Demo Example
Demo Example
Demo Example
Chuyện Việt Nam

Ký ức những khu chợ đã biến mất – Chợ Mơ, chợ bưởi

Chợ truyền thống là thứ không thể thiếu với cư dân Hà Nội, nó đã tồn tại qua nhiều thế kỷ. Thủ đô dù trải qua bao thăng trầm, biến cố lịch sử, cả chiến tranh và hòa bình, nhưng Kẻ Chợ vẫn tồn tại nét văn hóa giao thương.

Hà Nội từ xa xưa hình thành nhiều chợ truyền thống từ nội thành đến ven đô. Những chợ được nhiều người biết tới phải kể đến chợ Đồng Xuân, chợ Hôm, chợ Mơ, chợ Bưởi… Mỗi chợ có nét đặc thù riêng tồn tại đã vài trăm năm và người dân tìm đến để trao đổi, mua bán những mặt hàng mà chỉ nơi đây mới có.

Chợ Mơ

Đơn cử như chợ Mơ nằm trên đường Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng). Sau năm 1954, Hà Nội được giải phóng, chợ Mơ hoạt động sầm uất, nhộn nhịp từ sáng tinh mơ cho đến chiều muộn. Nằm ở phía Nam thành phố, cuối con đường Bạch Mai có ngã tư rẽ trái ra bờ sông Hồng, rẽ phải ra ngã tư Vọng, đi thẳng là ra ngoại thành, chợ Mơ họp 5 ngày 2 phiên (phiên chính, phiên phụ theo ngày ta). Phiên chợ chính thường tấp nập ngay từ tờ mờ sáng. Hàng hóa, nhu yếu phẩm, gia súc gia cầm, đồ mây tre đan từ đò dọc, đò ngang theo sông Hồng mang sang. Đặc sản làng nghề như bánh dày Quán Gánh, bún làng Kỳ, giò chả Ước Lễ, cà bát muối Khương Hạ… tấp nập gánh gồng chen nhau vào chợ. Những chuyến tàu điện từ Bờ hồ chạy qua phố Bạch Mai, trên tàu đông nghịt hành khách với những gánh rau củ, hoa trái tíu tít đổ về.

Chợ Mơ - khu chợ đã biến mất

Vào phiên chợ chính có hẳn khu đất dành riêng làm nơi mua bán gia súc như lợn, chó, mèo, dê… Từ xa xưa, chợ Mơ có truyền thống là chợ gia súc. Những con lợn hàng tạ buộc vào thân tre 2 người khênh đi bộ vài cây số mang tới. Chó vàng, đen, nâu béo núc trong cũi tre chở bằng xe ba gác, mèo con được các bà gánh trên đôi thúng, đội trên đầu ùn ùn mỗi lúc một đông. Khoảng 8 – 9h là lúc chợ đông nhất, người ta họp chợ tràn cả ra đường Bạch Mai, Minh Khai. Tiếng ồn ào mua bán, tiếng gia súc gia cầm kêu hòa cùng tiếng rít bánh xe tàu điện tạo thành không khí “như chợ vỡ”. Ngày ấy, tính từ ngã tư Ô Cầu Dền về phố Bạch Mai thì chợ Mơ được coi là ngoại thành Hà Nội. Do đó, đường tàu điện trong nội thành từ phố Huế đặt chìm dưới mặt đường. Còn từ ngã tư Bạch Mai – Ô Cầu Dền xuống đến chợ Mơ thì đường tàu chạy nổi. Nhà cửa mặt phố ngày ấy cũng thưa thớt, đa phần nhà cấp 4, nhà tranh tre nứa lá. Do đó chợ Mơ tuy cũng nằm trong thành phố nhưng chẳng khác gì chợ quê.

Ngày nay, Chợ Mơ đã không còn, nhường chỗ cho một trung tâm thương mại…chợ Mơ to đẹp hoành tráng, đường Minh Khai cũng được mở rộng, không còn cảnh lố nhố, chen chúc, tắc đường nhưng ký ức về chợ Mơ vẫn còn đó và lưu lại trong tiềm thức của nhiều người dân Hà Nội

Chợ Bưởi

Nằm ở phía Tây Hà Nội, chợ Bưởi mang nét đặc thù của chợ quê thuần chất. Chợ họp 1 tháng 6 phiên, trong đó có 2 phiên chính vào ngày mùng 4 và 9 Âm lịch là đông nhất. Còn lại các ngày 14, 19, 24, 29 hàng tháng họp từ tờ mờ sáng (khoảng 5h), đến khi mặt trời đứng bóng thì chợ cũng tan dần.

Chợ Bưởi chủ yếu là dân Kẻ Bưởi từ các vùng lân cận hợp thành. Vào ngày phiên chính, họ mang nông sản vốn là cây nhà lá vườn hoặc nhiều gia đình có nghề trồng cây cảnh, cắt tỉa, tạo dáng cho lạ rồi mang đến chợ bán. Chợ cũng có riêng một khu bán các loại chim cảnh như chim yến, chim cu, sáo, chào mào… với những chiếc lồng rất đẹp, tạo dáng cầu kỳ. Ở chợ Bưởi người ta cũng bán chó, mèo, gà, vịt… nhiều vô kể. Dân từ các làng Nghĩa Đô, Yên Thái, Võng Thị, Trích Sài, Đông Xã, Hồ Khẩu… gồng gánh, mang vác các đồ thủ công mây tre đan, bàn, ghế, giường tủ, sản phẩm làng xã bày bán la liệt từ cổng, thậm chí tràn cả ra đường. Đi sâu vào trong chợ, những chồng giấy dó, giấy thủ công do chính dân Kẻ Bưởi làm ra chất cao ngất ngưởng. Những hàng quà như bánh đúc, bún riêu, bánh cuốn khách ngồi chật cứng, nhưng đông nhất vẫn là dãy hàng thịt chó.

Ngày ấy, rất nhiều người Hà Nội có thú đi chơi chợ Bưởi, không phiên chợ chính nào là họ chịu vắng mặt. Cũng chẳng phải để mua bán gì, chỉ đơn giản là đi để ngắm, để xem những giống chim quý, những cây cảnh lạ, có thế đẹp, rồi làm bát bánh đúc riêu ấm bụng, nghỉ chân uống nước ra về tạt vào mua vài xu thuốc lào Kiến An.

Chợ Bưởi bây giờ vẫn còn, tuy nhiên dáng dấp của khu chợ họp cũ ngày xưa đã biến mất. Người ta vẫn kháo nhau về một khu chợ sầm uất bậc nhất Hà Thành giờ đã không còn như xưa.

Write A Comment