Demo Example
Demo Example
Demo Example
Con người Việt Nam

Những Ông Tổ Nghề nổi danh của người Việt

Phạm Đôn Lễ, Lương Như Hộc, Lê Công Hành, Đặng Huy Trứ không chỉ là những danh nhân, nhà ngoại giao có nhiều cống hiến cho đất nước. Họ còn có công mang những kỹ thuật mới về với người Việt, được nhân dân suy tôn làm ông tổ nghề.

Trạng chiếu Phạm Đôn Lễ

Trạng chiếu Phạm Đôn Lễ

Phạm Đôn Lễ (1457 – 1531), quê gốc Tứ Kỳ, Hải Dương, nay thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Thông minh, học giỏi từ nhỏ, ông đỗ đầu cả 3 kỳ thi (Hương, Hội, Đình) dưới thời vua Lê Thánh Tông.

Làm quan dưới triều vị vua anh minh bậc nhất sử Việt, giỏi cả văn thơ, kinh tế, chính trị nên Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ rất được triều đình trọng dụng, uy tín cao, thăng dần đến Tả thị lang, Thượng thư, được cử đi sứ nhà Minh.

Khi qua vùng Quế Lâm (Trung Quốc), tình cờ thấy kỹ thuật dệt chiếu bằng ngựa đỡ của người dân nơi đây tạo ra được những tấm chiếu đẹp, bền hơn so với cách dệt của người Nam, Phạm Đôn Lễ đã dừng bước tìm hiểu, học nghề, mua bàn dệt mang về.

Về nước, ông đưa kỹ thuật dệt chiếu này truyền lại cho nhân dân trong vùng. Kỹ thuật mới này giúp sợi đay được căng trên ngựa đỡ, thuận lợi cho người trao chiếu (tức trao cói), đẩy nhanh được tốc độ dệt chiếu.

Chính nhờ cải cách này, nghề dệt chiếu thủ công ở vùng ven biển miền Bắc phát triển. Hải Triều quê ông thành làng dệt chiếu nổi tiếng. Cuộc sống của người dân ngày càng khấm khá. Nhớ ơn ông, người dân yêu mến gọi ông là Trạng chiếu, hậu thế suy tôn ông làm ông tổ của nghề dệt chiếu nước ta.

Ông tổ nghề in khắc bản gỗ

Ông tổ nghề in khắc bản gỗ

Lương Như Hộc (có sách ghi Lương Nhữ Hộc), quê ở Hải Dương ngày nay. Năm Đại Bảo thứ 3 đời vua Lê Thái Tông (1442), ông thi đỗ thám hoa, làm quan đến chức Đô ngự sử. Do có tài kinh bang tế thế và năng lực ngoại giao, ông được vua Lê tin cậy, 2 lần cử ông đi sứ nhà Minh vào các năm 1443 và 1459.

Khi ở đất Minh ông có giao tiếp với Sứ thần nước Triều Tiên là Từ Cư Chính  tại Thông Châu quán và 2 kỳ nhân này có họa thơ với nhau. Đây cuộc gặp gỡ đích thực đầu tiên giữa sứ thần hai dân tộc, cũng là lần đầu tiên người Việt Nam biết đến văn học Triều Tiên

(Chú thích: Từ Cư Chính (1420-1488),, hiệu là Tứ Giai đình, là Nho thần, thi nhân dưới triều nhà Lý ở Triều Tiên, đỗ Tiến sĩ năm 19 tuổi, làm quan đến chức Đại đề học, sung Tập hiền viện kiêm Tri chế giáo, phong Đạt Thành quân. Khi mất được truy tặng thụy là Văn Trung. Sứ thần nước Minh sang sứ Triều Tiên rất là khen ngợi, rằng tài năng như ông ở Trung nguyên không quá 2 – 3 người. )

Chuyện này, sách Triều Tiên vương triều thực lục [Thực lục] khi chép tiểu sử Từ Cư Chính có viết: “Năm Canh Thìn, [ông] chuyển sang làm Lại tào Tham nghị, tham gia sứ đoàn Tạ ân đến Yên Kinh, ở quán Thông Châu gặp sứ thần An Nam là Lương [Như] Hộc, Trạng nguyên chế khoa nước ấy. Cư Chính làm một bài thơ cận thể đưa trước cho ông, Lương hoạ lại. Cư Chính làm liền một lúc 10 bài tặng lại, Lương thán phục nói: “Thật là kì tài trong thiên hạ”. 

Cũng theo sách này, Từ Cư Chính đã viết tặng Lương Như Hộc 10 bài thơ, và Lương đáp lại bằng 1 bài thơ. Tuy nhiên, các tư liệu hiện còn không được như vậy. Cụ thể, số bài thơ Từ Cư Chính đã tặng Lương Như Hộc còn lại là 3 bài (Thứ An Nam sứ Lương Hộc thi vận Quản thành tử tặng Lương phụng sứ – nhị thủ), trong khi Lương hoạ lại một bài (Thứ Triều Tiên quốc Từ Tể tướng thi vận. Những bài thơ này được lưu giữ trong sách Tứ Giai thi tập của Từ Cư Chính. Vậy là, trong lần tiếp xúc này, chính thức có hàng chục bài thơ (hiện còn 3 bài) thuộc văn học Triều Tiên đã được người Việt biết đến và bình giá.

Thêm  một thông tin để con cháu họ Lương có quyền tự hào rằng: cách ngày nay 6 thế kỷ, một người con ưu tú của dòng tộc  đã đặt những viên gạch đầu tiên cho sự giao lưu văn học giữa Đại Việt và Triều Tiên. Từ sự giao lưu văn học đó dẫn đến sự giao lưu văn hoá nói chung giữa hai dân tộc ngày càng mạnh mẽ.

Từ những chuyến đi sứ này, ông đã học được kỹ thuật in của người phương Bắc. Trở về nước, ông truyền lại cho những người học trò của mình, rồi lan rộng trong vùng. Nhờ công của Lương Như Hộc, nghề in khắc bản gỗ tại Liễu Tràng, Hồng Lục ngày càng phát triển mạnh, nơi đây trở thành địa phương in ấn lớn nhất Đại Việt lúc bấy giờ.

Sau khi qua đời, để ghi nhớ công ơn, nhân dân các làng Hồng Lục, Liễu Tràng, Khuê Liễu tôn ông làm thành hoàng, coi là tổ nghề của họ và cho tạc tượng thờ tại đình làng. Trong số những cuốn sách nổi tiếng của nước ta, bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” của sử gia Ngô Sĩ Liên từng được các nghệ nhân làng Liễu Tràng khắc in thành công năm 1697.

Đọc thêm: Thích Minh Không/Lý Quốc Sư – một con người kiến tạo văn hóa được tôn lên bậc thần thánh

Lê Công Hành – Ông tổ nghề thêu

Lê Công Hành - Ông tổ nghề thêu

Danh nhân Lê Công Hành (1606 – 1662) tên khai sinh là Trần Quốc Khái quê ở Thường Tín, Hà Nội ngày nay. Chuyện kể rằng hồi còn nhỏ, cậu bé Khái đã rất ham học. Cậu học cả khi đốn củi, lúc kéo vó tôm. Tối đến, nhà không có đèn, cậu bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng lấy ánh sáng đọc sách. Khái học đến đâu thuộc đến đấy và nổi tiếng hay chữ một vùng.

Năm 18 tuổi, thanh niên trai tráng trong làng đều bị lý dịch bắt đi phu đắp đê sông Hồng. Vì sức yếu không vác nổi những hòn đất to, Khái bị phạt, phải chôn chân ở mặt đê từ sáng đến trưa.

Giữa lúc đó, viên quan coi đê đi qua thấy một thanh niên mặt mũi khôi ngô, lấy làm lạ nên dừng chân hỏi: “Ngươi bị tội gì mà phải chôn chân?”.

Khái lễ phép thưa: “Tôi là học trò, không vác nổi những hòn đất đá to nên bị phạt”.

Viên quan cũng có chút chữ nghĩa, liền cười nói: “Ngươi là học trò à? Ta ra một vế đối, đối được thì ta tha cho”. Khái gật đầu xin vâng.

Viên quan liền đọc: “Ông quan thị, cắm đường cái tiêu, trị hồng thủy, cho dân được cậy”. 

Vế ra khá oái oăm, có tên bốn thứ quả gồm thị, chuối tiêu, hồng và quả cậy. Khái ứng khẩu đối lại ngay: “Trai Quất Động, thi đỗ bảng nhãn, phù quân vương, phỉ chí mới cam”. Vế đối lại cũng đủ bốn thứ quả quýt, nhãn, bồ quân và cam.

Nghe xong viên quan gật đầu khen ngợi, cho về. Từ đấy, Khái càng nổi tiếng hay chữ.

Sau đó, Trần Quốc Khái lều chõng đi thi và đỗ tiến sĩ đời vua Lê Chân Tông, giữ chức quan to trong triều đình nhà Lê.

Không chỉ giỏi kinh bang tế thế, Lê Công Hành còn được người Việt nhớ tới với tư cách là ông tổ của nghề thêu khi có công mang nghề này về với nước Việt.

Theo sử sách ghi chép lại, trong chuyến đi sứ sang nhà Minh năm 1646, Lê Công Hành đã học được kỹ thuật thêu ở đây. Trở về nước, ông đem bí quyết ra dạy cho dân làng Quất Động quê ông. Về sau, nghề thêu phát triển ra nhiều làng bên cạnh, nhớ ơn ông, nhân dân trong làng đã suy tôn Lê Công Hành làm ông tổ nghề này.

Không chỉ dạy dân kỹ thuật thêu, Lê Công Hành còn có công chỉ dẫn nhân dân ta cách làm nghề đan lọng. Về sau, nhân dân phố Hàng Lọng tại kinh thành Thăng Long cũng lập đền thờ ông.

Người đưa nhiếp ảnh về Việt Nam

Người đưa nhiếp ảnh về Việt Nam

Đặng Huy Trứ (1825 – 1874) sinh ra ở huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sinh thời, ông là đại thần nổi danh triều Nguyễn, nổi tiếng với những tư tưởng canh tân, đổi mới đất nước. Đồng thời, cũng là người đầu tiên mang kỹ thuật nhiếp ảnh, kỹ thuật đóng tàu theo kiểu phương Tây du nhập vào Việt Nam. Trong đó, với nghề nhiếp ảnh, người Việt đã suy tôn ông làm tổ nghề.

Sinh ra trong dòng họ khoa bảng, nhiều đời làm đại thần triều Nguyễn, Đặng Huy Trứ sớm trở thành nhà Nho uyên bác, được triều đình nể trọng. Dưới thời vua Tự Đức, ông từng được cử đi sứ ở nhiều nước như Trung Quốc, Triều Tiên, Xiêm (Thái Lan ngày nay).

Đặc biệt, trong chuyến đi sứ năm 1865, tới Hương Cảng (Hồng Kông), Đặng Huy Trứ được tiếp xúc với kỹ thuật nhiếp ảnh của người Anh tại đây. Bị hấp dẫn bởi kỹ thuật mới này, ông đã chụp 2 tấm ảnh chân dung, đồng thời vẽ lại 2 tấm ảnh này theo kỹ thuật vẽ thời bấy giờ để so sánh.

Hai năm sau, trong một lần đi Quảng Châu (Trung Quốc), ông đã nhờ một người nhà Thanh tên Dương Khải Trí chọn mua hộ một bộ đồ nghề chụp ảnh.

Trở về nước sau khi đã học hỏi được kỹ thuật chụp ảnh chân dung, lại sắm được “đồ nghề”, ông đã mạnh dạn mở hiệu ảnh đầu tiên ở nước ta tại kinh thành Thăng Long, lấy tên là Cảm Hiếu đường (hiệu ảnh đặt tại khu phục phố Hàng Chiếu, Ô Quan Chưởng ngày nay) vào ngày 2 tháng 2 năm Kỷ Tỵ (1869).

Nghề nhiếp ảnh của người Việt chính thức ra đời từ đây, còn cụ Đặng Huy Trứ với những đóng góp to lớn của mình đã được suy tôn làm ông tổ của nghề nhiếp ảnh ở nước ta.

Xem thêm video hay của Xin Chào Việt Nam tại đây:

Comments are closed.