Demo Example
Demo Example
Demo Example
Chuyện Việt Nam

Giáo dục và thi cử thời kỳ Pháp thuộc

Khi đô hộ Việt Nam, nhu cầu cấp bách của người Pháp là phải hủy diệt nền Nho học và thay thế bằng một hệ thống giáo dục phục vụ cho guồng máy cai trị. Do đó, chiếm được Nam Kỳ xong là người Pháp lập tức khai tử nền giáo dục Nho học.  Năm 1864 là kỳ thi Hương cuối cùng ở Nam Kỳ (tổ chức ở ba tỉnh miền Tây trước khi bị Pháp chiếm). Từ 1878 chữ Hán trong giấy tờ công văn các cơ quan hành chính được thay thế bằng chữ Pháp và chữ quốc ngữ.

Ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, dưới quy chế bảo hộ, sự thay đổi về giáo dục chậm hơn. Kỳ thi Hương cuối cùng ở Bắc là năm Ất Mão 1915, và ở Huế năm Mậu Ngọ 1918. Chế độ giáo dục và khoa cử Nho học thực sự cáo chung với khoa thi Hội chót năm Kỷ Mùi 1919 ở Huế. Tuy vậy mãi đến năm 1932 bộ máy quan lại của triều đình mới bỏ việc dùng chữ Hán và thay thế bằng chữ Pháp hay chữ quốc ngữ.

Nhìn thấy quá khứ Việt Nam nặng về Hán học, chủ tâm của người Pháp là muốn cắt đứt liên lạc văn hóa giữa người Việt với người Tàu. Để đạt mục đích hướng tinh thần người Việt về với Pháp, chữ Hán cũng như chữ Nôm cần phải triệt bỏ  và thay thế bằng chữ Pháp, còn văn tự cho tiếng nói người bản xứ nếu cần đã có chữ quốc ngữ cùng một họ mẫu tự La Tinh . Năm 1865 súy phủ Sài Gòn cho ra đời tờ Gia Định Báo là tờ Công Báo đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ.

Khi xây dựng nền giáo dục thay thế Nho giáo, người Pháp có ba mục đích. Mục đích  quan trọng nhất nhằm đào tạo lớp người thừa hành chính sách của Pháp là cai trị và khai thác ở Việt Nam và cả Đông Dương. Tầng lớp này bao gồm các viên chức trong các ngành hành chính, giáo dục, y tế và xây dựng. Thứ đến là truyền bá tư tưởng Pháp, lòng biết ơn sự khai hóa của Pháp và sự trung thành với Pháp. Cuối cùng với mục đích mị dân, làm người Việt tin rằng hệ thống giáo dục của Pháp ở Việt Nam là văn minh và tiến bộ. Hai mục đích đầu là căn bản, mục đích thứ ba chỉ dùng để đối phó với sự đòi hỏi một nền giáo dục tiến bộ của người Việt trong tương lai mà thôi.

Hệ thống giáo dục Pháp-Việt gồm 2 phần: giáo dục phổ thông và giáo dục cao đẳng chuyên nghiệp, đại học.

Tổ Chức Của Hệ Thống Giáo Dục Phổ Thông Pháp-Việt

Trong thời kỳ phôi thai, Pháp thiết lập vài trường để làm nòng cốt cho hệ thống giáo dục phổ thông là các trường trung học Le Myre de Vilers ở Mỹ Tho (1879) , trường Quốc Học Huế (1896), trường trung học Bảo Hộ tức trường Bưởi Hà Nội (1908). Ba trường này khi mới mở chỉ có bậc tiểu học, mấy chục năm sau mới giảng dạy đến các bậc cao hơn. Riêng chỉ có 2 trường Quốc Học Huế và trường Bưởi sau này có đến bậc Tú Tài. Từ 1910 đến 1930 là thời kỳ hình thành hệ thống giáo dục có tính cách hệ thống.  Từ 1930 đến 1945 là thời kỳ tổ chức hệ thống giáo dục cho người bản xứ của Pháp ở Việt Nam đã được hoàn chỉnh.

Song song với hệ thống giáo dục phổ thông Pháp-Việt, Pháp thiết lập 3 trường hoàn toàn như ở Pháp dành riêng cho con cái người Pháp ở Việt Nam và con cái những người Việt thân Pháp. Đó là các trường Chasseloup Laubat ở Sài Gòn (1874), trường Albert Sarraut ở Hà Nội (1918) và trường Yersin ở Đà Lạt (1935). Cả 3 trường này lúc đầu cũng được hình thành từ bậc tiểu học trước rồi sau mới có đến bậc Tú Tài.

Kiến Trúc Của Nền Giáo Dục Phổ Thông Pháp-Việt

Tới khi hình thành đầy đủ, hệ thống giáo dục phổ thông Pháp-Việt có 3 bậc với học trình là 13 năm:

Bậc Tiểu Học 6 năm:

  • Lớp Đồng Ấu
  • Lớp Dự Bị
  • Lớp Sơ Đẳng 
  • Lớp Nhì năm thứ nhất
  • Lớp Nhì năm thứ hai 
  • Lớp Nhất

Ba lớp đầu còn được gọi là bậc sơ học. Học xong lớp Sơ Đẳng học sinh thi lấy bằng Sơ Học Yếu Lược Những học sinh được tuyển thẳng lên lớp Nhì năm thứ nhất không bắt buộc phải thi Sơ Học Yếu Lược. Học hết lớp Nhất học sinh được thi bằng Tiểu Học Yếu Lược hay Sơ Đẳng Tiểu Học (Certificat d’Études Primaire Franco-Indigène, viết tắt là CEPFI), phải có bằng này mới được dự tuyển học lên lớp trên.

Bậc Cao Đẳng Tiểu Học) 4 năm:

Học xong 4 năm được thi lấy bằng Cao Đẳng Tiểu Học còn gọi là bằng Thành Chung. Phải có bằng Thành Chung mới được dự thi lên bậc Trung Học tức bậc Tú Tài. Các trường dạy bậc Cao Đẳng Tiểu Học được gọi là Collège.

Bậc Trung Học 3 năm:

Còn được gọi là bậc Tú Tài Pháp-Việt, bậc Trung Học gồm 3 năm. Học xong 2 năm đầu được thi lấy bằng Tú Tài phần thứ nhất . Đậu bằng này được học tiếp năm thứ ba không phải thi tuyển. Năm thứ 3 được chia làm 2 ban: ban Triết và ban Toán. Hai ban có những môn học hoàn toàn giống nhau như Sử. Địa, Ngoại Ngữ. Có những môn giống nhau nhưng số giờ học khác nhau như Đại Số, Thiên Văn. Có những môn chỉ học ở ban này mà ban kia không có như ban Triết có Tâm Lý Học, Siêu Hình Học, ban Toán có Hình Học, Cơ Học, Số Học. 

Từ niên học 1937-1938 trên toàn cõi Việt Nam đều áp dụng chương trình Pháp-Việt đủ 3 ban: Toán, Khoa Học, Triết. Ngoài ban mình học, học sinh được phép thi tốt nghiệp các ban khác nhưng phải tự học thêm những môn mà ở ban mình theo học không có. Học sinh cũng được phép thi bằng Tú Tài Pháp. Học xong năm này thi lấy bằng Tú Tài Toàn Phần. Học sinh tốt nghiệp 2 hoặc 3 ban hoặc thêm bằng Tú Tài Pháp được ưu tiên khi thi vào các trường Đại Học có thi tuyển như các trường Grandes Écoles ở Pháp hoặc các trường Cao Đẳng Chuyên Nghiệp ở Hà Nội lúc đó.

Từ niên học 1926-1927 Pháp thiết lập thêm chế độ Tú Tài Bản Xứ học thêm các môn về văn chương Việt Nam, lịch sử, triết học Đông Phương và Cận Đông (Ấn Độ, Trung Hoa, Do Thái). Chương trình rất nặng, bị chỉ trích và ta thán rất nhiều nên đã bị hủy bỏ từ niên học 1937-1938.

Cuối mỗi cấp học đều có những kỳ thi được tổ chức quy củ, tốt nghiệp học sinh có thể mang bằng đi xin việc tùy theo trình độ.

Tốt nghiệp tiểu học có thể đi làm công chức

Kỳ sát hạch tiểu học gồm hai phần, viết và vấn đáp. Các đề thi viết đều do Ủy ban thường trực giáo dục công cộng gửi từ Sài Gòn. Mỗi thành viên của Ủy ban này sẽ chủ tọa lần thi vấn đáp ở các trường, hiệu trưởng và giáo viên phối hợp tham gia. Bài làm được đưa về Ủy ban chấm và công bố kết quả, xếp hạng trên Gia Định báo.

Thí sinh đỗ sẽ được cấp chứng chỉ, có thể xin làm công chức cấp dưới trong các cơ quan thuộc quản hạt với mức lương vài trăm francs mỗi năm. Ai giành thứ hạng cao có thể làm đơn xin vào học trường trung học bản xứ Sài Gòn.

Ngày 9-1-1878, kỳ thi tốt nghiệp theo phương thức mới được áp dụng chung cho học sinh tiểu học khắp xứ Nam Kỳ. Hai trường được đăng cai tổ chức kỳ thi này gồm tiểu học Sài Gòn dành cho thí sinh thuộc hạt miền Đông và tiểu học Vĩnh Long cho thí sinh các hạt thuộc tỉnh Định Tường cũ và ba tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên).

Học sinh tư thục muốn dự thi phải làm đơn gửi viên tham biện địa hạt nơi đặt điểm thi, có xác nhận của tham biện địa phương về trình độ kiến thức. Thí sinh đủ điểm được cấp bằng tốt nghiệp, có thể xin việc làm công chức cấp dưới.

Theo chương trình Pháp – Việt, học sinh tốt nghiệp trung học (cấp hai) được cấp bằng khả năng, có thể xin làm giáo viên với mức lương 600 francs hoặc thông ngôn, phụ tá thư lại hạng nhất với lương 1.000 francs mỗi năm. Người điểm cao được xem xét cho sang Pháp học.

Năm 1879, khi thống đốc Nam Kỳ ban hành nghị định cải tổ nền giáo dục Nam Kỳ, Ủy ban giáo dục công cộng sẽ lo ba kỳ thi sát hạch ở từng cấp học. Mỗi kỳ thi vẫn duy trì hai phần: viết và vấn đáp như trước đây.

Nếu ở cấp một, thi vấn đáp sẽ diễn ra trước hội đồng gồm đại diện giám đốc Nha nội chính (chủ tịch) và hai hội viên là những giáo sư thì cấp hai và ba, phần thi này căng thẳng hơn. Ngoài chủ tịch hội đồng là đại diện giám đốc Nha nội chính, các thành viên sẽ là hiệu trưởng và nhiều giáo sư.

Học xong cấp hai, nếu học sinh đạt kết quả trong kỳ thi vào trường cấp ba thì được cấp bằng cơ bản, có thể xin làm công chức bậc dưới trong cơ quan nhà nước với ngạch học sĩ, thông ngôn, thư ký hành chính, giáo viên hạng thấp nhất (ngạch tư học)…

Nếu học tiếp cấp ba và tốt nghiệp, học sinh được cấp bằng cao đẳng (còn gọi là cao học), có thể đi làm thông ngôn, thư ký, học sĩ chính ngạch hoặc giáo viên bản xứ.

Học ở Việt Nam lấy bằng tú tài bản xứ tương đương tú tài Pháp

Khi chương trình học chính Pháp – Việt (1917-1945) được thiết lập, các khoa thi tổ chức bài bản, nghiêm ngặt hơn. Bằng tú tài được nhiều người mơ ước bởi Pháp quan niệm nó vừa là bằng tốt nghiệp chương trình phổ thông, vừa là cấp bậc đại học đầu tiên. Người có bằng tú tài có thể ghi danh theo học lên cao ở các trường cao đẳng, đại học.

Với chương trình Pháp bản xứ, bằng cơ bản (dành cho học sinh trên 16 tuổi học xong trung học) và bằng cao đẳng được coi tương đương với bằng tú tài Pháp. 

Ở chương trình Pháp bản xứ, học sinh học hết lớp đệ nhị niên (tương đương lớp 11 ngày nay) được lấy bằng tú tài phần một. Có bằng này mới được học tiếp lớp đệ nhất niên (lớp 12), rồi kết thúc để thi lấy bằng tú tài toàn phần.

Ban đầu trường Pétrus Ký (Sài Gòn) và trường Bưởi (nay là THPT Chu Văn An, Hà Nội) dạy chương trình tú tài bản xứ. Do nhu cầu của nền hành chính thuộc địa cần những chuyên viên cao cấp từ tú tài trở lên, nhiều tỉnh thành như Hải Phòng, Huế, Quy Nhơn… mở thêm lớp trung học, luyện thi tú tài.

Nhiều học sinh sau khi lấy bằng thành chung (tốt nghiệp cao đẳng tiểu học) thì học thêm một năm nữa là thi đậu tú tài Pháp, đủ để sang Pháp du học mà không cần học hết ba năm trung học bản xứ (tú tài). Từ sự thuận lợi này mà ít năm sau không mấy người theo học đủ chương trình tú tài bản xứ.

Năm 1930, Pháp ban bố sắc lệnh các bằng tú tài bản xứ có giá trị tương đương tú tài chính quốc. Người có bằng tú tài bản xứ được vào các đại học ở Đông Dương, Pháp nhưng phải thông qua thống sứ Bắc Kỳ, khâm sứ Trung Kỳ, thống đốc Nam Kỳ, toàn quyền Đông Dương hoặc Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Paris.

Write A Comment