Demo Example
Demo Example
Demo Example
Chuyện Việt Nam

Văn Miếu Quốc Tử Giám – lịch sử, những sự thật và hành trình bảo tồn di sản.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám là quần thể di tích đa dạng, phong phú hàng đầu của thành phố Hà Nội, nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long. Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một trong những di tích đặc biệt thể hiện rõ bản sắc giàu đẹp của văn hóa nước ta.

Hãy cùng Xin Chào Việt Nam tìm hiểu về lịch sử hình thành, những sự thật đặc biệt liên quan đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám và hành trình bảo tồn di sản văn hóa của nước ta thông qua Văn Miếu Night Tour.

  1. Giới thiệu về lịch sử và những điều đặc biệt bên trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Trước khi đi vào tìm hiểu về lịch sử, chúng ta cần được biết những “danh hiệu” mà quần thể Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã được nhận:

  • Văn Miếu – Quốc Tử Giám hiện đã được Thủ tướng chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt
  • Khuê Văn Các được chọn là biểu tượng của Thủ đô theo Luật Thủ đô (biểu tượng logo của Hà Nội chính là hình ảnh của Khuê Văn Các)
  • 82 tấm bia Tiến sĩ được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu và ghi vào danh mục Ký ức thế giới toàn cầu. 
  • 82 tấm bia còn được Thủ tướng chính phủ công nhận là Bảo Vật cấp Quốc Gia

Những điều này đã cho thấy, Văn Miếu – Quốc Tử Giám không chỉ là tài sản quý giá của Thủ đô, của Việt Nam, mà nó đã trở thành tài sản, di sản văn hóa của nhân loại. Trong những năm qua, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, khu di tích tâm linh, biểu tượng của trí tuệ, truyền thống hiếu học.

1.1. Văn Miếu được xây dựng từ năm (1070) tức năm Thần Vũ thứ hai đời Lý Thánh Tông. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa thu tháng 8, làm Văn Miếu, đắp tượng, Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến đấy học”. Năm 1156, Lý Anh Tông cho sửa lại Văn Miếu và chỉ thờ Khổng Tử.

Văn Miếu được xây dựng trên khu đất hình chữ nhật (dài 300m, rộng 70m), xung quanh là tường gạch vồ, gồm các hạng mục sau:

– Hồ Văn: Hồ Văn nằm đối diện với khu cổng chính của di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Trước đây, giữa hồ có gò Kim Châu, trên dựng một phương đình, gọi là “Phán Thuỷ đình”, là nơi diễn ra các buổi bình thơ của Nho sĩ. Nay phương đình này không còn, trên gò vẫn còn tấm bia dựng năm Tự Đức 18 (1865) ghi lại việc việc nạo vét hồ. Trải qua nhiều biến động của lịch sử, Hồ Văn đã ngày càng bị thu hẹp lại do lấn chiếm và cây cỏ mọc um tùm, năm 1998 nhà nước đã cho tu sửa, kè hồ và mở cửa cho khách tham quan. Ngày nay, mỗi dịp tết đến xuân về nơi đây thường tổ chức các buổi trình diễn Thư pháp và nhiều người dân đến xin chữ đầu năm để cầu may mắn…

– Vườn Giám nằm ở phía Tây của di tích. Ngày nay, Vườn Giám vẫn là khoảng không gian quan trọng của khu di tích, hiện trưng bày nhiều cây cảnh, nhà bát giác, vào các dịp lễ Tết còn là địa điểm tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật như: Múa rối nước, đánh đu, trình diễn thơ…

– Nghi môn ngoại (tứ trụ): Xưa kia Nghi môn nằm sát Hồ Văn soi mình xuống lòng hồ trong xanh, nhưng khi Pháp chiếm đóng Hà Nội, họ cho làm con đường Quốc Tử Giám cắt qua ngăn cách Nghi môn này với Hồ Văn. Nghi môn được xây dạng tứ trụ (4 cột) bằng gạch, hai trụ giữa xây cao hơn trên có hình hai con nghê chầu vào.

– Nghi môn nội: Qua tứ trụ chúng ta sẽ thấy một chiếc cổng lớn được xây dựng theo kiểu kiến trúc tam quan với hai tầng ba cửa, cửa lớn ở chính giữa, hai cửa nhỏ hai bên, phía trên đề 3 chữ Hán “Văn Miếu Môn” tức là cổng văn miếu, còn gọi là Nghi môn nội với mặt trước và sau có các đôi câu đối bằng chữ Hán ca ngợi Nho giáo, đạo học răn dạy lẽ xuất xử của các bậc thức giả.

Dưới thời phong kiến, cổng chính chỉ được mở khi vua, hoàng gia và các bậc đại quan tới thăm Văn Miếu và tế lễ khổng tử. Còn học trò thứ dân thì đi ở hai cổng nhỏ ở hai bên.

– Khu Nhập đạo: Nhập đạo là nhập vào đạo Nho, có nghĩa là sửa soạn mình sẵn sàng trên con đường đến với cửa Khổng sân Trình, là học tập lễ nghi, đạo đức  trước rồi mới học kiến thức, cũng như con em của chúng ta khi bắt đầu đi học, đều phải qua giai đoạn đầu là học tập quy định, nội quy của lớp, của trường. Trong lớp không gian thứ nhất này quý khách sẽ thấy 3 con đường, đường chính giữa gọi là đường Hoàng đạo, xưa chỉ dành cho vua, hoàng gia và các bậc đại quan đi, hai đường nhỏ hai bên là đường Linh đạo dành cho học trò và thứ dân.

– Cửa Đại Trung (Đại Trung môn): Là cổng dẫn vào khu thứ hai của Văn Miếu, với ý nghĩa là chiếc cổng lớn ở chính giữa. Cổng này có kiến trúc đơn giản, gồm 3 gian xây trên nền gạch cao, mái lợp ngói mũi hài, phía trên nóc đắp nổi chiếc bình hình quả bầu gọi là bình móc và hai con cá chép chầu. Móc là một loại sương rất tinh khiết, theo quan niệm dân gian năm nào có móc năm đó hứa hẹn nhiều điều tốt lành. Bởi vậy, chiếc bình móc đắp nổi trên nóc cổng Đại trung thể hiện tâm nguyện của người xưa hứng những tinh túy nhất của trời đất hay những tinh hoa của đạo học hội tụ về trên mảnh đất này, cá chép chầu gợi cho ta nhớ đến tích truyện “cá chép vượt vũ môn”.

Hai bên cổng Đại trung còn có hai chiếc cổng nhỏ, bên tay phải là cổng Thành Đức, bên tay trái là cổng Đạt Tài. Tên của hai cổng này thể hiện quan điểm giáo dục đào tạo con người vừa có đức vừa có tài.

– Khuê Văn các: Khuê văn các được xây dựng năm 1805 dưới triều vua Gia Long nhà Nguyễn. Công trình này do Tổng trấn Bắc thành là ông Nguyễn Văn Thành cho xây dựng với kiến trúc 2 tầng 8 mái, tầng dưới là 4 trụ gạch, bốn bề trống không. Tầng trên là kiến trúc gỗ hai tầng mái lợp ngói ống, xung quanh là lan can con tiện gỗ. Bốn mặt gác trổ 4 cửa sổ hình tròn với các trấn song con tiện tượng trưng cho các tia của sao khuê đang tỏa sáng.

Hai bên gác Khuê văn có hai cửa nhỏ là: Bí văn – văn chương trau chuốt, sáng sủa và Súc văn – văn chương hàm ý, súc tích. Đây có thể coi là hai tiêu chí cơ bản của văn chương để người nho sinh phấn đấu, rèn luyện..

– Hai dãy nhà bia tiến sĩ: Khu tiếp theo của cụm di tích là khu nhà bia Tiến sĩ. Chính giữa khu là giếng Thiên Quang (Thiên Quang tỉnh-nghĩa là giếng ánh sáng trời). Theo quan niệm của người xưa, giếng hình vuông tượng trưng cho mặt đất, các cửa sổ của gác khuê văn hình tròn tượng trưng cho bầu trời, ý nói nơi đây tập trung mọi tinh hoa của trời đất, đề cao trung tâm giáo dục nho học Việt Nam.

Đối diện hai bên của Thiên Quang tỉnh là 82 bia Tiến Sỹ. Đây là bia lưu danh họ tên quê quán của hơn 1.300 vị Tiến Sỹ của 82 khoa thi ( 81 khoa triều Lê, 1 khoa triều Mạc) từ năm 1442 đến năm 1779 (bia được dựng từ năm 1484 đến năm 1780). Hệ thống bia Tiến sĩ này là những pho sử liệu bằng đá vô cùng  độc đáo và quý hiếm, cung cấp những tư liệu quý giá về lịch sử khoa cử Việt Nam và chứa đựng nhiều giá trị văn hóa khác. Hai dãy nhà bia mới được dựng lại năm 1994, gồm 8 nhà che bia, sắp xếp bia tiến sĩ mỗi bên bốn dãy, mỗi nhà đặt 10 bia. Hai tấm bia ghi nội dung khoa thi năm 1442 và 1448 được đặt vào giữa hai toà Bi đình. 

Về cơ bản, chủ trương dựng bia tiến sĩ được thực hiện sau mỗi kỳ thi, nhưng không mấy khi được dựng ngay mà làm tập trung vào từng đợt. 82 bia Tiến sĩ được dựng vào 3 đợt lớn:    

+ Đợt 1: Năm 1484 (niên hiệu Hồng Đức 15) dựng 10 bia các khoa thi từ 1442 đến năm 1484. Bia thời kì này có kích thước nhỏ, trán bia khắc hình hoa lá mây, trăng, rùa có đầu ngẩng cao, dáng mỏ chim, khối tròn chải chuốt.

 + Đợt 2: năm 1653 (niên hiệu Thịnh Đức 1) dựng 25 bia cho các khoa từ năm 1554 đến năm 1652. Bia thời kỳ này nghệ thuật trang trí phong phú hơn, trán bia xuất hiện hình rồng chầu mặt nguyệt, rùa có hình dáng cổ rụt, đầu hơi chúc, mặt bẹt, sống mũi uốn cao.

 + Đợt 3: năm 1717 (niên hiệu Vĩnh Thịnh 13) dựng 21 bia, từ khoa 1656 đến 1712. Bia thời kì này điêu khắc đề tài sinh động, hiện thực gần với đời sống hơn, rùa đá có cổ ngắn, có chân, mai cong vồng lên, có gò sống lưng, có chạm hình 6 cạnh.

Còn lại 26 bia được dựng ngay sau các khoa thi.

– Cửa Đại Thành (Đại Thành môn): Gian chính giữa phía trên treo bức hoành phi đề ba chữ “Đại Thành Môn

Đại Thành được lấy từ câu nói của Mạnh Tử khi đánh giá về Khổng Tử. Ông nói: “Khổng tử là Tập Đại thành”, nghĩa là: Khổng Tử là người thành đạt đã tập hợp được tất cả học vấn, đức tốt của các bậc tiên thánh, tiên hiền.

Hai bên cổng Đại thành có 2 cổng nhỏ là Kim Thanh và Ngọc Chấn. Kim Thanh là tiếng vang của vàng còn Ngọc Chấn là tiếng vang của ngọc.

Đại bái: Qua cổng Đại Thành là đến khu sân nhà Đại Bái. Xưa kia, trước ngày thi các học trò và giám sinh thường tề tựu về đây một lòng thành kính thắp hương lên các vị tiên thánh, tiên hiền cầu nguyện sức khỏe và mong gặp may mắn trong các kỳ thi. 

– Điện Đại thành: Điện nằm song song với toà Đại bái, được nối bằng một phương đình. Điện Đại Thành cũng gồm 9 gian, xây tường 3 mặt, phía trước có cửa bức bàn đóng kín 5 gian, 4 gian đầu hồi có cửa chắn song cố định. Gian chính giữa là tượng đức Khổng Tử mặt nhìn về hướng nam.

Cũng trong điện đại thành này, ở hai bên đầu hồi còn thờ  10 bài vị bằng đá hay còn gọi là Thập Triết (Mười học trò giỏi nhất của khổng Tử).

1.2. Quốc Tử Giám: Nằm sau khu Văn Miếu là khu Quốc Tử Giám. Toàn bộ khu vực này trải rộng trên diện tích 1530m2, gồm nhà Tiền đường, Hậu đường, Tả vu, Hữu vu, nhà chuông, nhà trống hai bên. Đây là nơi xưa kia dựng trường Quốc Tử Giám, trường đại học cao cấp đầu tiên của Việt Nam, nơi đào tạo hàng ngàn nhân tài cho đất nước. Đến khi nhà Nguyễn lên ngôi, triều đình cho xây dựng Quốc Tử Giám ở Huế thì khu này trở thành học đường của phủ Hoài Đức, sau này Triều Nguyễn cho xây đền Khải Thánh để thờ cha mẹ của Khổng Tử. Đến năm 1946 khu vực này bị đốt phá hoàn toàn, chỉ còn lại con đường lát gạch chính giữa từ cổng Thái học dẫn đến nền điện Khải Thánh.

Toàn bộ khu Thái Học ngày nay được xây dựng lại năm 1999, là công trình chào mừng kỷ niệm 990 năm Thăng Long Hà Nội. Nhà Tiền Đường phía trước gồm 9 gian với 40 cột gỗ lim chống mái, hai đầu hồi xây gạch Bát Tràng. Hiện nay nhà Tiền Đường là nơi tổ chức các buổi lễ tuyên dương khen thưởng học sinh giỏi, giáo viên giỏi, các hội thảo khoa học, các buổi lễ quan trọng của Thành phố, của Nhà nước như: Khen thưởng các Thủ khoa tốt nghiệp Đại Học xuất sắc trên địa bàn thành phố, Lễ phong hàm Giáo sư, Phó Giáo sư và nhiều buổi lễ quan trọng khác…

Nhà Hậu đường với gian chính giữa tòa đặt tượng Quan Tư Nghiệp Quốc Tử Giám là thầy giáo Chu Văn An.

  1. Những khám phá bất ngờ về lịch sử của Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Nhiều câu chuyện thú vị về lịch sử thăng trầm của Văn Miếu – Quốc Tử Giám thời gian người Pháp đặt nền cai trị ở nước ta đã từng được kể rất hấp dẫn tại triển lãm Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản của Hà Nội giai đoạn 1898 – 1954.

Triển lãm do Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám phối hợp với Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO)

Nhìn vào Văn Miếu như một viên ngọc về kiến trúc và văn hóa hiện nay, một di tích không thể bỏ qua của khách viếng thăm Hà Nội, ít ai ngờ chỉ tính trong thời gian từ 1898 – 1954, nơi đây từng có vài lần hoang phế và thậm chí rất có thể nó đã bị phá hủy hoàn toàn giống như những thành lũy, cửa ô, chùa Báo Thiên… ở Hà Nội, nếu không có sự can dự kịp thời của EFEO để xếp hạng di tích cho nơi này.

Thời kỳ đầu người Pháp đặt ách đô hộ ở Việt Nam, họ đã chưa kịp nhận ra giá trị của nhiều di sản quý, trong đó có Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Nhiều di sản của người Việt như thành quách, chùa chiền… đã bị phá hủy để dành chỗ cho những công trình mới của người Pháp.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám khi ấy chỉ được người Pháp gọi là “chùa Quạ” vì mức độ hoang phế.

Nó sở dĩ chưa bị phá hủy như chùa Báo Ân vì ở vị trí khá xa hồ Hoàn Kiếm và khu vực quy hoạch của người Pháp. Chưa bị phá nhưng nơi đây không được chính quyền thực dân Pháp coi là một di sản cần bảo tồn, giữ gìn.

Những năm cuối thế kỷ 19 di tích này đã bị bỏ hoang, có thời kỳ lại được quân đội Pháp sử dụng làm trường dạy kèn, hoặc thậm chí dùng làm nơi cách ly bệnh nhân.

Đọc thêm: Long Mã – linh thú đặc biệt trong văn hóa và nghệ thuật ở xứ Huế

Năm 1902, EFEO đến Hà Nội và lập tức nhận ra giá trị di sản văn hóa lịch sử của Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Nơi đây mới lấy lại được chức năng là nơi thờ tự ban đầu, giá trị di sản được công nhận, người Pháp không còn xâm phạm không gian di tích.

Những nhà nghiên cứu ở đây đã nỗ lực để đưa Văn Miếu – Quốc Tử Giám trở thành một trong bảy di tích đầu tiên tại Hà Nội được xếp hạng, cùng với Ô Quan Chưởng, chùa Trấn Vũ, đền Ngọc Sơn, đền Hai Bà Trưng, đền Bạch Mã, chùa Một Cột.

Từ đó cho tới khi rời đi vào năm 1957, EFEO luôn đồng hành cùng hành trình nhiều thăng trầm của Văn Miếu – Quốc Tử Giám: bị xuống cấp trầm trọng (giai đoạn 1917 – 1920), bị phá hủy một phần (cuối năm 1946) và xen kẽ nhiều lần trùng tu để trở nên uy nghi hơn.

Ba người Việt đã có công lao trong việc bảo tồn Văn Miếu – Quốc Tử Giám là ông Trần Hàm Tấn, ông Trần Văn Giáp và đặc biệt là tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu – một người có công lao rất lớn trong việc trùng tu Văn Miếu – Ông là tổng đốc Hà Đông từ năm 1907 đến 1938 (khi ấy Văn Miếu thuộc tổng Hà Đông chứ không phải Hà Nội).

Theo tư liệu của EFEO, tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu có nhiều đóng góp cho công việc trùng tu sửa Văn Miếu giai đoạn 1917 – 1920. Ông cũng là người ủng hộ việc sử dụng các kỹ thuật của nghề thủ công truyền thống để tu bổ di tích.

Không chỉ góp phần trùng tu Văn Miếu, ông còn hợp tác với EFEO trong việc phục hồi các di tích lớn như chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh, chùa Trầm ở Chương Mỹ hay chùa Bảo Đài (chùa Tuyết Sơn ở huyện Mỹ Đức).

Ông Trần Hàm Tấn – nhà sư phạm, nhà văn, chuyên gia về đông y, gia nhập EFEO năm 1920 với vị trí học giả, đóng góp với bài nghiên cứu uyên bác về Văn Miếu Hà Nội trong đó giới thiệu kỹ nội dung các tấm bia tiến sĩ.

Trần Văn Giáp sau khi tốt nghiệp một số trường đại học ở Pháp đã trở về Việt Nam và làm việc cho EFEO với vai trò học giả. Ông đã có một hội thảo với tựa đề Về các tấm Bia Văn Miếu ở Hà Nội.

  1. “Trải nghiệm đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám” – Chương trình góp phần bảo tồn văn hóa di sản.

Thông qua chương trình này, mọi người có thể trải nghiệm màn trình chiếu 3D Mapping (kỹ thuật dùng ánh sáng để tạo hiệu ứng 3D) theo chủ đề “Tinh hoa đạo học” vào 3 khung giờ 20h, 21h, 22h các ngày thứ 4, thứ 7 và Chủ nhật hằng tuần. Chi phí tham gia tour là 199.000 đồng/người.

Tour đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám là tour đêm thứ 4 của Hà Nội, sau tour đêm của di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long và Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Ngay khi bước qua cổng chính (Văn Miếu Môn), ban quản lý (BQL) chương trình đã bố trí trình chiếu ánh sáng cùng với âm nhạc nhẹ nhàng, trang trọng. Dọc trục đường chính từ cổng Văn Miếu đến cổng Đại Trung, bốn chữ “Tinh Hoa Đạo Học” được xếp thành hàng dọc, thể hiện thông điệp rằng trục đường chính dẫn vào Văn Miếu – Quốc Tử Giám chính là con đường dẫn đến tinh hoa đạo học của người Việt.

Hai bên trục đường chính trong khu Nhập đạo, hình ảnh bốn bức phù điêu “Tứ linh huấn tử” (Lão Long huấn tử, Kỳ Lân huấn tử, Lão Quy huấn tử và Phượng Hoàng huấn tử) gợi nên hình ảnh người cha đang dạy con dưới mái nhà yên ấm. Bên trái khu Nhập đạo là hình ảnh người mẹ hát ru con được trình diễn bằng công nghệ chiếu mapping ngay ở gốc cây đề cổ thụ.

Tại không gian của khu Thành đạt, BQL lắp đặt công nghệ Leap motion (điều khiển chuyển động 3D) để giới thiệu các cuốn sách tại khu di tích

Tại khu vườn bia Tiến Sĩ, BQL chương trình giới thiệu nội dung cơ bản trên mỗi tấm bia Tiến sĩ nhờ sự hỗ trợ của công nghệ trình chiếu mapping. Không gian tiếp theo trong hành trình Trải nghiệm đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám chính là khu Đại thành, hay còn gọi là khu Bái đường. Nơi đây được thiết kế thành không gian trưng bày Quốc Tử Giám – ngôi trường đầu tiên của nền quốc học Việt Nam. Tại sân Bái đường, nội dung được truyền tải thông qua kính công nghệ thực tế ảo

Điểm chạm cảm xúc cuối cùng của chương trình Trải nghiệm đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám, cũng là nội dung mang lại cảm giác thăng hoa nhất, chính là trình chiếu mapping 3D theo chủ đề “Tinh hoa đạo học”.

Toàn bộ mặt tiền của nhà Tiền đường trên sân Thái học biến thành một màn hình khổng lồ, đưa mọi người khám phá những giá trị tinh túy nhất trong đạo học của người Việt.

Có thể nói, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là quần thể văn hóa quan trọng bậc nhất của Thủ Đô và thật may mắn khi chúng ta vẫn được lưu giữ, bảo tồn và phát triển những tinh hoa văn hóa của Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung. 

Xem thêm các video hay của Xin Chào Việt Nam tại đây.

Comments are closed.