Demo Example
Demo Example
Demo Example
Chuyện Việt Nam

Lưỡng long tranh châu – biểu tượng của sự hài hòa âm dương

Khi đi qua đình, chùa,…chúng ta thường thấy hình ảnh hai con rồng hướng về quả cầu lửa hay còn gọi là “Lưỡng long tranh châu”. Vậy biểu tượng này có ý nghĩa gì và tại sao biểu tượng này lại gây tranh cãi trong giới nghiên cứu? Hãy cùng Xin Chào Việt Nam giải mã biểu tượng này thông qua phần 3 của series: “Giải mã biểu tượng văn hóa”,

Trong quan niệm người Việt, Rồng luôn là linh vật thiêng liêng, biểu tượng cho quyền uy, sức mạnh. Hình ảnh “Lưỡng long tranh châu” trên các mái đình đền, chùa chiền, không chỉ biểu tượng cho sức mạnh thần thánh mà còn ẩn trong đó những giá trị nhân văn, phản chiếu trí tuệ, ước vọng của con người và nền văn minh cổ xưa. Trong tâm thức người dân Việt Nam, Rồng có vị trí đặc biệt về văn hoá, tín ngưỡng, đó là biểu tượng cho quyền uy tuyệt đối của các đấng Thiên Tử. 

Rồng cũng đứng đầu trong tứ linh “Long, Lân, Quy, Phượng”. Hình ảnh Rồng cũng xuất hiện thuở sơ khai với sự tích “con rồng, cháu tiên” và tập quán trồng lúa nước, trong đó Rồng đóng vai trò giúp gió mưa thuận hoà. Hình ảnh Rồng ngẩng cao đầu, miệng há rộng ngậm ngọc quý, mào rồng hình lửa cùng tai bờm và râu vút lên uy nghi hướng về phía mặt trời là biểu tượng cho sức mạnh thần thánh. 

Rồng tượng trưng cho sự phồn vinh và sức mạnh của dân tộc, trở thành hình tượng biểu hiện uy quyền của nhà nước phong kiến, chỉ dùng nơi trang trọng nhất của cung vua, hay những công trình lớn của quốc gia. Đã có thời triều đình phong kiến chạm khắc hình rồng trên nhà cửa hay đồ dùng gia đình. Nhưng sức sống của Rồng còn dẻo dai hơn khi nó vượt ra khỏi kinh thành, đến với làng quê dân dã. Nó leo lên đình làng, ẩn mình trên các bình gốm, cột đình, cuộn tròn trong lòng bát đĩa hay trở thành người gác cổng chùa. Rồng còn có mặt trong những bức tranh hiện đại phương Đông, biểu hiện một mối giao hoà giữa nền văn hoá xa xưa bằng những ý tưởng mới mẻ kỳ lạ.

Hình ảnh hai Rồng chầu vào vòng tròn chính giữa xuất hiện trên các nóc đình đền và chùa chiền một thời gây tranh cãi gay gắt trong giới khoa học. Nhiều người dùng thuật ngữ “Lưỡng long chầu nguyệt” để chỉ đôi rồng chầu về mặt trăng. Rất nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đó là một sai lầm, vì vòng tròn ở giữa không phải mặt trăng, trăng không thể có ánh lửa bùng cháy. 

Các nhà nghiên cứu giải thích, Rồng là biểu tượng của sức mạnh vũ trụ mà cụ thể là hai lực tương tác Âm – Dương. Khi thể hiện hai con Rồng thì không con nào ngậm châu cả. Vì sao? Vì hình tượng hai con rồng là biểu tượng lực Âm – Dương cân bằng, hạt châu lại là biểu tượng của thái cực, là biểu tượng của vũ trụ. Nếu hai con Rồng đều ngậm châu thì đó là hình ảnh sai lầm do người làm ra thiếu hiểu biết hoặc rập khuôn theo mô-típ chung. Bởi không thể có hai vũ trụ, chỉ khi thể hiện một con rồng – tức là một âm (hoặc một dương) thì mới ngậm châu. Đây chính là biểu tượng của một trong hai thế lực âm (hoặc dương) đang chi phối vũ trụ (âm thịnh thì dương suy hoặc ngược lại). 

Như vậy, thì đôi rồng hướng về “quả cầu lửa” không phải là “Lưỡng long chầu nguyệt”. Có thể gọi đó là “Lưỡng long tranh châu” thì chính xác hơn.

Lưỡng long tranh châu hay song long tranh châu là hình ảnh mô tả cuộc tranh giành viên Thanh Châu của 2 con Rồng (lưỡng long). Trong đó, viên Thanh Châu rực sáng ở giữa được ví như trung tâm của trời đất; còn 2 con Rồng là biểu thị cho sức mạnh cân bằng giữa 2 thái cực Âm – Dương. Hạt châu lại là biểu tượng của vũ trụ; nhiều nơi còn cho rằng ý nghĩa của hạt châu cũng như hình ảnh âm dương thái cực. Tượng trưng có cách vận hành, quy luật của vũ trụ. Chỉ sức mạnh âm dương chi phối vũ trụ một cách cân bằng; trong âm có dương, trong dương có âm.

Lưỡng long tranh châu có nguồn gốc từ rất xa xưa; hình ảnh bắt nguồn từ văn hóa trung hoa cổ đại. Khi đó người Việt Cổ đã sử dụng lưỡng long tranh châu cho các tầng lớp vua quan. Lưỡng long tranh châu là biểu tượng văn hóa tâm linh; được vua chúa ngày xưa sử dụng rất nhiều. Trên các bộ long bào của vua quan; ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh này. Đôi rồng được thêu rất tỉ mỉ xung quanh viên châu ráng rực rỡ. Thể hiện cho quyền uy và cao quý của tầng lớp cai trị xã hội phong kiến.

Chính vì vậy mà trong xã hội hiện đại ngày nay; nhiều người vẫn sử dụng những đồ vật có biểu hình ảnh song long tranh châu để thu hút công danh tài lộc; có được quyền cao chức trọng trong công việc và cuộc sống. Đặc biệt là những đồ vật dùng trong nội thất phong thủy như bộ bàn ghế; sập gụ; tranh gỗ phong thủy…Một số sản phẩm bình hoa; lọ gốm sứ thờ cúng cũng được trang trí biểu tượng lưỡng long tranh châu.

Thông qua số giải mãi lần này, Xin Chào Việt Nam hy vọng các bạn sẽ có thêm một góc nhìn mới về những biểu tượng mà chúng ta vẫn thường hay nhìn thấy nhưng không biết ý nghĩa của nó là gì.

  • Xem thêm các video hay của Xin Chào Việt Nam tại đây

Comments are closed.