Ông được dân gian gọi là “Trạng Quét” Lê Quát (tên khác là Lê Bá Quát) làm quan đến chức Thượng thư Hữu bật, nhập nội hành khiển. Cha của Lê Quát không may mất sớm, mẹ phải tần tảo làm lụng vất vả nuôi con nhỏ.
Người mẹ không có tài sản gì, bản thân lại bệnh tật nên phải quét chợ và mở quán nước để kiếm sống. Người dân trong vùng thường gọi là bà quét. Lớn lên trong hoàn cảnh đó, Lê Quát hàng ngày quét chợ giúp mẹ, làm lụng vất vả mong có miếng ăn sống qua ngày.
Nghề quét rác luôn bị coi là thấp hèn nên mẹ con Lê Quát phải chịu không ít sự khinh bỉ. Dù khó khăn nhưng người mẹ vẫn cố gắng cho Lê Quát được học hành. Cậu bé thông minh nên học đâu nhớ đó, học một biết mười nên chẳng bao lâu đã học hết chữ của thầy làng. Thầy khuyên cậu bé nên đến làng Phúc Triền có nhiều thầy giỏi để học. Lê Quát rời xa người mẹ hiền đến Phúc Triền để tầm sư học đạo.
Giai thoại dân gian kể lại rằng, một lần Lê Quát khát quá mới đánh liều vào một nhà để xin nước. Không ngờ đó là nhà của một vị hưu quan. Nghe cậu bé xin nước nói mình là học trò, quan liền hỏi về kinh sử, Lê Quát trả lời trôi chảy. Thấy học trò này thông minh, vị hưu quan đã chu cấp tiền bạc để cậu bé học thành tài.
Đọc thêm: Nữ trạng nguyên duy nhất trong lịch sử Việt Nam
Làng Phúc Triền vốn nổi tiếng là nơi có nhiều thầy giỏi, nhưng nhà nho ở đây hết điều truyền thụ và khuyên Lê Quát đến kinh đô thụ giáo danh sư Chu Văn An. Lê Quát lên Thăng Long được thầy Chu Văn An nhận là học trò, tận tình chỉ bảo, giảng giải những điều mà ông chưa biết nên tiến bộ rất nhanh.
Học trò của thầy Chu có đến trăm người, nhưng xuất sắc nhất có lẽ là Lê Quát và Phạm Sư Mạnh. Khoa thi năm 1345 thời vua Trần Minh Tông, Lê Quát thi đỗ Thái học sinh, được triều đình trọng dụng phân quan bổ chức. Dân gian từ đó vẫn gọi ông là Trạng Quét để ghi nhớ về một con người dù cơ hàn vẫn vững chí học hành.
Sự thành đạt của Lê Quát (Trạng quét) ngoài nỗ lực của bản thân có góp phần công sức lớn của người vợ hiền thục, đảm đang. Tương truyền cùng làng Kẻ Rỵ có viên quan đại thần về hưu, ông này chỉ có một cô con gái xinh đẹp nên nhiều gia đình quan lại, giàu có đều có ý muốn xin cưới.
Một hôm cô gái đi chợ, những kẻ đã bị cô từ chối sẵn ôm cục tức, gọi anh Quét lại rồi xui đến xin cô gái miếng trầu. Thấy chàng trai thật thà nên cô gái nể tình mở túi lấy trầu cho chàng Quét. Đám công tử kia chỉ chờ có vậy liền đi khắp nơi rêu rao cô gái có tình ý với kẻ hèn mọn làm nghề quét chợ.
Chuyện đến tai quan đại thần, ông tức giận gọi con đến mắng, cho là làm thế nhục đến gia môn nên đuổi ra khỏi nhà. Cô gái không biết đi đâu, cuối cùng đành tìm đến căn lều tồi tàn của mẹ con chàng Quét.
Từ đó, cô gái đảm đang, chăm lo quán xuyến việc nhà, gia cảnh nghèo khó nhưng cô không có lấy một lời than vãn. Cô còn khuyên chồng tìm thầy học chữ và sau này có một Trạng Quét nổi tiếng trong lịch sử.
Thời vua Trần Dụ Tông, nhà Trần đến hồi suy, vua đánh sưu cao thuế nặng nhằm có tiền xây cung điện lầu các, trọng dụng nịnh thần. Trước tình hình đó, Chu Văn An dâng tấu khuyên vua nhưng không được. Ông dâng “thất trảm sớ” xin vua chém ngay 7 tên nịnh thần, vua cũng không nghe. Chu Văn An từ quan về núi Phượng Hoàng dạy học, viết sách cho đến khi mất.
Lê Quát theo gương thầy, nhiều lần đưa ra các quyết sách nhằm thay đổi, phê phán những tiêu cực nhưng vua không chấp nhận, bản thân ông cũng bị trách mắng. Tuy giữ chức vụ cao, nhưng không để công việc hạn chế những suy nghĩ và ý tưởng phóng khoáng của mình.
Lê Quát luôn mong muốn chấn hưng Nho giáo. Tuy nhiên, triều đại nhà Trần bấy giờ đã bắt đầu suy yếu, vua không nghe lời can gián của ông. Cho đến khi qua đời, ông vẫn không thể hoàn thành tâm nguyện và ra đi trong ngậm ngùi.
Danh sĩ thời Nguyễn là Phan Huy Chú nhận xét về Lê Quát thế này: Chí ông chuộng chính học bài dị đoan. Do văn học mà (ông) được làm quan cùng nổi tiếng ngang với Phạm Sư Mạnh. Thời bấy giờ người ta đều khen “Lê, Phạm”.
Xem thêm video hay của Xin Chào Việt Nam tại đây:
Comments are closed.