Demo Example
Demo Example
Demo Example
Con người Việt Nam

Thần cơ sang pháo khiến quân địch khiếp sợ

Trong lịch sử hình thành và phát triển của Việt Nam, có một tài năng lỗi lạc với kiến thức uyên thâm và đã đi trước thời đại hàng trăm năm, đó là Hồ Nguyên Trừng và phát minh súng thần cơ sang pháo của ông. Hôm nay, hãy cùng Xin Chào Việt Nam tìm hiểu về Hồ Nguyên Trừng và phát minh “đại nhảy vọt” của ông.

Hồ Nguyên Trừng (1374-1446) là con trưởng của Hồ Quý Ly.  Ông được mệnh danh là “Hỏa khí chi thần”, là người đã chế ra súng “thần cơ”, loại súng có uy lực mạnh nhất thời bấy giờ.

Năm 1400, Hồ Quý Ly phế truất Trần Thiếu Đế, lên ngôi vua, đặt quốc hiệu là nước là Đại Ngu. Lẽ ra, là con trưởng, Hồ Nguyên Trừng được lập ngôi Thái tử nước Đại Ngu, nhưng sau khi thử lòng các con, biết Hồ Nguyên Trừng chỉ muốn làm quan, Hồ Quý Ly lập con thứ là Hồ Hán Thương làm Thái tử.

Năm Tân Tỵ 1401, Hồ Quý Ly theo gương các vua nhà Trần, nhường ngôi cho Thái tử Hồ Hán Thương, còn mình làm Thái thượng hoàng, còn Hồ Nguyên Trừng lĩnh chức Tả Tướng quốc.

Cấu tạo của thần cơ

Năm 1406, lấy chiêu bài “Phù Trần diệt Hồ”, Minh Thành Tổ sai quân sang xâm lược nước ta.

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, Hồ Nguyên Trừng đã chỉ huy lập phòng tuyến Đa Bang bắt đầu từ Ba Vì. Phòng tuyến kéo dài theo bờ Nam sông Đà, sông Hồng cho đến sông Ninh, tiếp tục theo bờ sông Luộc, sông Thái Bình đến Bình Than, dài trên 400 km. Ông còn chỉ huy nhiều trận đánh lớn như trận Lãnh Kinh (1406), trận phòng thủ Đa Bang, các trận phản công sông Lô và cửa Hàm Tử (1407). 

Mặc dù có “thần cơ” nhưng “lòng dân không theo”, năm 1407, cha con Hồ Quý Ly bị bắt. Trong dịp này, quân Minh đã bắt 17.000 người tài, thợ khéo của nước Việt đưa về Trung Quốc, trong đó có Nguyễn Phi Khanh, thân phụ của Nguyễn Trãi. Triều đại Nhà Hồ sụp đổ sau 7 năm tồn tại trong lịch sử nước ta.

Súng “thần cơ” có đầy đủ các bộ phận như súng thần công sau này, gồm hai loại, loại nhỏ là súng cầm tay dùng cho bộ binh, có tầm bắn xa 700 mét. Loại lớn đặt cố định bảo vệ thành hoặc dùng xe kéo cơ động. “Thần cơ” là kết quả nghiên cứu, phát minh về thuốc súng, về kỹ thuật luyện kim và thiết kế chế tạo. Chắc chắn rằng, những kinh nghiệm của người Việt trong nghề đúc đồng và chế tạo vũ khí đã được Hồ Nguyên Trừng tiếp thu học hỏi và phát triển lên tầm cao mới.

Vậy súng “thần cơ sang pháo” có cấu tạo như thế nào và uy lực mạnh ra sao?

Trong sách “Vân Đài loại ngữ” Lê Quý Đôn viết: “Thần cơ sang pháo” được đúc bằng sắt hoặc đồng, có nhiều cỡ, lớn thì kéo xe, nhỏ thì dùng giá đỡ hay vác vai… Theo các nhà quân sự, súng “thần cơ” của Hồ Nguyên Trừng có đầy đủ các bộ phận của loại súng “thần công” ở những thế kỷ sau này. Súng có nhiều loại, loại nhỏ dùng cho bộ binh bắn xa khoảng 700 m. Loại lớn là “thần cơ pháo” đặt cố định bảo vệ thành hoặc dùng xe kéo vận chuyển.

Cấu tạo súng “thần cơ” bao gồm: Thân súng dài 44 cm, nòng súng dài 5 cm, trục quay, thước ngắm, lỗ điểm hỏa, khối hậu. Trong đó khối hậu được đúc kín chứa thuốc nổ, nòng súng chứa những trái đạn, trục quay để điều chỉnh góc bắn, lỗ điểm hỏa để châm ngòi và thường được gắn thân bánh xe ở trục quay để cơ động.

Thân súng dài 44 cm, nòng súng dài 5 cm

Những cuộc khai quật tại thành nhà Hồ (2008, 2010, 2012) đã tìm được khá nhiều đạn đá hình khối cầu tròn đều với nhiều kích cỡ khác nhau. Nghiên cứu đạn sử dụng các nhà chuyên môn cho rằng: Súng thần cơ thời Hồ có thân hình ống tròn dài đều, nòng trơn, phía sau thân hơi phình to để nạp thuốc súng. Trên thân có lỗ nối ngòi nổ với phần thuốc súng để khi sử dụng châm lửa kích thuốc nổ đẩy viên đạn khỏi nòng súng đi xa về phía trước. Đạn được chế tác từ chất liệu đá, đất nung có độ cứng cao, khi bắn viên đạn có sức công phá lớn. Đạn có nhiều loại kích cỡ chứng tỏ có nhiều loại súng cỡ nòng khác nhau.

Dù vẫn còn sơ khai nhưng súng “thần cơ” của Hồ Nguyên Trừng là một sáng chế rất quan trọng, áp đảo hoàn toàn vũ khí của quân Minh. Các loại súng này nếu được tiếp tục chế tạo và huấn luyện cho binh lính sử dụng thành thục thêm một thời gian thì chắc chắn đây sẽ là một lực lượng rất đáng sợ của quân đội nhà Hồ.

Thần cơ sang pháo đã gây thương vong rất nhiều cho giặc Minh. Khi quân Minh chiếm được những khẩu pháo này, họ rất kinh ngạc và khâm phục liền cho mang về phương Bắc sử dụng. Minh sử chép: Trong cuộc bình Giao Chỉ, nhà Minh đã bắt được súng thần, pháo thần của Giao Chỉ, được coi là vũ khí nhất thiên hạ… Súng “thần công” có được gần đây dùng sắt làm tên, bắn đi bằng lửa, đi xa ngoài 100 bước, nhanh chóng kỳ diệu như thần, nghe thấy tiếng là lửa đã đến (Trương Tú Dân).

Sau khi thất bại trong cuộc kháng chiến chống Minh. Năm 1407, vua quan triều Hồ và gia quyến bị bắt đưa về Nam Kinh, Trung Quốc. Vì tính mạng của cha (Hồ Quý Ly) nên Hồ Nguyên Trừng buộc phải làm quan cho nhà Minh. Ông được hoàng đế nhà Minh phong đến chức Thượng thư Công bộ (tương đương Bộ trưởng ngày nay). Minh sử đánh giá cao công lao của Hồ Nguyên Trừng “đánh thắng địch là dựa vào súng thần”. Sau khi ông qua đời, vua nhà Minh sắc phong làm “Thần hỏa khí”, mỗi khi tế súng đều phải tế Hồ Nguyên Trừng. Trong “Vân đài loại ngữ”, Lê Quý Đôn viết: “quân Minh khi làm lễ tế súng đều phải tế Trừng”.

Tuy không thể góp công đánh bại quân Minh xâm lược nhưng súng “thần cơ” của Hồ Nguyên Trừng đã mở ra sự phát triển quan trọng trong lịch sử quân sự của người Việt. Phải đến mấy trăm năm sau, quân Tây Sơn của vua Quang Trung mới một lần nữa phát huy đến đỉnh điểm các loại súng thần công này. Cùng với voi chiến mang theo súng thần công, uy lực của những cỗ “xe tăng Việt Nam” sơ khai này đã góp phần vào chiến công hiển hách bình Xiêm, phá Thanh, của nhà Tây Sơn.

Write A Comment