Demo Example
Demo Example
Demo Example
Chuyện Việt Nam

Chợ Nhà Giàu và Chợ Quê duy nhất còn sót lại ở Hà Nội

Ít ai biết được rằng, ở Hà Nội có một khu chợ, được mệnh danh là “chợ nhà giàu” và ở cách đó không xa, có một khu chợ được mệnh danh là khu chợ quê duy nhất còn tồn tại…

Chợ Hàng Bè – Tổng hành dinh đồ ăn sẵn – siêu chợ – Chợ bán đồ ăn sẵn đầu tiên tại Hà Nội.

Chợ Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm) là một trong những chợ truyền thống đã gắn bó với người dân phố cổ lâu đời, mang đậm dấu ấn văn hóa của Thăng Long – Kẻ Chợ xưa

Đất phố cổ đắt như vàng. Ấy vậy, khu chợ ấy lại có đặc quyền nằm gọn dưới lòng đường và cả phố phải “nhường” không gian. Cả khu chợ nằm hẳn trong con phố Gia Ngư, thông với phố Cầu Gỗ, Đinh Liệt, Hàng Dầu… theo thói quen người ta vẫn gọi chung là chợ Hàng Bè. 

Chợ Hàng Bè Hà Nội chỉ kéo dài khoảng vài trăm mét trong khu phố cổ nhưng vô cùng nổi tiếng bởi chứa đựng không gian văn hóa rất riêng của người dân Thủ đô. Khu chợ bao gồm rất nhiều sạp hàng, cửa hiệu bán đồ ăn, thực phẩm chế biến sẵn. Qua đó phản ánh phần nào văn hóa ẩm thực và thói quen sinh hoạt, ăn uống của người dân nơi đây.

Lịch sử chợ Hàng Bè.

Xưa kia, chợ luôn nổi tiếng với đồ ăn ngon, đồ khô, gia vị, rau quả, thịt cá tươi không chỉ ở Hà Nội mà còn quy tụ ở nhiều vùng miền trên cả nước… Với những bà, những chị yêu nội trợ, đây quả là một thiên đường phục vụ các mặt hàng để họ trổ tài nấu nướng. Không những thế, chợ còn có rất nhiều hàng quà bánh đặc sản để phục vụ ngay tại chỗ cho những thực khách ưa ẩm thực phố phường… 

Với những cô gái hơi vụng về trong khâu nấu nướng, chợ cũng có đủ các đồ làm sẵn, nóng hổi phục vụ tận tình. Ngày Tết, giỗ chạp hay khi có khách, các chị vụng về muốn mâm cơm ngon lành đầy đặn thì chỉ cần ra chợ, đi một vòng là đã có thể mua hết thức ăn ngon về nhà. Món nào cũng đậm vị, đúng kiểu. 

Chợ họp trong lòng phố, nhưng đôi lúc vẫn bắt gặp những hình ảnh của một phiên chợ quê, với mớ tôm mớ tép và cô gái bán hàng mộc mạc, giản dị, như đang ở một phiên chợ xa nào đó vùng quê đồng bằng Bắc Bộ.

Đã là chợ thì không phải lúc nào cũng sạch sẽ. Người ta đã quen nghe những tiếng lộp cộp suốt ngày đêm mỗi khi người, xe lướt đi qua nắp cống. Mùi mắm tép chưng thịt, mùi nem… toàn mùi thức ăn vốn là “đặc sản” của chợ Hàng Bè luôn bốc lên ngùn ngụt. Dân trong phố chắc cũng có người khó chịu, nhưng đã quen với nếp sống ngàn đời, chẳng mấy ai phàn nàn về điều này. Vì cũng từ cái mùi ấy, họ có thể kiếm sống dễ dàng, lo cho gia đình cuộc sống đủ đầy.

Nhân kỷ niệm Đại lễ nghìn năm Thăng Long – Hà Nội, chợ Hàng Bè đã bị giải tỏa. Dù là chợ truyền thống nhưng Hà Nội cũng cần một môi trường trong sạch để đón khách du lịch quốc tế. Giải tán chợ rồi, người ta mới nhìn ra được những mái nhà rêu phong, những cây cao bóng cả rất đỗi giản dị trong phố Gia Ngư. Du khách quốc tế đều không khỏi trầm trồ trước một khu chợ hoang sơ trong lòng phố cổ. 

Không gian văn hóa và những điểm khác biệt không nơi nào có.

“Chúng tôi có nguồn hàng đặt riêng. Nhưng một số thực phẩm vẫn mua ở đó. Có những thứ rau củ đặc sản buộc phải ra Hàng Bè mới có. Nói tóm lại, có hai thứ phải lên chợ Hàng Bè.

Một là những thứ hiếm có hoặc mới đầu mùa, chỗ khác chưa có thì đấy có. Hoặc những gì là đặc sản vùng miền. Hễ cứ là đặc sản thì Hàng Bè có luôn. Mắm tôm mắm tép ngon chẳng hạn, cả Hà Nội không ai địch được bà Boong…” – chia sẻ của cô Vũ Kiều  Linh (con gái nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết) 

Gần chợ Hàng Bè có hai chợ cực lớn là chợ Đồng Xuân và Long Biên. Cả hai đều rất lớn, rất nhiều thực phẩm và giá cũng rất tốt. Phố cổ còn có một hệ thống “chợ di động” là những người cắp mẹt, đẩy xe đạp, gánh gồng bán đủ từ thịt cá tôm đến rau củ quả. “Rau tươi, thịt ngon, giá rẻ. Nhưng nếu muốn mua một lượt mà đầy đủ hết các loại và nhất là những loại thực phẩm tinh tuyển hoặc khó tìm thì chỉ cần dạo chợ Hàng Bè là đủ

Cũng có nhiều người giữ thói quen đi chợ Hàng Bè, nhưng họ ở xa chứ không phải trong lòng phố cổ. Có những người ở xa, khi muốn nấu bữa cơm có các món đặc biệt thì cứ lặn lội lên chợ Hàng Bè là có cả. Từ lúc cả Hà Nội còn ít nhà bán cá lăng, thì ở chợ Hàng Bè, cá lăng đã được pha thành khúc bán. Họ còn tẩm ướp, nướng sơ. Mua về chỉ việc bắc bếp lên đảo cá đã nướng cùng hành mỡ thìa là là xong. 

Nói chung là ở đấy đều ngon, nhắm mắt mua cái gì cũng ngon. So với mặt bằng chợ Hà Nội thì là đồ ngon cho nhà giàu. Người tầm tầm không vào chợ đó mua. Toàn dân phố cổ lắm tiền quen ăn ngon chọn lọc hơn thì mua hợp. Nó là chợ có nhiều hàng chọn

Vào khoảng năm 2000 chợ đã nổi tiếng vì các món đồ ăn sẵn. Đấy chính là chợ bán đồ ăn sẵn đầu tiên ở Hà Nội. Nó tiên phong bán đồ ăn sẵn. Mở mang cho các khu chợ và siêu thị về đồ ăn chế biến sẵn. Ngày xưa muốn mua đậu nhồi thịt, chả xương xông cũng bán sẵn. Thậm chí là lẩu cũng bán sẵn. Ếch, giả cầy… Khoảng cỡ năm 2000 thì đã nổi lên rồi. Rằm mồng một hay mua xôi sẵn, nem rán sẵn, rồi sau đó thành tụ điểm. Tiện và ngon.

Ngoài ra, chợ còn bán nhiều đồ ăn sẵn chất lượng như: xôi, gà luộc, tôm chiên xù, ruốc gà, thịt bò khô, gân ngâm chua cay… Các loại thực phẩm sơ chế cũng được lòng chị em nội trợ như: nguyên liệu nấu canh mọc, thịt ướp nướng, chả lá lốt cuốn sẵn, tôm tẩm bột, rau củ nộm… 

Những món ăn đã làm nên thương hiệu cho “Chợ Nhà Giàu”

Thịt chưng mắm tép 

Là món từ Hàng Bè mà ra, nhờ Hàng Bè mà nổi tiếng. Món thịt này tuy làm không quá khó nhưng làm ngon như Hàng Bè thì ít nhà làm được. Chưa kể quá trình thực hiện rất mùi. Chính vì thế để đỡ ám mùi trong nhà trong bếp, nhiều gia đình chọn mua luôn ở đây cho nhanh.

Các tiểu thương ở đây đều tự tin nhận nhà mình là nơi nấu và bán mắm tép chưng thịt đầu tiên tại Hà Nội. Hiện nay, không khó để chúng ta có thể mua được món ăn này tại các chợ dân sinh hay siêu thị thương mại nhưng hương vị của mắm tép chưng thịt chợ Hàng Bè lại mang một hương vị rất khác biệt. Nổi tiếng nhất có lẽ là hàng thịt chưng mắm tép Duy Anh ở 67 Hàng Bè. Điểm đặc biệt có thể liệt kê như sau:

  • Hương thơm nồng của hành tỏi khô và vị bùi ngậy của thịt nạc cùng mắm tép khiến ai cũng muốn thưởng thức.
  • Nguyên liệu được lựa chọn kĩ càng từ loại thịt lợn thăn hoặc nạc vai.
  • Thịt còn tươi mới và lợn không quá béo hay bị tăng trọng.
  • Mắm tép phải chọn loại ngon tuyệt hảo hương vị đặc trưng.
  • Ngoài ra, dầu ăn và gia vị đều phải là hàng cao cấp, đảm bảo.
  • Cách thức làm cũng tương đối khác biệt so với những nơi khác. Thịt lợn được đem rửa sạch, thái nhỏ, rồi xay nhuyễn. Nêm nếm gia vị sau đó đem chưng với mắm tép. Mẻ mắm đạt độ ngon nhất khi chưng thật kỹ và chú ý điều chỉnh lửa từ to tới nhỏ. Đảo đều tay cho tới khi thịt săn lại, trong vòng 2 tiếng đồng hồ.
  • Và điểm làm nên sự khác biệt tối thượng cho mắm tép chợ Hàng Bè chính là định lượng các nguyên liệu đưa vào trong món ăn cân bằng rất hoàn hảo. Không thừa không thiếu và công thức định lượng là bí truyền không nơi nào có.

Cá kho chợ Hàng Bè

Chợ Hàng Bè có đến 3 – 4 hàng bán món này nhưng với nhiều khách hàng, “gây nghiện” nhất nhất định phải là cá kho hàng cô Trinh.

Cơ ngơi của cô Trinh nằm ngay đoạn đầu ngõ Cầu Gỗ, thu gọn trong vài ba chiếc bàn nhỏ để bày biện dăm nồi đồ ăn trước mặt tiền và một dãy bếp với hơn chục chiếc nồi cá đang kho phía sau, đợi đến lượt được mang ra bán. Quán cô Trinh nổi tiếng đến mức từ đầu phố, chỉ cần hỏi là người ta sẽ chỉ đến tận nơi, dù chẳng nhớ chính xác địa chỉ.

Quầy thức ăn chín bán sẵn của cô Trinh có mấy loại, nào cá trắm kho riềng, cá nục tròn kho thịt, tôm nõn rim, thịt kho dừa, thịt kho tàu, nhưng đắt hàng nhất, ngôi sao của quán chính là cá trắm kho. Đây cũng là món mang lại danh tiếng cho cô Trinh cũng như khiến khách hàng ngày nóng cũng như ngày lạnh, ngày dưng hay ngày Tết đều tấp nập khách ra vào, đợi mua.

Ngày xưa củi lửa nó khác một tí, nhà ai kho cũng chỉ kho nồi nhỏ nhỏ, ủ trấu ủ than, còn bây giờ cô kho cả nồi gang to, mỗi nồi 20kg cá, củi lửa cũng khác, nhưng gia giảm vẫn kiểu truyền thống, thế mới ra thành phẩm vẫn là vị cổ truyền, thân thuộc, dễ ăn. Cá kho của cô Trinh “bảo thủ” với kiểu kho truyền thống bao đời, là cá ngon, thịt lợn ngon với riềng, nước mắm, nước hàng tự chưng, muối chứ không cho sả, gừng hay các gia vị khác.  

Có điều để có được miếng cá chất lượng, nguyên liệu ngôi sao là cá được chọn rất kỹ. Cá ở đây dùng làm hàng là cá trắm trắng nhưng phải kén trắm cỏ, con cá ít nhất phải có trọng lượng từ 5,5kg đến 8kg, thường là 7kg mới đủ độ chắc. Hơn hết, cá khi chế biến phải rất tươi, có thế cá mới dẻo thịt, thớ cá trong veo và kho ra thành phẩm mới chắc, ngọt. Còn món cá biển kho thì phải kén cá nục tròn từ Quảng Bình, mua thẳng từ thuyền, cấp đông ngay khi đánh bắt nên gửi ra đến nơi cá vẫn còn nguyên ánh xanh lấp lánh. 

Theo cô Trinh, một trong những cái khó khi kho nồi cá to là làm sao cho các khúc cá dù to hay nhỏ cũng phải được thấm vị như nhau, thịt và cá đều phải nhừ mà vẫn chắc, giữ được hình dạng. Để đảm bảo yếu tố này, cô thường xếp cá mẩu to ở dưới, mỏng ở trên và có quy tắc thứ tự các khúc đuôi, giữa để lúc đem ra bán, khách ưng khúc nào là mình biết lấy luôn khúc đó, không phải bới nhiều, tránh nát cá. Ngay cả thịt kho cùng cũng phải chọn những miếng không nạc quá không mỡ quá để ngậy mà không khô. Hơn nữa, tỷ lệ thịt với cá cũng phải vừa phải, đúc rút qua kinh nghiệm thực tế bởi nếu tham cho nhiều thịt thì thịt sẽ đè vỡ cá.

Hỏi cô Trinh về bí quyết kho cá ngon khiến khách lúc nào cũng tấp nập, cô khẳng định rằng mình chẳng có bí quyết gì hết. Thậm chí bà chủ cửa hàng cá kho nổi tiếng phố còn cho rằng cá kho là món cực kỳ dễ làm, ai cũng nấu ngon được, nhất là với kiểu truyền thống, mộc mạc, nguyên liệu đơn giản như nhà cô. Nếu có khác thì cái khác nhất đó là nhà cô có rất nhiều thì giờ để kho thật kỹ, thật lâu, với dùng nồi gang và điều chế lửa hợp lý thì nó thành món ngon thôi.

Dầu vậy, cô cũng bật mí thêm rằng để món ăn nói chung, cá kho nói riêng, muốn ngon còn phải phụ thuộc tay nghề và tình cảm của người nấu nướng, chứ không chỉ đảm bảo công thức chuẩn, nguyên liệu xịn là đủ. Cô Trinh bảo, cô và các nhân viên của mình đầu tư rất nhiều về thời gian và tâm sức cho việc nấu nướng, phải căn lửa, ngó nghiêng, chăm chút nồi cá từng tí một chứ không thể cứ đổ ào ào mắm muối, nước hàng và thịt cá cho lên bếp là xong chuyện.

Chợ Hàng Bè ngày nay

Nằm cách phố Gia Ngư không xa, chừng 5 phút đi xe máy người ta có thể tìm đến con phố Vọng Hà, nơi ở mới của chợ Hàng Bè. Ấy vậy, dù vào giờ họp sầm uất nhất của các khu chợ, nơi đây lại toát lên bầu không khí đìu hiu.

Có lẽ vì con phố Vọng Hà nằm lọt bên trong phố Hàm Tử Quan, trông như một con ngõ nhỏ nên chẳng ai để ý đến. Ngay đến những người đi qua đây nếu không nhìn thấy chiếc biển “Chợ Hàng Bè” sẽ chẳng bao giờ nghĩ đây là một khu chợ, lại là khu chợ nổi tiếng nhất xứ Kinh Kỳ một thời.

Từng một thời huyên náo tiếng người cười nói, tiếng chặt cá, tiếng mặc cả, tiếng thức ăn xèo xèo trên chảo, nhưng nay chợ Hàng Bè chỉ còn tiếng tivi, cả chợ chỉ có 3 người, họ cũng chẳng nói với nhau câu gì. Người thì nằm ngủ, người ngồi lặng lẽ phân loại hàng hóa, người chơi điện thoại.

Dường như nơi đây chỉ còn cái “xác” của chợ Hàng Bè, lác đác vài hộ khi xưa từng bán hàng ở chợ, còn người buôn năm cũ nay mỗi người một phương. Toàn bộ không gian bên phải lối vào tối om, bàn ghế để phủi bụi vì chẳng có mấy ai đụng tới. 

Theo chúng tôi tìm hiểu, cảnh tượng này đều là tình trạng chung của những khu chợ được cải tạo, chuyển đổi mô hình. Không riêng gì chợ Hàng Bè, chợ Cửa Nam, Hàng Da, Ô Chợ Dừa… đều đồng chung cảnh ngộ. Các khu chợ kết hợp với trung tâm thương mại gần như đi vào tình trạng đóng cửa do không có khách. 

Nguyên nhân là do mô hình chuyển đổi không phù hợp với văn hóa Thủ đô. Với người Việt, đi chợ đâu phải chỉ để mua bán, có người tranh thủ tạt qua chợ, ngắm nghía thức ăn, xem có đồ gì ăn, đồ gì rẻ thì mua về cho cả nhà. Hoặc có khi chỉ là nhớ cô hàng thịt, hàng chè, họ ghé vào hỏi thăm sức khỏe của nhau.

Ở các siêu thị, trung tâm thương mại thì đâu có tiếng râm ran mặc cả, đâu có nhịp sống họ vẫn quen, nên đương nhiên các mô hình hiện đại thường “chết yểu”. Đã là thói quen ngàn năm của người dân thì khó lòng có thể thay đổi. Chợ di dời, tức là chợ mất.

Trở lại chợ Hàng Bè trên phố Gia Ngư, giờ đây quang cảnh sạch sẽ hơn. Đông đúc, tấp nập các đoàn khách tây đi vào ngắm nghía. Khách sạn lớn mọc lên, nhiều bạn trẻ, khách tây ngồi kín vỉa hè hàng Ốc Vi, quán trà sữa hay các quán bán lẩu. Con đường gần phía phố Cầu Gỗ tập trung nhiều gian hàng thực phẩm tươi sống như chợ ngày xưa nhất.

Chợ Hàng Bè bây giờ chỉ còn phảng phất một chút không khí của phiên chợ quê, của Kẻ Chợ khi xưa. Và vẫn mang lại đôi chút sự luyến tiếc cho những người gắn bó cả đời với nó. Dù sao, bây giờ, chợ Hàng Bè vẫn còn chút ít dáng dấp của nét sinh hoạt xưa cũ đất Thăng Long…

Xem thêm bài viết: Hà Nội – Thành phố của những chiếc hồ

Chợ Thanh Hà – Chợ quê duy nhất còn tồn tại ở Hà Nội

Nhiều thế kỷ trôi qua, chợ Thanh Hà – ngõ Củ Nâu xưa vẫn trường tồn qua bao mùa mưa nắng, mỗi dịp Tết đến xuân về vẫn nhộn nhịp đông vui, mộc mạc như bức tranh quê giữa lòng Hà Nội.

Nói thì nghe to tát, nhưng thực ra chợ cổ Thanh Hà bé tí teo, đi một lèo chưa đến chục phút là hết. Cả ngõ chợ dài độ hơn trăm mét nhưng hàng quán chi chít 2 bên lối đi, dù chật chội vô cùng nhưng chẳng hiểu sao khách vẫn kéo qua nườm nượp từ sớm đến tối.

Ngõ chợ Thanh Hà nổi tiếng với nhiều món ăn ngon đặc trưng Hà thành và các vùng miền khác như bánh chưng rán, nộm bò khô, bánh bột lọc, nem cuốn, canh bún, chả rươi… với mức giá rất rẻ.

Lịch sử của chợ Thanh Hà

Theo nhiều tài liệu ghi chép lại thì chợ Thanh Hà vốn là khu chợ tạm phát sinh từ chợ Đồng Xuân – một trong những biểu tượng phồn hoa nổi tiếng của phố cổ Hà Nội ra đời từ thời Pháp thuộc. Ngày ấy trong ngõ có nhiều nhà buôn bán nông lâm sản từ các bè chở đến bến sông Hồng, với mặt hàng phổ biến là củ nâu, nên ngõ Thanh Hà còn có tên gọi khác là ngõ Củ Nâu, hoặc Hàng Nâu.

Thuở mới khai lập, chợ tạm thuộc thôn Thanh Hà, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Ngày nay, chợ vẫn giữ nguyên tên giống ngõ Thanh Hà, họp từ phố Nguyễn Thiện Thuật đến phố Hàng Chiếu đoạn ngay sát Ô Quan Chưởng – di tích cửa ô cuối cùng còn sót lại của thành Thăng Long xưa. Trải qua vô số thăng trầm và chiến tranh tàn phá, chợ Thanh Hà vẫn tái sinh nhờ mồ hôi nước mắt của biết bao thế hệ người dân sống trong con ngõ nhỏ, và cả những tiểu thương từ khắp các tỉnh thành đổ về giao thương. Không chỉ là nét văn hóa độc đáo được giữ gìn nguyên vẹn giữa lòng phố cổ, chợ Thanh Hà còn là chứng tích lịch sử suốt hàng trăm năm qua.

Không gian văn hóa của chợ Thanh Hà và những điểm đặc biệt

Tuy thời gian đã cải biến quá nhiều khiến ngõ chợ Thanh Hà không còn những nếp nhà cổ đặc trưng theo kiến trúc xưa nữa, song nhiều thế hệ người dân vẫn duy trì thói quen họp chợ mỗi ngày. Đặc biệt vào các dịp lễ Tết, chỉ cần tìm đến ngõ Thanh Hà thì ai cũng sẽ cảm nhận được không khí nhẹ nhàng cổ điển, khác biệt hẳn so với hàng trăm ngõ chợ khác quanh Hà Nội. Cũng đông đúc huyên náo, đủ loại hàng hóa từ đồ ăn sẵn đến tươi sống như bất kỳ chợ nào, song chợ cổ Thanh Hà lại sở hữu những quầy hàng vẹn nguyên nét truyền thống, giản dị chân mộc như bức tranh quê.

Là ngôi chợ lâu đời nhất trong khu phố cổ, nên trong suy nghĩ của nhiều người thì chợ Thanh Hà hẳn sẽ giống chợ quê. Nhưng sự thật thì ngõ chợ khá chật và đã “hiện đại hóa” hơn một chút, nhiều khách sạn nhỏ đã mọc lên chen lẫn với sạp hàng của các tiểu thương ngồi dọc khắp phố với rổ, mẹt, xô chậu đựng cá, bu gà, phản thịt, và vô vàn loại hàng hóa khác như rau củ, đồ khô, măng miến, trái cây…

Bà cụ lưng còng bán măng tươi ngồi nép trong góc tường rêu phong đã hàng chục năm, cô Hiền rán bánh chưng thuê mái hiên chỉ 1 mét vuông làm chỗ mưu sinh hết nửa cuộc đời trước ngôi nhà số 4, hàng nộm bò khô vỉa hè có thâm niên vài thập kỷ… tất cả họ đã trở thành “linh hồn” của ngõ chợ Thanh Hà, góp phần gìn giữ những nét văn hóa bình dân mang đậm hơi thở cuộc sống tại đây. Theo lời các bậc cao niên sống trong ngõ chợ thì ký ức của họ là những sạp hàng đầy ắp trải dài từ phố Hàng Chiếu ra đến tận đầu Nguyễn Thiện Thuật, có cả đồ thủ công và vô số đồ dùng khác mà bây giờ chẳng còn ai nhớ đến nữa. Các gia đình sống trong ngõ chợ cũng đổi nghề rất nhiều, đa phần cho thuê hết vỉa hè để dân nơi khác đến làm ăn.

Thực phẩm trong chợ luôn phong phú và tươi ngon, được chở đến từ nhiều nơi khác nhau quanh Hà Nội như các huyện ngoại thành và cả tỉnh lân cận. Có những người phụ nữ ở các làng quê đạp xe lên mang theo từng buồng chuối, quả bưởi, cá tươi bắt từ những con sông mát lành, vượt hàng chục cây số để đến chợ ngồi bán từ sáng đến chiều. Tiếng lành đồn xa, chợ Thanh Hà đã trở thành địa chỉ quen thuộc được các bà nội trợ sành ăn tin tưởng tìm đến, thậm chí chẳng phải lo mặc cả vì giá lúc nào cũng bình dân!

Hội các bà các mẹ luôn biết hàng nào bán đồ tươi ngon nhất ở chợ, giờ nào có cô bán chuối bán rau, hành tỏi, trứng gà… ở dưới quê mang lên, và ngóc ngách nào trong ngõ chợ có hàng ăn vặt ngon nhất. Chẳng phải ngẫu nhiên mà ngõ chợ hút khách đông quanh năm ngày tháng, bởi ngoài sự chật chội bừa bộn đặc trưng nơi phố cổ thì đây chính là thiên đường cho chị em phụ nữ đến mua hàng.

Trong ngõ chợ có một ngôi đền nhỏ linh thiêng vẫn còn nguyên nét cổ kính sau hàng thế kỷ, đó là đền Hội Thống thờ Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Người dân vẫn tụ tập quanh cổng đền để mua bán sớm hôm, ngày rằm mùng 1 đều cúng lễ đủ đầy nhằm tỏ bày lòng thành với các đức bề trên, mong phù hộ độ trì để buôn may bán đắt.

Món ăn làm nên thương hiệu cho Chợ Thanh Hà.

Chả rươi 

Trong “Miếng ngon Hà Nội”, nhà văn Vũ Bằng đã giục giã: “Hỡi các bà nội trợ, đừng có lần chần lắm mà nhỡ việc, vì rươi không phải là một món ăn ngày nào cũng có đâu. Cả một năm chỉ có mấy ngày có rươi thôi; mà những ngày có rươi đó nếu bà không mua nhanh lên thì hết đấy. Đến mùa mà không được ăn thì như là một người đàn bà đẹp đã để phí mất tuổi hoa, sau này sẽ nặng một niềm tiếc nhớ…“.

Quầy chả rươi của cô Bình ở cuối chợ Thanh Hà không phải là hàng chả rươi theo kiểu 10 người Hà Nội thì 11 người biết, chưa từng được review trên các hội nhóm ăn uống, không phải là một địa chỉ hot đến mức nếu đến muộn, bạn sẽ phải cạnh tranh với một hàng dài thực khác đang chờ đợi. Đó chỉ là một quán hàng nhỏ giản dị mà nếu trong một buổi dạo chợ, bạn rất dễ đi vụt qua vì khuất tầm nhìn, nhưng không thể điềm nhiên đi tiếp, vì mùi vị hấp dẫn của chả rươi sẽ vấn vương trong gió.

Cô Bình, mỗi năm chỉ đôi bận bán chả rươi, ấy là những đợt rươi tươi ngúng nguẩy được các mối hàng chuyển đến chợ Thanh Hà. Những ngày không có rươi, cô sẽ bán nem, chả mực, chả cá… chứ không dùng rươi đông lạnh. Như một số hàng chả rươi “chuẩn vị Hà Nội” khác, cô cũng chỉ trộn rươi với trứng, thịt vai, thì là, hành hoa, vỏ quýt, nhưng không có tiêu hay nước mắm.

Cô lý giải, mình không ướp gì mặn là để giữ vị nguyên bản của chả rươi không bị át đi, và cũng để khách mua về ăn tiện chấm. Ai thích nước mắm chua ngọt có đu đủ, cà rốt ngâm và rau sống thì cô xếp đủ, còn ai thích chấm nước mắm mặn vắt thêm tí quất, cắt dăm lát ớt vào thì cũng vừa ngon, không bị đậm đà quá.

Chả rươi cô Bình làm thành miếng vừa ăn, khá dày, hơi xém vàng bên ngoài và béo ngậy bên trong. Cô cũng cho trứng ít thôi, và mỗi miếng chả đều được dùng xẻng vun gọn từ trong chảo để thành những miếng tròn. Khi xếp lên vỉ cho ráo dầu, đều tăm tắp nom khá thích mắt. “Ăn chả rươi phải ăn chậm thôi, ăn kiểu nhâm nhi, nhai kỹ, để miếng chả lọt qua hết cổ, tận hưởng cái vị ngọt hậu, beo béo của nó đã rồi mới cắn miếng tiếp theo, có thế mới thấy ngon. Chứ nếu ăn ào ào, chả rươi có khác gì trứng đúc thịt đâu cơ chứ!” – cô thủng thẳng bảo.

Bánh chưng rán

Nổi tiếng nhất về món quà bánh này hẳn là sạp hàng nhỏ đã có tuổi đời hơn 30 năm ở chợ Thanh Hà. Không phải ai cũng tìm thấy hàng bánh ngay lần đầu ghé thăm. Nó cũng chẳng có biển tên nên lại càng khó kiếm, cách đơn giản nhất để nhận ra chính là mùi thơm của bánh chưng! Bà chủ quán bánh luôn ngồi dựa lưng vào tường, bên cạnh là chiếc mâm nóng hổi với hàng chục cái bánh chưng vuông nho nhỏ, lớp mỡ sôi lách tách nghe thật êm tai.

Bánh ở đây là loại vuông nhỏ cỡ 1 bàn tay người lớn. Mùi bánh thơm phức kèm theo lớp vỏ giòn vàng ruộm, tôi không nhịn nổi cơn thèm phải ăn ngay một miếng thật to đủ cả vỏ lẫn nhân thịt mỡ. 

Toàn bộ quá trình rán bánh chưng đơn giản vô cùng, chỉ thả miếng mỡ gà cho nó tự chảy ra đến khi sun hết lại thành tóp mỡ, cầm chiếc muôi dẹt ép nhẹ bánh rồi di quanh mâm cho mỡ bám đều là được. Chiếc mâm to đùng, có khi xếp được tận 20 chiếc bánh chưng vuông mini cùng lúc. Một điểm đặc biệt nữa giúp bánh chưng rán của cô Hiền thơm ngon chính là nhờ công đoạn ép bánh, mỡ sẽ ngấm vào tận bên trong và những hạt gạo nếp sẽ nổ giòn, thơm ngậy quyến rũ, nóng hổi cả trong nhân chứ không để nguyên cả cái dày cộp giống bánh chưng to ngày Tết.

1 chiếc bánh chưng rán ở đây có giá 15.000 đồng. Trứng ốp la ăn kèm 5000 đồng/ quả, khách rất thích gọi lòng đào vì chẳng hiểu sao cô Hiền rán cũng ngon một cách khó tả. Lạp xưởng 10.000 đồng/ chiếc, dưa góp thì khuyến mãi gọi bao nhiêu cũng được. Đây có lẽ cũng là nơi duy nhất bán nửa cái bánh, bởi món này nhanh ngấy nhanh no, không phải ai cũng ăn hết được 1 chiếc nên cô Hiền bán rất xuề xòa, đủ cho cả những người lao động nghèo ghé qua có miếng ăn lót dạ.

Chao ơi, ta nói tiếng lành đồn xa, món bánh chưng rán cô Hiền đúng là ngon tuyệt phẩm, nuốt đến đâu ấm bụng đến đó, mang hương vị ký ức tuổi thơ y như những gì người ta mô tả. Bánh chưng rán mini từng là món quà sáng quen thuộc với vô số người, đặc biệt là thế hệ 8X 9X. Ngày ấy, một cái bánh có giá chỉ vài trăm đồng nhưng đủ no cả buổi, mùi vị thơm ngon của nó đọng mãi trong ký ức của bao người, muốn tìm lại thật khó vì bây giờ hàng bánh chưng rán mini thật hiếm hoi.

May mắn là hơn 30 năm qua, hàng bánh chưng vỉa hè của cô Hiền vẫn nằm đó. Cô cũng từng lên báo lên tivi, nhưng ít lắm, ấy thế mà khách kéo đến ăn quanh năm vẫn cứ đông, bởi món ngon thì chẳng cần quảng cáo nhiều, người Hà Nội sành ăn lắm, họ cứ tới theo thói quen và lời truyền miệng của nhau mà thôi. Hầu như ai ăn ở đây đều lân la trò chuyện dăm ba câu với bà chủ quán, song ít ai biết một bí mật đặc biệt là tuổi đời của hàng bánh chưng rán ngõ Thanh Hà thực tế đã gần một thế kỷ!

Write A Comment