Tam Đảo là một dãy núi đá ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam, nằm trên địa bàn thành phố Hà Nội và ba tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Đỉnh cao nhất của dãy núi Tam Đảo nằm ở ranh giới của huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và huyện Đại Từ (Thái Nguyên), có độ cao tuyệt đối là 1.597 m.
Gọi là Tam Đảo (三島 | nghĩa là Ba Gò) vì dãy núi có ba khối nhỏ nổi bật ở phần giữa, vượt hẳn lên trên phần còn lại khi quan sát từ phía nam. Dân gian gọi ba đỉnh núi này là Thạch Bàn, Thiên Thị và Phù Nghĩa. Ba đỉnh này tuy không phải là đỉnh cao nhất của dãy núi, nhưng lại nổi bật và đặc trưng nhất, có thể nhìn thấy rõ từ nội thành Hà Nội vào những ngày trời trong.
1. Những câu chuyện ít người biết về Tam Đảo.
Tam Đảo sơn tự bao đời đã được người Vĩnh Phúc tôn kính gọi là núi Mẹ, đối xứng với Tản Viên núi Cha nơi Ba Vì, Sơn Tây. Núi Cha thờ Tản Viên sơn thánh, núi Mẹ gắn liền với huyền thoại về nàng Lăng Thị Tiêu – người con gái Tam Đảo – là hiện thân của một trong bảy nàng tiên xuống núi chữa bệnh cứu dân lành, trừ bạo nghịch giúp nước. Nàng là người có công giúp Hùng Vương thứ 6 đánh thắng giặc Ân. Đất nước thanh bình, nàng đã cùng Hùng Chiêu Vương thứ 7 – chàng hoàng tử Lang Liêu hiếu thảo và tài ba – kết duyên chồng vợ. Trở thành chính vương phi, bà vẫn cùng chồng giữ lối sống bình dị, hết sức chăm lo cho muôn dân được an lạc. Huyền sử còn ghi lại câu chuyện đức vua và vương phi dạy dân trồng lúa nước, dạy dân cửi canh, lễ tiết… Nhớ ơn trọng ấy, Nhân dân dựng đền lập miếu, đời nối đời khói hương cung kính phụng thờ Quốc Mẫu.
Cùng với huyền thoại về Quốc Mẫu, nữ chúa Tam Đảo, còn có nhiều dấu tích cho thấy vùng Tây Thiên – Tam Đảo còn là một trong những “cái nôi” của Phật giáo Việt Nam. Thế nên, đến với Vĩnh Phúc, đến với vùng địa linh này, là “đến với Phật, về với Mẫu”. Xem thế, đủ thấy Vĩnh Phúc là vùng địa linh, nhân kiệt, nơi sông núi quy tụ hùng khí linh thiêng của đất trời.
Đọc thêm: Cầu Long Biên và những con số ít người biết
Tam Đảo bao gồm 3 đỉnh núi được người xưa gọi tên, lần lượt là: Thạch Bàn (bàn đá); Phù Nghĩa (giúp việc nghĩa) và Thiên Thị (chợ trời). Lại nữa, núi Tam Đảo đối xứng với núi Tản Viên (Ba Vì, Sơn Tây) qua Hồng Hà (sông Cái, sông Mẹ), trông về Hy Cương (Phong Châu, Phú Thọ) là núi Hùng Lĩnh tạo thế “chân vạc”, thế “tay ngai” “vững âu vàng”. Trung tâm ba danh sơn này là “minh đường” ngã ba Hạc – nơi Sông Hồng, Sông Đà, Sông Lô hợp thủy, nơi tương truyền chim Hạc trắng về đậu trên ngọn chiên đàn thiêng… Tất cả, hợp thành chốn hội tụ linh khí sông núi Việt linh thiêng, huyền bí.
Bên cạnh đó, Tam Đảo còn có hệ thống những đền, chùa, miếu các vị thánh như Quốc Mẫu, Bà Chúa Thượng Ngàn, các Cô, Cậu, đức Thánh Trần, nhị vị Vương Cô, các vị sơn thần thổ địa,…. tạo nên hệ thống những di tích tín ngưỡng tâm linh mang đậm sắc thái văn hóa Việt.
2. Câu chuyện về “vua bếp chiến trường” Hoàng Cầm
Tam Đảo còn là nơi lưu giữ những kỷ niệm về cuộc đời người lính Hoàng Cầm (1916 – 1996). Ông là người con của đất Trực Ninh, Nam Định. Tuổi 20, vì nghèo đói, ông đã lên Tam Đảo tìm kế sinh nhai.
Đất nước bước vào cuộc kháng chiến cứu quốc, Hoàng Cầm trở thành anh bộ đội Cụ Hồ, là chiến sĩ nuôi quân. Nơi chiến trường bom đạn ác liệt, để phòng tránh các thiết bị tối tân của địch cài đặt khắp nơi hòng dò tìm dấu vết bộ đội ta, nhất là các dấu vết về khói lửa để tiêu diệt; Hoàng Cầm đã sáng chế một loại bếp nấu độc đáo. Khi nấu, bếp giấu hết khói lửa, vừa giúp chiến sĩ ta đảm bảo yếu tố bí mật bất ngờ (yếu tố tiên quyết cho thắng lợi), hạn chế thấp nhất thương vong mọi lúc mọi nơi trong chiến đấu, “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, vừa trực tiếp góp phần nuôi quân được ăn cơm nóng canh sốt (điều bình thường nhưng lại là đặc biệt trong chiến tranh), bởi có “thực túc” thì mới “binh cường”, có “ăn no” thì mới “đánh thắng”.
Với cái bếp độc đáo ấy, Hoàng Cầm đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi của dân tộc ta trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, cả trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau này. Ông đã đưa vào cuộc kháng chiến chống những kẻ thù mạnh nhất thế giới một vật dụng giản dị, đời thường nhất của dân tộc Việt Nam: cái bếp nấu ăn. Và cái bếp bình dị, từng đi vào thơ vào nhạc: “Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời” (Phạm Tiến Duật), “Hơi bếp Hoàng Cầm ta sưởi ấm khắp nơi nơi” (Huy Du) đã chiến thắng những phương tiện chiến tranh siêu vi của thực dân, đế quốc.
Thế nhưng, cái bếp nổi tiếng bao nhiêu thì cuộc sống của chiến sĩ nuôi quân Hoàng Cầm lại lặng lẽ bấy nhiêu. Bao năm tháng qua, bếp Hoàng Cầm luôn đồng hành cùng những người lính Cụ Hồ trên mọi trận tuyến, trong mọi thời kỳ, thì tại thị trấn Tam Đảo, ông sống lặng lẽ một cuộc sống bình dị của một người bình thường, nếu như không có sự tìm hiểu kỹ lưỡng thì không ai biết ở Tam Đảo có một anh hùng từng sống – người từng được chiến sĩ ta phong tặng danh hiệu “vua bếp chiến trường”.
Trở về sau những năm tháng chiến trường bom đạn, Hoàng Cầm được nhà nước cấp cho một căn hộ nhỏ ở Thủ đô Hà Nội. Nhưng ông đã trở lại Tam Đảo, sống trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ ở thôn 1, thị trấn Tam Đảo. Vừa cùng gia đình làm lụng, mưu sinh như bao nông dân Việt, Hoàng Cầm còn đảm nhận công việc của một thủ từ, ngày ngày coi sóc hương đèn nơi đền Thánh Trần tọa lạc trên thị trấn. Theo nguyện vọng của Hoàng Cầm, khi ông qua đời, các con ông đã đưa ông về Tam Đảo. Mộ ông nằm lặng lẽ dưới tán thông bên một sườn núi, cách nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Tam Đảo không xa.
Nguồn: Văn học nghệ thuật Tỉnh Vĩnh Phúc – Trang thông tin điện tử của hội văn học tỉnh Vĩnh Phúc
(Bài báo tiêu đề Tam Đảo – số ra ngày 22/01/2024)
Xem các video hay của Xin Chào Việt Nam tại đây.
Comments are closed.