Demo Example
Demo Example
Demo Example
Du lịch Việt

Tổ hợp vui chơi ẩm thực – chợ Đồng Xuân

Nhắc đến chợ Đồng Xuân, người ta thường nghĩ ngay đến một khu chợ đổ sỉ lớn bậc nhất Hà Nội. Thế nhưng ít ai biết được rằng, khu vực chợ Đồng Xuân có thể liên kết với nhau tạo thành một “khu phức hợp”  chợ bao gồm Đồng Xuân – Thanh Hà với đa dạng các loại mặt hàng từ A-Z cũng như vô vàn các món ăn phục vụ thương nhân đất Hà Thành. Hôm nay, hãy cùng chúng tôi khám phá khu “phức hợp” văn hóa – ẩm thực khổng lồ này nhé.

Lịch sử chợ Đồng Xuân

Chợ Đồng Xuân là khu chợ lâu đời, có lịch sử tồn tại hàng trăm năm. Trải qua nhiều dấu mốc lịch sử, chợ đã được xây dựng lại và trở thành khu chợ có quy mô lớn, kinh doanh các mặt hàng đa dạng, cung cấp hàng hóa cho khắp các tỉnh thành miền Bắc. Lịch sử hình thành và phát triển chợ theo từng dấu mốc cụ thể có thể được liệt kê dưới đây:

  • Năm 1804: nhà Nguyễn đã xây dựng một khu chợ lớn ở cửa chính Đông, vị trí phía nam dòng sông Tô Lịch. Mục đích xây dựng chợ để tạo sự thuận tiện cho tàu thuyền cập bến giao thương.
  • Năm 1889: sau khi lấp hồ Thái Cực và sông Tô Lịch, các hàng quán được chính quyền Pháp dồn lại vào khu đất trống ở phường Đồng Xuân.
  • Năm 1890: chợ được xây dựng với tổng diện tích 6.500 m2. Kiến trúc chính của chợ theo phong cách Pháp, năm vòm cửa và năm nhà cầu dài 52m, cao 19m.
  • Năm 1990: chợ được tu sửa, xây dựng lại. Hai dãy hai bên bị phá bỏ và ba dãy giữa xây lại thành khu 3 tầng. Hai vòm cửa ở hai bên cũng bị tháo dỡ nhưng vẫn giữ lại hai cột ngoài cùng.
  • Năm 1994: xảy ra vụ hỏa hoạn nghiêm trọng vào tối ngày 14/07. Ngọn lửa trong vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi hầu như toàn bộ gian hàng ở chợ.
  • Năm 1995: chợ được xây dựng lại, trang bị đầy đủ hệ thống cứu hỏa, thang thoát hiểm, thông khí. Tổng diện tích chợ lúc này lên tới 14.000 m2 với 2000 gian hàng.
  • Năm 2005: dựng bức phù điêu “Hà Nội mùa đông 1946” bên cạnh chợ để tưởng nhớ nhân dân, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến bảo vệ Thủ đô.

Chợ Đồng Xuân là chợ đầu mối, tập trung hàng hóa cho tiểu thương ở khắp tỉnh thành miền Bắc. Không gian chợ có 3 tầng, kinh doanh, buôn bán đủ các loại mặt hàng khác nhau. Chợ chủ yếu kinh doanh hàng hóa theo hướng bán buôn, đổ sỉ.

Chợ đồng xuân ngày xưa

Tuy nhiên, nếu bạn có nhu cầu mua sắm hay tìm thấy hàng hóa mà mình mong muốn thì có thể trao đổi, mua bán lẻ với người bán. Mức giá các mặt hàng ở chợ thường ở mức khá phải chăng. Nhưng có một sự thật rằng một khi đã đi chợ Đồng Xuân, các bạn nên mặc cả để nhận được mức giá ưu đãi hơn cả giá khi người bán chào hàng.

Sơ qua là vậy, thế nhưng khu chợ Đồng Xuân lại có thể được biết đến nhiều hơn (hoặc không) thông qua một Thiên-đường-ẩm-thực với muôn vàn món ăn, thức quà của người Hà Thành xưa mà trải qua cả một thế kỉ vẫn giữ được những gian hàng với những món ăn đó. Chúng tôi muốn nói đến chính là ngõ Đồng Xuân. 

Được mệnh danh là “Mê Cung ẩm thực”, khi đến đây, hiện ra trước mắt bạn là một con ngõ nhỏ với đủ các món ngon được bày biện bắt mắt và chủ yếu là những món đã trở thành một nét tinh hoa trong văn hóa ẩm thực quà vặt Việt như nem cuốn, bánh tôm, bún ốc, bún chả que tre, chè thập cẩm… Điều đặc biệt, đồ ăn ở đây có mức giá khá rẻ. Cầm 100k là bạn đã có thể lấp đầy chiếc bụng đói của mình.

Các cửa hàng ở đây thường chỉ có một bàn inox, 3 chiếc ghế đặt xung quanh. Phía sát bờ tường người bán dành một không gian nhỏ để đặt bếp nấu, các loại nguyên liệu, gia vị… Hầu hết các chủ quán ở đây đã có thâm niên bán hàng hơn chục năm, thậm chí vài chục năm. Nhiều chủ quán gắn bó nửa đời người với con ngõ nhỏ.

Một sự thật thú vị rằng, khi đến ngõ chợ Đồng Xuân, bạn sẽ được thỏa mãn cả 5 giác quan thông qua vô số hàng quán mà người viết có thể tóm tắt lại như sau:

Thị Giác: Ngon mắt – Những sạp hàng với đa dạng các loại màu sắc, từ màu vàng ươm của bánh tôm bánh gối của quán bánh gối bà Lan, đến bảy sắc cầu vồng cơ man các loại chè với quán chè bà Liên.

Khứu Giác: Thơm. Ngõ chợ Đồng Xuân nổi tiếng với những hàng bán bún chả than tre (một món ăn mà gần như đã biến mất trên bản đồ ẩm thực khi giờ đây người ta dùng quạt và vỉ nướng tự động để quay chả). Những buổi trưa có dịp ghé nơi này, khả năng cao bạn sẽ cần đem theo một cái khăn để thấm nước miếng khi được ngửi mùi thịt nướng than tre.

Vị Giác: Ngon. Tất cả các hàng quán ở đây đều có hương vị từ khá trở lên. Từ những hàng cơm bình dân đến hàng nộm, bún ốc,…đều mang hương vị rất đặc trưng của Hà Nội. Mà đã là vị chuẩn Hà Nội thì người viết có thể liều mạng mà khẳng định rằng món ăn đó sẽ rất ngon.

Thính Giác: Vui tai. Đã là khu chợ thì những âm thanh ở đó chính xác là những gì bạn muốn nghe ở một thành phố ngàn năm tuổi đời. Tiếng cười nói râm ran, tiếng gọi nhau í ới, thậm chí cả những tiếng “chửi” rất Hà Nội đều có thể nghe được ở đây.

Xúc Giác: Cảm nhận về một Hà Nội xưa cũ. Phần này dựa khá nhiều vào đánh giá chủ quan của người viết bài, thế nhưng cảm giác được dùng tay thử những món quà vặt đang còn nóng hôi hổi, hay cảm giác sờ nắn vào những đồ vật mang nét văn hóa Hà Thành khiến mỗi người chúng ta đều có thể cảm nhận một Hà Nội một cách rất riêng. Người viết xin phép để ngỏ để các bạn có thể tự trải nghiệm và đưa ra những đánh giá của riêng mình.

Những quán nổi bật trong thiên đường ẩm thực ngõ chợ Đồng Xuân

Phở tíu bà Phương

Với người sống quanh khu phố cổ, phở tíu cô Phương béo là một trong những món được nhớ tới mỗi khi thời tiết hanh khô, người khó chịu muốn ăn thứ gì đó nhanh, mát, chua chua, ngọt ngọt. Phở tíu na ná như hủ tíu nhưng dùng bánh phở tươi, nước sốt nhiều hơn, loãng hơn. 

Phở tíu bà phương chợ Đồng Xuân

Để có nước sốt chan vào bát phở tíu thì có đến 5 cái nồi nhỏ trên bếp và trên mặt bàn. Các loại nước sốt được rưới lên lần lượt, trong bát có bánh phở, rau sống, thịt xá xíu trước khi được rắc hành phi và lạc. Quan sát bên ngoài, rau của quán nhìn sạch, từ xà lách, rau mùi đến kinh giới, húng Láng. Bánh phở mềm quyện với các loại nước sốt. Trước khi nhai miếng thịt xíu mềm thơm, vị bùi của hành phi và lạc rang giã nhỏ đánh thức các vị giác, mang đến cho người thưởng thức một hương vị rất Hà Nội, cái gì cũng vừa đủ.

Bún chả kẹp que tre

Quán bún chả kẹp que tre nằm khuất trong ngõ Đồng Xuân là một trong những quán ít ỏi còn sót lại ở Hà Nội. Quán mở đã lâu năm nên nhiều thực khách ở Hà Nội biết đến bởi món bún chả làm theo phong cách cổ truyền, bọc lá xương xông và kẹp vào que tre, nướng trên than hồng.

Thịt dùng để nướng chả là loại thịt ba chỉ ngon, được thái mỏng, ướp nước mắm, đường, hạt tiêu rồi kẹp vào những que tre nhỏ, trông rất hấp dẫn. Phần chả viên còn có lá xương sông hoặc lá lốt bọc bên ngoài. Điểm đặc biệt thú vị ở quán là thứ gia vị độc đáo mà ít nơi nào có được, nước giấm sấu, giấm me tự làm ăn với bún. Thêm chút nước này vào bát nước chấm cũng mang vị khác lạ, chua dịu, thơm thơm.

Bún ốc bà Nhung

Quán bún ốc nhỏ nằm tận cuối ngõ chợ Đồng Xuân hàng ngày tấp nập không biết bao nhiêu lượt khách ra vào mỗi ngày. Nếu bạn đến quán vào giờ cao điểm, có khi bạn còn không có chỗ ngồi.

Quán có 2 loại bún ốc là bún ốc nguội và bún ốc chan. Điểm đặc biệt nhất của quán là nước dùng vừa miệng thơm nhẹ vị nếp cái dùng làm giấm bỗng, thêm chút cay cay của ớt. Ngoài nước dùng ngon, ốc ở đây cũng được xử lý kỹ nên không có vị tanh mà thịt rất mềm, chắc, ăn giòn giòn, béo ngậy.

Bát bún ốc được ăn kèm với một đĩa rau sống tươi, ngoài các gia vị như giấm, ớt tự chưng còn có cả một hũ sấu dầm nước mắm để bạn có thể gia giảm tùy theo khẩu vị của từng người.

Bánh tôm cô Ầm – Chợ Đồng Xuân

Không phải chỉ ở Hồ Tây mới có bánh tôm ngon, quán bánh tôm nhỏ Cô Ầm chính là minh chứng cho câu nói đấy. Khác biệt hẳn với phong cách nhà hàng view đẹp vạn người mê, quán bánh tôm Cô Ầm khá chật hẹp ở một góc nhỏ của chợ Đồng Xuân, thế nhưng chính cảm giác chật chội này lại đem đến cảm nhận rất đỗi bình dị của con phố cổ xưa.

Bánh tôm chợ Đồng Xuân

Ngon nhất và độc đáo nhất ở quán cô Ầm là phần bột bánh. Không chỉ đơn giản là chiên từ bột mì và bột năng như các quán tôm khác, phần bột ở đây được cô Ầm làm rất công phu. Bột được xay mềm mịn, pha cùng nước cho sánh đặc vừa phải, trộn thêm khoai lang thái sợi và ít ngô. Phần vỏ bánh khi chiên vàng sẽ không bị khô quá, cắn giòn rụm trong miệng mà lại bùi bùi ngọt ngọt không ngấy mỡ.

Bên trên là 1, 2 con tôm nhỏ, để nguyên vỏ, nhưng rất tươi ngon, ăn vào ngọt mà săn chắc thịt. Cuộn chiếc bánh tôm chín vàng, con tôm đỏ au cong cong cùng với rau sống, hành mùi, chấm đẫm vị nước chấm chua ngọt có su hào giòn sần sật.

Bánh tôm cứ chiên đến đâu là hết đến đấy, bánh mới nóng hổi vàng ươm khiến không ít người cứ ngày ngày lại cắm chốt nơi đây. Không chỉ là món quà ăn vặt ngon khó cưỡng mà còn bởi chính sự giản dị của ẩm thực phố cổ khiến nhiều người phải mê mẩn.

Chè bà Liên – Chợ Đồng Xuân

Bà Liên đã bán chè 32 năm. Ngày nắng cũng như mưa, bà đều tự tay thực hiện gần 20 món chè khác nhau như chè đỗ xanh, đỗ đen, khoai, sữa chua, caramen… Công việc bắt đầu lúc 4h sáng và tới 9h thì mở hàng.

Đến với gian hàng bà Liên, điều khiến mọi người choáng ngợp chính là màu sắc của những tô chè, xanh đỏ tím vàng bảy sắc cầu vồng đủ cả. Vị ngọt mát, giá cả phải chăng chính là sự lựa chọn thích hợp cho một món tráng miệng sau một bữa đại tiệc thịnh soạn của bạn khi đi hết “mê cung” này.

Ngoài những hàng quán kể trên thì ngõ chợ Đồng Xuân còn vô vàn những món ăn khác nữa mà người viết không thể liệt kê hết được. Thôi thì mời bạn ghé qua ngõ chợ này và tự trải nghiệm xem sao

Chợ Thanh Hà

Có sự thật khá thú vị mà người viết muốn chia sẻ với các bạn, chợ Thanh Hà là ngôi “chợ quê” duy nhất còn sót lại giữa lòng phố cổ Hà Nội và nơi đây cũng được giới “nhà giàu” Hà Nội rất ưa chuộng vì chuyên bán đồ chất lượng tươi ngon.

Nhiều thế kỷ trôi qua, chợ Thanh Hà – ngõ Củ Nâu xưa vẫn trường tồn qua bao mùa mưa nắng, mỗi dịp Tết đến xuân về vẫn nhộn nhịp đông vui, mộc mạc như bức tranh quê giữa lòng Hà Nội.

Nói thì nghe to tát, nhưng thực ra chợ cổ Thanh Hà bé tí teo, đi một lèo chưa đến chục phút là hết. Cả ngõ chợ dài độ hơn trăm mét nhưng hàng quán chi chít 2 bên lối đi, dù chật chội vô cùng nhưng chẳng hiểu sao khách vẫn kéo qua nườm nượp từ sớm đến tối.

Ngõ chợ Thanh Hà nổi tiếng với nhiều món ăn ngon đặc trưng Hà thành và các vùng miền khác như bánh chưng rán, nộm bò khô, bánh bột lọc, nem cuốn, canh bún, chả rươi… với mức giá rất rẻ.

Chợ Thanh Hà - Chợ Đồng Xuân

Thực phẩm trong chợ luôn phong phú và tươi ngon, được chở đến từ nhiều nơi khác nhau quanh Hà Nội như các huyện ngoại thành và cả tỉnh lân cận. Có những người phụ nữ ở các làng quê đạp xe lên mang theo từng buồng chuối, quả bưởi, cá tươi bắt từ những con sông mát lành, vượt hàng chục cây số để đến chợ ngồi bán từ sáng đến chiều. Tiếng lành đồn xa, chợ Thanh Hà đã trở thành địa chỉ quen thuộc được các bà nội trợ sành ăn tin tưởng tìm đến, thậm chí chẳng phải lo mặc cả vì giá lúc nào cũng bình dân!

Theo thời gian đã cải biến quá nhiều khiến ngõ chợ Thanh Hà không còn những nếp nhà cổ đặc trưng theo kiến trúc xưa nữa, song nhiều thế hệ người dân vẫn duy trì thói quen họp chợ mỗi ngày. Đặc biệt vào các dịp lễ Tết, chỉ cần tìm đến ngõ Thanh Hà thì ai cũng sẽ cảm nhận được không khí nhẹ nhàng cổ điển, khác biệt hẳn so với hàng trăm ngõ chợ khác quanh Hà Nội. Cũng đông đúc huyên náo, đủ loại hàng hóa từ đồ ăn sẵn đến tươi sống như bất kỳ chợ nào, song chợ cổ Thanh Hà lại sở hữu những quầy hàng vẹn nguyên nét truyền thống, giản dị chân mộc như bức tranh quê.

Bà cụ lưng còng bán măng tươi ngồi nép trong góc tường rêu phong đã hàng chục năm, cô Hiền rán bánh chưng thuê mái hiên chỉ 1 mét vuông làm chỗ mưu sinh hết nửa cuộc đời trước ngôi nhà số 4, hàng nộm bò khô vỉa hè có thâm niên vài thập kỷ… tất cả họ đã trở thành “linh hồn” của ngõ chợ Thanh Hà, góp phần gìn giữ những nét văn hóa bình dân mang đậm hơi thở cuộc sống tại đây.

Trên đây là bài viết tổng hợp khu phức hợp Đồng Xuân – Thanh Hà, một địa điểm tuy không lớn nhưng để có thể trải nghiệm được tất cả các món ăn thì các bạn có lẽ cần phải đến…vài ngày chứ chưa nói đến những hoạt động vui chơi mua sắm khác. Có thể nói, khu chợ Đồng Xuân – Thanh Hà là một địa điểm cần phải ghé nếu bạn có dịp đến với Hà Nội và muốn hiểu thêm về một nét văn hóa rất riêng của đất thủ đô.

Write A Comment