Ngụy Như Kon Tum, một người thầy lớn hội tụ những giá trị lớn, hơn là tìm gặp người thân. Bởi có thể ai cũng thấy, dường như vẫn còn đâu đó trên giảng đường Ngụy Như Kon Tum phố Lê Thánh Tông, ở phố Ngụy Như Kon Tum quanh Trường Đại học Tổng hợp (cũ), dường như vẫn ẩn hiện đâu đó vầng trán rộng thanh thản của nhà vật lý tài ba và đức độ của Giáo sư Hiệu trưởng. Chính nhân cách lớn của ông trở thành tài sản tinh thần dưỡng nuôi truyền thống của một trường lớn nhất quốc gia.
GS Ngụy Như Kon Tum sinh năm 1913 là người gốc Huế, nhưng được sinh ra và có tuổi thơ ở Gia Lai, Kon Tum. Bố ông là cụ Ngụy Như Bích, một chủ sự bưu điện, một thầy thuốc có tiếng, nhiều năm đưa vợ con đi làm ăn khắp vùng Tây Nguyên và Lào, thường lấy địa danh các vùng đất đặt tên cho những người con được sinh thành tại đấy. Vì thế mà GS Ngụy Như Kon Tum có một người chị gái tên là Ngụy Như Ban Mê Thuột.
Năm 11 tuổi Kon Tum vào học lớp Nhì của Trường Cao đẳng Tiểu học Huế, rồi sau học tiếp Trường Thành chung rồi Trường Quốc học. Nhờ thông minh và ham học, ông đã phấn đấu trở thành một học sinh xuất sắc của Trường Quốc học Huế, đậu “đíp-lôm”(diploma) vào năm 1930 và được học bổng ra học Ban tú tài bản xứ ở Trường Bưởi-Hà Nội.
GS Nguyễn Xiển (nguyên Chủ tịch UB Hành chính Bắc Bộ) kể lại: “Cấp học này chỉ tuyển số học trò đã đậu hạng xuất sắc của các Trường Quốc học Trung kỳ và các Trường Thành chung Bắc Kỳ. Anh Kon Tum đã đạt cả hai bằng nói trên (trước đó 3 năm mới chỉ có GS Tạ Quang Bửu cũng đạt cả 2 bằng này). Vì thế, Ngụy Như Kon Tum được cấp học bổng toàn phần sang Paris học đại học”.
Sang Pháp được 3 năm Ngụy Như Kon Tum đã lấy bằng cử nhân khoa học, thêm 3 năm sau đó ông đỗ bằng Thạc sĩ Vật lý. Đầu năm 1939 ông được nhà bác học người Pháp nổi tiếng, GS Giôliô Curie(Frédéric Joliot-Curie – ông là con rể của nhà bác học thiên tài Marie Curie) hướng dẫn làm luận án Tiến sĩ Vật lý. Đây là thời gian Ngụy Như Kon Tum bắt đầu tiếp xúc với những tư tưởng yêu nước và tiến bộ.
Năm 1939, khi chủ nghĩa phát xít mở cuộc đại chiến thế giới thứ hai, thạc sĩ Vật lý đầu tiên của Việt Nam, Ngụy Như Kon Tum 26 tuổi, cũng từ biệt người thầy, nhà bác học vật lý nổi tiếng của Pháp Giôliô Curie và phòng thí nghiệm ở Paris trở về Tổ quốc. Trên chiếc tàu thủy từ Pháp chạy về Sài Gòn, những nhân viên Việt Nam vô cùng ngạc nhiên và phấn khích khi lần đầu tiên họ được phục vụ cho một người khách ngồi ở ghế loại 1 lại chính gốc là người Việt Nam. Xưa nay, ngồi ở ghế ấy chỉ là người Pháp hoặc người ngoại quốc. Lần này lại chính là GS Ngụy Như Kon Tum, tuy lúc ấy anh mới 26 tuổi, nhưng mái tóc đã bạc trắng…
Sinh thời Giáo sư, NGND Ngụy Như Kon Tum tâm sự rằng: “Rất tiếc khi tôi đang làm luận án Tiến sĩ mới được một năm thì đại chiến thế giới thứ 2 bùng nổ. Phòng thí nghiệm của nhà bác học G.Curie bị Bộ Quốc phòng Pháp trưng dụng. Giáo sư G. Curie khuyên: nếu muốn tiếp tục ở lại phải có hai điều kiện là xin nhập quốc tịch Pháp và được Bộ Quốc phòng Pháp tuyển dụng, nhưng tôi nghĩ rằng đất nước của anh cần anh hơn là nước Pháp”. Ngụy Như Kon Tum nghe theo lời khuyên chân thành đó và trở về nước vào cuối năm 1939.
Đọc thêm: Những Ông Tổ Nghề nổi danh của người Việt
Là Thạc sỹ Vật lý đầu tiên của nước ta, sau một năm về nước dạy ở Trường Sát-xơ-lu Lôba (Chasseloup) ở Sài Gòn, năm 1941 GS Ngụy Như Kon Tum ra Hà Nội dạy ở Trường Bưởi lúc phong trào Việt minh chống Pháp đang dâng cao trên toàn quốc.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, chiều 22/8/1945, nhiều trí thức và sinh viên, thanh niên học sinh tổ chức mít tinh ủng hộ cách mạng ở Khu học xá Đông Dương. Lúc này, GS Ngụy Như Kon Tum đã là Giám đốc Khu học xá Đông Dương. Tại buổi mít tinh này các GS Nguyễn Xiển, Nguyễn Văn Huyên, Hồ Hữu Tường và Ngụy Như Kon Tum lên diễn đàn phát biểu ý kiến đồng thanh ủng hộ Việt Minh.
Ngay ngày hôm sau 23/8/1945, GS Ngụy Như Kon Tum cùng các GS Trường Bưởi đã ký một bức điện đòi Bảo Đại thoái vị, giao quyền cho Việt Minh thành lập Chính phủ. Lúc ấy, đích thân cụ Ngụy Như Bích đang làm chủ sự phòng bưu điện Huế đã đến trao tận tay cho Bảo Đại bức điện này.
Có một sự kiện tác động lớn đến lý tưởng của GS Ngụy Như Kon Tum. Đó là, sau ngày đọc Bản Tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 2/9/1945 mấy ngày, dù bận trăm công ngàn việc lúc thế nước đang ngàn cân treo sợi tóc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian đến thăm Khu học xá Đông Dương và nhà riêng của Giám đốc Ngụy Như Kon Tum.
Còn một chuyện khác mà mỗi lần có ai nhắc lại, GS Kon Tum coi kỷ niệm đó là đức sáng cao cả của Bác Hồ. Đó là năm 1946, Bác Hồ cho mời GS lên ngỏ ý giao cho ông giữ chức Bộ trưởng Giáo dục.Và thật bất ngờ, GS xin từ chối nhận nhiệm vụ đó với lý do “Bộ trưởng Giáo dục phải là người có chuyên môn sâu rộng về khoa học xã hội và nhân văn thì quản lý, sáng tạo mới tốt. Tôi là người làm khoa học tự nhiên, e khó hoàn thành được nhiệm vụ”. Nghe xong, Bác Hồ đề nghị GS Ngụy Như Kon Tum tiến cử người khác, và không ngần ngại, ông thưa ngay: “Người làm Bộ trưởng Giáo dục tốt nhất là Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên”. Ai cũng biết, sau đó Bác Hồ và Chính phủ đã bổ nhiệm GS.TS Nguyễn Văn Huyên làm Bộ trưởng và ông Huyên giữ chức vụ này suốt 30 năm (từ 1946 – 1975). Bản thân GS Kon Tum sau đó đã vui lòng nhận chức Giám đốc Trung học vụ (trực thuộc Bộ Giáo dục).
Chính đức sáng cao cả của Bác Hồ đã hấp dẫn, đoàn kết tất cả tầng lớp trí thức, lôi cuốn GS Ngụy Như Kon Tum khoác ba lô rời Hà Nội lặn lội lên núi rừng Việt Bắc cùng toàn dân chống Pháp. Nhiều trí thức Việt Nam lúc bấy giờ rất xúc động khi nhìn thấy hình ảnh vợ chồng GS Ngụy Như Kon Tum – Nguyễn Thị Đỗ đi bộ trèo đèo lội suối với bàn chân rớm máu. Bà Đỗ từng là hoa hậu của Hà Nội, là con gái đầu của GS Nguyễn Đình Phong dạy văn học ở Trường Bưởi. Câu chuyện gia đình Giáo sư Ngụy Như Kon Tum và một đội ngũ trí thức Việt Nam có uy tín, tên tuổi không quản ngại gian khổ hy sinh, lên núi rừng Việt Bắc, vì đại nghĩa của dân tộc mà xả thân, hoà mình vào cuộc kháng chiến của toàn dân chống Pháp mãi mãi là một bài học lịch sử có giá trị.
Chuyện GS Kon Tum được cử làm Hiệu trưởng Trường ĐH Tổng hợp cũng hết sức bất ngờ. Theo GS VS Nguyễn Duy Quý, khi Chính phủ quyết định thành lập Trường ĐH Tổng hợp vào năm 1956, Bộ Giáo dục đệ trình lên Chủ tịch nước danh sách đề nghị những người đảm trách chức Hiệu trưởng, nhưng không có tên GS Kon Tum. Xem danh sách, Bác Hồ liền nói: “GS Ngụy Như Kon Tum hiện đang làm gì? Nên để GS làm hiệu trưởng là hợp nhất”. Đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bổ nhiệm GS Ngụy Như Kon Tum giữ chức Hiệu trưởng Trường ĐH Tổng hợp.
Bác Hồ còn nói cụ thể: GS Ngụy Như Kon Tum chưa là đảng viên nên giữ chức Hiệu trưởng, GS Toán học Lê Văn Thiêm là đảng viên nên giữ chức Phó Hiệu trưởng, Kiêm Bí thư Đảng ủy (GS Lê Văn Thiêm là nhà Toán học, Việt kiều ở Pháp theo Bác Hồ về nước năm 1946). Có lẽ, cảm động trước sự quan tâm của Bác Hồ đối với trí thức, lại được soi rọi bởi ánh sáng nhân văn cao cả của vị Lãnh tụ tối cao, Đại trí thức Hồ Chí Minh mà suốt đời mình GS Ngụy Như Kon Tum thủy chung với Đảng, với dân tộc.
Thời ấy, có nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhiều cán bộ khoa học thường hay gọi GS Ngụy Như Kon Tum bằng một cái tên trân trọng trìu mến “Nhân sĩ yêu nuớc”. Đây là một cụm từ rất trang trọng để giới thiệu về những trí thức ngoài Đảng, có uy tín trong giới trí thức, cả trong và ngoài nước.
Dù chưa phải là đảng viên Cộng sản nhưng GS Kon Tum luôn mang trong mình tinh thần cao đẹp của một người đảng viên suốt đời cống hiến cho lý tưởng của Đảng, suốt đời phấn đấu sống theo gương Bác Hồ vĩ đại. GS.TS Toán học Phan Văn Hạp, nguyên Hiệu phó Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội tâm sự: “Thầy Kon Tum lúc nào cũng tận tâm tận lực. Những lớp cán bộ kế cận, các thế hệ học trò luôn cảm nhận ở GS ngoài tài năng đức độ của người thầy, còn mang đậm hình ảnh ngời sáng của Bác Hồ, người mà thầy Kon Tum chịu nhiều ảnh hưởng nhất”.
Suốt 26 năm làm Hiệu trưởng, GS đã cống hiến hết sức mình cho sự ra đời và phát triển của Trường ĐH Tổng hợp HN, sống giản dị, thanh bạch, liêm khiết, chí công vô tư. Năm 1982, GS về hưu sau khi được phong danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. 8 năm sau ông được Nhà nước phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân dịp 20/11/1990. Một năm sau, năm 1991, GS Nhà giáo Nhân dân Ngụy Như Kon Tum qua đời tại Hà Nội.
Xem thêm video hay của Xin Chào Việt Nam tại đây:
Comments are closed.