Demo Example
Demo Example
Demo Example
Ẩm thực Việt

Cơm Tấm – biểu tượng của ẩm thực Sài Gòn

Cơm tấm là một món ăn nổi tiếng, đã làm nên thương hiệu và trở thành một biểu tượng của Ẩm thực Sài Gòn

Cơm tấm Sài Gòn – món ăn “hữu xạ tự nhiên hương”

Nhà văn Dương Trữ La đã viết về quán cơm tấm Trần Quý Cáp trong chủ đề “Nhà văn viết về Sài Gòn” do tuần báo Khởi Hành vào tháng 5/1969 đã từng viết: 

“Ngồi ở quán cơm tấm quen thuộc của những người hay đi ăn ban đêm. Quán cơm tấm bây giờ đã khác nhiều, như con đường chạy ngang trước mặt quán, con đường Trần Quý Cáp. Ngày xưa nó chỉ là môt đoạn đường nối dài cho một con đường có tên rặt Phú Lang Sa. Ngày xưa quán chỉ là một mái lá ẩm mục, hàng cơm được được dọn trên một bộ ngựa phập phều xiêu vẹo. Bà chủ quán cũng ngồi ngay trên ấy với cái rổ đựng tiền có nắp. Khách ăn ngồi quanh bộ ngựa với những chiếc ghế thấp ghép bằng ba tấm ván đơn sơ. Ăn xong, uống một tô trà quế nóng hổi và bàn chuyện nắng mưa của trời đất. Bây giờ con đường đã khang trang sạch sẽ. Đèn điện sáng. Hai dãy phố lầu cao ngất. Quán cũng đổi thay. Hai tầng lầu gạch đúc. Đèn nê ông xanh lè. Khách ngồi bàn ghế cẩn thận, ăn xong, uống trà đá hoặc bia 333. Sự thay đổi tự nhiên của dòng đời. Thương một điều, món ăn vẫn là món cơm tấm bì chan nước mắm.”

Với nhà văn Sài Gòn này, quán cơm tấm Trần Quý Cáp trở thành một phần hay là đại diện cho Sài Gòn trong tâm thế của ông. 

Đối với ông Sài Gòn là cơm tấm – mà phải là cơm tấm Trần Quý Cáp từ mái nhà xiêu vẹo rồi trở thành quán có gạch đúc – vì đó là kỷ niệm của riêng ông. Và bây giờ quán cơm tấm Trần Quý Cáp vẫn còn do con cháu quản lý, phát triển sự nghiệp cơm tấm của gia đình.

Thế nhưng thật tiếc, đây là một trong số rất ít những bài viết về cơm Tấm Sài Gòn, vì chẳng có thơ ca nào lưu lại nên chẳng ai biết cơm Tấm có từ bao giờ. Chỉ được nghe những người Sài Gòn lão niên kể lại rằng, cơm Tấm đã có từ trước năm 45.

Được đặt tên là cơm tấm vì được sử dụng những hạt gạo tấm để nấu thành cơm. Hạt gạo tấm thường ít nở, giá lại rẻ hơn những loại gạo khác trên thị trường, nên nấu cơm tấm để tiết kiệm chi phí. Trước đây, phần đông người gọi cơm tấm là những người nông dân, công dân nghèo, hay các bạn sinh viên, học sinh không đủ điều kiện kinh tế.

Cơm tấm ‘căn bản’ và cơm tấm ‘đại gia’

Sở dĩ nói cơm tấm căn bản là bởi trong ký ức của rất nhiều người, cơm tấm như một toa thuốc bắc cần lục vị rồi mới được thêm vào các vị thuốc trị bệnh khác. Đĩa cơm tấm nhà nghèo chỉ gồm cơm, mỡ hành và nước mắm. 

Được một cái là cơm tấm chan mỡ hành với nước mắm chua ngọt dù sao vẫn ngon hơn tô cơm nguội cứng, khô còng… vét ở đáy nồi. 

Bởi vậy cũng có những hàng cơm tấm nghèo vì người bán ít vốn chuyên bán cho những người nghèo ít tiền chỉ ăn cơm tấm bì hay ngon lắm là bì, chả nào dám mơ miếng sườn mỡ nướng thơm nức mũi.

Cơm tấm biểu tượng sài gòn

Không biết vị cao nhân ẩm thực miền nam nào đã nghĩ ra cách dùng hạt gạo bể nấu cơm rồi dùng mỡ hành, nước mắm chua ngọt làm bạn đồng hành, nâng đỡ mùi vị của nhau. Hương cơm tấm là hương dịu nhẹ của mùi gạo pha lẫn mùi thơm của mỡ xào hành. 

Cơm tấm thiếu mỡ hành nước mắm thì giống như một cô hoa hậu chân dài mà không có hồn văn hóa. Có lẽ cao nhân ẩm thực nói trên cũng là con nhà nghèo mới nghĩ ra cách ăn cơm mà không cần thức ăn yểm trợ như món cơm tấm này. 

Món ăn nhà nghèo đã được người Sài Gòn kế thừa và phát triển, bổ túc bằng đầu lưỡi, bằng cái lỗ mũi hít hà mùi thơm của gạo, của mỡ hành nên về sau có người lại nghĩ ra cách dùng bì heo trộn thính, xắt thành từng cọng nhỏ chế ra món cơm tấm căn bản mới: cơm tấm bì, rồi thêm món chả trứng. 

Có lẽ cơm tấm đã được nhiều vị đại gia thuở đó ăn chút cho biết mùi dân dã, như Chúa ăn tương, rau của trạng Quỳnh, nên từ đó cơm tấm lại được bổ sung thêm một danh sách dài món kèm như sườn nướng, tôm càng, gà chiên, thịt kho tàu…

Ấy là cơm tấm đại gia chứ người nghèo chỉ có toa cơm tấm bì chả, còn ngon hơn một chút là có món sườn nướng. 

Thế là đời phong lưu!

Bây giờ Sài Gòn nói riêng hay Việt Nam có nhiều, rất nhiều quán cơm tấm ở khắp hang cùng ngõ hẻm. 

  • Xem thêm những video hay của Xin Chào Việt Nam tại đây

Write A Comment