Demo Example
Demo Example
Demo Example
Du lịch Việt

Sự thật về làng Lủ – Làng đẻ quan, đẻ Trạng

Làng Kim Lũ nằm cách kinh thành Thăng Long không xa về phía Nam. Kim Lũ theo phiên âm tiếng Hán có nghĩa là sợi dây vàng, tượng trưng cho sự giàu có, thịnh vượng. Xưa kia, nơi đây có ba xóm lớn là Lủ Cầu, Lủ Trung và Lủ Văn. Sau này phát triển thành ba làng: Kim Giang, Kim Lũ và Kim Văn. Thời kháng chiến chống Pháp, làng Kim Lũ thuộc xã Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.

Kim Lũ nằm cạnh dòng sông Tô Lịch sản sinh ra nhiều câu chuyện huyền thoại. Cổng làng Kim Lũ không rõ từ bao giờ đã được chạm khắc lên hai chữ tự hào “Quan miện” (làng có nhiều quan lớn).

Theo sử sách và nhiều tài liệu ghi chép lại được người dân lưu giữ, từ khi thành lập làng đến đầu thế kỷ XX, làng Kim Lũ có 5 người đỗ Tiến sĩ và 15 người đỗ Trung khoa. Truyền thống khoa bảng trên mảnh đất Kim Lũ tựa như mạch nguồn xuyên suốt, trải dài qua nhiều thế hệ.

Mở đầu, khai khoa ở đây chính là Hồng Hạo (1677 – 1748), đỗ Tiến sĩ khoa Canh Dần 1710, đời vua Lê Dụ Tông. Kế tiếp là Tiến sĩ Nguyễn Công Thái (1684 – 1758), đỗ khoa Ất Mùi 1715, đời vua Lê Dụ Tông. Tiếp đến là Phó bảng Nguyễn Văn Siêu (1799 – 1872), đỗ khoa Mậu Tuất 1838, đời vua Minh Mạng. Ông là một nhà văn hóa lớn, thông thạo văn chương, có công rất lớn trong việc tu bổ, nâng cấp khu đền Ngọc Sơn. Tài năng hơn người, lập nhiều công trạng, ông được vua Tự Đức ngợi ca “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán” (tài văn thơ như Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát thì trước đời Hán không có ai).

Nối gót truyền thống của làng, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp (1834 – 1902), hiệu là Kim Giang và Quế Bình. Ông đỗ khoa Ất Sửu 1865, đời vua Tự Đức. Tiến sĩ thứ năm của làng Kim Lũ chính là Nguyễn Sĩ Cốc (SN 1888), cháu nội của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp. Ông đỗ khoa Canh Tuất 1910, nhưng không ra làm quan mà viết sách, tham gia phong trào yêu nước Đông Du của Phan Bội Châu.

Bên cạnh đó còn có Cử nhân Hoàng Đạo Thành, người từng làm Tri phủ Đa Phúc sau cáo quan ở nhà viết sách, với khối lượng tác phẩm có giá trị như: Đại Nam hạnh nghĩa liệt nữ truyện, Việt sử tân ước toàn biên. Con trai Hoàng Đạo Thành là Hoàng Đạo Thúy – nhà văn hóa nổi tiếng của Hà Nội.

Nơi của những thức quà mộc mạc của Làng Lủ

Người Kim Lũ không chỉ đỗ đạt làm quan lớn, đóng góp nhiều thành tựu cho đất nước mà còn rất giỏi giang trong lao động sản xuất, chế biến các mặt hàng nông sản như: Bỏng ngô, kẹo lạc, bánh đa khoai, cốm, chè lam, làm quạt thước, quạt Lủ… 

Theo các bậc cao niên trong làng kể lại, Kim Lũ xưa kia nổi tiếng với món chè lam Lủ. Nguyên liệu chính làm chè lam là thóc nếp, lạc, mật mía kèm theo hương vị thảo quả, gừng. Thóc nếp để làm chè lam hạt phải già và mẩy, được phơi khô giòn trong nắng váng mật của mùa hạ. Thóc được rang cho đến khi chuyển sang dạng bỏng thì xay thành bột, xưa thì phải giã bằng chày tay, khi bột lên màu trắng như tuyết là được. Mạch nha, nước giếng khơi đun sôi cùng với gừng tươi giã nhỏ, lạc rang tách nhân là được thành phẩm. Chè lam Lủ thường được cắt nhỏ đều như viên kẹo, gói kỹ trong giấy bóng kính, ăn giòn nhưng lại dẻo bùi, không bị khô và ngọt sắc như chè lam ở một số địa phương khác.

Bên cạnh món chè lam, nghề làm bỏng, kẹo ở Kim Lũ có lịch sử từ thời Hậu Lê. Bỏng Lủ có nhiều loại gồm bỏng ngô, ngô rang trộn mật, bỏng bộp (làm từ thóc nếp rang), bỏng cốm (làm từ cốm rang nổ giòn). Nguyên liệu sau khi sơ chế sẽ được cho vào chảo gang cỡ lớn đảo đều, nổ tanh tách là thành bỏng. Cách làm tưởng đơn giản, nhưng nếu không có kinh nghiệm và bí quyết thì mật, đường sẽ dính ướt tay hoặc khi cắn các hạt bỏng sẽ rời ra. Kẹo ở Kẻ Lủ cũng có khá nhiều loại làm theo mùa vụ như kẹo bột, kẹo vừng, kẹo lạc… riêng kẹo dồi thì làm quanh năm.

Ở Kim Lũ có cốm tươi nhưng vị rất khác cốm ở làng Vòng. Cốm Lủ được làm quanh năm bằng thóc nếp quýt, nếp cái hoa vàng. Thóc sau khi ngâm đủ độ sẽ được đem rang chín rồi cho vào cối cần giã nhanh chày thành cốm trắng, còn gọi là cốm mộc. Cốm Lủ ăn ngon, bùi, càng nhai kỹ càng thơm càng dẻo, rất tiện lợi cho việc vận chuyển, bảo quản làm lương khô. Cốm Lủ là nguyên liệu chính để làm cốm xào, cốm nén và bỏng cốm. Nó cũng là nguyên liệu chủ yếu quanh năm của các cửa hiệu bánh cốm ở phố Hàng Than, món đặc sản phục vụ các hội hè, đám cưới.

Cuối thế kỷ XIX, Kim Lũ có thêm một nghề làm bánh đa khoai. Tương truyền rằng, nghề này do ông Đô Đính truyền dạy lại. Dân làng Kim Lũ thường làm bánh từ tháng 5 ngay sau vụ lúa chiêm. Khoai dùng làm nguyên liệu phải là loại khoai mới thu hoạch. Khoai luộc xong bỏ vỏ, bỏ vào cối đá giã mịn, đạt tiêu chuẩn rồi ép vào khuôn cho thành hình, thành kiểu tùy ý. Bánh đa khoai sau khi được phơi trong nắng, có mùi thơm và ăn rất giòn. Vị ngọt bùi của khoai đủ độ khiến người ăn một lần nhớ mãi không quên.

Sự tích về Chúa Chổm

Có nhiều tài liệu ghi lại rằng: Vua Lê Chiêu Tông biết mình gặp nạn đã trao cho vợ Ngọc tỷ truyền quốc – vật tượng trưng cho đế nghiệp nhà Lê và dặn vợ phải mang con trốn đi để mưu sự lớn sau này. Phi tần này khi mang thai đã trốn về làng Lủ, rồi sinh con ở thôn Trung và đặt tên là Chổm (tức Lê Duy Ninh và sau lên ngôi đặt hiệu là Lê Trang Tông).

Hai mẹ con Chổm ẩn nấp ở làng Lủ trong cảnh bần hàn, Chổm phải đi kiếm củi, làm thuê và ăn chịu, mua nợ, vay tiền nuôi mẹ, sinh sống (do khất nợ mãi không trả được nên sau này khi biết Chổm lên làm vua, nhiều người đến đòi nợ, dân gian mới có câu “Nợ như Chúa Chổm”). 

Chúa Chổm ở làng lủ

Cũng thời điểm này đã lưu lại tình tiết Chúa Chổm gắn với món kẹo lạc. Khi Nguyễn Kim (một tướng trung thành của nhà Lê) muốn tìm người nhà Lê về kế tục ngôi báu đã nhờ một ông thầy xem hộ, ông thầy phán rằng: “Đón ở sông Tô, thấy ai “cờ son nón sắt” đó chính là Vua”. Một hôm, trong lúc ngóng chờ, Nguyễn Kim đã thấy một người trên chiếc bè chở củi, gặp đúng lúc trời mưa, đã lấy cái chảo gang thường dùng nấu kẹo lạc đội lên đầu thay nón, tay cầm cây sào có buộc cái khố đỏ, ông đoán đó là người cần tìm nên đi theo và ngỏ ý muốn chàng trai đưa về gặp mẹ chàng. Khi gặp mẹ Chổm, thấy ấn Ngọc tỷ thì Nguyễn Kim tin chàng trai này chính là hậu duệ nối dõi nhà Lê.

Câu chuyện trên không biết hư thực thế nào, vì vua Lê Trang Tông hay còn được gọi là Chúa Chổm có rất nhiều huyền thoại dân gian, rất khó xác định được đâu mới là câu chuyện thật sự. Nhưng thú vị là câu chuyện trên gắn với cái chảo gang mà dân làng Lủ thường dùng để nấu kẹo lạc, món đặc sản của làng từ xa xưa. 

Ngoài ra có chuyện bên lề rằng, sau này khi làm vua, Chúa Chổm đôi khi cũng quên mất đã từng vay nợ những ai nên ban lệnh miễn thuế cho làng Lủ một năm. Đồng thời cũng ban lệnh cấm chỉ tay vào mặt người khác để…đòi nợ. Từ đó có một con phố nhỏ ở giữa Kinh Thành Thăng Long mang tên…Cấm Chỉ.

Hiện nay tại làng vẫn còn khu thờ tự do các Vua nhà hậu Lê thời Lê Trung Hưng dựng nên, gọi là Điện Kim Long, nhiều người cho biết đó là điện thờ Vua Lê Trang Tông – vị Chúa Chổm trong dân gian.

“Rượu làng Mơ, thơ Kẻ Lủ”, làng Kim Lũ ngày nay vẫn coi trọng con chữ và động viên con cháu phải cố gắng học tập để tiếp nối truyền thống văn vật của cha ông. Cùng nằm trong hệ thống các làng khoa bảng của đất Thăng Long, làng Kim Lũ đã và đang rèn giũa và bồi dưỡng nên những tấm gương trí thức tiêu biểu, rạng danh đất nước. Có thể nói, họ chính là người đại diện cho lớp người Tràng An tài hoa, ngàn năm văn hiến, sục sôi hoài bão, khát vọng xây đắp nên một Thăng Long – Hà Nội phồn vinh và thịnh vượng.

Write A Comment