Demo Example
Demo Example
Demo Example
Chuyện Việt Nam

Con Nghê – Linh vật biểu trưng cho văn hóa Việt Nam

Trong văn hóa truyền thống Việt Nam, bên cạnh con rồng đã được rất nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu, còn có một linh vật khá gần gũi với chúng ta, tuy nhiên những hiểu biết về nó vẫn còn rất mơ hồ. Đó là con Nghê.

Khác với con rồng mang tính cung đình, con Nghê là linh vật dân gian, được sử dụng một cách phổ biến cả trong văn hóa dân gian và trong văn hóa cung đình.

Con Nghê không phải là một con vật có thực như rùa hay hổ, cũng không phải là những linh vật “ngoại nhập” như Tỳ hưu hay sư tử. Thậm chí, con Nghê còn “bị” đánh đồng với Lân, Lân mã, Long mã và Li. Lân, Lân mã/ Long mã/ Li/ Nghê cũng là những linh vật khá phổ biến trong văn hóa Việt Nam nhưng lại khó nhận dạng vì sự hình thành của chúng trong văn hóa Việt Nam khá phức tạp và thường bị lẫn lộn giữa loại này với loại khác. Chính sự phức tạp đó đã dẫn đến những cách gọi tên “hỗn độn” cho nhóm linh vật này. Dưới đây chúng ta cùng tìm hiểu những mối tương đồng và dị biệt giữa những linh vật trong nhóm này với con Nghê trong văn hóa Việt Nam.

1.Nguồn gốc và tên gọi.

Chúng ta sẽ tạm thời bỏ qua truy vấn nguồn gốc của con Lân trong văn hóa Trung Hoa, XCVN xin tóm lược lại: Lân/Lân mã/ Long mã/ Li là những tên gọi khác nhau của một linh vật có nguồn gốc Trung Hoa (Kỳ lân) được du nhập vào Việt Nam trong quá khứ và được trang trí trên các thành tố kiến trúc và nghệ thuật của người Việt. Trong khi đó, Nghê là linh vật tuy mang nhiều đặc tính bản địa của người Việt nhưng lại là một linh vật “khó hiểu” nhất trong văn hóa Việt Nam mặc dù vai trò và vị trí của nó gần giống như con Lân trong văn hóa Trung Hoa.

Về mặt từ nguyên, Nghê là một tên gọi thuần Việt nhưng trong các từ điển sinh học chúng ta không hề thấy tên của một loài động vật nào có tên gọi là Nghê (trong khi rùa, phượng, hổ, sư tử, ngựa, voi,… là những sinh vật có thực). Như vậy, có thể khẳng định rằng: Nghê là một linh vật hư cấu đã được hình thành trong văn hóa truyền thống Việt Nam. 

Trong các hiện vật khảo cổ trước giai đoạn thuộc Hán (từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ IX) được tìm thấy tại Việt Nam, không có linh vật nào là con Nghê. Từ đây, chúng ta có thể suy đoán rằng: Con Nghê là một linh vật được hình thành trong văn hóa Việt Nam, mang đặc tính bản địa của người Việt nhưng có một số đặc điểm chịu ảnh hưởng của văn hóa “ngoại nhập”, đặc biệt là văn hóa Hán. Rất có thể, biểu tượng Nghê có liên quan đến Lân/Lân mã/ Long mã/ Li được hình thành trong văn hóa Việt Nam từ giai đoạn thuộc Hán. 

Khi nhà Lý xây dựng nền độc lập của quốc gia Đại Việt thì biểu tượng Nghê đã được định hình ở các công trình kiến trúc nghệ thuật như Hoàng Thành Thăng Long, chùa Phật Tích, chùa Dâu.. Biểu tượng Nghê chỉ là một thành tố trong vô số thành tố văn hóa mà người Việt đã học hỏi, thêm bớt từ văn hóa Hán để biến thành sản phẩm văn hóa của riêng họ.

Có tài liệu đưa ra một cách lý giải về tên gọi này như sau: Xét trong số các “con của rồng” theo truyền thuyết “long sinh cửu tử” của Trung Hoa đã du nhập vào văn hóa Việt Nam có Toan nghê là linh vật có nhiều đặc tính giống con Nghê nhất như thân thú, có bờm,… Rất có thể Toan nghê từ văn hóa Trung Hoa thông qua một tên gọi Hán-Việt có chữ “nghê” đã được Việt hóa thành con Nghê của người Việt. “Bản thân chữ Nghê trong tiếng Hán gồm bộ Cẩu (chó) và chữ Nhi (trẻ con) hợp thành”

Đọc thêm: Long Mã – linh thú đặc biệt trong văn hóa và nghệ thuật ở xứ Huế

2. Nghệ thuật tạo hình

Xét về mặt tạo hình, Nghê là con vật có bốn chân, “có kỳ mà không có sừng, mình thon nhỏ, dáng thanh, trông rõ ràng dáng chó chứ không tròn mập như dáng sư tử” . Do đây là một linh vật hư cấu nên nó không có hình dáng cố định như hổ hay sư tử mà luôn có sự biến đổi “thiên biến vạn hóa.” 

Trong các tư liệu lịch sử của Việt Nam chúng tôi chưa tìm thấy bất cứ một quy định nào của triều đình về thể thức tạo hình của con Nghê (giống như những quy định về thể thức tạo hình của triều đình Trung Hoa đối với các linh vật có tính cung đình). Vì vậy, chúng ta có thể đặt giả thuyết con Nghê là một linh vật được hình thành trên nền tảng văn hóa dân gian Việt Nam với các đặc trưng văn hóa bản địa, có sự kết hợp với các biểu tượng được du nhập từ Trung Hoa và Ấn Độ. Tuy nhiên, do được hình thành trong văn hóa Việt Nam nên biểu tượng con Nghê mang đặc trưng văn hóa của người Việt. Chính yếu tố này đã kiến tạo nên một biểu tượng văn hóa mới của người Việt khác Hoa và khác Ấn.

Nếu Nghê là một linh vật hư cấu được sản sinh trong nền văn hóa của người Việt, không phải là một con vật có trong tự nhiên mà cũng không phải là một “linh vật hoàn toàn nhập ngoại” vậy Nghê là linh vật được kết hợp bởi những đặc điểm của những con vật nào? Theo chúng tôi, trong văn hóa dân gian Việt Nam có một loài vật đã được thiêng hóa từ lâu đời là con chó và chó cũng được tạc thành tượng đặt ở cửa, cổng của nhiều công trình kiến trúc gọi là chó đá. Thậm chí ở một số nơi còn lập ban thờ, miếu thờ dành cho chó. 

Biểu tượng con chó trong nghệ thuật dân gian của người Việt vốn giản dị và có phần “thấp kém” hơn về địa vị nếu so sánh với các linh vật khác như Kỳ lân, rồng,… Khi văn hóa Khổng – Nho từ Trung Hoa ảnh hưởng đến văn hóa Việt Nam thì con vật canh cửa giản dị đó cần được “nâng cấp” cho tương xứng với những vai trò và vị trí mới. 

Có tài liệu đưa ra giả thuyết rằng: Rất có thể các nghệ nhân dân gian xưa đã thêm vào nhiều đặc tính “mới” từ Lân/Lân mã/ Long mã/ Li để “sang hóa” những linh vật canh cửa của mình. Khi con Nghê đã được định hình trong văn hóa Việt Nam, nó được lấy thêm nhiều đặc điểm của các linh vật khác như hổ, sư tử, rồng, lân,… thậm chí là khỉ, tương ứng với những dáng, thế khác nhau tùy thuộc vào vai trò và vị trí của mỗi biểu tượng. 

Tuy nhiên, đặc tính của con vật “canh cửa” vẫn là một đặc điểm nổi trội nhất của con Nghê. Có lẽ vì vậy mà từ “chầu” trong thành ngữ “phượng múa Nghê chầu” đã trở thành một đặc tính quan trọng để nhận dạng con Nghê trong văn hóa Việt Nam. Đây cũng là cách thức để chúng ta có thể phân biệt con Nghê trong nghệ thuật tạo hình dân gian của người Việt với các linh vật “ngoại nhập” như sư tử từ văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ đã và đang hiện hữu trong văn hóa Việt Nam.Nói tóm lại, cho dù biểu tượng con Nghê được hình thành từ những loài vật nào thì chúng ta vẫn có thể khẳng định rằng đặc tính dân gian của con Nghê đã biến nó thành một đối tượng thể hiện có tính hư cấu cao trong nghệ thuật tạo hình của người Việt.

Do sự kết hợp đặc tính của con vật hư cấu cộng thêm tính dân gian của biểu tượng Nghê khiến cho các nghệ nhân dân gian có thể phát huy được tối đa khả năng sáng tạo/hư cấu của mình. Sức sáng tạo đó đã góp phần đưa biểu tượng con Nghê trong văn hóa Việt Nam lên tầm của một linh vật biểu tượng đặc sắc, mang tâm hồn Việt Nam, bản sắc Việt Nam. Đây chính là một trong những thành tố văn hóa tiêu biểu nhất của nền văn hóa Việt Nam được sáng tạo bởi các nghệ nhân dân gian trong lịch sử văn hóa Việt Nam.

Vốn là con vật hư cấu lại chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa dân gian nên về mặt tạo hình và ý nghĩa của hình tượng con nghê được thể hiện rất phong phú, đa dạng. Ngoài việc nhận biết theo hình dáng, hoa văn, tùy theo vị trí đặt, theo chức năng sử dụng, theo giai đoạn lịch sử, theo khu vực địa lý mà có sự nhìn nhận, phân loại khác nhau về hình tượng độc đáo này. Ví như, với mỗi vị trí xuất hiện, con nghê lại mang một ý nghĩa riêng.

Con nghê của người Việt không có biểu hiện hung dữ, ghê gớm, hăm dọa, mà gần gũi, thể hiện tâm thức người Việt, phù hợp cảnh quan, nhân tình thế thái của người Việt. Như vậy, hình tượng nghê trong văn hóa Việt mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, từ sự bình dị, gần gũi, đến sự chính trực, ngay thẳng, dũng mãnh, quyền uy, linh thiêng và lòng trung thành. Đây là những nét đặc trưng, độc đáo, sức hấp dẫn mà hiếm linh vật nào có được.

Sự hình thành biểu tượng con Nghê trong văn hóa Việt Nam là một sáng tạo tuyệt vời của cha ông ta trong việc tiếp thu và biến đổi các yếu tố văn hóa du nhập trên cơ tầng văn hóa bản địa để hình thành nên những thành tố văn hóa của riêng mình. Hơn thế, biểu tượng Nghê không hình thành từ những huyền thoại mà ra đời và phát triển thông qua quá trình lao động, chế tác của các nghệ nhân. Chính vì lý do đó mà biểu tượng Nghê lại trở nên gần gũi mà sống động với vô vàn hình dáng khác nhau, vô vàn kiểu thức khác nhau khiến cho ngôn ngữ tạo hình của linh vật này trở nên hết sức phong phú và đa dạng.

Tài liệu tham khảo

TS Đinh Hồng Hải (2012), Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam – tập 1, Nxb. Tri Thức

TS Đinh Hồng Hải (2014), “Tính biểu tượng trong nghệ thuật”, Tạp chí Mỹ thuật ứng dụng số 1, tháng 6

Trần Hậu Yên Thế (2011), “Nhận thức tính phổ quát liên văn hóa trong mỹ thuật cổ truyền qua ví dụ hình tượng con nghê ở đề miếu,” Nghiên cứu mỹ thuật số 4 (40), tháng 12

Trần Hậu Yên Thế (2014), “Vị thế của hình tượng sư tử trong Mỹ thuật Đại Việt.” Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh số tháng 5

TS Đinh Hồng Hải-TCKT.VN – đề tài mã số VIII1.3-2012.01

Xem thêm các video hay của Xin Chào Việt Nam tại đây.

Comments are closed.