Đi dự đám cưới không ít nhưng rất có thể, nhiều người còn chưa biết đến 8 điều đại kỵ khi đi đám cưới. Tuy nhiên tài liệu dưới đây chỉ có tính chất tham khảo, có cầu có thiêng có kiêng có lành. Mọi người có thể có thêm suy nghĩ cho mình khi đi dự đám cưới nhé
Phong tục, tập quán dân gian của người Việt Nam xưa nay vốn phong phú, nhất là trong những ngày sự kiện trọng đại như cưới hỏi. Không chỉ riêng phần cô dâu chú rể phải kiêng cữ rất nhiều, mà chính người tham dự lễ cưới cũng cần giữ ý giữ tứ để tránh mang xui xẻo, vận hạn đến cho đôi uyên ương như:
Người có bầu không nên đi đám cưới
Đã từ lâu, các cụ truyền tai nhau vấn đề kiêng sự xuất hiện của phụ nữ mang thai trong lễ cưới. Theo các cụ, “người tứ nhãn” tức phụ nữ có thai tham gia lễ cưới sẽ mang đến điều xui xẻo cho cuộc sống hôn nhân của đôi uyên ương, làm họ lục đục dẫn đến đổ vỡ. Và các thế hệ tiếp nối nhau cứ tuân thủ theo tục lệ đó mà không hề có một lời giải đáp rõ ràng với quan điểm “Có kiêng có lành”.
Thực tế, quan điểm này có thể xuất phát từ suy nghĩ đám cưới là nơi đông đúc, bà bầu đi lại có phần khó khăn. Và vì thức ăn, nước uống rơi nhiều trên sàn nhà gây trơn trợt, sẽ rất nguy hiểm.
Vì vậy, ông bà xưa muốn tránh cho thai phụ những điều không hay khi đến đám cưới. Bên cạnh đó, nhiều thai phụ không tự tin vào vóc dáng trong thai kỳ nên chỉ muốn ở nhà, ngại tham gia các buổi tiệc tùng, họp mặt. Về lâu dài, có thể đã dần trở thành điều kiêng kỵ trong cưới hỏi.
Bên cạnh đó, còn có một quan niệm khác là nếu phụ nữ mang thai mà tham dự lễ cưới, em bé sẽ bị mất duyên, đặc biệt là các bé gái.
Không được ngồi lên giường cưới
Đám cưới truyền thống của người Việt khi nhà gái đưa dâu về nhà chồng, gia đình nhà trai sẽ đưa đại diện nhà gái lên xem phòng tân hôn. Trang trí phòng cưới, trải giường cưới đẹp mắt là biểu hiện trân trọng con dâu mới của nhà trai, là “bộ mặt” và thể diện của nhà trai nên việc này được coi trọng đặc biệt, việc chuẩn bị trang trí phòng cưới, giường cưới được hai nhà và cô dâu chú rể rất quan tâm.
Bởi vậy, kể từ khi trải chiếu giường cưới xong thì không ai được ngồi lên giường cưới nữa, và tuyệt đối không trải lại chiếu giường cưới.
Một số địa phương có tục lệ chọn bé trai lanh lợi, vui vẻ (hoặc vài bé trai) lên giường lăn lộn, vui chơi trên giường cưới trước tiên, với quan niệm vợ chồng mới cưới sẽ sớm có quý tử – cũng là một cách chúc phúc lành cho cặp uyên ương may mắn, có con có phúc. Gia chủ còn lì xì cho những người bày trí giường cưới và những đứa trẻ may mắn này.
Đặc biệt, dân gian quan niệm rằng, người lớn – đặc biệt là phụ nữ mang bầu, những người không may mắn trong hôn nhân… thì tuyệt đối không được ngồi trên giường cưới cả trước và trong khi đám cưới diễn ra.
Không mặc váy dài trắng đi dự lễ cưới
Mặc dù váy trắng giúp bạn cảm thấy thoải mái và tôn vóc dáng cũng như làn da, tuy nhiên trong ngày cưới của bạn bè hãy tạm cất chiếc váy trắng của mình ở nhà bởi trong ngày này thì chiếc váy trắng được xem như món đồ “độc quyền” của cô dâu. Vì vậy bạn nên hãy tránh xa màu này.
Ngay cả khi cô dâu có chọn váy cưới màu thì bạn cũng không nên diện váy trắng đi dự tiệc cưới, tránh trường hợp khách mời chưa biết mặt cô dâu sẽ có chút nhầm lẫn đáng cười.
Tuyệt đối tránh “cả cây đen”
Không chỉ riêng váy trắng, ngay cả chiếc váy đen hoặc mặc cả cây đen cũng là điều các bạn nên tuyệt đối tránh khi đi đám cưới. Một chiếc váy đen đầy quyến rũ có thể sẽ giúp bạn trở nên gợi cảm trong những bữa tiệc đêm, tuy nhiên nó lại khiến bạn trở nên có phần “vô duyên” trong đám cưới.
Theo quan niệm của người phương Đông, màu đen thể hiện sự u tối, không may mắn, nhất là khi đi dự tiệc cưới thì đây là điều tuyệt đối nên tránh. Tuyệt đối tránh diện nguyên “cây đen” từ quần, áo, váy, kính, phụ kiện, túi xách… đều màu đen tới dự tiệc cưới. Có rất nhiều kiểu váy đầm dự tiệc cưới bạn có thể diện, tuy nhiên nếu vẫn muốn mặc váy đen, hãy khéo léo chọn lựa sao cho chiếc váy đó phải có thêm những họa tiết trang trí khác màu.
Nhà có tang không nên đi đám cưới
Thông thường khi nhà đại tang (tang bố, tang mẹ, vợ hoặc chồng) thì người trong gia đình sẽ kiêng không đi (hoặc theo một cách nào khác tránh tiếp xúc trực diện) đến những nơi vui vẻ như đám cưới, đầy tháng, hội hè… vì cho rằng trong gia đình có người chết thì cả nhà đều nhuốm màu lạnh lẽo. Người ta không thể mang cái lạnh lẽo, xúi quẩy đến những nơi vui vẻ.
Kiêng làm vỡ, bể đồ đạc
Ngày cưới thường đông người, gia chủ thường không chu toàn được mọi việc nên việc đổ, vỡ đồ đạc là điều có thể xảy ra. Tuy nhiên nên hạn chế tối đa, chuẩn bị kỹ càng để tránh việc đổ vỡ vì theo quan niệm người xưa, việc này là điềm không tốt cho đôi trẻ.
Trong ngày cưới, kỵ nhất là vỡ gương, vỡ ly cốc hay gãy đũa. Tương truyền nếu việc này xảy ra thì đôi vợ chồng sẽ xảy ra bất hòa, đổ vỡ, chia ly nên thường mời thầy hoặc làm lễ giải hạn.
Bởi vậy khi đi ăn cưới, tốt nhất “nhẹ chân nhẹ tay” để không trở thành kẻ vô duyên.
Đi đưa, rước dâu phải “đi đến nơi về đến chốn”
Đây cũng là một điều đại kỵ khi đi ăn cưới. Nếu cùng đoàn xe đi rước dâu, đón dâu thì nhất định phải “đi đến nơi về đến chốn”, tuyệt đối không đòi dừng lại ngang chừng giữa đường hoặc bỏ dở hành trình vì chuyện cá nhân. Điều này được cho là mang xui xẻo đến cho cặp uyên ương, khiến tình duyên của họ gặp trắc trở, đứt đoạn giữa đường.
Kiêng kỵ cô dâu khóc và ngoái lại nhà mẹ đẻ sau rước dâu
Trong ngày cưới cô dâu nào rồi cũng sẽ trải qua vô vàn những cung bậc cảm xúc chưa bao giờ có: hạnh phúc, vui mừng, lo lắng, xúc động… và đôi khi không tránh khỏi rơi nước mắt. Những cảm xúc luôn đến một cách tự nhiên trong những thời điểm quan trọng. Nhất là khi cuộc sống bước sang một trang mới với các nàng dâu.
Việc khóc lóc khó tránh khỏi nhưng nếu bước chân ra khỏi cổng nhà mình cô dâu khóc và ngoái lại thể hiện sự vương vấn. Nếu giữ mãi tâm trạng này các nàng dâu sẽ khó lòng chu toàn cho nhà chồng, có thể bỏ nhà chồng về nhà đẻ. Vì thế, mọi cảm xúc hay sự xúc động của cô dâu chỉ nên thể hiện trước khi rước dâu về nhà chồng.
- Tham khảo sách về lịch sử Việt Nam: Đại Việt sử ký toàn thư và Việt Nam sử lược