Demo Example
Demo Example
Demo Example
Văn hóa dân gian

Top những món đồ chơi Trung Thu ngày xưa

Người biên soạn nội dung của Xin Chào Việt Nam từng có cơ hội được sống và trải nghiệm khoảng thời gian tuổi thơ khốn khó khi Việt Nam mới hết thời kỳ bao cấp và bắt đầu mở cửa. Khi đó, ngày Trung Thu với những gia đình Việt rất ý nghĩa, đầy ắp tiếng cười và nhiều kỷ niệm khó quên. Hôm nay, hãy cùng Xin Chào Việt Nam ôn lại những kỷ niệm ấy thông qua những món đồ chơi Trung Thu “đỉnh cao” thời bấy giờ.

  1. Đèn lồng từ vỏ lon hay “ống bơ”

Đèn lồng làm từ vỏ lon bia hay ống bơ là món đồ chơi Trung thu không thể thiếu của trẻ em Việt Nam xưa. Điều thú vị của món đồ chơi này chính là việc “tái chế” các món đồ đồng nát thành một chiếc đèn lồng rực rỡ để rước khắp phố.

Cách làm thì rất đơn giản:  chuẩn bị 1 vỏ lon bia (có thể thay thế bằng lon sữa, nước ngọt), 1 thước kẻ, 1 cây bút, 1 cây kéo, 1 cây dao rọc giấy, 1 tờ giấy nhám, 1 cuộn dây buộc quà và nến. Kế đến, hãy sử dụng kéo để cắt bớt phần miệng lon bia, sau đó dùng giấy nhám mài mòn nhằm đảm bảo miệng lon bia hoặc nhiều người cũng bỏ qua bước này luôn cho nhanh

Đặt lon bia nằm dọc, lấy thước và bút vẽ những đường thẳng vòng quanh lon bia với khoảng cách 1cm – 2cm. Sử dụng dao rọc giấy cắt theo các đường thẳng vừa vẽ, sau đó dùng băng dính hai mặt cố định điểm đầu và điểm cuối của lon bia. Dùng tay bóp nhẹ phần trên và phần dưới của lon bia cùng một lúc để các cạnh vừa cắt phình ra.

Dùng vật nhọn, có thể là đinh móc hay mũi kéo để khoan 3 lỗ nhỏ trên miệng lon. Tiếp tục xâu dây qua 3 lỗ vừa khoan và cố định thật chắc chắn. Cẩn thận đặt cây nến nhỏ vào giữa đáy lon là đã có thể hoàn thành công đoạn cuối của chiếc lồng đèn.

  1. “Pháo” hạt bưởi.

Đốt pháo hạt bưởi là trò chơi rất thú vị. Nó khiến cho mỗi đứa trẻ phải cười vang khi chơi vì thích thú. Sau mỗi lần ăn bưởi những đứa trẻ lại nhanh chóng thu lại những hạt bưởi để đem đi phơi. Sau khi đã tích trữ được một lượng hạt bưởi kha khá chúng sẽ kiếm những sợi dây thép nhỏ để xâu chuỗi những hạt bưởi thành các tràng dài. Những tràng hạt này sẽ được buộc vào một cái gậy để làm tay cầm, tránh bị bỏng khi chơi. Trong hạt bưởi có tinh dầu nên khi đốt nó tỏa ra một hương thơm vô cùng dễ chịu. 

Pháo hạt bưởi khô khi đốt tỏa sáng rực rỡ kèm tiếng nổ lép bép và mùi khen khét của hạt bưởi cũng là một món đồ chơi Trung thu tự chế thú vị của trẻ em Việt.

  1. Đèn cù

Nhà nào có điều kiện thì sẽ mua đèn cù ngoài chợ, còn nhà nào có thời gian, cha mẹ có thêm chút khéo tay thì sẽ tự làm đèn cù tại nhà. Sở dĩ đèn có tên như vậy vì khi di chuyển, nó có thể quay như cái cù (con quay – một loại đồ chơi ngày xưa). Theo lời các nghệ nhân, đèn này còn được gọi là đèn ông sư, vì chao đèn trông giống hình dạng chiếc mũ của các vị hòa thượng.

Cần khá nhiều công đoạn để làm một chiếc đèn cù như chẻ nứa, tiện bánh xe, uốn và trang trí chao đèn. Chao đèn có 6 cánh, được dán giấy bóng kính màu, thường là 2 màu vàng, 2 màu đỏ, 1 màu xanh và 1 màu tím. Việc dán giấy cần sự khéo léo, tỉ mỉ. Lượng hồ phải vừa đủ, phết với lực nhẹ và dùng tay kéo căng, sau đó miết tay nhẹ ở các góc thì đèn mới đẹp. Sau khi hồ đã khô khoảng 5 phút, đèn được vẽ sơn trang trí, với 2 họa tiết chính là hoa đồng tiền và bó lúa, tượng trưng cho văn hóa Việt Nam.

Cuối cùng, người ta cài then ngang qua chao đèn, buộc lõi dây thép và cắm đế đèn vào một bánh xe gỗ bên dưới. Đây cũng là công đoạn khó nhất bởi nếu cắm không chuẩn, khi sử dụng đèn sẽ bị tuột. Đèn cù có thể quay được nhờ bánh xe một cạnh tiếp xúc với đế đèn, cạnh kia lăn trên đất. Cán đèn được làm từ cây đay khô dài khoảng 1m, được vót thẳng rồi dán giấy màu xung quanh.

Khi chơi, trẻ em thường cắm nến vào giữa chao đèn, cầm cán đẩy đèn trên mặt đất. Ánh sáng chiếu qua giấy bóng kính khi đèn xoay tròn sẽ tạo ra hiệu ứng lấp lánh trên mặt đất.

Đọc Thêm: 8 Đại kỵ cần tránh khi đi đám cưới ngày xưa

  1. Giỏ thị.

Món quà đơn sơ mà trẻ con ngày xưa hầu như đứa nào cũng có, có lẽ là giỏ thị. Quả thị vàng thơm, đặt trong chiếc giỏ nhỏ xinh được đan bằng những sợi len hoặc chỉ màu, nhà đứa nào cầu kỳ hơn sẽ thêm vài hạt cườm để trang trí. Tiết Trời bắt đầu sang thu là lúc thị chín thơm, tụi trẻ con thích nhất treo giỏ thị chỗ bàn học, đi học cũng cầm theo đi để khoe với bạn bè.

Món quà này vừa đẹp mắt, vừa dễ làm, lại còn có mùi thơm. Đây là được coi là món đồ chơi hoàn hảo về mọi mặt thời bấy giờ.

  1. Ông tiến sĩ giấy

Ông tiến sĩ giấy thường được làm bằng giấy màu đỏ, màu vàng, có hoa cài mũ, thẻ bài cầm tay, mão trạng nguyên và áo bào sặc sỡ, dưới chân áo được trang trí cờ quạt, họa tiết ông hổ giản dị nhẹ nhàng. Khuôn mặt ông tiến sĩ được trang trí tươi tắn, hiền hậu, có hồn thích hợp để làm đồ chơi cho trẻ em.

Tết Trung thu cũng là lúc trẻ bắt đầu cắp sách tới trường, phụ huynh đã gửi gắm vào các món đồ chơi dân gian này với mong muốn con em mình học hành giỏi giang, sau này lớn lên sẽ thành đạt, làm những việc có ích cho xã hội.

Do đó, ý nghĩa của ông Tiến sĩ là biểu tượng của sự giỏi giang, công danh thành đạt. Còn hai ông đánh gậy đi bên cạnh là biểu tượng khi con cháu mình thành đạt sẽ có người bảo vệ, che chở bên cạnh.

Trước đây, ông tiến sĩ giấy chính là đồ chơi Tết Trung Thu ý nghĩa nhất đối với các bạn nhỏ, đặc biệt là các bé đã đến tuổi đi học. Đó là một món quà trân quý nhất mà người lớn trong nhà gửi gắm cho con cháu mình với mong muốn các em học hành chăm chỉ, đỗ đạt thành tài. Đây cũng là biểu tượng cho truyền thống hiếu học của dân tộc ta ẩn chứa trong món đồ chơi Trung Thu nhỏ xinh cho các bé.

  1. Đèn kéo quân.

Món đồ chơi thể hiện được sự “giàu sang phú quý” Trung Thu ngày xưa. Người ta thường bảo, nhà nào có đèn kéo quân thì nhà đó giàu lắm vì món đồ chơi này rất khó làm, thường sẽ được đi mua và giá thời đó thì không hề rẻ.

Cây đèn kéo quân có mục đích ban đầu là để trẻ em nhớ về lịch sử cũng như giáo dục lòng yêu nước, nên hình ảnh trên cây đèn thường nói về việc nghĩa, về những đoàn quân lính xung trận (nguồn gốc của tên gọi “kéo quân”). Về sau người ta mở rộng nhiều đề tài khác như thêm ông quan trạng vinh quy bái tổ, cảnh tứ linh nhảy múa, bác nông dân làm ruộng, mục đồng chăn trâu,… và đến nay là các yếu tố hiện đại hoặc giải trí như Tôn Ngộ Không, mèo máy Đôrêmon, thủy thủ Mặt Trăng…

Loại đèn này làm theo quy cách ngoài vuông trong tròn.

Bốn mặt ngoài của đèn được dán giấy bóng kính như bốn màn ảnh.

Bên trong:

Chính giữa là một cái trục thẳng đứng làm bằng một thanh tre thẳng, vót tròn (chỉ nhỉnh hơn chiếc xe điếu), chốt bằng hai kim nhọn hai đầu. Trục dài ngắn tùy thuộc kích thước đèn cao thấp, có thể từ năm, sáu mươi phân, đến nhiều mét.

Xung quanh trục đèn, những vòng trụ giấy dán nội dung của chiếc đèn như hình người, thú, cảnh vật,… được sắp xếp, gá buộc thành nhiều tầng gọi là các tầng đèn. Để cho có nhiều hình phong phú, người ta lồng và cắt dán đến bốn, năm tầng.

Do trục trơn và các hình nhẹ nên khi đốt đèn, lửa sẽ làm nóng không khí bên trong khiến không khí giãn nở và tăng thể tích, khiến trọng lượng riêng của khí giảm. Khí nóng nhẹ bay lên va vào vòng trụ sẽ làm cho đèn quay. Luồng không khí bên ngoài nặng hơn luồng vào tiếp tục được đốt nóng, bay lên tạo thành dòng đối lưu trong không khí làm đèn tiếp tục quay.

Để Đèn Kéo Quân càng thêm đẹp mắt, người ta còn đưa ra những ý tưởng khác nhau cho việc lựa chọn màu giấy dán. Với giấy dán màu trắng đó chính là một màn chiếu hình ảnh rõ nét. Với giấy dán màu thì hình phản chiếu sẽ nhạt hơn tùy vào màu sắc giấy dán mà có thể bóng hình màu đen thẫm.

Những món đồ chơi này không chỉ đẹp mắt, là thứ khiến cho ngày Trung Thu – ngày Tết dành riêng cho trẻ nhỏ thêm phần ý nghĩa – mà còn mang trong mình những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời. Hy vọng rằng những món đồ chơi này sẽ được xuất hiện trở lại nhiều hơn nữa trong ngày Tết Trung Thu tại Việt Nam.

Xem thêm các video của Xin Chào Việt Nam tại đây:

Comments are closed.