Thăng Long Tứ Trấn là bốn ngôi đền thiêng liêng bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa, nay là thủ đô Hà Nội, Việt Nam. Trong Thiên đô chiếu (chiếu dời đô), Hoàng đế Lý Thái Tổ đã miêu tả Đại La (Thăng Long) là nơi “ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước.” Ông cho rằng một nơi như vậy ắt sẽ mang lại thái bình và thịnh vượng, nên phải được bảo vệ một cách linh thiêng.
Vậy là xuyên suốt triều đại nhà Lý, truyền thống thờ phượng Thăng Long Tứ Trấn dần trở thành một phần của tín ngưỡng dân gian. Đây là bốn ngôi đền phục vụ cho việc thờ cúng bốn vị thần trấn giữ tứ phương của thành.
Tứ trấn Thăng Long gồm: Đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ (trấn Đông), đền Voi Phục thờ thần Linh Lang (trấn Tây), đền Kim Liên thờ thần Cao Sơn Đại Vương (trấn Nam), đền Trấn Vũ thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ (trấn Bắc).
Đền Bạch Mã trấn giữ phương Đông
Địa chỉ: tại số 76 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm
Nằm giữa lòng Phố Cổ, đền Bạch Mã là “tuyến phòng vệ” trấn giữ phía Đông thành cổ. Được khởi dựng vào thế kỷ thứ 9, đền Bạch Mã được xem là ngôi đền lâu đời nhất của Tứ Trấn. Vị thần được thờ phụng ở đây là thần Long Đỗ (có nghĩa là “rốn rồng”), hay còn gọi là thần Bạch Mã.
Đền Bạch Mã có lịch sử hơn một nghìn năm, là trấn đầu tiên trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long gắn với truyền thuyết xây La Thành của Cao Biền vào năm 866 và vua Lý Thái Tổ xây thành Thăng Long vào thế kỷ XI. Theo truyền thuyết, khi Đức vua Lý Thái Tổ dời đô ra thành Đại La, khi xây thành gặp trắc trở, Vua cầu thần Long Đỗ phù trợ định đô, xây dựng kinh thành mới đã được thần báo mộng thấy ngựa trắng.
Dấu chân của ngựa trắng đã chỉ cho nhà vua biết phải xây thành Thăng Long ở những vị trí nào sẽ được bền vững. Khi xây xong thành nhà vua đã đặt tên cho đền là Bạch Mã và phong thần Long Đỗ là Thành hoàng Quốc đô Thăng Long.
Đền Bạch Mã xây theo hình chữ “Tam”, bên ngoài là phương đình tám mái, có một tam bảo và hơn 13 hoành phi. Hoạ tiết bài trí trên các ô cửa đền gần gũi với phong cách kiến trúc châu Á. Ngôi đền có bốn phần chính. Đầu tiên là Phương đình (sân trước) với những cột gỗ lim sơn son thếp vàng. Tiếp theo là Đại bái (đình ngoài) được dành riêng để thờ Bạch Mã, rồi Thiên hương (đình giữa). Cung cấm trong cùng là nơi thờ thần Long Đỗ. Hằng năm, lễ hội đền Bạch Mã tổ chức vào ngày 13/2 âm lịch, tại khu phố cổ Hà Nội, thu hút rất đông nhân dân Thủ đô và du khách thập phương tham dự.
ĐỀN VOI PHỤC
Địa chỉ: tại phố Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình
Ngự ở phía tây kinh thành là đền Voi Phục ẩn mình dưới tán lá xanh ở công viên Thủ Lệ. Đức thần được thờ là Hoàng tử Linh Lang, có nguồn gốc là con của Long Vương thác sinh vào làm con một bà phi tên là Hạo nương của vua Lý Thánh Tông. Vào thế kỷ 11, đức thần đã có công giúp vua Lý Thánh Tông đánh giặc Tống. Để tưởng nhớ công đức thần, nhà vua đã lệnh cho dân chúng dựng đền Voi Phục; tên gọi xuất phát từ hai bức tượng voi đá quỳ trước cổng đền.
Mái đền Voi Phục mang kiến trúc truyền thống như những ngôi đền cổ khác — đuôi mái đền được uốn cong, được tổ điểm bởi chạm khắc các linh vật như rồng, lân, phượng, v.v.
Đền voi Phục gắn liền với huyền tích hoàng tử Linh Lang, câu chuyện huyền tích này ít được mọi người biết đến. Xem chi tiết bài viết về Hoàng tử Linh Lang – Đền Voi Phục
Mặc dù rất nhiều thần phả về Linh Lang có cốt truyện gần giống như Thánh Gióng nhưng biên niên lịch sử Việt Nam lại khẳng định Linh Lang là một nhân thần, không phải thiên thần. Theo cuốn Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam (Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin) thì Linh Lang là con của Vua Lý Thái Tông và Hoàng phi họ Nguyễn (tên thường gọi là Hạo nương, người làng Bồng Lai).
Theo đó, Linh Lang Đại vương sinh năm 1030, được đặt tên là Hoàng tử Linh Lang (tên thường gọi là Hoằng Chân). Tương truyền, Hoàng tử Hoằng Chân sinh ra đã có diện mạo khôi ngô, tuấn tú. Suốt tuổi thơ, Hoàng tử sống trong cung cùng mẹ ở khu Thị Trại (nay là phường Thủ Lệ). Ở tuổi 14, Linh Lang đã cùng trai tráng trong vùng chuyên cần luyện tập võ nghệ. Lớn lên, Linh Lang tỏ rõ là chàng trai văn võ song toàn, theo vua cha đánh giặc Chiêm Thành, đuổi giặc tới tận thành Đồ Bàn (ở Quy Nhơn, Bình Định).
Năm 1069, Linh Lang theo anh là Lý Thánh Tông tiến quân về phía Nam Hải (Bến Hải – Quảng Trị) đánh bại quân Vĩnh Trinh. Năm 1076 – 1077, nhà Tống đem quân xâm lược nước ta, tướng Lý Thường Kiệt làm tổng chỉ huy mọi lực lượng kỵ binh, bộ binh, thủy binh, giao cho Linh Lang đảm nhiệm lực lượng thủy quân, từ Vạn Xuân đánh ngược lên phía Bắc, tiêu diệt cụm quân của Chánh tướng Quách Quỳ, rồi phối hợp với đạo quân của Lý Thường Kiệt phản công mạnh mẽ vào lực lượng của phó tướng giặc là Triệu Tiết khiến cho quân Tống bị thương vong rất nhiều, không thể chống đỡ được trên tuyến sông Như Nguyệt (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh) nên phải cầu hòa và rút quân về nước.
Trong trận quyết chiến này, Hoàng tử Linh Lang đã chiến đấu rất mưu lược, ngoan cường, đánh bại kẻ địch nhưng sau đó đã anh dũng hy sinh. Nhà Vua biết tin đã xúc động và ra tuyên cáo sắc phong Linh Lang là Linh Lang Đại vương thượng đẳng tối linh thần và truyền cho tất cả những nơi Linh Lang đã đi qua đều lập đền thờ để tưởng nhớ công lao.
Sau này, khi nhà Trần đánh giặc Nguyên Mông và nhà Lê tiễu trừ Mạc Thị, các vị tướng xuất trận tới đền thờ Linh Lang Đại vương cầu đảo và đều giành thắng lợi. Vua Trần Thái Tông hàm ơn bèn sắc phong thêm 5 chữ: “Bình Mông Vương Thượng Đẳng”. Triều Lê Trung Hưng phong thêm 8 chữ: “Phối Đồng Thiên Địa – Vạn Cổ Lưu Truyền”. Trải qua các triều đại từ thời nhà Lý đến thời nhà Nguyễn sau này đều phong ngài làm “Thượng Đẳng Thần”.
Cũng có sách lại ghi rằng, sau những chiến tích vang dội của mình, Hoàng tử Linh Lang được Nhà Vua phong thưởng rất nhiều, nhưng Ngài đều đem phần thưởng đó phân phát cho dân. Linh Lang chỉ xin Nhà Vua cho tung cờ lên, cờ bay đến đâu thì làm nhà ở đó. Cờ bay đến trại Thủ Lệ, Vua cho xây cung điện ở đó, Linh Lang ở được một thời gian ngắn thì không bệnh mà hóa (ngày 12 tháng 2 âm lịch). Nhà Vua phong cho Hoàng tử là Linh Lang Đại vương. Sắc phong cho hai làng Thụy Khuê và Thủ Lệ lập đền thờ làm Thành hoàng.
Như vậy, Hoàng tử Linh Lang đã ba lần cưỡi voi ra trận đánh tan giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi. Lần thứ nhất đánh giặc Chiêm Thành (năm 1044), lần thứ hai đánh giặc Vĩnh Trinh (năm 1069), lần thứ ba đánh giặc Tống (năm 1077). Đặc biệt, Hoàng tử còn có công hóa phép làm mưa, giải trừ đại hạn, giúp cho mùa màng tươi tốt. Do vậy, Linh Lang được người người yêu mến, tôn thờ và kể những câu chuyện huyền bí để thần thánh hóa vị Hoàng tử luôn cống hiến sức mình để bảo vệ bờ cõi, giữ ấm no cho dân nước Việt. Chính vì vậy, trong các ngôi đền thờ Linh Lang luôn có câu đối:
“Đông cung phút chốc cưỡi rồng bay, vẫn đây truyền thắng tích
Trấn tây mãi mãi có Voi Phục, muôn thuở vững miếu thờ”.
Đền Kim Liên trấn giữ phía Nam
Đền Kim Liên là ngôi đền linh thiêng trấn giữ phía Nam, nơi thờ phượng thần Cao Sơn, một trong 100 người con của thủy tổ Lạc Long Quân và Âu Cơ. Theo chân mẹ lên núi, ông đã giúp Sơn Tinh đánh bại Thủy Tinh để mang lại giang sơn ấm no và thái bình cho người dân.
Tương truyền, Cao Sơn đại vương là con trai của Lạc Long Quân và Âu Cơ, là một trong 50 người con theo mẹ lên núi, đã cùng Sơn Tinh (tức Thánh Tản Viên) chống lại Thủy Tinh mang lại sự bình yên cho muôn dân trăm họ.
Theo tài liệu đền Kim Liên, vào triều Lê, Lê Mẫn (Uy Mục Đế) thất đức, hung bạo càn rỡ có mưu đồ lật đổ Lê Tương Dực. Tháng 11 năm Kỷ Tỵ (1509), nhà vua lánh nạn vào Tây Đô dấy binh khởi nghĩa, khôi phục lại nghiệp của vua Cao Tổ, cứu vớt dân lành.
Bấy giờ, có ba vị đại thần là Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Hoàng Dụ và Nguyễn Văn Lữ phụng mệnh đem quân đi chinh phạt. Đến địa phận huyện Phụng Hoá (nay là huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) thấy cảnh núi rừng rậm rạp có ngôi đền cổ ghi bốn chữ “Cao Sơn đại vương”, bèn cúi lạy khẩn cầu thần phù trợ.
Linh ứng, chưa đầy một tuần nghiệp lớn đã thành công. Cùng năm đó, vào ngày mùng 2 tháng Chạp, nhà vua giành lại ngai vàng. Để tưởng nhớ đến công ơn thần, nhà vua đã cho dựng lại đền thờ to đẹp hơn ở phường Kim Hoa gần Thăng Long vào năm 1509. Đồng thời sai sử thần Lê Tung soạn văn bia lưu truyền, sớm hôm hương khói báo đáp ơn thần.
Di vật quan trọng nhất của ngôi đền là tấm bia đá “Cao sơn Đại Vương thần từ bi minh” soạn năm 1510. Bên cạnh đó là hệ thống 39 đạo sắc phong cho thần Cao Sơn Đại Vương được dựng từ triều Hậu Lê đến triều Nguyễn.
So với ba ngôi đền còn lại, đền Kim Liên được cho là hoàn thiện muộn nhất, vào thế kỷ 16-17 từ khi được khởi công sau sự kiện dời đô. Qua thời gian, dân làng Kim Liên xây thêm cổng tam quan cạnh hồ Kim Liên. Nhiều công trình bổ trợ cũng đã được xây dựng và ngôi đền dần kiêm luôn chức năng của một ngôi đình làng.
Đền Quán Thánh trấn giữ phương Bắc
Tọa lạc bên cạnh Hồ Tây, đền Quán Thánh là ngôi đền mang nhiệm vụ trấn giữ phương Bắc. Đây là nơi thờ phượng Huyền Thiên Trấn Vũ, một vị thần quan trọng trong Đạo giáo, tượng trưng sao Bắc Cực.
Sách Nguyên thủy Thiên Tôn thuyết Bắc phương Chân Vũ diệu kinh kể, Chân Vũ Thần Quân (tức Huyền Vũ) vốn là thái tử nước Tịnh Lạc, giỏi giang mà dũng mãnh, nguyện tận diệt yêu ma trong thiên hạ, không nắm ngôi vua. Sau được tiên truyền cho phép màu vô cực, vào núi Thái Hòa để tu đến công thành đức mãn, được Ngọc Hoàng phong cho trấn giữ phương Bắc. Đời Tống Chân Tông, ông vua này xuống chiếu phong là Chân Vũ Linh Ứng Chân Quân. Năm Đại Đức thứ 7 (năm 1303) nhà Nguyên, được gia phong là Nguyên Thánh Nhân Uy Huyền Thiên Thượng Đế, trở thành vị thần tối cao của phương Bắc.
Truyền thuyết cũng cho rằng, Trấn Vũ là hóa thân của Nguyên Thủy Thiên Tôn (vị thần đứng đầu Tam Thanh trong Đạo Giáo). Trong đạo kinh chép Trấn Vũ Đại Đế để tóc dài, mặc áo đen, áo được dát vàng, lưng đeo đai ngọc, chân đạp trên rùa và rắn, trên đỉnh có vầng hào quang, tướng mạo uy mãnh.
Cũng theo truyền thuyết, Huyền Thiên Trấn Vũ là vị thần cai quản phương Bắc giúp dân trừ tà ma, yêu quái; trừ rùa thành tinh (đời Hùng Vương 14); giúp Lạc Long Quân trừ cáo chín đuôi ở Tây Hồ; giúp An Dương Vương trừ tinh gà trắng xây thành Cổ Loa; diệt hồ ly tinh trên sông Hồng đời vua Lý Thánh Tông… Thời nhà Lê, Vua cũng thường đến đây để cầu mưa mỗi khi có mùa màng gặp hạn hán.
Ngôi đền hiện nơi lưu trữ nhiều tác phẩm nghệ thuật xưa, trong đó có 40 bài thơ Đường được khắc gỗ niên đại từ thế kỷ thứ 7. Ngoài ra còn có một bức phù điêu đồng miêu tả cảnh Tam giới: Thiên-Địa-Thuỷ.
Theo sử liệu, đền Quán Thánh xây dựng vào những năm đầu khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, trên gò Hồi Long phía Đông Bắc Hồ Tây. Đền Quán Thánh là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc biệt, lưu giữ nhiều tư liệu quý về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, tín ngưỡng ở nhiều thời kỳ lịch sử của Việt Nam.
Đền có kiến trúc xây theo kiểu nội “đinh”, ngoại “quốc”, ngoài cùng là nghi môn tứ trụ, tiếp đến là gác chuông nơi treo quả chuông được đúc vào năm Đinh Tỵ đời Lê Hy Tông (1677), phía trong là tòa đại bái và hậu cung. Hai bên tả, hữu tòa đại bái có treo biển đồng “Đề Chân Vũ quán”, do vua Thiệu Trị ngự đề.
Trong số các bảo vật đang lưu giữ ở Di tích có pho tượng đồng Huyền Thiên Trấn Vũ cao 3,96m, chu vi 8m, nặng 4 tấn, kiệt tác của các nghệ nhân làng Ngũ Xá (Hà Nội) đúc năm Đinh Tỵ 1677.
Là nơi ngự của một vị võ thần với sức mạnh vô song, có lẽ không có gì ngạc nhiên khi ngôi đền còn có chức năng khác là võ đường. Các võ sinh thường đến đây luyện tập vào buổi chiều.
Khi nói đến vẻ đẹp trữ tình, mơ màng của một sớm thu nơi Hồ Tây, chắc hẳn bạn đã từng nghe câu ca dao: “Gió đưa cành trúc la đà. Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương”. Tiếng chuông Trấn Vũ gần xa đưa về ấy chính là tiếng chuông vọng từ Đền Trấn Vũ, tức Đền Quán Thánh nằm cạnh Hồ Tây, đã trở thành âm thanh huyền thoại, mê hoặc trong tiềm thức của dân Hà Nội từ ngàn xưa.
- Tham khảo sách về lịch sử Việt Nam: Đại Việt sử ký toàn thư và Việt Nam sử lược