Là một người dân Việt Nam, chúng ta không thể không biết đến vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta đó chính là chủ tịch Hồ Chí Minh và nơi viếng Lăng Bác hiện nay. Và trong số đó, lễ Thượng cờ là một nghi lễ hết sức trang nghiệm. Đây là một trong những nghi thức cấp quốc gia được thực hiện hàng ngày tại khu vực thăm viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lịch sử ra đời, ý nghĩa và các thông tin quan trọng trong Lễ Thượng cờ.
Lễ Thượng cờ là một nghi lễ cấp quốc gia của Việt Nam, được lên ý tưởng thực hiện vào năm 2001 bởi Bộ Tư Lệnh bảo vệ Lăng Hồ Chí Minh và được Chính phủ phê duyệt. Đây cũng là dịp kỷ niệm 111 năm ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lễ Thượng cờ tại Lăng Bác được tổ chức hàng ngày trong bầu không khí thiêng liêng, trang nghiêm và được xem như một nét đẹp văn hóa của Thủ đô Hà Nội nói riêng mà còn của cả đất nước Việt Nam nói chung. Tương tự thì cũng sẽ có nghi lễ Hạ cờ cũng sẽ được đội tiêu binh thực hiện vào lúc 21:00 tối hàng ngày, lễ Hạ cờ sẽ được thực hiện với nghi thức tương tự như lễ Thượng cờ.
Lễ Thượng cờ và Hạ cờ do đội Tiêu binh danh dự (TBDD) thực hiện hàng ngày ở Lăng Bác.
Đội hình thực hiện lễ Thượng cờ và Hạ cờ gồm 37 đồng chí. Khối trưởng và vác Quân kỳ là sỹ quan. Còn lại, 3 đồng chí trong Tổ Quốc kỳ, 2 đồng chí bảo vệ Quân kỳ và 30 đồng chí thành 10 hàng ngang trong khối nghi lễ đều do chiến sỹ đảm nhiệm.
Cứ vào đúng 6 giờ sáng (mùa Hè) và 6h30 sáng (mùa Đông), đoàn thực hiện nghi lễ Thượng cờ khởi hành từ phía sau Lăng Bác. Dẫn đầu đoàn thượng cờ là quân kỳ Quyết thắng. Kế đến là đội tiêu binh với 34 người, tượng trưng cho 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Đoàn đi một vòng ra phía trước theo tiếng nhạc của ca khúc ‘Tiến bước dưới quân kỳ’ để đến chân cột cờ.
3 chiến sĩ đội hồng kỳ tiến lên phía cột cờ chuẩn bị các nghi thức Thượng cờ, cũng là lúc cửa của Lăng Bác bắt đầu mở. Sau khi có hiệu lệnh, lá cờ được tung ra và bay lên theo tiếng Quốc ca. Lá cờ Tổ quốc được kéo lên trên đỉnh của cột cờ cao 29 mét phía trước Lăng Bác.
Cùng lúc này nghi lễ chào cờ sẽ được bắt đầu. Sau lễ Thượng cờ, đội tiêu binh diễu hành một vòng trước cửa Lăng Bác rồi trở về vị trí cũ và kết thúc nghi lễ Thượng cờ.
Tương tự, nghi lễ Hạ cờ cũng sẽ được đội tiêu binh thực hiện vào lúc 21 giờ tối hàng ngày, lễ Hạ cờ được thực hiện với nghi thức tương tự như lễ Thượng cờ.
Một số lưu ý khi tham gia lễ Thượng cờ:
– Về trang phục xem lễ Thượng cờ Lăng Bác thì người xem cần lựa chọn những bộ trang phục kín đáo, lịch sự, không hở hang.
– Đặc biệt, khi lễ Thượng cờ bắt đầu diễn ra, bạn sẽ được các chiến sĩ quản lý ở vòng ngoài phổ biến những quy định, nhắc nhở đứng nghiêm trang, tạm dừng mọi hoạt động ồn ào, giữ trật tự, không đùa giỡn trong suốt thời gian buổi lễ diễn ra nhằm đảm bảo sự trang trọng của nghi thức.
Quy định và quy trình để lựa chọn các chiến sĩ trong đội Tiêu Binh danh dự
Đội Tiêu binh danh dự (TBDD) thuộc Đoàn 275 – lực lượng trực tiếp thực hiện gác tiêu binh danh dự cửa Lăng 24/24, túc trực bên thi hài Bác, tiêu binh tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ khi có lễ viếng cấp nhà nước, lễ viếng của nguyên thủ các quốc gia…
2.1 Quá trình khổ luyện
Trong Đoàn 275 có 4 lực lượng chính bao gồm: Đội Tiêu Binh Danh Dự, Đội Cảnh Vệ đặc biệt, Đội Gác vũ trang và Đội Trinh sát đặc nhiệm.
Trở thành chiến sĩ của Đoàn 275 đã khó, nhưng để được chọn vào Đội TBDD còn khó hơn nhiều. Bởi sau thời gian huấn luyện chiến sĩ mới tại Trung tâm Huấn luyện của Đoàn 285 cũng thuộc Bộ Tư Lệnh Bảo vệ Lăng đóng quân ở K9 – Đá Chông trong thời gian ba tháng, chỉ có 30% chiến sĩ đủ tiêu chuẩn. Những người ưu tú nhất tiếp tục được huấn luyện nâng cao nghiệp vụ trong vòng 2-3 tháng. Đây là lúc mà các chiến sĩ đi vào khổ luyện, với những bài tập đội ngũ cả ngày và đêm, có ngày lên đến 10 giờ. Phải có các công cụ hỗ trợ phù hợp để có được dáng đi nghiêm trang, hoặc đứng nghiêm hàng tiếng đồng hồ dưới mọi thời tiết…
Kết thúc kỳ huấn luyện, các chiến sĩ tiếp tục được chọn lựa kỹ hơn nữa về quân dung và thể hình. Những người có chiều cao, ngoại hình, dáng đi, thậm chí là cỡ giày cũng phải giống nhau sẽ được xếp theo từng đôi, sao cho thật cân đối. Lúc này, BTL Bảo vệ Lăng và chỉ huy Đoàn 275 mới tiếp tục kiểm tra từng chiến sĩ, từng tổ để lựa chọn, đưa về hợp luyện tại Đoàn 275, sẵn sàng làm nhiệm vụ.
Hàng ngày, mỗi chiến sĩ trong Đội TBDD phải dậy từ sớm để chuẩn bị cho lễ chào cờ. Trước 5 giờ 40, mọi công đoạn phải hoàn tất. Các chiến sĩ mặc quân trang nghiệp vụ chỉnh tề, mang súng CKC, sẵn sàng tiến ra lễ đài. Cũng với đội hình này, vào đúng 21 giờ sẽ tiến hành nghi lễ hạ cờ. Lá Quốc kỳ khi được hạ xuống phải được gấp theo đúng nếp đặt trong khay ngay ngắn, phẳng phiu. Trừ khi trời mưa quá to thì nghi lễ chào cờ được tiến hành rút gọn với 4 đồng chí (khối trưởng và tổ Quốc kỳ).
Ngoài ra, chiến sĩ trong đội cũng phải thường xuyên luyện tập, trau dồi kỹ năng nghiệp vụ. Trong đó điều lệnh đội ngũ cần tuyệt đối chuẩn xác như bước 60 bước/phút, mỗi động tác đánh tay, giơ chân đều nhịp nhàng, có điểm dừng hợp lý, bàn chân cách mặt đất 30cm… Để hoàn thành những yêu cầu khắt khe này, họ phải trải qua quá trình khổ luyện bằng cả ý chí, quyết tâm rất lớn.
Chỉ riêng về động tác đứng nghiêm cũng đủ thấy độ khó. Trong tiết trời nắng nóng, các chiến sĩ phải tập trung cao độ, dùng ý chí để vượt qua giới hạn và sức chịu đựng của bản thân. Chỉ cần giữ tư thế này vài phút là gân, cơ căng ra, dễ bị nghiêng ngả người. Để đứng được 1 giờ đồng hồ tại cửa Lăng, chiến sĩ tiêu binh khi luyện tập phải đứng được… 3 giờ đồng hồ. Dù mệt và mồ hôi đổ ra như tắm nhưng quân dung vẫn phải tươi tỉnh, mắt nhìn thẳng, không được nhìn xuống, tay chân không được động đậy để sau này khi làm nhiệm vụ đạt tiêu chuẩn đúng, đều, mạnh, đẹp, trang nghiêm.
Đọc thêm: Xi Vẫn trên mái đao – Biểu tượng chống hỏa tai của người Việt
2.2 Quy chuẩn chọn lựa “nghìn người chọn một”.
Để tìm ra những tân binh ưu tú nhất trong hàng chục nghìn thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự không phải là điều dễ dàng, bởi tiêu chí đặt ra cao hơn hẳn so với các lực lượng khác trong toàn quân.
Nổi bật là lý lịch chính trị gia đình, bản thân phải rõ ràng, trong sạch, có đạo đức, văn hóa, thể lực từ loại II trở lên. Bên cạnh đó là quân dung đẹp, ngoại hình cân đối, cao từ 1,75 mét trở lên và trong đó phải có ít nhất 50% tân binh cao từ 1,75 – 1,8m, đặc biệt không có hình xăm dù là nhỏ nhất. Với những yêu cầu cao như thế, tại mỗi tỉnh chúng tôi chỉ tuyển chọn được từ 10-20 thanh niên ưu tú nhất đưa về đơn vị huấn luyện.
Ngoài ra, với đặc thù của đơn vị chuyên trách về công tác bảo đảm an ninh nên tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ, chiến sĩ công tác tại Đội Trinh sát Đặc Nhiệm cũng rất cao. Bên cạnh các tiêu chí chung mang thương hiệu “lính 275”, trinh sát viên của đội còn là những chiến binh dũng mãnh với các bài tập võ thuật khắc nghiệt và thành thạo sử dụng nhiều loại vũ khí được trang bị. Mỗi trinh sát viên có thể nhanh chóng trấn áp cùng lúc nhiều đối tượng trong nhiều tình huống khác nhau.
Mỗi lực lượng của Đoàn 275 tuy nhiệm vụ khác nhau nhưng đều có một điểm chung là tất cả đều hướng về Bác với lòng thành kính và biết ơn vô hạn. Trải qua quá trình huấn luyện, rèn luyện và thực hiện nhiệm vụ, hơn ai hết, mỗi người chúng tôi luôn hiểu rõ niềm vinh dự và tự hào khi được là người lính cận vệ bên Lăng Bác Hồ.
Tài liệu tham khảo: Báo Tiền Phong – “Cận vệ Lăng – những điều chưa kể” số ra ngày 02/09/2021
Xem thêm các video hay của Xin Chào Việt Nam tại đây
Comments are closed.