Hôm qua tình cờ người biên soạn nội dung có nghe được một đoạn hội thoại ngắn giữa một bạn nhỏ và mẹ của cậu ấy. Bạn nhỏ chừng 5-6 tuổi, rất hoạt bát và nhanh nhẹn, có hỏi mẹ rằng: “Mẹ ơi cái ông béo béo hói đầu đi trước đoàn múa lân kia là ai hả mẹ?”
- Ông Địa đó con – mẹ cậu liền đáp.
- Ông Địa là ai vậy ạ? – cậu bé hỏi tiếp.
Đến đây, mẹ cậu lúng túng và tảng lờ sang chuyện khác.
Để giải cứu bà mẹ trên cũng như những ông bố bà mẹ trên khắp Việt Nam nói chung, Xin Chào Việt Nam sẽ giải thích về hình ảnh ông Địa trong đoàn múa lân sư rồng ngày Trung Thu.
- Ông Địa Trung thu là nhân vật như thế nào?
Trong tất cả các đoàn lân, không khó để nhận ra ông Địa. Thông thường, đây là nhân vật thu hút sự chú ý của trẻ con nhất, vì ông Địa luôn bày tỏ sự vui vẻ, ngộ nghĩnh và trêu đùa các bạn nhỏ với chiếc quạt phe phẩy trên tay. Ông Địa có thân hình to lớn, nổi bật là cái bụng phệ, đầu trọc, gương mặt hiền từ và miệng cười ngoác đến mang tai. Trên tay ông Địa luôn cầm một chiếc quạt và bước đi với dáng đi ngạo nghễ, lắc lư theo nhịp trống.
Theo những câu chuyện xưa kể lại, cách đây hàng nghìn năm, nhân gian không được sống yên bình vì sự xuất hiện của con Lân. Mỗi năm, loài vật này lại xuống trần gian phá hoại mùa màng và bắt người ăn thịt. Khắp nơi, người dân đều lo sợ, ai oán và kêu than. Trước sức tàn phá của con Lân mà mùa màng và hoa màu của người dân cũng bị thất thu, tình cảnh chết đói xảy ra liên miên. Trước tình cảnh khốn cùng của người dân, Phật Di Lặc đã hạ phàm và hóa thành một ông lão có gương mặt tròn phúc hậu, bụng phệ và cầm quạt phe phẩy – hay còn gọi là ông Địa để cứu trần gian thoát khỏi tai ương.
Ông Địa có khả năng thu hút được sự chú ý của con Lân và nhử nó ăn loại cỏ tiên có tên là Linh Chi Thảo để cảm hóa loài vật hung dữ này. Từ khi ăn cỏ tiên ngàn năm, con Lân bỗng nhiên trở nên hiền lành, thuần tính và gần gũi hơn với người dân. Không những vậy, Lân bắt đầu yêu thích nhảy múa mua vui cho người dân. Sau khi cứu nhân độ thế, ông Địa cưỡi Lân mây bay về trời. Cứ thế hàng năm, ông Địa lại cưỡi Lân xuống trần gian để ghé thăm từng nhà và chúc phúc cho người dân. Cũng chính nhờ câu chuyện này mà mỗi vào mỗi dịp Trung thu, người người nhà nhà lại hân hoan mở cửa chào đón ông Địa Trung thu và đoàn lân, sư, rồng như một cách để mong cầu may mắn, phát tài phát lộc.
Đọc thêm: Cơm Âm Phủ – Tinh hoa ẩm thực Huế và kì bí liên quan đến tên gọi
- Ý nghĩa của hình tượng ông Địa.
Từ câu chuyện dân gian xưa, chúng ta có thể phần nào hiểu được về ý nghĩa của ông Địa Trung thu trong các đoàn múa lân. Về khía cạnh giải trí, ông Địa luôn là nhân vật mang yếu tố mua vui với các hành động trêu chọc con Lân hay đùa giỡn với các bạn nhỏ, khuấy động bầu không khí của buổi múa lân. Về khía cạnh tâm linh, ông Địa còn mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, xua đi những vận xui cho gia chủ. Ông Địa dẫn dắt đoàn lân đẩy đuổi âm khí, mang đến tài lộc, thịnh vượng, may mắn và sức khỏe cho tất cả mọi người.
Ngày nay, không chỉ múa lân Trung thu mới có ông Địa, mà nhu cầu của mọi người khi mời các đoàn múa lân cũng đa dạng thời điểm và tính chất tổ chức sự kiện hơn, ông Địa Trung thu có thể xuất hiện trong dịp như:
- Các buổi lễ khai trương cửa hàng, công ty
- Các buổi lễ nhân dịp khánh thành một doanh nghiệp, một dự án,…
- Các buổi lễ khai giảng bắt đầu một năm học mới.
- Các sự kiện quảng bá sản phẩm.
Dù các sự kiện có tính chất khác nhau, nhưng sự xuất hiện của ông Địa vẫn mang đến những ý nghĩa chung nhất, đó là đón đợi sự may mắn, thành công, thịnh vượng, gửi gắm hy vọng khởi đầu thuận lợi và xua đuổi những điều tà ma, tiêu cực trong cuộc sống.
Với những thông tin kể trên, có thể khẳng định ông Địa là nhân vật không thể thiếu trong các màn biểu diễn múa lân không chỉ mỗi dịp Trung thu mà còn nhiều sự kiện quan trọng khác. Ông Địa Trung thu chính là biểu tượng truyền thống của sự may mắn, thịnh vượng mà tất cả mọi gia đình đều mong muốn có được.
Từ đây, Xin Chào Việt Nam hy vọng các ông bố, bà mẹ đã có câu trả lời cặn kẽ mỗi khi các bạn nhỏ hỏi ông Địa là ai?
Xem các video hay của Xin Chào Việt Nam tại đây
Comments are closed.