Demo Example
Demo Example
Demo Example
Chuyện Việt Nam

Bối cảnh lịch sử ngày 2-9 và luận điểm về sự “chớp thời cơ”.

Với Xin Chào Việt Nam nói riêng và những người Việt Nam nói chung, cứ mỗi lần kỷ niệm Ngày Độc lập 2 tháng 9, không nhiều thì ít đều nghĩ đến thời cơ và chớp thời cơ, không chỉ chớp thời cơ để làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 mà còn tận dụng thời cơ để giành thắng lợi trong những cuộc chiến tranh giữ nước, để thành công trong xây dựng hòa bình.

Bài viết này chúng tôi xin phép được bày tỏ quan điểm cũng như những hiểu biết của mình về lịch sử để phân tích hoàn cảnh, diễn tiến dẫn đến Cách Mạng Tháng Tám và Ngày Độc Lập của dân tộc.

Trước đây, khi tìm hiểu về lịch sử Cách Mạng, người viết bài này có đọc được những “luận điệu” cho rằng: Cách Mạng Tháng 8 năm 1945 thành công là sự “ăn may”,… Chúng tôi không nghĩ vậy. Sự thành công của Cách Mạng tháng Tám là sự chớp thời cơ của Đảng.

Nên nhớ, để có cuộc tổng khởi nghĩa trong vòng hai tuần, từ ngày 14 đến 28/8/1945, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí của Người phải mất 20 năm vô cùng gian nan, nguy hiểm chuẩn bị, từ đầu năm 1925, khi thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nhằm xây dựng lực lượng cách mạng và là bước khởi đầu để Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời tháng 2/1930.

Đọc thêm: Những đội quân kỳ lạ nhất của lịch sử Việt Nam

Tháng 5/1941, Đảng chủ trương thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh nhằm tập hợp và đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân chống ngoại xâm, giành lại độc lập. Từ tháng 2/1941, Đảng đã xây dựng căn cứ địa cách mạng ở Cao Bằng, đến đầu năm 1943 mở rộng ra Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, lần lượt thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tháng 12/1944), Việt Nam Giải phóng quân (tháng 5/1945).

Đêm 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Ngay trong tối ấy, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị Ban Thường vụ mở rộng ở làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh). Hội nghị nhận định, cuộc đảo chính sẽ tạo ra sự khủng hoảng chính trị sâu sắc, làm cho những điều kiện khởi nghĩa của Đông Dương đi tới chín muồi.

Từ ngày 16/4 đến ngày 9/5/1945, Hồng quân Liên Xô mở chiến dịch Berlin, đánh tan quân Đức, chấm dứt chiến tranh thế giới thứ hai trên chiến trường châu Âu. Giữa trưa ngày 13/8/1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng minh, lập tức, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc và lệnh khởi nghĩa được ban ra kịp thời: “Giờ tổng khởi nghĩa đã đến! Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập cho nước nhà”!

Như vậy, thời cơ của cuộc Cách mạng Tháng Tám chỉ tồn tại khách quan trong vòng 20 ngày, bắt đầu từ khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng (ngày 13/8) và kết thúc khi quân Đồng minh vào tước khí giới quân Nhật trên đất nước ta theo Hiệp định Potsdam (ngày 5/9). Vì thế, nếu phát động tổng khởi nghĩa trên toàn quốc trước ngày 13/8 và sau ngày 5/9 đều không có khả năng thành công, lý do như sau:

  • Nếu phát động trước ngày 13/8, quân Nhật còn mạnh, vẫn còn có sức đáp trả lại Đồng Minh.
  • Nếu phát động sau ngày 5/9 vẫn có nhiều thế lực thù địch (từ vĩ tuyến 16 trở ra là quân Tưởng – Mỹ, từ vĩ tuyến 16 trở vào là quân Anh, núp bóng quân Anh là quân Pháp trở lại xâm lược), sẽ mất đi thế chủ động và sẽ gặp nhiều khó khăn khác. 

Vì vậy, chỉ có thể giành chính quyền thắng lợi khi chớp thời cơ trong ngưỡng thời gian khắc nghiệt ấy.

Nghe theo tiếng gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ ngày 14 đến 28/8/1945, đồng bào đã nhất tề đứng lên tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong cả nước. Năm hôm sau, ngày 2/9, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Xem các video hay của Xin Chào Việt Nam tại đây.

Comments are closed.