Ngày nay khi nhắc đến Chùa Bộc, người ta sẽ nghĩ ngay đến Học Viện Ngân Hàng, những shop quần áo xịn xò, xiên bẩn đầy rẫy. Ít người biết được rằng, chính tại phần đầu đường, nơi có 2 cửa hàng bán mũ bảo hiểm chính là Chùa Bộc. Chùa Bộc là một di tích, chứng nhân lịch sử và xung quanh ngôi chùa này còn rất nhiều câu chuyện hay ho mà không phải ai cũng biết. Hôm nay, hãy cùng XCVN tìm hiểu về ngôi chùa gắn liền với người anh hùng áo vải – Quang Trung.
- Bí ẩn về tên gọi và những câu chuyện bí ẩn liên quan.
Chùa Bộc (còn có tên chữ là Sùng Phúc Tự hay Thiên Phúc Tự), tọa lạc tại xã Khương Thượng, nay thuộc phường Quang Trung, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Chùa nằm giữa khu vực diễn ra trận Đống Đa lịch sử năm 1789.
Trước kia chùa có tên là Sùng Phúc (Sùng Phúc Tự), chùa được xây dựng từ thời Hậu Lê hoặc trước nữa. Bia cổ nhất của chùa còn ghi niên hiệu Vĩnh Trị nguyên niên, thời Lê Hy Tông (1676). Bản lịch sử của chùa có ghi vào năm 1676, đời vua Lê Hy Tông, vị Tăng lục Trương Trung Bá cùng nhân dân xây dựng lại chùa sau khi bị chiến tranh tàn phá.
Trong trận Đống Đa, chùa bị thiêu trụi (1789) và ba năm sau, năm 1792, thời Quang Trung, chùa được trùng tu lại trên nền cũ làm nơi quy y cho vong hồn quân Thanh và được đổi tên là chùa Thiên Phúc. Tuy nhiên nhân dân vẫn quen gọi là Chùa Bộc để chỉ xác giặc bị phơi ra khắp nơi. Bộc có nghĩa “phơi bày” nghĩa là ngôi chùa được xây dựng ngay nơi chiến địa mà quân thù chết phơi thây. Đó là lí do giải thích vì sao Chùa còn hay được gọi là “Chùa Phơi Thây”
Chùa có những liên hệ mật thiết với chiến thắng Kỷ Dậu (1789) của quân Tây Sơn. Ngay phía trước chùa Bộc vẫn còn một cái hồ được gọi là hồ Tắm Tượng, nơi đội hình voi của nghĩa quân Tây Sơn tắm sau khi hạ được đồn Khương Thượng. Ngày nay diện tích hồ bị thu nhỏ lại rất nhiều so với trước.
Sau lưng chùa còn có di tích Loa sơn, nơi tướng giặc Sầm Nghi Đống sau khi thất trận đã thắt cổ tự tử. Trong chùa còn có di tích Thanh miếu tức miếu thờ Sầm Nghi Đống cũng như quân lính xâm lược nhà Thanh đã chết trong chiến trận. Thanh miếu do chính vua Quang Trung ra lệnh cho xây dựng.
Trong chùa ngoài hai tấm bia làm năm 1676 còn có bia “Chính hòa Bính Dần” (1686), nhưng quan trọng hơn là bia làm năm Nhâm Tý niên hiệu Quang Trung.
Trước năm 1945, hòa thượng Chính Công – trụ trì đã khai trường thuyết pháp đào tạo được nhiều tăng, ni.
Ở chùa có cơ sở chữa bệnh bằng thuốc Nam nổi tiếng.
Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia từ năm 1962 (cùng đợt với đền Ngọc Sơn,…)
- Ngôi chùa “Bí mật” thờ Quang Trung.
Sau khi lên ngôi (1802), vua Gia Long triều Nguyễn thực hiện một loạt các cuộc báo thù tàn khốc đối với các tướng lĩnh triều Tây Sơn, với con cháu cũng như với chính linh cốt của vua Quang Trung. Mọi việc thờ cúng liên quan đến triều Tây Sơn đều bị nghiêm cấm. Tuy nhiên tại Chùa Bộc đã bí mật thờ tượng Quang Trung dưới hình thức Đức ông.
Tượng Đức Ông ngồi trên cao, ở dưới, hai bên có hai pho tượng khác. Cả ba pho tượng cho ta thấy như thể quân vương đang bàn chuyện đại sự với hai vị cận thần. Tư thế của tượng Đức Ông cũng khác thường. Ngài ngồi trên bệ sơn son, một chân ở trong hài, còn một chân để bên ngoài một cách tự nhiên, rất sống động. Ngài mặc áo hoàng bào, thêu rồng ẩn trong mây, lưng thắt đai nạm ngọc, đầu đội mũ xung thiên, có hai dải kim tuyến thả xuống trông rất oai nghiêm. Tất cả trang phục đó là của vị đế vương. Ngay sau lưng pho tượng, phía bên trên đỉnh đầu, có một chữ tâm (心) bằng chữ Hán rất lớn. Bên trên, trước ngai thờ có một tấm hoành phi ghi bốn chữ: “Uy phong lẫm liệt”.
Đặc biệt hơn hết là đôi câu đối treo hai bên ngai thờ Đức Chúa Ông dịch Nôm như sau:
(Động lý vô trần đại địa sơn hà lưu đống vũ.
Quang trung hoá Phật tiểu thiên thế giới chuyển phong vân.)
(Trong động sạch bụi dơ, non sông rộng lớn lưu truyền lương đống
Giữa ánh sáng thành Phật, tiểu thiên thế giới chuyển động gió mây).
Quang trung ở đây là cách chơi chữ (không được viết hoa) có nghĩa: Trong ánh sáng (quang trung) có vô số hoá Phật. Nhưng vế thứ hai của câu đối này có thể hiểu theo nghĩa khác: “Vua Quang Trung hoá thành Phật…”. Nghĩa thứ hai này hoàn toàn không có gì trở ngại đối với câu văn chữ Hán.
Đầu năm 1962, cán bộ Vụ Bảo tồn Bảo tàng thuộc Bộ Văn hóa và Sở Văn hóa Hà Nội đã đến chùa Bộc tiến hành điều tra tại chỗ, xác định giá trị khu chùa Bộc. Chiều ngày 20-4-1962, ông Lê Thước, cán bộ Cục Bảo tồn Bảo tàng cùng một số cán bộ của Cục đến chùa Bộc điều tra lần nữa. Ngày 22-4-1962, ông Trần Huy Bá kiểm tra pho tượng thì phát hiện phía sau bệ gỗ pho tượng đặt áp sát vào tường có dòng chữ ghi: “Bính Ngọ tạo Quang Trung tượng” (Năm Bính Ngọ tạc tượng vua Quang Trung). Đối chiếu với lạc khoản ở đôi câu đối trên, xác định được đó là năm Bính Ngọ 1846.
Trên báo Nhân dân số ra ngày 6-5-1962, ông Trần Huy Liệu có đăng bài “Tượng lạ chùa Bộc hay lòng dân yêu quý anh hùng”.
Trên tờ báo Cứu Quốc số 3577, ra ngày 20/2/1972, tác giả Đạm Duy viết “Chính ông Nguyễn Kiên, một võ tướng cai quản đội tượng binh Tây Sơn, sau trở thành nhà sư, tu ở chùa Bộc đã cho tạc tượng vua Quang Trung. Ông Nguyễn Kiên đã từng kết bạn thân với nhà thơ, nhà lãnh tụ cuộc khởi nghĩa nông dân Cao Bá Quát. Câu đối ca ngợi vua Quang Trung dẫn ở trên tương truyền là của nhà thơ họ Cao”.
- Tóm tắt nhanh để cho các bạn ở xa không có cơ hội đến chùa có thể có một cái nhìn toàn cảnh nhất về chùa. (bạn có thể pause video để xem giới thiệu chi tiết)
Chùa Bộc không đơn thuần chỉ là nơi dâng hương thờ Phật mà còn là một công trình kiến trúc đặc biệt, quy mô kiến trúc bề thế bậc nhất Hà thành. Chùa có hình dáng chữ Đinh bao gồm Tam Quan Ngoại, Hồ Tắm Tượng, Tam Quan Nội, Tiền Đường, Thượng Điện, Nhà Tổ, Nhà khách, Thanh Miếu, vườn tháp:
3.1. Tam Quan Ngoại
Ngay từ đường phố Chùa Bộc, bạn sẽ nhìn thấy 3 cổng cuốn vòm hai tầng, đây là Tam Quan Ngoại. Cổng chính nằm ở giữa, cao và rộng hơn hai cổng phụ bên cạnh.
Điểm nhấn độc đáo trong kiến trúc của Tam Quan Ngoại là mặt trời lửa và đầu đao trên đỉnh nóc cổng. Những đầu đao như bay vút lên không trung khiến du khách có những ấn tượng đầu tiên về một ngôi chùa bề thế. Bên dưới là bức hoành phi ghi “Thiên Phúc tự”.
3.2. Hồ Tắm Tượng
Sau khi đi qua Tam Quan Ngoại, bạn sẽ đến một hồ nước rộng, gọi là Hồ Tắm Tượng. Tương truyền, đây là nơi Tượng binh của nghĩa quân Tây Sơn tắm sau khi hạ được đồn Khương Thượng. Phần hồ hiện nay đã bị thu hẹp diện tích rất nhiều so với trước đây. Hồ được thả sen, súng, làm khung cảnh chùa càng trở nên tao nhã, thanh tịnh.
3.3. Tam Quan Nội
Tam Quan Nội chùa Bộc có 3 gian với lối kiến trúc chồng diêm 2 tầng 4 mái, tầng trên là gác chuông. Du khách lưu ý, khi đến chùa dâng hương không vào chùa bằng lối này.
3.4. Tiền Đường
Tiền Đường sở hữu quy mô kiến trúc bề thế với 9 gian, 2 dĩ. Hai mái chảy lợp ngói mũi hài, chính giữa bờ nóc đắp một mặt trời lớn, hai đầu hồi đắp hình con Makara đuôi xoắn cuộn đang chầu vào giữa mái. Trước hiên là 2 cột lớn, trên đỉnh cột là tứ phượng chụm đuôi vào nhau, thân cột là câu đối, đế cột thắt cổ bồng.
3.5. Thượng Điện
Thượng Điện gồm 3 gian dọc, xây tường hồi bít đốc. Bộ khung được thiết kế kiểu chồng rường với các cột kiểu thượng thu hạ thách.
3.6. Nhà khách
Nhà khách xưa là Hành Lang. Nhà khách nằm 2 bên Thượng Điện, mỗi bên là 3 gian, cũng được xây kiểu tường hồi bít đốc.
3.7. Nhà Tổ
Nhà Tổ cũng được thiết kế dạng chữ Đinh gồm Tiền Tế và Hậu Tế. Tiền Tế gồm 9 gian, Hậu Tế gồm 3 gian với những lối kết cấu độc đáo như giá chiêng – kẻ chuyền, chồng rường…
Đọc thêm: Tiếng lóng làng Đa Chất – bí ẩn một di sản bị bỏ quên
3.8. Thanh Miếu
Thanh Miếu được lập để thờ vong linh của quân Thanh đã tử trận trong trận Đống Đa năm 1789. Thanh Miếu kết cấu dạng chữ Đinh, gồm Tiền Tế và Hậu Cung.
3.9. Vườn tháp
Vườn tháp gồm 5 tháp được xây 3 tầng chồng lên nhau. Những vị sư trụ trì chùa Bộc sẽ an nghỉ tại đây.
Chùa Bộc từ bao giờ đã trở thành chốn linh thiêng nổi tiếng nhất Thủ đô, thu hút du khách thập phương. Ngôi chùa vẫn nằm khiêm nhường, tĩnh lặng giữa con phố sầm uất bậc nhất Hà Nội, mang đến cảm giác tĩnh tại, an yên cho người dâng hương.
Xem thêm các video hấp dẫn của xin chào Việt Nam tại đây.
Comments are closed.