Demo Example
Demo Example
Demo Example
Con người Việt Nam

Thích Minh Không/Lý Quốc Sư – một con người kiến tạo văn hóa được tôn lên bậc thần thánh

Ngày nay, người Việt vẫn gọi ông là Lý Quốc Sư – vị Quốc sư họ Lý, tôn xưng ông là đức thánh Nguyễn, sánh ngang với đức thánh Trần nổi tiếng vì những cống hiến của ông trong thời đại mình. Thế nhưng, xoay quanh vị thiền sư này vẫn còn những câu chuyện đậm chất huyền thoại ít người biết tới… 

Ông người làng Đàm Xá, huyện Đại Hoàng (nay là xã Gia Tiến, Gia Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) trước hết là một thầy thuốc nổi tiếng, sau nữa là vị Thiền sư tài năng. Tên thật của ông là Nguyễn Chí Thành, pháp hiệu Nguyễn Minh Không. Cha là Nguyễn Sùng, mẹ là Dương Thị Mỹ, quê ở Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Lịch sử ghi nhận ông là nhà chính trị có nhiều công lao đối với nước Đại Việt thời Lý. Được phong là Quốc sư chứng tỏ vị thế, tầm quan trọng của nhân vật tên tuổi trong lịch sử Phật giáo Việt Nam cũng đồng thời cho thấy ông là một chính khách tài năng.

“Đại Việt sử ký toàn thư” còn ghi chép lại năm 1131, triều đình nhà Lý dựng nhà cho Đại sư Minh Không; năm 1136, sư chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thần Tông, được phong làm Quốc sư; tiết thu, tháng 8, năm Đại Định thứ 2 (1141) Đại sư viên tịch. Hiện nay ở nhiều địa phương vẫn còn thờ Quốc sư như Phật, như Tiên, như Thánh, nhiều hơn cả là ở Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Nam Hà…

Riêng tỉnh Bắc Ninh – quê mẹ Quốc sư, 3 huyện có di tích Phật giáo thờ Thiền sư Minh Không. Không gian thờ cũng thật đa dạng, ở chùa, ở đình, ở đền, có nơi ở cả trong cụm đền chùa, có nơi có lễ hội gắn liền với biểu tượng Nguyễn Minh Không. Trong truyền thuyết, bóng dáng Nguyễn Minh Không ẩn trong hình tượng ông Khổng Lồ có sức mạnh phi thường, có thể dời non, lấp biển, hô phong hoán vũ… Ông còn được coi là ông tổ y dược và ông tổ nghề đúc đồng.

Điều này cho thấy nhân vật mang tính thiêng rất cao, phổ biến, có sức ảnh hưởng mạnh, rộng rãi trong dân gian. Đến nay vẫn còn những câu đồng dao ở vùng đồng bằng Bắc Bộ nói về việc Minh Không chữa bệnh “hóa hổ” cho vua Lý Thần Tông: “Tập tầm vông/ Có ông Nguyễn Minh Không/ Chữa cho vua khỏi có/ Tập tầm vó/ Muốn chữa cho vua khỏi có/ Có ông Nguyễn Minh Không”…

Đọc thêm: Trạng Quét nổi danh trong lịch sử

Sử chép mặc dù gia cảnh rất nghèo nhưng hai ông bà Sùng luôn hết mình làm việc thiện. Khi bà sinh hạ được một người con trai ông liền đặt tên là Nguyễn Chí Thành. Cha mẹ mất từ khi còn rất nhỏ, gia cảnh nghèo nên cậu bé Chí Thành đã sớm phải tự lập thân. Gặp thời Phật giáo đang ở giai đoạn cực thịnh có ảnh hưởng lớn tới mọi mặt của đời sống, Chí Thành quyết chí tu hành học đạo.

Truyền thuyết kể Minh Không và Từ Đạo Hạnh là bạn thân từ nhỏ và cùng xuất gia cùng (với Giác Hải) đi Tây Thiên tầm sư học đạo. Giữa đường đi gặp cụ già chèo thuyền bèn hỏi đường. Cụ già bèn cho luôn con thuyền và cây gậy rồi chỉ đường sang Tây Thiên.

Nói rồi cụ già liền đọc một bài kệ. Kệ đọc xong cũng là lúc họ cập bến Tây Thiên. Ba người học được nhiều phép lạ. Đắc đạo, họ kết nghĩa anh em cùng trở về truyền bá Phật pháp. Sau này Từ Đạo Hạnh đầu thai chuyển kiếp thành vua Lý Thần Tông rồi mắc phải bệnh “hóa hổ”, danh y nào cũng bó tay, chỉ Minh Không chữa được.

Lai lịch câu chuyện được truyền thuyết hóa thế này: trước khi “hóa” Đạo Hạnh  đem thuốc và thần chú đưa cho Minh Không và dặn 20 năm sau khi Quốc Vương bệnh nặng thì đến… Đạo Hạnh đầu thai là Dương Hoán, được Vua Nhân Tông lập làm Hoàng Thái tử và trao quyền kế vị với quốc hiệu Lý Thần Tông hoàng đế. Lên ngôi không được bao lâu, tháng 3 năm 1136 Vua Lý Thần Tông bệnh nặng, mình mọc đầy lông lá, tiếng như hổ gầm, mọi người vô cùng sợ hãi…

Đang trụ trì ở một ngôi chùa ở Bái Đính, ông được vời về Kinh đô chữa bệnh cho nhà vua. Các bậc danh y nổi tiếng nhìn ông nghi ngờ, có người còn tỏ thái độ coi thường ra mặt kẻ nhà quê biết gì đến thuốc men nơi cung cấm. Trước nhiều thái độ có vẻ xấc xược, Nguyễn Minh Không liền lấy một cái đinh dài hơn 5 tấc rồi nắm tay lại thành búa đóng sâu vào chiếc cột lim và nói: “Ai rút được chiếc đinh này thì người đó sẽ chữa được bệnh cho Hoàng Thượng”.

Các danh y tranh nhau trổ tài, tất nhiên không thể nào rút được đinh. Cuối cùng Nguyễn Minh Không dùng hai ngón tay kẹp lại nhẹ nhàng nhổ chiếc đinh ra khỏi cột như người rút cọng rơm khỏi ổ. Mọi người kinh sợ liền cúi vái lạy bậc Tiên, bậc Thánh. Ông sai lấy một vạc dầu lớn cho đun sôi, thả vào một trăm chiếc kim rồi hỏi có ai tay không lấy chúng ra không. Tất cả nín thở lè lưỡi khi thấy ông thò tay móc lên đủ số cây kim đã bỏ. Tiếp đó, Nguyễn Minh Không dùng nước dầu sôi tắm cho nhà vua, giội đến đâu lông hổ trôi đến đó. Long thể nhà vua trở về bình thường. Ông bèn lấy kim châm vào các huyệt. Cơ thể nhà vua như phát sáng…

Trước đó ít người biết Nguyễn Minh Không đã tự tay trồng cả một rừng thuốc Nam với muôn vàn cây thuốc quý. Thế là ông vừa tu hành vừa bốc thuốc cứu người, vừa là Thiền sư vừa là Danh y. Tất cả đều thống nhất trong con người ông hướng về cái đích cứu độ chúng sinh theo giáo lý Phật pháp.

Nguyễn Minh Không còn được coi là ông tổ nghề đúc đồng. Tương truyền ông là người góp phần xây dựng, kiến tạo nên “Tứ đại khí” Đại Việt nổi tiếng thời Lý là Tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, tượng Phật Quỳnh Lâm, vạc Phổ Minh. Tiếng lành đồn xa. Nghe tiếng ông là đại danh y, vua Trung Quốc mời ông sang chữa bệnh cho Hoàng Thái tử. Thái tử khỏi bệnh, nhà vua cả mừng bèn thưởng cho nhiều vàng, bạc, châu báu.

Nguyễn Minh Không khẳng khái nói Đại Việt đã có nhiều bạc vàng, nếu nhà vua cho thì chỉ xin một ít đồng đựng vào túi ba gang. Nhà vua thấy chiếc túi bé nhỏ liền đồng ý ngay và cho phép ông vào kho tự lấy. Đúng là phép thần thông quảng đại, cả mười kho đồng mà vẫn chưa đủ đầy cái túi ba gang ấy. Khi lên thuyền về nước, không chiếc thuyền nào chịu nổi sức nặng của một người xứ Nam bé nhỏ cùng cái túi ba gang ấy. Ông bèn cưỡi nón tu lờ bay về phương Nam thân yêu…

Nguyễn Minh Không đã mang lượng đồng ấy đúc thành “Tứ đại khí”…Từ đó dân gian tôn ông là ông Tổ nghề đúc đồng!

Cũng chính sự kiện này kiến tạo nên truyền thuyết sông Kim Ngưu và Hồ Tây. Theo truyện cổ dân gian, trâu vàng ở bên Tàu khi nghe thấy tiếng chuông đồng đen của thiền sư Nguyễn Minh Không ở nước Nam thì tưởng là tiếng trâu mẹ gọi liền chạy sang. Đường nó chạy lún xuống thành sông Kim Ngưu. Đến phía Tây thành Thăng Long thì tiếng chuông dứt, Trâu Vàng liền xới đất tung lên để tìm mẹ làm đất chỗ đó thụt xuống, thành hồ Kim Ngưu, tức Hồ Tây.

Gần gũi với chi tiết “chiếc túi ba gang” mà chứa hết mười kho đồng là chuyện ông chỉ thổi một nồi cơm nhỏ mà đủ cho hàng trăm người ăn. Chả là vì khi đúc đồng cần rất nhiều nhân lực, mà chuyện nấu nướng thì mất rất nhiều thời gian. Ông bèn lấy cái niêu của mình nấu cơm. Lạ thay cái niêu nhỏ cứ xới hết cơm lại tự đầy. Y như niêu cơm Thạch Sanh vậy. Trước đó là chuyện ông đưa thợ từ Thanh Hóa, Ninh Bình ra Thăng Long chỉ nội trong một đêm. Hàng trăm người thợ được đưa lên thuyền chuẩn bị ra Kinh đô. Đêm đến họ ngủ say nhưng sáng ra ai cũng tưởng mình đang trong mơ vì đã ở giữa đất Kinh kỳ. Thì ra ông đã hóa phép “rút đường”…

Gạt những lớp vỏ huyền thoại ta thấy lộ ra những lớp nghĩa duy vật: Đó là khát vọng cháy bỏng của con người có phép màu để đạt được những điều không tưởng. Đó là ước ao rất nhân văn con người không bị đói, không mất thời gian đi lại để tập trung làm những việc có ích, thiết thực. Đó là niềm tôn kính những người tài có lý tưởng vị tha tốt đẹp… Từ chi tiết nồi cơm nhỏ ăn hết lại đầy ta thấy xu hướng “Thạch Sanh hóa” nhân vật Nguyễn Minh Không của tác giả dân gian là rất rõ. Điều này cho thấy sức hấp dẫn lớn của nhân vật ngoài đời.

Một số truyền thuyết vùng Ninh Bình, Thanh Hóa còn “khổng lồ hóa” nhân vật bằng cách “biến” Minh Không thành ông Khổng Lồ có công khai sơn phá thạch vùng Ninh Bình. Chính ông là người có công xếp đặt lại vị trí các quả núi để Ninh Bình có thắng cảnh như hiện tại. Huyền thoại về Minh Không vẫn còn gắn với một số địa danh như núi Đồng Cân (Hoa Lư), hòn Nẹ (Kim Sơn)… Ông còn dạy dân cách trồng cây vùng bán sơn địa, dạy dân đánh cá, nhất là truyền nghề trồng nhiều cây thuốc quý và cách sao thuốc, bốc thuốc, khám bệnh… Như vậy, trong cảm quan truyền thuyết Minh Không như vị thần mang tính khởi nguyên cho một vùng văn hóa. 

Nhưng vai trò chính của ông vẫn là Thiền sư dạy dân tu tập thực hành giáo lý. Trong ông vẫn còn có một vị Tiên của Đạo giáo biết biến hóa thần thông, có nón tu lờ, có gậy thần của đạo sĩ. Ông lại là nhà chính trị tham gia chính sự. Có thể khẳng định: ở Nguyễn Minh Không là hình tượng tập trung nhất, đẹp nhất của “Tam giáo đồng nguyên”. Điều chắc chắn thì Minh Không là nhà văn hóa lớn thời Lý tỏa sáng mãi cùng văn hóa Việt.

Tài Liệu tham khảo: 

https://www.vietnamplus.vn/ly-quoc-su-ong-to-nghe-duc-dong-viet-nam-post30243.vnp

https://cand.com.vn/Tu-lieu-van-hoa/Nguyen-Minh-Khong-Doi-thuc-va-truyen-thuyet-i569685

Comments are closed.