Demo Example
Demo Example
Demo Example
Con người Việt Nam

Hồ Đắc Di – bác sĩ phẫu thuật đầu tiên của Việt Nam – nhà quý tộc yêu nước

XCVN nhận được câu hỏi của rất nhiều bạn về phố Hồ Đắc Di, liệu đây có phải con phố được đặt theo tên hồ ở cạnh đó không? Chúng tôi sẽ trả lời luôn là chiếc hồ mà các bạn hay nhầm là Hồ Đắc Di tên chính xác là Hồ Xã Đàn, còn phố Hồ Đắc Di được đặt theo tên một danh nhân yêu nước, bác sĩ phẫu thuật đầu tiên của Việt Nam, là hiệu trưởng đầu tiên trường Đại học Y Hà Nội của nước Việt Nam độc lập. hãy cùng tìm hiểu cuộc đời, những câu chuyện đời thường mà bình dị của vị quý tộc yêu nước – Hồ Đắc Di.

Video dưới đây được chúng tôi sưu tập từ nhiều nguồn, và đặc biệt nhất là tư liệu “Hồi ký của giáo sư Hồ Đắc Di” được nhà báo Hàm Châu trao tặng lại cho Trung tâm Di sản Các nhà khoa học Việt Nam.

  1. Tiểu sử, cuộc đời và gia thế của “công tước” Hồ Đắc Di

Giáo sư Hồ Đắc Di sinh năm Canh Tý (1900) trong một danh gia vọng tộc ở cố đô Huế, một dòng họ có tới năm nàng dâu là công chúa, công nữ và có số thượng thư, tổng đốc khó đếm hết.

Ông nội ông là Hồ Đắc Tuấn, đỗ Cử nhân năm Tự Đức thứ 23, được phong tước Hầu. Bà nội ông là Công nữ Thức Huấn, là con gái Tùng Thiện Vương Miên Thẩm.

Thân sinh ông là Khánh Mỹ quận công Hồ Đắc Trung, đỗ Cử nhân, làm quan đến chức Tổng đốc Nam Ngãi, Thượng thư các Bộ Học, Lễ, Công; Đông các điện Đại học sĩ, sung Cơ mật đại thần.

Hai người anh là Thượng thư bộ Hộ, Cử nhân Nho học Hồ Đắc Khải và Tổng đốc Hà Đông, Tiến sĩ Luật khoa Hồ Đắc Điềm (về sau là Phó chủ tịch Ủy ban hành chính TP Hà nội, Chánh án Tòa án nhân dân Hà Nội).

Hai người em trai là Kỹ sư Khoáng học Hồ Đắc Liên (về sau là Cục trưởng Cục Địa chất) và Tiến sĩ Dược khoa Hồ Đắc Ân.

Chị gái ông là Hồ Thị Huyên gả cho Hoàng thân Ưng Úy và là mẹ của nhà bác học Bửu Hội.

Em gái ông là Hồ Thị Chỉ được gả cho vua Khải Định vào năm 1917, làm Nhất giai Ân Phi, đứng đầu các phi tần của vua Khải Định. Em gái út của ông là Hồ Thị Hạnh, xuất gia với pháp danh Diệu Không, là một dịch giả kinh Phật nổi tiếng.

Năm 1935, ông lập gia đình với bà Vi Kim Phú, con gái Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định. Con gái ông là bà Hồ Thể Lan, nguyên là Vụ trưởng Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao, phu nhân của ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Việt Nam, đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề đối ngoại.

Đọc thêm: Lê Giốc – Tiến sĩ được mệnh danh “thần chửi”

  1. Hành trình sang Pháp du học và những mẩu chuyện bình dị của giáo sư Hồ Đắc Di.

2.1. Hành trình du học ở Pháp và cuộc gặp gỡ với Nguyễn Ái Quốc.

Thuở nhỏ ông được gia đình gửi học nội trú tại trường Lycée Albert Sarraut (Hà Nội). Theo lời khuyên của bác sĩ Thiroux, ngự y của triều đình Huế lúc bấy giờ, gia đình đã định hướng cho ông theo nghề y và gửi ông sang Pháp du học trong thời gian 1918-1932.

Là người Việt Nam đầu tiên theo học chuyên ngành phẫu thuật, bác sĩ nội trú các bệnh viện Paris, anh bắt đầu có chút tiếng tăm trong giới trí thức thượng lưu Paris và vì là con trai một vị quận công nên anh thường được bạn bè người Pháp gọi là công tước Hồ Đắc. Hoàng thân Fujita – họa sĩ người Nhật Bản, và công tước Hồ Đắc – nhà y học người An Nam, là hai tài năng trẻ châu Á được báo chí Paris nhắc tới.

Vào những ngày chủ nhật, Hồ Đắc Di thường được cô Ève Curie, con gái thứ hai của nhà bác học Marie Curie, mời đến nhà riêng chơi. Lúc bấy giờ ông Pierre đã mất, bà Marie sống với hai người con gái là Irène và Ève.

Ève Curie là một nữ sinh viên đa cảm, giỏi văn thơ, yêu âm nhạc, ưa trang điểm và rất thích tiếng đàn violon của công tước Hồ Đắc, chàng quý tộc phương Đông thanh tú và dí dỏm, am tường triết học và văn học, nghệ thuật phương Tây. Nhiều năm sau giáo sư Hồ Đắc Di vẫn còn giữ lại bức ảnh chụp trong nhà Marie Curie: Ève ngả mình trên đi-văng, mơ màng nghe công tước Hồ Đắc kéo đàn violon.

Năm 1919, “Tám yêu sách về quyền của các dân tộc” do Nguyễn Ái Quốc gửi tới hội nghị hòa bình Versailles được báo chí Pháp công bố gây tiếng vang rất lớn. Theo tài liệu hồi ký của giáo sư Hồ Đắc Di có viết như sau:

Dạo đó tôi thường lui tới câu lạc bộ sinh viên Việt Nam ở số nhà 15 phố Sommerard, khu Latin, Paris.

Sáng chủ nhật hôm ấy, tôi cùng đi với anh bạn Dương Văn Giáo, quê ở Nam kỳ, lúc bấy giờ là luật sư tập sự. Câu lạc bộ có hai phòng: phòng ngoài để sách báo cho sinh viên xem, phòng trong đặt bàn ghế tiếp khách. Nhìn vào phòng trong tôi chợt thấy ba người đang trò chuyện: một ông già có chòm râu đen, một người béo lùn và một người trẻ tuổi, nước da hơi xanh, đôi mắt rất sáng, vóc dáng mảnh khảnh gầy gò. Anh Giáo hỏi tôi:

– Anh có biết ba người kia là ai không?

– Có biết một, người để râu là cụ Phan Châu Trinh.

– Người béo lùn kia là – anh Giáo tiếp lời tôi – luật sư Phan Văn Trường; còn người gầy gầy, xanh xanh là ông Nguyễn Ái Quốc.

Mấy tiếng “Nguyễn Ái Quốc” làm tôi xúc động đến bàng hoàng. Thì ra con người mà tôi hằng nghe bạn bè nhắc đến, con người từng cất cao tiếng nói đanh thép đòi quyền lợi chính đáng cho dân tộc Việt Nam – một cử chỉ gan dạ khiến mọi người khâm phục – con người ấy đang ngồi trước mặt tôi kia! Và cũng là người “trần thế” như mọi người bình thường, chứ đâu phải là một “trang hiệp sĩ” theo kiểu “Richard trái tim sư tử” như trí tưởng tượng của tôi hằng thêu dệt theo tiểu thuyết Walter Scott!”.

Kể từ hôm ấy, chàng công tước Hồ Đắc thường kín đáo cùng mấy bạn tâm giao đi bán báo Le Paria (Người Cùng Khổ) và báo Việt Nam Hồn. Đây là khởi nguồn cho quan hệ tốt đẹp về sau giữa 2 người.

2.2. Trở về Việt Nam và hành trình gian khó để trở thành bác sĩ phẫu thuật đầu tiên của Việt Nam.

Sau 13 năm theo học trường y và làm việc tại Bệnh viện Tenon ở Paris, nhà phẫu thuật trẻ tuổi Hồ Đắc Di trở về nước, lòng chứa chan hy vọng đem tài mọn của mình ra thực hiện những lời thề Hippocrate. Nhưng rồi thực tế phũ phàng làm ông thất vọng.

Tại Bệnh viện Huế, nơi ông làm việc, bệnh nhân được chia thành hai loại. Những người “hạ đẳng” bị coi khinh chẳng khác gì súc vật, để nằm vật vã, ngổn ngang, chẳng ai chăm sóc. Thầy thuốc Pháp thường tỏ vẻ ghê tởm người bệnh An Nam và coi ông – một đồng nghiệp của họ – chỉ như kẻ để họ sai khiến mà thôi!

Là nhà phẫu thuật thực thụ đã từng làm việc tại Bệnh viện Tenon, người đã sáng lập ra phương pháp mổ dạ dày (nối thông dạ dày – tá tràng) để điều trị chứng bệnh hẹp môn vị do loét dạ dày – tá tràng gây ra, thay thế phương pháp cắt bỏ dạ dày vẫn dùng trước đó, nhưng ông chỉ được họ cho làm bác sĩ tập sự, trong khi những người Pháp bất tài mà ai cũng biết thua kém ông cả về bằng cấp cũng như về kinh nghiệm như Lemoine lại là bác sĩ trưởng, Normet là giám đốc y tế Trung kỳ.

Lòng đầy tủi nhục, có lần trông thấy tên Lemoine đã dốt lại còn hống hách, ông giận điên người, vác ghế toan đánh hắn. Sau vụ đó ông bị điều chuyển vào Quy Nhơn.

Ít lâu sau ông tìm đường ra Hà Nội. Vừa trông thấy ông, bác sĩ Vũ Đình Tụng nói ngay:

– Anh ra đây làm gì? Dù là nhà phẫu thuật thực thụ anh cũng sẽ chẳng được người ta cho cầm dao mổ đâu! May lắm chỉ được gây mê!

Lại thêm một lần thất vọng. Nỗi đắng cay làm ông bừng tỉnh, chợt thấy rõ điều mà trước kia ông chỉ mới thấy mơ hồ: chung quy chỉ tại ông là một người dân mất nước!

Khi được Le Roy des Barres, hiệu trưởng trường y, mời đến, ông nói thẳng:

– Không cho tôi cầm dao mổ thì tôi dứt khoát không làm!

Có lẽ vì quá thiếu người thạo chuyên môn nên hiệu trưởng đành chấp nhận. Từ đó bác sĩ Di vừa giảng bài bên trường y vừa mổ ở Bệnh viện Phủ Doãn. Ông là người thứ ba và là người Việt đầu tiên được chính quyền thực dân Pháp cho làm bác sĩ phẫu thuật. Chính tại thời gian công tác tại bệnh viện Phủ Doãn, ông đã hướng dẫn cho các bác sĩ Tôn Thất Tùng, Vũ Đình Tụng..

Ông là người đầu tiên ở Đông Dương nghiên cứu tình trạng sốc do chấn thương và có công trình đăng trên Tạp chí Y học Pháp ở Viễn Đông. Một số tạp chí y học lớn như Tạp chí Viện Hàn lâm phẫu thuật Paris, báo Y học Pháp quốc hải ngoại… mời ông viết bài. Trong 37 công trình đã công bố trên các tạp chí chuyên ngành của ông (hiện nay mới tìm lại được 21 công trình), phần lớn được viết trong giai đoạn 1942-1945. Vì lý do đó, từ trước 1945, Hội đồng Giáo sư Trường Y Dược (gồm toàn các giáo sư người Pháp) đã bầu ông làm Phó giáo sư, rồi Giáo sư. Ông là người Việt duy nhất được giữ chức vụ này trước 1945.

Kể lại những ngày đầu cách mạng, giáo sư Hồ Đắc Di ghi trong hồi ký: “Năm 1919, mặc dù hoàn toàn chưa có một ý niệm gì về cách mạng Việt Nam nhưng tôi vẫn thầm cảm phục hành động yêu nước nồng nhiệt và lòng quả cảm vô song của ông Nguyễn Ái Quốc.

Cho nên, năm 1945, khi được biết phong trào Việt Minh là do ông Nguyễn Ái Quốc sáng lập (nhờ một tờ truyền đơn ai đó lùa qua khe cửa) là tôi yên tâm: Chính nghĩa đây rồi! Độc lập, tự do đây rồi! Và khi được thấy con người mảnh khảnh năm xưa thường lui tới số nhà 15 phố Sommerard, Paris nay tóc đã điểm bạc, lưa thưa chòm râu cằm, cất cao giọng Nghệ đọc Tuyên ngôn độc lập thì niềm tin của tôi càng thêm vững chắc.

Những ngày đầu cách mạng, tình thế nhiều lúc như “nghìn cân treo sợi tóc” khiến tôi không khỏi lo âu. Nhưng rồi tôi được nghe Hồ Chủ tịch nói trong một cuộc mít-tinh trước Nhà hát lớn sau ngày ký hiệp định sơ bộ: “Hồ Chí Minh này không bao giờ bán nước!”. Thật cảm động đến rơi nước mắt! Câu nói của Người âm vang mãi trong lòng tôi…”.

Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã giao cho giáo sư Hồ Đắc Di nhiều trách nhiệm quan trọng như Tổng thanh tra Y tế, Tổng Giám đốc Đại học vụ (26/11/1946-, thay ông Nguyễn Văn Huyên), Giám đốc Bệnh viện Đồn Thủy, đặc biệt là việc tổ chức lại trường Trường Đại học Y Dược Hà Nội. Cùng với giáo sư Tôn Thất Tùng (vốn là một học trò của ông), ông tổ chức các hoạt động nghiên cứu và bồi dưỡng ngay trong điều kiện chiến tranh và phải di chuyển liên lục từ Vân Đình, lên Việt Bắc, Tuyên Quang, rồi Chiêm Hóa.

Ngày 6 tháng 10 năm 1947, Trường Đại học Y Dược của nước Việt Nam kháng chiến khai giảng khóa đầu tiên tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang, với 2 giáo sư và 11 sinh viên, với chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt. Ông được cử giữ chức Hiệu trưởng đầu tiên của Trường.

Năm 1954, ông được cử vào đoàn tiếp quản ngành Y tế và được giao nhiệm vụ làm Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Hà Nội. Đến năm 1961, trường Đại học Y Dược Hà Nội tách ra thành Trường Đại học Y khoa Hà Nội và Trường Đại học Dược khoa Hà Nội, ông giữ chức vụ hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Hà Nội đến năm 1973 mới nghỉ hưu.

Ngoài ra, ông còn giữ các chức vụ như Giám đốc Vụ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Ủy viên Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước , Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam,

Ông còn là đại biểu Quốc hội Việt Nam từ khóa II đến khóa V, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ khóa II đến khóa IV, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa I, khóa II; Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Pháp,

Ông mất ngày 25 tháng 6 năm 1984, thọ 84 tuổi.

Xem thêm các video hay của Xin Chào Việt Nam tại đây:

Comments are closed.