Demo Example
Demo Example
Demo Example
Chuyện Việt Nam

Xi Vẫn trên mái đao – Biểu tượng chống hỏa tai của người Việt

Khi đi qua các kiến trúc cổ như chùa, đình, … chúng ta sẽ nhìn thấy hình ảnh phần góc mái cong vút và trên đó sẽ có hình ảnh một con linh thú đó chính là Xi Vẫn. Vậy hôm nay hãy cùng Xin Chào Viêt Nam giải mã biểu tượng mà chúng ta vẫn thường hay nhìn thấy trên các kiến trúc tâm linh.

Đầu tiên chúng ta cần tìm hiểu: Mái đao là gì?

Trong kiến trúc nhà gỗ cổ truyền hình tượng mái đao thường được bắt gặp ở các khu thờ cúng tâm linh như: đình chùa, nhà thờ họ, nhà từ đường, miếu phủ…Phần mái sử dụng gỗ được lợp ngói với độ dốc nghiêng nghiêng, bốn mái tiếp giáp nhau, diễm mái cong ở phần cuối. “Đầu đao” là đòn tay với dạng hình chữ nhật, được đặt nghiêng trên vì kèo và hớt cong lên góc mái.

Nếu nhìn một cách nghệ thuật sẽ thấy hình dáng hớt cong của mái nhà giống như lưỡi “đao” tượng trưng cho vũ khí lợi hại được dùng trong các cuộc chiến tranh. Và phần lá mái chính là mái cong cong và mềm mại. Với hình khối vững chắc, vừa thanh thoát, vừa mạnh mẽ. Hình ảnh này đã nói lên khát vọng của người dân Việt muốn vươn lên và bay ra khám phá thế giới.

Vậy hình ảnh các con thú ở trên mái đao có ý nghĩa gì?

Theo nhiều nhà nghiên cứu, hình ảnh linh thú xuất hiện trên đầu đao mái chùa ở các công trình kiến trúc cổ tôn nghiêm như : Chùa Một Cột, nhà Bát Giác ở chùa Láng, đình làng Mông Phụ (Đường Lâm)… đó là Xi Vẫn.

Xi Vẫn là một từ Hán Việt có ý nghĩa như sau: “Xi” là đuôi con chim si (đuôi cá biển), “Vẫn” là long vẫn tức là miệng rồng hoặc đầu rồng. Xi Vẫn là hình ảnh kết hợp giữa đuôi con cá và miệng con rồng.

Xi Vẫn là một trong những con của rồng. Theo truyền thuyết kể lại, rồng sinh ra chín con nhưng không con nào trở thành rồng cả. Chín con rồng được gọi bằng những cái tên khác nhau là Bị Hí, Xi Vẫn, Bồ Lao, Bệ Ngạn, Thao Thiết, Công Phúc… Xi Vẫn là con thứ hai mang hình dáng đầu rồng đuôi cá và thường được đắp trên đầu đình, mái nhà, công trình kiến trúc cổ…

Nguồn gốc của Xi Vẫn là hình tượng của văn hóa Trung Quốc vay mượn từ văn hóa Ấn Độ từ hình ảnh loài thú huyền thoại makara (loài thú này mang biểu tượng của nước, có hình đầu thú như: đầu voi, đầu cá sấu.., phần sau là đuôi cá, cũng có khi là đuôi công trống. Makara là vật cưỡi của Ganga – chúa tể sông Hằng và Varuna – chúa tể biển cả).

Biểu tượng Xi Vẫn có những chuyển biến khác nhau ở từng thời kỳ. Thời Lý – Trần, Xi Vẫn được đặc tả ở râu, bờm, lưỡi và không có thân hay đuôi; miệng không há to dữ dằn như ở Trung Hoa mà luôn ngậm một viên hỏa châu.

Phong cách mỹ thuật duyên dáng, tinh tế ấy phần nào thể hiện tài hoa của con người Đại Việt vào thời kỳ đó. Xi Vẫn thời Lê chịu ảnh hưởng của phong cách nhà Minh.

Đến thời nhà Nguyễn, Xi Vẫn đã được “long hóa”, hoặc “thú hóa” để trở thành hình tượng con vật đầu rồng, có bốn chân với móng vuốt sắc nhọn, đôi khi có những vầng mây tỏa ra từ thân và đuôi.

Lý giải về ý nghĩa của hình ảnh Xi Vẫn, có một truyền thuyết mà trong sách Thái bình ngự lãm của Lí Phường đời Bắc Tống có ghi chép và kể lại rằng: “Vào đời Hán, sau khi điện Bách Lương bị hỏa hoạn, có người thầy mo đất Việt nói rằng: Ngoài biển có con Ngư cù (rồng cá), đuôi giống đuôi con si (cú), đập sóng mà làm mưa. Vua Hán Vũ Đế bèn tạc tượng con thú ấy để yểm hỏa tai.”

Ở các ngôi đình, đền, miếu… thường được dựng bằng gỗ nên hỏa hoạn rất dễ xảy ra, mà Xi Vẫn theo truyền thuyết lại là con vật có khả năng phun mưa. Vì thế, người xưa cho rằng đắp Xi Vẫn trên các công trình gỗ đó có ý nghĩa tránh hỏa tai. Bởi vậy, Xi Vẫn thường được đắp trên các công trình kiến trúc lớn, có ý nghĩa tôn giáo như đền, miếu, đình… “

Mỗi một hình tượng trong văn hóa Việt Nam đều mang những lớp ý nghĩa biểu tượng khác nhau, đó có thể là một sáng tạo bản địa hay là sản phẩm của sự giao thoa, tiếp xúc giữa các nền văn hóa. Và Xi Vẫn ở Việt Nam chính là biểu tượng của thần nước từ văn hóa Ấn Độ và thần trừ hỏa tai có nguồn gốc Trung Hoa.

Comments are closed.