Demo Example
Demo Example
Demo Example
Chuyện Việt Nam

Biện giải về kỳ án Hồ Dâm Đàm

Theo sử liệu, ông Lê Văn Thịnh sinh ngày 11/2/1050 ở thôn Bảo Tháp, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Năm 25 tuổi, ông đỗ đầu khoa thi đầu tiên của Nho học Việt Nam. Dù lúc này chưa có danh hiệu Trạng nguyên, song trong các sử liệu ông được xem là vị Trạng nguyên đầu tiên trong lịch sử khoa bảng Việt Nam.

Ban đầu ông được vào hầu vua học, sau thăng chức Nội cấp sự rồi đến Thị lang Bộ Binh. Năm 1084, ông thành công trong việc bàn nghị về việc cương giới với quan nhà Tống. Khiến nước này phải trả lại 6 huyện 3 động thuộc châu Quảng Nguyên (nay là phần đất ở phía Tây Bắc tỉnh Cao Bằng mà họ đã chiếm) cho Đại Việt (nay là Việt Nam). Sau đó, ông được phong đến chức Thái Sư. 

Các sách chính sử đều chép về vụ án này. Sách Đại Việt sử lược ra đời vào thời Trần kể lại vụ án như sau:

Mùa đông, tháng 11, năm Ất Hợi (1095), nhà vua (Lý Nhân Tông) xem đánh cá ở Diêu Đàm (hay Dâm Đàm, nay là Hồ Tây, Hà Nội). Lúc bấy giờ vua ngự trong một chiếc thuyền nhỏ, thị vệ theo hầu rất ít. Thái sư Lê Văn Thịnh vốn có mưu gian, nhân cơ hội ấy mới dùng ảo thuật làm khói sương nổi thoắt lên bao phủ cả mặt hồ, ban ngày mà tối tăm mù mịt. Một lát, nhà vua nghe tiếng mái chèo sắp đến gần, vua có ý sợ xảy ra tai biến mới lấy cái mác phóng ra. Khói sương theo cái mác mà tan biến đi thì thấy thuyền của Lê Văn Thịnh đã đến gần, với đồ hung khí. Vua sai người bắt giữ Lê Văn Thịnh lại rồi hạ chiếu đem an trí ở miệt Thao Giang. Trước kia, trong nhà Lê văn Thịnh có tên đầy tớ là người Đại lý (tức Vân Nam, Trung Quốc ngày nay), giỏi làm ảo thuật, Lê Văn Thịnh học được phép của nó. Và, đến đây thì làm phản”.

Sau đó, sách Đại Việt sử ký toàn thư ra đời vào thời Hậu Lê, kể lại vụ án như sau:

“Mùa xuân, tháng 3, Lê Văn Thịnh mưu làm phản, tha tội chết, an trí ở Thao Giang. Bấy giờ vua (Lý Nhân Tông) ra hồ Dâm Đàm, ngự thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném. Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ, mọi người sợ tái mặt, nói: “Việc nguy rồi!”. Người đánh cá là Mục Thận  quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Vua nghĩ Thịnh là đại thần có công giúp đỡ, không nỡ giết, đày lên trại đầu Thao Giang. Trước đấy Lê Văn Thịnh có gia nô người nước Đại Lý có phép thuật kỳ lạ, cho nên mượn thuật ấy toan làm chuyện thí nghịch.

So lại, nội dung vụ án khá giống nhau, tuy nhiên về sau rõ ràng có sự thêm thắt (rất hoang đường) khi cho rằng Lê Văn Thịnh đã “hóa hổ” để mưu sát. Vụ án trên, lâu nay người ta đã bàn nhiều, có người nói vì ông bị nghi kỵ, nên bị hạ bệ; có người nói ông là nạn nhân bởi “sự xung đột ý thức hệ giữa Phật giáo (Quốc giáo, mà người đứng đầu là Thái hậu Ỷ Lan và vua Lý Nhân Tông) và Nho giáo (mà đứng đầu là ông).

Mâu thuẫn xảy ra khi Lê Văn Thịnh làm Thái Sư. Việc khuyến khích vua “giảm biên chế” đã động chạm đến tăng lữ vốn có tiếng nói trong triều đình. Thêm nữa, ông và Lý Thường Kiệt kiên quyết đòi đất trong khi phần lớn muốn an thân, đại diện là vua và thái hậu. Vị danh tướng mang quốc tính bị đẩy đi Thanh Hóa, Lê “Trạng Nguyên” chỉ đòi được Quảng Nguyên. Điều này có thể thấy rõ.

Thứ hai, hiện trường vụ án. Vốn dĩ mùa đông hồ Dâm Đàm đã có sương mù. Huống chi, một ông vua “xem đánh cá” với thuyền nhỏ và một ít lính hầu có hợp lý? Phải chăng điều kiện khói tỏa ngàn sương đã khiến tâm thần ông vua hoảng hốt? Ông Thái Sư có “pháp thuật” không thể dễ dàng bị nhóm lính ít ỏi bắt được. Hơn nữa, nếu có dự mưu tại sao ông không lợi dụng sương mù để đâm vua? Và, Lê Văn Thịnh có lợi gì khi giết vua Lý Càn Đức?

Thứ ba, chi tiết “hóa hổ”. Đại Việt sử lược (ĐVSL) – cuốn sử thời Trần không hề nói đến hổ hay nhân vật Mục Thận. Trong khi Đại Việt sử ký toàn thư(ĐVSKTT) – chính sử được cho phép sử dụng tư liệu dân gian lại ghi chép điều này. Rõ ràng, hai chi tiết này phải xuất hiện sau Đại Việt sử lược và trước Việt điện u linh. Chắc hẳn, chi tiết ấy do dân gian thêm vào và giai thoại được gọi là giai thoại vì nó hư cấu, một phần hoặc hoàn toàn.

Đọc thêm: Trạng Quét nổi danh trong lịch sử

Cuối cùng là việc thi hành án. Nếu Lê Văn Thịnh có ý mưu sát vua thì ông đã phạm tội thí nghịch. Tội này là một trong thập ác, ít nhất là xử tử nhưng ông chỉ bị đày. Vua Lý từ bi hay nhớ nghĩa thầy trò? Lại là suy đoán: Lý Nhân Tông biết Lê Văn Thịnh bị oan.

Vào rằm tháng 2 năm 1096, Linh Nhân đến chùa Phổ Ninh để tham thiền với Quốc Sư Thông Biện. Ở đây, có nghi vấn về thời gian thi hành án của vụ án hồ Dâm Đàm. ĐVSKTT viết vụ án xảy ra vào tháng 3/1096, ĐVSL chép là tháng 11/1095. Có phải vụ án xảy ra vào tháng 11/1095; thi hành án tháng 3/1096 và Linh Nhân đã bàn bạc với Quốc Sư việc xử trí Thái Sư vào tháng 2/1096 chăng?

Dù bị triều đình kết án, rồi phao tin chuyện hoang đường, nhưng người dân vẫn không tin là sự thực. Sau khi Lê Văn Thịnh mất, người dân đã lập đền thờ và lưu truyền những tập tục riêng biệt trong lễ tế ông. Các vua triều đại sau truy tặng, phong thần nhiều lần. Việc ai đó tạc một pho tượng thân rắn, nhưng tư thế và móng vuốt của rồng, tự cắn xé thân mình, rồi chôn xuống đất, nơi là nhà ông ở, rồi là đền thờ ông, đã thể hiện rõ niềm tin vô tội của ông.

Nguồn

– Những vụ án nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, Nhật Nam, NXB KH XH, 2013

– Giai thoại Thăng Long, Vũ Ngọc Khánh, NXB VH TT, 2005

Xem thêm các video hay của Xin Chào Việt Nam tại đây:

Comments are closed.