945 – 1954) có con sông nhỏ dẫn nước thải từ nội thành ra, hai bên bờ có đất bãi phù sa, rau màu quanh năm xanh tốt. Trong đó có rau dền là nhiều hơn cả. Chiếc cầu bắc qua con sông hai bên bờ có nhiều rau dền nên gọi là Cầu Dền.
Đọc thêm: Chợ Nhà Giàu và Chợ Quê duy nhất còn sót lại ở Hà Nội
3. Ô Chợ Dừa
Ô Chợ Dừa tên chữ là Thịnh Quang, là một cửa ô của Hà Nội xưa, nằm về phía Tây của kinh thành Thăng Long.
Ô Chợ Dừa là cửa vào thành quan trọng ở phía Tây Nam. Xưa kia, mỗi khi xuất quân đi đánh giặc, các quan tướng thừa lệnh thường nhận chiếu chỉ, lạy từ vua trước sân rồng rồi mới lên xe. Vua xuống bệ, đặt tay vào lưng xe, đẩy làm phép một cái gọi là “đẩy xe” để tỏ lòng tin cho quan quân yên tâm đi đánh giặc. Cờ mở, trống dong, quân sĩ xuất binh qua cửa này.
Bên ngoài cửa ô Chợ Dừa có đàn Xã Tắc, đây là nơi mà hàng năm vào mùa xuân, các vua Lý, Trần thường đến hành lễ, tế thần đất và thần ngũ cốc.
Ô Chợ Dừa nơi có chợ nhỏ họp dưới hàng dừa rợp bóng bát ngát, một phần đã giải thích cái tên gọi quen thuộc của cửa ô, lại hiện lên với vẻ sầm uất, nhộn nhịp của cảnh chợ.
Ô Chợ Dừa là tên nôm của ô Thịnh Quang (sau đổi là Thịnh Hào). Thời Lý, ô này có tên là Trường Quảng.
4. Ô Cầu Giấy
Gần đây có ý kiến cho rằng ô Cầu Giấy chính là ô Thanh Bảo. Để giải thích vấn đề này chúng ta lại phải tìm hiểu sâu xa về sự hình thành toà thành Thăng Long từ các triều đại Lý, Trần, Lê cho đến thành Hà Nội thời Nguyễn.
Ô Cầu Giấy xưa nằm gần Cầu Giấy (cây cầu bắc qua sông Tô Lịch, để đi về phía tây hoặc từ phía tây vào thành). Sở dĩ cửa ô nằm ở đây vì liên quan đến tòa thành Thăng Long xưa. Tòa thành này được xây dựng từ đời Lý, trải qua các triều đại Trần, Lê. Tường thành phía tây là đường Bưởi ngày nay. Tường thành phía tây nam trùng với đường La Thành ngày nay, rồi chạy thẳng đến đường Giảng Võ. Ô Cầu Giấy chính là cửa ô mở ở góc tây nam của tòa thành này. Vì nó ở gần Cầu Giấy nên có tên như thế. Nó chính là cửa ngõ phía tây của thành Thăng Long.
Còn ô Thanh Bảo nằm ở địa phận làng Thanh Bảo đầu phố Sơn Tây giao với phố Kim Mã và phố Nguyễn Thái Học ngày nay, cách ô Cầu Giấy khoảng ba cây số về phía nội đô. Sở dĩ có cửa ô Thanh Bảo là vì, vào thời nhà Nguyễn, phía tây Hoàng thành Thăng Long không sử dụng đến.
Tòa thành ngoài của thành Hà Nội (thành đất) ở phía tây bị “co vào”, chạy dọc theo các phố Giảng Võ, Sơn Tây, Ngọc Hà vượt qua vườn Bách Thảo, chạy dọc theo đường Thanh Niên rồi lên ô Yên Phụ. Cửa ô mở về phía tây chính là cửa ô Thanh Bảo. Như vậy trên một đường phố Kim Mã đã hình thành hai cửa ô ở hai thời kỳ lịch sử khác nhau. Đây là phản ánh quá trình “co lại” của toà thành Thăng Long thời Lý – Trần – Lê đến thành Hà Nội thời Nguyễn. Việc gọi ô Thanh Bảo là ô Cầu Giấy là một sự ngộ nhận.
Ô Cầu Giấy chính là nơi quân ta phục kích giết chết hai tên chỉ huy Pháp là Francis Garnier (ngày 21/12/1873) và Henri Rivière (ngày 19/5/1883). Còn cửa ô Thanh Bảo không liên quan đến sự kiện lịch sử đặc biệt nào.
5. Ô Đống Mác
Ô Đống Mác tên chữ là Thanh Lãng, là một cửa ô của Hà Nội xưa, nằm sau thành Lãng Yên. Ô Đống Mác là một cửa ngõ của kinh thành Thăng Long, Cửa Ô Đống Mác hiện tại đã mất hết hình tích cũ. Đống Mác xưa là cửa ô vô cùng quan trọng vì là cửa khẩu kiểm soát tàu thuyền đi vào địa phận kinh thành Thăng Long.
Hiện nay, Ô Đông Mác nằm ở cuối phố Lò Đúc, giao nhau với đường Trần Khát Chân và đường Kim Ngưu, phía đông nam Hà Nội.
Là một trong những điểm bắt đầu của con đường thiên lý Bắc-Nam xưa, cửa ô này là nơi có thể đến bằng đường bộ lẫn đường thủy vào thành Thăng Long, nên thường có quân lính canh gác khá nghiêm ngặt. Trong Thượng kinh ký sự, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, nhân lúc chờ chúa Trịnh lâu chưa gọi, có nói đến việc ông xin với quan chánh Đường Hoàng Đình Bảo về Cẩm Giàng, thăm quê ông, đi theo đường từ bến Thanh Trì để sang sông, phía Bát Tràng về Hải Dương, có ghi lại như sau: “Ngày 10-9, từ sáng tinh mơ còn trăng, tôi đi ra cửa ô Ông Mạc, cửa thành chưa mở, lính canh thấy có thẻ “Hành quân phù” (thẻ cấp cho đi đường của Phủ Chúa) mới mở cho đi”.
Ô Đống Mác là tên cửa ô thời xưa, thời chúa Trịnh Sâm, (thế kỷ 18) có tên là ô Ông Mạc. Bản đồ Hà Nội năm 1831 gọi đây là cửa ô Thanh Lãng. Tới bản đồ năm 1866, cửa ô này được gọi là cửa ô Lãng Yên. Sang thế kỷ 20, người dân quen gọi là ô Đông Mác.
Trong sách “Quần thư tham khảo” của Phạm Đình Hổ viết như sau: “Ông làm quan trong triều, nhà riêng ở Nam Xá, thành Đại La, tục gọi là dinh Ông Mạc”. Đất Ông Mạc bao gồm mấy làng Lương Yên – Lãng Yên xưa (phố Lê Quý Đôn và Lương Yên ngày nay).
Nhà nghiên cứu Hoàng Đạo Thúy trong cuốn “Người và cảnh Hà Nội” viết: “Đường dọc thứ hai của vùng này là phố Lò Đúc, đi từ phố Phan Chu Trinh đến cửa ô Đống Mác. Xưa phố này có nhiều lò đúc đồng, sau chuyển lên Ngũ Xá. Người ta kể cái tên Đống Mác là từ tên Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi mà ra, vì ông Mạc có nhà riêng ở đây”.
Thế nhưng dân gian lại giải thích khác, với danh nghĩa “Phù Lê diệt Trịnh”, năm 1786, Nguyễn Huệ sai Nguyễn Hữu Chỉnh làm tiên phong Bắc tiến. Quân Trịnh rệu rã nhanh chóng thua trận, các danh tướng phần nhiều nghe tin Phú Xuân thất thủ đã khiếp sợ, đến khi nghe quân Tây Sơn kéo ra, đa số đã vứt bỏ binh khí chạy trốn. Quân Tây Sơn không cần tiến đánh cửa ô này vì binh lính nhà Trịnh đã bỏ lại giáo mác thành đống. Từ đó, cửa ô này có tên là ô Đống Mác. Sau đó, ô Đống Mác lại đổi tên là ô Thanh Lãng. Đến đời vua Tự Đức, ô Thanh Lãng được đổi thành ô Lãng Yên. Dù đã bị đổi tên, nhưng vì nhớ công lao quân Tây Sơn nên dân chúng Thăng Long vẫn gọi ô Đống Mác và tên ấy vẫn được sử dụng cho đến ngày nay.
Xem thêm video của Xin Chào Việt Nam tại đây:
Comments are closed.