Có Phố Xã Đàn là bởi nơi đây thuộc làng Xã Đàn xưa. Hôm nay hãy cùng XCVN tìm hiểu tại sao lại gọi là Làng Xã Đàn thông qua Việt Nam thật.
Xã Đàn là một làng, cùng là cơ sở để hình thành phường Xã Đàn – một trong 36 phường thời Lê. Làng nằm ở cửa Trường Quảng của kinh thành Thăng Long.
Gọi là Xã Đàn vì tại đây có đàn Xã tắc lập từ năm Mậu Tý đời Vua Lý Thái Tông (năm 1048), để tế Hậu Thổ (thần Đất) và Thần Nông (thần Ngũ cốc) – hai vị thần được coi là quan trọng nhất của xã hội nông nghiệp, bốn mùa vua đều thân chinh chủ trì tế lễ để cầu được mùa. Nền Xã Đàn là một dải đất vuông, cao, trước đây có hai cây gạo lớn ở phía Bắc làng. Xã Đàn đã bị phá năm 1930, nay vẫn còn dấu vết.
Địa dư làng Xã Đàn khá rộng, phía Bắc là đường Khâm Thiên, phía Nam là Cống Đá – nơi dòng sông Lừ chảy qua phố Nam Đồng, phía Đông là Cống Trẹm (hay Cống Đá Tàu Bay) – nơi sông Kim Ngưu chảy qua đường Tàu Bay (đường Trường Chinh). Từ trong làng có 3 cổng thông ra ngoài, naylà các ngõ Xã Đàn 1, 2 , 3.
Đầu thế kỷ XIX, Xã Đàn thuộc tổng Hữu Nghiêm huyện Thọ Xương, sau đổi thuộc tổng Yên Hòa cùng huyện. Từ năm 1899, làng thuộc Khu vực ngoại thành Hà Nội, từ năm 1915 thuộc huyện Hoàn Long tỉnh Hà Đông, Từ đầu năm 1943 thuộc Đại lý Đặc biệt Hà Nội.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Xã Đàn thuộc khu Đống Đa, trong thời tạm chiếm thuộc quận Ngã Tư Sở của chính quyền bù nhìn. Hoà bình lập lại lần lượt thuộc quận IV, khu phố Đống Đa. Từ năm 1981 thuộc phường Nam Đồng quận Đống Đa.
Xã Đàn xưa kia chủ yếu là hồ ao, ruộng chỉ có chừng 50 mẫu, phần lớn là ruộng công, được chia thành nhiều mảnh để cho đấu thầu lấy tiền chi vào các việc chung của làng. Dân làng sống bằng nghề thả cá, trồng rau trong hồ ao, làm vườn; một bộ phận nam giới thường ra ngoài làm thợ nề, phu hồ, gánh gạch ngói thuê; phụ nữ bán hàng rong (rau cỏ và các loại bánh), chủ yếu ở Ô Chợ Dừa. Bánh đúc bán ở chợ này ngon có tiếng đều do phụ nữ làng Xã Đàn bán. Về sau, có một số người làm viên chức cho các công sở, một số làm công nhân cho các nhà máy, xí nghiệp. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, làng chỉ có 230 nhân khẩu nên không chia thành các giáp. Các họ gốc và họ lớn trong làng là: Đỗ, Trần, Nguyễn, Trịnh.
Xem thêm: Sự thật về làng Lủ – Làng đẻ quan, đẻ Trạng
2. Đàn Xã Tắc là gì và tại sao Đàn Xã Tắc lại đặc biệt quan trọng?
Các cuốn “Việt sử lược”, “Đại Việt sử ký toàn thư – bản kỷ”, quyển II và “Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên”, quyển III đều chép việc vua Lý Thái Tông: “Mậu Tý (Thiên Cảm Thánh Vũ) năm thứ 5 (1048) mùa thu, tháng 9… lập Đàn Xã Tắc ở ngoài cửa Trường Quảng, bốn mùa cầu đảo cho mùa màng”.
Các dịch giả bộ chính sử thời Nguyễn cũng chú thích: “Xã là Đất, hay nền tế thần Đất; Tắc là thần Ngũ cốc hay nền tế thần Ngũ cốc. Xưa người ta thường gọi quốc gia là Xã Tắc. Cho nên, Xã Tắc, ngoài việc dùng để thờ cúng, còn có tác dụng tượng trưng cho một nước”. Cũng vì ý nghĩa này mà khi có những biến động hay chiến tranh thì Đàn Xã Tắc luôn là mục tiêu phá hủy đầu tiên.
Cùng với Đàn Nam Giao, Đàn Xã Tắc là một trong 2 đàn tế quan trọng của quốc gia quân chủ Việt Nam thời trung đại. Các buổi tế lễ ở Đàn Xã Tắc và Đàn Nam Giao đều thuộc nghi lễ cấp quốc gia.
Về nhiều phương diện, Đàn Xã Tắc có ý nghĩa to lớn với quốc gia, với dân tộc hơn Đàn Nam Giao, bởi Đàn Nam Giao chỉ là nơi cầu thịnh trị cho một vương triều. Nhà Lý đã lập Đàn Xã Tắc chỉ sau chưa đầy 40 năm định đô tại Thăng Long, còn 106 năm sau, Đàn Nam Giao mới được lập.
Điều này đã cho thấy tầm quan trọng của kiến trúc tâm linh này với quốc gia Đại Việt. Đàn Xã Tắc đã được sử dụng ở Thăng Long suốt từ khi xây dựng cho tới khi nhà Nguyễn chuyển kinh đô vào Huế. Cho đến nay, đàn tế là loại hình kiến trúc đặc biệt, không nhiều ở Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
- “Việt sử lược”,
- “Đại Việt sử ký toàn thư – bản kỷ”, quyển II
- “Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên”, quyển III
- https://hanoimoi.vn/lang-xa-dan-110794.html
Comments are closed.