Tại Việt Nam, từng vùng miền sẽ có những tục lệ cưới hỏi, thủ tục đám cưới khác nhau. Thế nhưng, có những vùng miền có tập tục cưới xin, hỏi đám vô cùng độc đáo mà chúng ta có thể biết thêm được sự trù phú của văn hóa Việt Nam.
Làng Đồng Kỵ (Bắc Ninh) – nơi con trai con gái không được lấy người ngoài làng
Thời nay tuy đã khác, chuyện dựng vợ gả chồng cho con cái không còn khắt khe, câu nệ chuyện xa gần như trước nhưng khi đến làng Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) nhiều người vẫn không khỏi bất ngờ khi biết lệ làng: Con trai con gái thường không lấy vợ, lấy chồng thiên hạ mà “ưu tiên” lấy người trong làng.
Trước đây chuyện cưới xin cho con cái là một tục lệ khá đặc biệt ở Đồng Kỵ. Gia đình nào cứ có con trai lên 8 tuổi là cha mẹ đã để ý nhắm tìm xem trong làng có cô gái nào khỏe mạnh, nhanh nhẹn, ướm có tướng mắn con, gia đình lành lẽ.
Sau khi bàn bạc với ông bà nội, tham khảo thêm ý kiến của ông chú bà bác sẽ cho người mai mối, đánh tiếng để tính chuyện trăm năm cho con trai mình. Nếu thuận lợi, nhà trai chọn ngày lành tháng tốt sửa soạn cơi trầu sang bên nhà gái nói chuyện cùng gia đình nhà gái, đợi đến khi cả hai trưởng thành sẽ cho đôi bạn trẻ kết duyên tơ hồng.
Như thế là cả làng đã biết cô gái đó đã “có nơi có chốn” rồi và dẫu gia đình khác dù có “ưng” cô gái đó đến đâu nhưng đành coi như mình chậm chân và đi tìm cô gái khác cho con trai mình. Khi đã ngắm được gia đình “hợp” với nhà mình, họ cho hai con tìm hiểu nhau trong một thời gian gắn nếu hai bên ứng ý sẽ tiến hành hôn lễ, còn không cũng không bắt ép và lại tiếp tục tìm hiểu đám khác.
Theo nhiều cụ cao niên cho biết, trước đây ở Đồng Kỵ có quan điểm rằng con gái có độ tuổi từ 18 – 22 là độ tuổi xuất giá đẹp nhất và được các trai làng để ý, còn lớn tuổi hơn một chút thì xem như đã… ế. Hầu như con gái xinh xắn, ở độ tuổi cập kê thì con trai thiên hạ sẽ khó mà lấy được, chỉ có cô nào kém phần “nhuận sắc” hay quá lứa lỡ thì mới đi lấy chồng ở ngoài.
Ngoài ra, việc cưới xin ở đây cũng khá độc đáo khi vẫn giữ những nét chính của phong tục truyền thống từ xa xưa. Lễ cưới ở Đồng Kỵ cũng khá đặc biệt, trước hôm cưới nhà trai dâng đồ lễ cho nhà gái đủ làm cỗ mời họ hàng, làng xóm. Đồ dẫn cưới thường là 2,5 tạ thịt lợn, 20 nồi gạo tẻ, 5 nồi gạo nếp, trầu cau chè lá đủ dùng theo yêu cầu của nhà gái.
Không nên lấy vợ ở làng Hòa Đình (Ứng Hòa – Hà Nội)
Trong cuốn Tục hay lệ lạ Thăng Long Hà Nội của NXB Phụ nữ 2016, ông giáo Đặng Đình Thiêm (SN 1933, người làng Hoàng Xá, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) có nhắc đến một trong bốn điều không nên làm ở Ứng Hòa xưa. Đó là không nên lấy vợ ở làng Hoa Đình
Hoa Đình gồm ba làng: Hoàng Xá, Đình Tràng và Lương Xá. Nay làng Hoàng Xá thuộc thị trấn Vân Đình, còn Đình Tràng, Lương Xá, thuộc xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội. Con gái làng Hoa Đình xưa nổi tiếng xinh đẹp, giỏi giang. Tuy nhiên, các chàng trai nơi khác chỉ có thể nhìn, ngắm chứ không dám cưới.
Lệ làng xưa, trai thiên hạ muốn lấy gái làng phải “nộp cheo” (Tiền cheo là một khoản tiền nộp cho làng xã ở Việt Nam trước Chiến tranh thế giới thứ hai khi người con gái lấy chồng. Khoản tiền này thường do nhà trai lãnh trả như một sính lễ trong thủ tục cưới hỏi. Bên nhận là làng của cô dâu) rất nặng. Mỗi khi có đám cưới, người ta sẽ vắt một dây mây qua nóc đình, một bên buộc một chiếc cối đá. Nhà trai phải mang tiền đồng tới treo vào đầu dây bên kia, sao cho nâng được chiếc cối lên cân bằng… mới coi là đủ lệ.
“Chiếc cối đá không quá to, nhưng để nâng được chiếc cối đó, nhà trai ít nhất cũng phải mất 18 quan tiền”.
Vào ngày đón dâu, cánh trai làng sẽ bày một cái bàn giữa đường, trên bàn có bát hương nải chuối. Sau đó, họ căng một sợi dây thừng ngang đường. Nhà trai gặp chặng đường ấy phải tới thương lượng, đưa cho trai làng số tiền theo yêu cầu, họ mới chịu rút dây cho đi qua.
Chính vì thế, nhiều chàng trai đất khách dẫu khát khao lắm… nhưng cũng đành chịu, nếu gia tư điền sản không nhiều hoặc bố mẹ không hào phóng lo liệu.
Với trai làng thì việc nộp cheo sẽ ít hơn, lại không phải bị cảnh đòi tiền mãi lộ nên dẫu không giàu có hoặc tài ba cũng thường có… hai, ba vợ!
Hiện tại, lệ thách cưới, nộp cheo hay tục chăng dây đều đã bị xóa bỏ. Các đám cưới ở Hoàng Xá ngày nay được tổ chức rất đơn giản. Tuy nhiên, những tục lệ xưa đã được ông ghi chép lại một cách tỉ mỉ cho thấy nét văn hóa mà nhiều thế hệ trẻ không còn được biết đến.
“Ngủ thử” 5 lần mới được lấy nhau của dân tộc Mường
Người Mường (Hòa Bình) còn tồn tại một phong tục rất độc đáo, đó là ‘ngủ thăm’ (ngủ thử). Nếu mọi chuyện tốt đẹp, sau vài lần ngủ thăm, chàng trai sẽ mang bạc trắng, lợn béo sang hỏi cô gái làm vợ.
Đây là phong tục lâu đời của người Mường. Theo đó, những chàng trai đến tuổi trưởng thành được phép tới “ngủ thăm” nhà cô gái mà họ ưng. Các cô gái tối đến thường đốt một ngọn đèn, coi như “tín hiệu” để các chàng trai tìm đến “ngủ thăm”. Nếu đèn trong buồng cô gái còn sáng, nghĩa là chưa có ai đến “ngủ thăm”, chàng trai phải tự cạy cửa để vào nhà.
Khi đêm xuống, các chàng trai chưa vợ có thể cạy cửa nhà (!?) các thiếu nữ mới lớn để chui vào tán tỉnh. Vào được rồi, chàng ta sẽ nằm xuống bên cạnh cô gái và phải để tự bàn tay cô gái ấy tắt hay vặn nhỏ ngọn đèn. Hai người chỉ được trò chuyện, tâm sự ở tư thế chung chăn, chung gối mà không được chạm vào người nhau.
Tuy nhiên, một chàng trai sau khi cạy cửa vào được nhà, chui được vào màn nhưng chưa chắc đã được các thiếu nữ cho ngủ thăm. Có cô gái dửng dưng, có cô cự tuyệt, có cô hét toáng lên khiến một số chàng chưa đủ kinh nghiệm non gan chạy ” mất dép”.
Những du khách người Kinh có thể lên ngủ thăm với sơn nữ nhưng với điều kiện là cô gái đó chưa có ai ngủ thật. Tất nhiên, dù ngủ cùng nhưng chàng trai nghiêm cấm đụng chạm đến cô gái. Ngạc nhiên hơn, cô gái có thể cho cùng lúc hai chàng trai ngủ cùng nằm ở hai bên mình (?!). Trường hợp này, chàng trai nào nói hay hơn thì sẽ là người chiến thắng.
Sau 5 lần tới “ngủ thăm”, nếu cả 2 đều ưng nhau thì chàng trai sẽ cùng gia đình tới nhà gái để xin đám cưới. Phong tục này cho đến nay vẫn được duy trì ở một số nơi.
Tục bắt chồng ở một số đồng bào dân tộc Tây Nguyên
Với đồng bào dân tộc Chu Ru, Cil, Cơ-ho…Tây Nguyên, khi mùa xuân về, khi hoa cà phê nở trắng, hoa pơlang đỏ thắm rực rỡ, những con ong bay đi lấy mật thì cũng là lúc khắp các bản làng sẽ rạo rực vào mùa cưới, mùa bắt chồng của những thiếu nữ đến tuổi cập kê.
Lý do có tục bắt chồng này là bởi ở vùng Tây Nguyên theo chế độ mẫu hệ nên con gái phải đi hỏi chồng với chi phí khá tốn kém. Hầu như 10 đám “bắt chồng’’ đều được cả 10 bởi trước đó đôi trai gái đã yêu thương nhau tha thiết, song do nhà gái không có tiền đi của cưới cho nhà trai và để làm đám cưới nên đành chọn cách “bắt chồng”.
Theo phong tục, lễ bắt chồng thường thực hiện vào ban đêm. Khi thích một chàng trai nào đó, cô gái sẽ về thông báo với gia đình và dòng họ. Trong ba tháng mùa xuân, gia đình nhà gái sẽ đến nhà trai dạm hỏi. Nếu cả hai dòng họ đồng ý, buôn làng sẽ tổ chức “Đêm hội bắt chồng”. Cô gái sẽ đeo nhẫn vào tay người con trai vào một đêm đẹp trời, gọi là đêm thiêng.
Cặp nhẫn hay còn gọi là cặp Srí, là tín vật thiêng liêng nhất của lễ hội. Để làm nên cặp nhẫn cưới này phải mất rất nhiều công sức. Vật liệu chính là bạc, sáp ong, phân trâu và một ít đất sét lấy trong rừng già. Người Tây Nguyên quan niệm con trâu là một vật linh thiêng và mang biểu tượng của sự đầm ấm, sung túc, còn sáp ong thể hiện sự chăm chỉ, cần mẫn.
Trường hợp người con trai không thích có thể tháo nhẫn trả lại, đến 7 ngày sau, cô gái lại chọn một đêm đẹp trời đến đeo nhẫn cho chàng trai và cứ thế cho đến khi chàng trai chấp nhận thì đám cưới diễn ra.
Vào ngày cưới, chàng trai và cô gái rút nhẫn ra hôn nhẫn và đeo lại cho nhau. Xung quanh là người thân và dân làng tổ chức đánh chiêng, cùng nhau uống rượu và múa hát. Sau lễ cưới 7 ngày, cô gái tháo nhẫn đưa mẹ chồng cất giữ và ngược lại, nhẫn của chàng trai do mẹ cô gái cất giữ.
Chàng trai sẽ ở rể trong năm đầu tiên, sau đó có thể lựa chọn ở riêng hay ở chung với bố mẹ. Nhưng dù là ở chung hay riêng thì đôi vợ chồng vẫn luôn yêu thương nhau, giữ trọn đạo hiếu với hai bên gia đình.
Tục rước dâu vào ban đêm của vùng Con Cuông – Nghệ An
Ở xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, người dân tộc Thái chiếm đa số và tồn tại rất nhiều phong tục lạ kỳ. Trong số này, tục rước dâu đêm là độc đáo nhất. Khi nhắc tới, người dân nơi đây rất tự hào. Cha ông họ kể lại, tục rước dâu đêm đã tồn tại từ hàng trăm năm nay và không hề mai một.
Người dân nơi đây có một quan niệm rất riêng rằng, ban ngày thường có nhiều linh hồn, quỷ dữ lang thang vất vưởng, nếu đám rước được tiến hành vào ban ngày thì những linh hồn này sẽ theo về phá hoại hạnh phúc của đôi tân lang, tân nương. Theo tín ngưỡng của bà con, thời khắc chuyển giao giữa ngày cũ và ngày mới chính là lúc trong lành, may mắn và có nhiều lộc trời nhất. Đón dâu vào giờ khắc này sẽ quy tụ được những tinh túy hồn thiêng sông núi, cuộc sống vợ chồng gặp nhiều may mắn, hạnh phúc.
Tất nhiên, đám cưới ở đây không chỉ độc đáo ở chuyện rước dâu ban đêm mà còn vô số những nghi lễ khác rất lạ, nhưng cực kỳ độc đáo và nó lý giải vì sao, đám cưới với người nơi đây là một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa hơn bất cứ sự kiện nào trong đời. Trong đám cưới, người ta còn hát đối đáp giao duyên, làm lễ trừ tà, mời trầu, mời ngồi. Đặc biệt, đó là tục rửa chân cho cô dâu khi bước vào nhà chồng. Giống như ý nghĩa của rước dâu ban đêm, việc rửa chân cho cô dâu cũng mục đích là xua ma quỷ và những bụi trần trước đây để cô dâu bước vào ngôi nhà mới với sự trong sáng, thánh thiện, hướng đến một gia đình hạnh phúc.
Ngoài ra phong tục rước dâu đêm của người Thái còn vô cùng chi tiết với nhiều thử thách kỳ lạ và những câu chuyện ẩn chứa trong những thử thách đó sẽ được chúng tôi đưa vào một bài viết riêng cho tục lệ văn hóa đầy độc đáo này.
Tục vỗ mông kén vợ của…người Mông (Hà Giang)
Các thế hệ trai gái người Mông ở Mèo Vạc (Hà Giang) tìm đến nhau bằng tục “vỗ mông” – đã gắn liền với ngày xuân của người Mông từ bao đời. Đó là một nét văn hóa đẹp, là sợi dây kết nối yêu thương và cũng là thứ tình cảm, lời tỏ tình độc đáo có một không hai.
Buổi sáng ngày tết, khi cái lạnh miền sơn cước vẫn chưa kịp tan, mọi người đã nô nức kéo đến các bãi đất trống, khoảng sân rộng hay trên các đoạn đường giao thông chạy qua thôn, bản để cùng vui chơi. Đây cũng là dịp để các thanh niên nam nữ Mông có cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu nhau.
Họ lớn lên bằng những hạt lúa, bắp ngô được gieo mầm từ những hốc đá trên nương và khi đến với nhau, trao gửi yêu thương cũng bình dị như những cái vỗ mông nhẹ nhàng, tình cảm.
Trong ngày hội xuân, thanh niên thường đi thành tốp nữ, tốp nam. Trong khi các chàng trai trổ tài, chứng tỏ sức mạnh qua các trò chơi kéo co, đẩy gậy, thổi sáo, múa khèn… thì các cô gái lại xúng xính trong quần áo mới đầy hớn hở nhưng không thiếu vẻ đằm thắm, dịu dàng. Họ cũng không quên đưa mắt chọn lựa người trong mộng cho mình.
Khi ánh mắt tình tứ đã tìm thấy nhau, cô gái nhẹ nhàng, kín đáo tách khỏi đám đông. Chàng trai hiểu ý bước theo tiếp cận, dùng tay vỗ vào mông “đối tác” của mình rồi buông lời tâm tình, đường mật. Ưng bụng, cô gái quay lại vỗ nhẹ vào mông chàng trai đáp lại tình cảm. Cứ như thế, đôi trai gái vừa đi, vừa vỗ qua vỗ lại trao nhau những lời yêu thương cho đến khi vỗ đủ “chín cặp” – tức là hai bên đã chấp thuận nhau, chờ đợi người làm mai mối để thành vợ, thành chồng.
Nếu đã thực lòng ưng thuận nhau nhưng chưa vỗ đủ “chín cặp”, họ lại chờ đến ngày hôm sau, hẹn gặp nhau để tâm sự và “vỗ mông” tiếp cho đủ. Nếu vẫn không vỗ đủ “chín cặp” hoặc chẳng gặp lại nhau nữa thì đó là do họ không có duyên thành đôi. Sau đó, mỗi người lại tiếp tục đi tìm cho mình người bạn tình phù hợp để nên duyên vợ chồng.
- Tham khảo sách về lịch sử Việt Nam: Đại Việt sử ký toàn thư và Việt Nam sử lược