Bánh gật gù là một loại bánh truyền thống của người dân huyện Tiên Yên, Quảng Ninh. Bánh gật gù nổi tiếng nhất nhất là ở Tiên Yên. Tuy nhiên trên khắp các vùng của Quảng Ninh cũng đều có thể tìm được món bánh gật gù vừa ngon vừa độc đáo này.
Ngày trước, người dân Tiên Yên thích ăn sáng bằng bánh phở nhưng lại không thích loại bánh có nhân bên trong mà muốn làm một loại có thể giữ nguyên hương vị của gạo. Sở dĩ có cái tên “gật gù” là vì khi cầm trên tay, miếng bánh lắc lư, gật lên gật xuống nhưng nhờ có tính dẻo dai mà bánh không hề bị gãy, còn theo một số người thì do khi thưởng thức bánh thực khách cứ gật như bổ củi khen ngon nên lấy đó làm tên cho bánh.
Bánh gật gù được làm từ bột gạo có vẻ bề ngoài giống bánh cuốn, bánh phở. Công đoạn tạo ra mẻ bánh khá cầu kỳ: Gạo được ngâm từ tối hôm trước, đến sáng hôm sau vớt ráo mới nghiền thành bột nước. Khá lạ ở chỗ trong lúc nghiền bột người dân thường cho thêm cơm nguội để khi tráng bánh có độ phồng, xốp, dẻo mịn mà các loại bánh cùng loại không so sánh được.
Đọc thêm: Tung lò mò – món ăn độc đáo của đồng bào Chăm tỉnh An Giang
Ngày trước người ta thường sử dụng cối đá để xay bột làm bánh nhưng bây giờ hầu hết đều sử dụng máy xay công nghiệp để vừa tiết kiệm thời gian, công sức mà lại hiệu quả. Muốn bánh ngon, người làm bánh phải căn chỉnh thật khéo sao cho bột làm bánh không quá lỏng hay quá đặc. Khi đổ bột cũng cần chú ý lượng bột cho phù hợp, tráng đều bánh thành hình tròn, đậy nắp đợi bánh chín. Đun lửa phải đều tay, không quá nóng bánh sẽ không chín đều, và dễ bị rách miếng bánh, đợi sau khi bánh chín nở phồng lên, dùng que nứa xiên dưới miếng bánh khéo léo đưa bánh lên cao, tiếp tục cho thêm mẻ bánh khác vào. Người làm bánh cuộn đều miếng bánh dẻo quẹo trên miếng lá chuối để bánh không bị dính và nhìn ngon mắt hơn.
Thứ nước chấm để ăn cùng với bánh cũng vô cùng đặc biệt. Chỉ đơn giản là hành khô phi với mỡ gà cho thơm, ai cầu kỳ hơn thì thêm một chút thịt nạc băm nhỏ vào xào cùng rồi nêm nước mắm, mì chính cho vừa ăn là xong. Đơn giản là vậy nhưng khi bánh gật gù kết hợp với nước mắm mỡ gà thì quả thực là rất tuyệt vời. Miếng bánh mềm mướt, dai dai hòa quyện trong thứ nước chấm béo ngậy, thơm mùi hành phi khiến ai cũng chỉ muốn ăn mãi không thôi.
Ở Tiên Yên có quy tắc ăn bánh gật gù khá thú vị. Khi ăn, chủ nhà cầm bánh lên trước lắc lư nhẹ để miếng bánh gật gù 3 cái, sau đó khách đáp lễ lại cũng chuyển động để bánh gật gù 3 cái rồi mới cùng thưởng thức. Bánh cuốn gật gù có thể ăn kèm với nhiều món ăn khác nhau.
Trong số những món ăn kèm với bánh cuốn gật gù thì ngon nhất vẫn phải kể đến khâu nhục. Bánh gật gù ăn cùng miếng khâu nhục mềm tan thêm chút đậm đà của mỡ vàng, màu sắc và hương vị thơm ngon hoà trộn với nhau khiến thực khách không nỡ buông đũa.
Ngoài ra, người ta còn có thể ăn bánh gật gù với chả mực (đặc sản nổi tiếng khác của Quảng Ninh) hoặc ngon hơn nữa, ăn với món rựa mận – đặc sản quốc hồn quốc túy của Việt Nam.
Bánh tráng bạn có thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu nhưng để tìm được loại bánh dẻo dai kết hợp với thứ nước chấm đậm đà, thơm ngon như thế này thì có lẽ chỉ có bánh gật gù Tiên Yên mà thôi. Chính vì vậy mà bao năm trôi qua, nhưng món bánh truyền thống tưởng chừng rất đơn giản này đã tồn tại và phát triển trong thế giới ẩm thực của người dân Quảng Ninh nói riêng và ẩm thực Việt Nam nói chung.
Tài liệu tham khảo: Nguyễn Nhã – Bản Sắc Ẩm Thực Việt Nam – NXB Thông Tấn 2009
Xem video hay của Xin Chào Việt Nam tại đây:
Comments are closed.