Miếng kẹo Cu đơ là một thức quà tuổi thơ của người dân Hà Tĩnh, đến thời điểm hiện tại, khi nhắc về kẹo Cu đơ, người ta nghĩ ngay đến một món quà đặc sản mà không nơi nào có, nơi đã biến tấu món kẹo lạc trở thành “mỹ vị nhân gian”.
Kẹo Cu Đơ là gì?
Kẹo được nấu từ mật mía, đậu phộng rang, gừng tươi. Kẹo thường có hình tròn, được kẹp giữa hai chiếc bánh tráng mè giòn rụm thơm ngon.
Kẹo cu đúng chuẩn phải có kích cỡ to, cầm lên nặng tay, nhân mật mía đầy ụ, chỉ cần cắn một miếng sẽ cảm nhận ngay cái mềm dẻo của mật mía hòa quyện cùng cái giòn giòn của bánh tráng mè và lạc bùi bùi.
Người nấu kẹo có tâm thường nhặt lạc rất kỹ, chỉ những hạt lạc to, đều tăm tắp, không bị mốc mới được dùng để nấu. Kẹo được nấu dẻo hay cứng, thơm hay không thơm là bí quyết riêng của từng nhà. Khi nồi mật mía được quấy đến độ đặc như mong muốn, người thợ nấu kẹo mới đổ lạc vào quấy đến độ lạc vừa dậy lên mùi thơm ngậy.
Gia vị của kẹo lạc là gừng và vỏ quả chanh đã chín. Nếu sơ ý, chọn loại gừng già quá sẽ bị xơ, chọn loại non quá sẽ ít thơm và vỏ chanh nếu xanh sẽ bị đắng kẹo. Kẹo nấu xong sẽ đổ lên lá chuối hoặc giấy. Khi ăn, người ta sẽ lấy một ít nước bôi lên mặt sau để bóc lớp lót. Về sau, người ta thay thế lớp lót ấy bằng bánh đa vừng. Cách làm ấy tạo thêm rất nhiều hương vị cho kẹo bởi độ giòn của bánh đa nướng và độ thơm của vừng.
Nguồn gốc tên gọi kẹo Cu Đơ
Những năm 1953, có một người đàn ông tên Đinh Vy, ngoài đi buôn trầu cau, thúng mủng còn có thêm cái nghề nấu kẹo. Ông Vy (hay với tên gọi thân thuộc là ông Cu Hai hay ông Đinh Hai) thường lấy lạc (đậu phộng) trộn đều với vỏ chanh rồi đổ vào nồi mật mía nấu thành kẹo. Khi chín, ông đổ ra bát sứ cho nguội, lấy thìa múc ăn. Ông Vy là người đầu tiên nấu loại kẹo này ở huyện Hương Sơn, nhiều người rủ nhau đến mua ăn tại chỗ.
Các tài liệu về văn hóa, lịch sử Hà Tĩnh ghi chép kẹo cu đơ gắn liền với tên tuổi của ông Đinh Vy và vùng đất Hương Sơn. Kẹo nấu xong được đưa ra chợ quê như Gôi, Phố, Rạp… bán cho dân địa phương với giá hai đồng một bát hoặc miếng to bằng bàn tay người lớn. Vì giá hai đồng, nên mọi người gọi tên người bán kẹo Đinh Vy với tên thân thuộc là Hai cho dễ nhớ.
Thời đó, khu vực giáp ranh xã Sơn Thịnh cũ có đồn đóng quân của người Pháp, binh lính thỉnh thoảng ghé nhà ông Hai mua kẹo ăn, uống nước chè. Thấy xung quanh ai cũng nhắc tên gia chủ là Hai, họ dịch từ Hai theo tiếng Pháp thành “Deux”, nghĩa là “số 2”. Lâu dần, họ gọi kẹo ông Cu Hai thành “kẹo cu đơ”.
Những câu chuyện “tam sao thất bản” đầy thú vị gắn với tên gọi Kẹo Cu Deux.
- Có sách viết, xưa trên địa bàn một cậu thiếu sinh quân thích ăn kẹo của ông Hai nên hay rủ bạn bè trốn trại đi mua. Vì sợ bị phát hiện, cả nhóm phải dùng mật khẩu với nhau, nói rằng đi đến nhà cu đơ, thay vì ông Hai.
- Còn theo truyền miệng, những đứa trẻ xưa kia mê mẩn kẹo của ông Hai, thường rủ nhau đến nhà ông ngồi cả buổi xem chế biến, chờ đến khi gia chủ đổ hết nguyên liệu vào bát hoặc khuôn, cả nhóm lấy thìa vét nồi.
“Thường xuyên đến nhà ông Hai ăn kẹo, chúng tôi bị bố mẹ trông thấy rồi trách mắng. Để không bị phát hiện, mỗi lần rủ rê nhau đi vét nồi, đám trẻ thường ra ám hiệu bằng ngón tay, với hàm ý là nhắc đến ông Hai và kẹo cu đơ – tên do người Pháp đặt. Lâu dần, cách gọi của trẻ con lan sang cả người lớn, nhiều gia đình sau đó đã học theo ông Hai nấu kẹo bán mưu sinh”, một trong những đứa trẻ mà bây giờ đã là người lớn kể lại.
- Ông Vy nấu kẹo đến năm 1965, sau già yếu mất. Vợ chồng ông Vy có 5 người con, nay không còn ai theo nghề cha, đã chuyển đến các tỉnh khác sinh sống. Nhưng cũng thật may là nghề nấu kẹo đã được truyền lại cho họ hàng và sau này trở thành món ăn đặc sản.
Kẹo cu đơ – Món ăn dân dã nhưng thưởng thức theo cách tao nhã
Kẹo cu đơ đi với chè xanh là cặp trời sinh, đâu phải tự nhiên mà người xưa có câu “chè xanh thêm chút gừng cay – cu đơ Hà Tĩnh làm say lòng người”.
Hương vị của kẹo cu đơ chỉ rõ ràng nhất khi bạn thưởng trà kèm theo. Một ấm trà xanh đậm đà hơi ấm nóng sẽ là một điểm nhấn khiến cu đơ trở thành một tráng miệng tao nhã. Kẹo cu đơ với bánh tráng giòn rụm bên ngoài, dẻo dẻo bên trong, khi ăn vào thì hương vị ngọt của đường, bùi bùi của đậu phộng và vị cay nhẹ của gừng lan tỏa trong khoang miệng.
Nhân lúc vị ngọt, bùi, cay của kẹo còn đọng lại trên lưỡi, thì bạn hãy thưởng ngay một ngụm trà đậm vị ấm nóng. Cái ấm nóng của trà kết hợp với vị cay nhẹ của gừng khiến lòng người ấm hẳn, vị chát nhẹ của trà trung hòa với cái ngọt của mật mía làm vị kẹo đặc biệt đến khó quên.
- Tham khảo sách về lịch sử Việt Nam: Đại Việt sử ký toàn thư và Việt Nam sử lược